Người Việt Odessa
Mục hỏi đáp

Cần hiểu và ý thức thế nào khi trẩy hội Giổ Tổ Hùng Vương?

Thứ ba, 24/04/2018 | 07:07

Ý thức người trẩy hội hôm nay

Bấy lâu nay đa số chúng ta chỉ nhận thức khi trẩy hội Đền Hùng là: “Ta đã về đây, ta đang nhập cuộc Đại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và ta cũng nhất nhất đem tâm dâng lên để được kính thỉnh các đấng Thần linh, các vị tổ Hùng Vương phù hộ cho ta trăm việc đi tươi, về tốt, phát tài, đắc lộc…nhưng chen lấn đông quá, người ta bất chấp và ta cũng bất chấp luôn, đồng thời dùng sức xô đẩy để tiến lên...xông vào tận cùng trong cung lễ bái suốt cuộc như võ sĩ…đánh vật, rồi tiếp tục chen, lấn, xô, đẩy theo các vòng, tầng di tích thật nhanh để…được kính lễ và kính bái”… (nào có lòng dạ đâu mà ngắm phong cảnh, nhìn xem thế sự ai xinh, ai gọn với áo quần bảnh bao khi tất cả đều…chen, lấn, xô, đẩy với cái gọi là công cuộc chảy hội Đền Hùng)…” Và ta đây cũng theo dòng người ngược lên, lễ xong lộn xuống núi nhanh chóng thoát ra ngoài, rồi cùng tìm lại đoàn đồng hành của mình khi đã thất lạc nhau trong quá trình chen lấn, xô đẩy, mạnh ai người ấy lễ. Thu quân, gặp lại nhau dưới sân hội, cùng nhau chúc tụng cuộc chiến thắng “hiến sinh Đại Lễ đặc biệt này”, rồi sau đó nhìn ngắm lại nhau trong dáng vẻ sướt mướt, xộc xệch và mệt mỏi rồi tìm một quán nhậu nào đó hoặc tiện đồ cúng lễ bỏ ra thụ lộc tại chỗ, đánh chén một bữa no say xong, trở về”…(và để lại một đống rác khủng cho ban tổ chức)…

Cần hiểu và ý thức thế nào khi trẩy hội Giổ Tổ Hùng Vương?

Trên đây là sự miêu tả cái tôi của đại đa số người trẩy hội Đền Hùng với ý thức rất kém, nhận thức sai lệch về văn hóa lễ hội đâu phải cứ xô đẩy, tiến nhanh, lễ chóng, lại còn xông vào tận trong cung cấm mới là “cầu được ước thấy, mới đạt linh thiêng?”. Đâu phải ai cũng chỉ biết mình mà không biết người đi lễ cũng cần dâng tâm cầu phúc như mình đó ư? Lỗi chỉ tại mình hiểu biết chưa tường, nghi thức chưa học, tâm trí nhập hội còn chưa được rộng mở để cải thiện cái đức cảm thông của đại đa số người trẩy hội Đền Hùng hôm nay, khi bị lâm tình huống chen chúc, xô đẩy của đám đông thì càng bị cá nhân hóa với hành vi bất hợp tác với nhà điều hành của Ban tổ chức, cho nên chính chúng ta đã biến một Lễ hội Văn minh thành một Lễ hội “thác loạn cầu vinh” lan tỏa từ những cá nhân bất chợt, tức thời, thiếu ý thức nhường nhịn, cảm thông và đã bứt phá đám đông, mạnh ai nấy tiến thì làm sao coi đấy là “cái tâm đi lễ”, nét đẹp văn hóa dân tộc được?. Tất nhiên số đông không thể bóc tách trách cứ thành phần dẫu là nông dân, công nhân, trí thức hay thanh niên, người già, trẻ em và những kẻ lợi dụng trộm cắp móc túi, cướp giật đã lẫn trong tình huống xô đẩy của đám đông…Nhìn cuộc chen lấn đến thương thảm và chỉ có thể buồn nghĩ, coi đấy là số đông con người lẽ ra phải rất đáng yêu, đáng trọng trong ý thức trật tự, đàng hoàng của người đi lễ, bởi chúng ta cùng chung một bọc đồng bào của các hệ nòi giống Việt đang kéo về đây chắp lễ trước Tổ Tiên Tâm Linh Hùng Vương để có dịp hiểu biết hơn về ân huệ sinh thành dân tộc, để quy tụ hồng phúc cho đất nước tiếp theo, để cầu bình an cho dòng họ và gia đình, cá nhân được các đấng linh thiêng giáng phúc, độ trì? thì sao lại khổ thế, ích kỉ thế và cũng không kém phần dại dột từ chỗ chen chúc mà vằng mắng nhau như kẻ bất cần, thậm chí còn ra đòn “tặng” cho nhau những cú huých biêu đầu, sứt trán, đấy là chưa kể án mạng cũng có thể xảy ra trong các lễ hội chỉ vì những điều nhỏ nhoi không đáng phải hại mạng sống con người.

Có những đoàn người đến sau nhìn cảnh chen lấn không khỏi bàng hoàng, sợ hãi quay lưng, thề năm sau không dám có mặt, có đoàn người ái ngại chỉ dám bày đồ lễ dưới sân hội và đầu đường xa để lễ vọng lên Tổ Tiên của mình rồi âm thầm rút khỏi nơi…di tích linh thiêng này.

Chưa kể sự bất lực của ban tổ chức dù đông đảo con số bảo vệ lễ hội đã được huy động tối đa, được huấn luyện tối thiểu phương pháp điều hành, hướng dẫn người trẩy hội cũng bị số đông kia chen lấn hất biến đâu mất. Đúng vậy, làm sao cự được số đông của hàng triệu con người cùng lúc “bốc hỏa cầu vinh” đồng loạt lên núi. Tôi dám cam đoan cái số đông kia nếu là người có văn hóa bởi đã được giáo dục từ hồi học sinh trong trường phổ thông, trong gia đình lễ giáo truyền thống và trong các cơ quan, tổ chức làng, phố thì dù có đông hơn nữa, thì ý thức được giáo dục ấy sẽ tự chấn chỉnh chúng ta cần biết nhường nhịn, cần hiểu nghi thức của Lễ Hội và mỗi người trẩy hội cần cảm thông cho nhau ở mức cao nhất để giữ lấy cái tính Linh thiêng, cái đức dân tộc, cái phúc nước nhà tụ ngay trong tâm thức của mình dành cho Tổ Tiên thì chắc chắn chen, lấn. xô, đẩy sẽ không xảy ra, tính đàng hoàng trong con người văn hóa Việt Nam sẽ được…hồi phục.

Ý thức người trẩy hội ngày xưa

Người trẩy hội ngày xưa phải học đầy đủ ý thức từ trong môi trường lễ giáo gia đình và xã hội địa phương nơi họ sinh sống bởi làng quê nào cũng có đền, chùa, cũng được giáo dưỡng về tri thức lễ nghi tôn kính thần linh khi nhập cuộc trẩy hội là mọi người không đi hàng đôi, không khoác, bá vai nhau đùa cợt: chồng đi trước, vợ đi sau, hoặc cha đi trước, con cháu theo sau, đoàn đông thì trẻ đỡ già, bà nâng ông, trưởng tộc hay trưởng họ thì đi trước, hướng dẫn từng bước hành hương của đoàn, tức đoàn của nhóm nào đều cử những người có vai vế cần hiểu biết để hướng dẫn cho đoàn khi vào cung lễ bái thì cả đoàn tụ lại, người trưởng đoàn phải học cúng, khấn theo nghi lễ của từng ngôi Đền, ngôi Chùa và của từng vị Thánh, vị Thần đòi hỏi các nghi thức ra sao? Khi đã vào đền thì tổ chức cho thành viên các cách bày lễ, sau đó là xếp chỗ ngồi hoặc quỳ theo thứ bậc trong họ hay trong gia đình, hay trong đoàn hành hương. Người chính trưởng phải ngồi chiếu giữa thực hiện làm lễ chính bái, đầu đội sớ tấu đã đặt trên đĩa, cả đoàn chắp tay kính cẩn và im lặng nghe người đại diện giãi bày, kêu cầu các mong muốn của mình trình với thần linh để cả năm trong nhà được mát mẻ, tươi tốt, tài lộc phát sinh, đoàn kết mọi mặt, tôn dưỡng hồng phúc từ các Tổ Vua Hùng xuống các dòng họ, xuống Tổ Gia Tiên. Lễ xong cả đoàn hân hoan xuống núi, gặp ai cũng chào, sau đó họ tìm nơi góc khuất, bày cỗ thụ lộc, xong dọn rác vào nơi quy định rồi mới…đi bộ về nhà (ngày xưa đâu có phương tiện, người Hà Nội đi lễ Đền Hùng phải đi thuyền, đi bộ, giàu có hơn thì đi xe ngựa và sắp xếp lễ nghi hành trình cùng thức ăn đủ cho cả đoàn bộ hành trong hai, ba ngày mới chọn vẹn việc lễ).

Số đông người xưa trẩy hội chắc không bằng bây giờ, nhưng chúng ta phải học lại người xưa ý thức trẩy hội như đã nói ở trên về các trang bị tri thức trong mỗi con người ngay từ gia đình, xã hội thì làm sao số đông người xưa ấy phải cầu đến ban tổ chức chấn chỉnh và ngăn chặn các hành vi thiếu văn hóa như ngày nay…

Cần hiểu và ý thức thế nào khi trẩy hội Giổ Tổ Hùng Vương?

Giải mã về Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Chúng ta rất cần đọc lại sử thì thấy 18 đời (hệ) Hùng Vương, rồi Lạc Long và Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở trăm người con, rồi chia 49 người con xuống biển theo cha Lạc Long, 50 người con lên rừng núi theo mẹ Âu Cơ, cử người con cả lấy hiệu Hùng Vương để làm đầu mối thứ nhất cai trị đất nước, rồi tiền nhân bắt đầu hình thành cơ chế tôn thờ các hệ Hùng Vương vinh danh ngược lên hệ ông bà Kinh Dương Vương, Lạc Long, Âu Cơ và tiếp nối hệ con cháu về sau thì ta thấy Đại Việt Sử ký Toàn thư, tính từ thời Kinh Dương Vương (vào năm 2879 TCN) cho đến hết thời Hùng Duệ Vương (năm 258 TCN) kéo dài 2.622 năm với nhà nước Văn Lang trải qua 18 hệ Hùng Vương thì nhường cho Thục Phán (tức An Dương Vương) kế nhiệm.

Có nhiều bạn hỏi: Giỗ Tổ Hùng Vương là giỗ ai ? Giỗ ông cố nội Kinh Dương Vương, hay cha mẹ là Lạc Long, Âu Cơ hay giỗ Hùng Vương đệ nhất, hay giỗ tất thảy 18 đời Hùng Vương? Và 18 đời ấy là những ai ?

Câu trả lời chỉ có thể căn vào tín ngưỡng Hùng Vương (trong đó có căn cứ lịch sử ước lệ theo chính sử, huyền sử, giã sử và truyền thuyết dân gian…), bởi các sự kiện nêu trên là khó tìm ra cái hình tướng có thật của các Vua Hùng để ta được “sờ thấy” hôm nay, nhưng chẳng vì thế mà ta giảm đức tin về Tổ Tiên chúng ta vẫn đang tồn tại trên các di tích, vẫn dõi mắt nhìn theo tâm, tính chúng ta để cả hai bên cùng cho, cùng nhận và cùng tồn tại trước cái tâm tín ngưỡng của mình, của Thần linh trước ngàn đời nay đã thành tục lệ. Nếu ai đó chưa bằng lòng với luận cứ này xin gác sang một bên, vì chỉ có tâm linh mới có thể bức thiết đại đa số lòng người đến thế, mới có thể đồng cảm với cách nhìn của UNESCO thế giới công nhận Lễ Hội Hùng Vương là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại, là đúng ý nguyện đại đa số lòng người Việt Nam xưa nay.

Trong sách “Thế thứ các triều vua Việt Nam" (Nhà xuất bản Giáo dục, 2008, trang 14-15), của nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Khắc Thuần viết đích danh 18 vị vua Hùng:

Một là Kinh Dương Vương (涇陽王): 2879 - 2794 TCN (số năm trị vì là ước đoán). Huý là Lộc Tục (祿續).

Hai là Hùng Hiền vương (雄賢王), còn được gọi là Lạc Long Quân (駱龍君 hoặc 雒龍君 hoặc 貉龍君): 2793 - 2525 TCN. Huý là Sùng Lãm (崇纜).

Ba là Hùng Lân vương (雄麟王): 2524 - 2253 TCN

Bốn là Hùng Việp vương (雄曄王): 2252 - 1913 TCN

Năm là Hùng Hi vương (雄犧王): 1912 - 1713 TCN (phần bên trái chữ "hi" 犧 là bộ "ngưu" 牛)

Sáu là Hùng Huy vương (雄暉王): 1712 - 1632 TCN

Bảy là Hùng Chiêu vương (雄昭王): 1631 - 1432 TCN

Tám là Hùng Vĩ vương (雄暐王): 1431 - 1332 TCN

Chín là Hùng Định vương (雄定王): 1331 - 1252 TCN

Mười là Hùng Hi vương (雄曦王): 1251 - 1162 TCN (phần bên trái chữ "hi" 犧 là bộ "nhật" 日)

Mười một là Hùng Trinh vương (雄楨王): 1161 - 1055 TCN

Mười hai là Hùng Vũ vương (雄武王): 1054 - 969 TCN

Mười ba là Hùng Việt vương (雄越王): 968 - 854 TCN

Mười bố là Hùng Anh vương (雄英王): 853 - 755 TCN

Mười lăm là Hùng Triêu vương (雄朝王): 754 - 661 TCN

Mười sáu là Hùng Tạo vương (雄造王): 660 - 569 TCN

Mười bảy là Hùng Nghị vương (雄毅王): 568 - 409 TCN

Và mười tám là Hùng Duệ vương (雄睿王): 408 - 258 TCN

Dù cái tên của các vị vua khởi thế và kế nhiệm nói trên đã tạo cho chúng ta có định nghĩa văn hóa : “Giỗ Tổ Hùng Vương là Đại lễ Kính ơn Tổ Tiên, là nguồn gốc nòi giống các dân tộc Việt Nam được kết tinh, truyền thừa và nhân bản phát triển kể từ thời Lạc Long, Âu Cơ, sinh con cùng một bọc (đồng bào)”.

Hệ 18 Vua Hùng chia dòng, nối dõi thành các dân tộc Việt Nam. Các vị vua này đều dạy cho dân muôn nghề trồng cấy, công nghiệp, bảo vệ và xây dựng đất nước để từ đó hình thành xã hội và giai cấp phát triển qua các ngành: Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh cho đến nay tất cả con dân đất Việt dù làm ngành, nghề gì, dù có đi đâu, ở đâu cũng nhớ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mà về: “Dù ai đi ngược về xuôi / Nhớ ngày Giổ Tổ mồng Mười tháng Ba”. Và chúng ta khẳng định, ghi nhớ cái ngày 10 tháng 3 âm lịch ấy được kể từ năm 1917 do vị quan Tuần phủ Phú Thọ tên là Lê Trung Ngọc (1867 – 1928) đã làm bản tấu trình với Bộ Lễ nhà Nguyễn xin định lệ hàng năm lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch để nhân dân cả nước kính tế hệ Quốc Tổ Hùng Vương trước một ngày (11/3) so với ngày hội tế của nhân dân địa phương, đồng thời cũng xin miễn trừ các khoản đóng góp của nhân dân tại đây. Lời tấu đã được triều đình y chứng. 

Cần hiểu và ý thức thế nào khi trẩy hội Giổ Tổ Hùng Vương?

Tri thức tối thiểu và cần thiết

Đến Đền Hùng là “ta như đã về nhà ta rồi đấy”, ta sẽ phải nhận biết các cụ, ông bà xưa là ai, ngồi ở vị trí nào để con cháu được thờ, thờ hình tướng hay lời răn dạy?, Sự răn dạy cất giữ ở đâu? Vị trí nào? Và chúng ta phải làm gì để hiểu được điều đó, bày tỏ được nỗi niềm khát vọng kính bái thông qua lễ nghi và tục thờ Tổ Tiên để mình được phúc…Đây là cả vấn đề chúng ta phải học, phải có trách nhiệm để biết, hiểu về Tổ Tiên thì mọi lẽ cầu phúc mới truyền thừa được sang con cháu, mới ứng nghiệm và giải thoát các cách bức về nhận thức để khoảng cách tâm linh sẽ được kết nối và gần lại hơn.

 Tại Đền Hùng, vùng đất thiêng gốc nằm trên núi Nghĩa Lĩnh. Tổng khu gồm có đền Hạ và Chùa, đền Giếng, đền Trung, đền Thượng, lăng vua Hùng (ngày nay người ta đã mở rộng thành tổng khu danh thắng và di tích với quy mô gấp trăm lần di tích hiện có ở núi Nghĩa Lĩnh). Chúng tôi chỉ khảo lược các di tích trên núi này mà thôi:

Lăng vua Hùng: Tương truyền là mộ vua Hùng Vương thứ 6. Sau khi Thánh Dóng đánh giặc Ân bay lên trời, vua Hùng đã hoá ở chính nơi đây.

Ðền Hạ: Từ chân núi Hùng rẽ qua Ðại môn (cổng đền) leo qua 225 bậc thang xây bằng gạch lên đến đền Hạ và chùa Thiên Quang. Ðền được xây vào thế kỷ 15, tương truyền nơi đây bà Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nở thành trăm người con. Trước cửa đền Hạ có cây thiên tuế, nơi đây Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, có nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ của đại đoàn quân tiên phong 312 vào ngày 18/9/1954, do đại tá Vương Thừa Vũ phụ trách lúc ấy. Bác nói: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Ðền Trung: Từ đền Hạ leo thêm 168 bậc đá nữa là tới đền Trung. Tương truyền nơi đây các vua Hùng lập quán xá để nghỉ ngơi và bàn việc với các lạc hầu, lạc tướng. Cũng là nơi  hoàng tử Lang Liêu đã dâng bánh chưng, bánh giầy lên cho vua cha nhân dịp tết Nguyên đán.

Ðền Thượng: Từ đền Trung đi tiếp 102 bậc đá là đến đền Thượng, nơi các vua Hùng làm lễ tế Trời Đất, Thần Núi và Thần Lúa, Thần Sông và Thần Rừng. Ðây cũng là nơi Thục Phán sau khi được vua Hùng Duệ Vương thứ 18 truyền ngôi, dựng cột đá, thề sẽ trông nom ngôi đền và giữ gìn cơ nghiệp nhà Hùng.

Ðền Giếng: Từ Lăng đi xuống, đền ở chân núi phía Ðông Nam. Trong đền có giếng Ngọc, bốn mùa đầy nước, trong vắt soi gương được. Ðền thờ Ngọc Hoa và Tiên Dung là con gái yêu của vua Hùng thứ 18 thường hay chải tóc và soi gương ở giếng này.

Ngày nay, ở gần Công Quán (nơi để tiếp khách thập phương) có Bảo tàng Hùng Vương được xây dựng tương đối lớn trưng bày nhiều hiện vật thời kỳ Hùng Vương dựng nước qua nền văn hoá thời đại đồ đá, đồ đồng, đồ sắt...

Lễ hội Đền Hùng là Đại Lễ lớn với hình thức ở cấp quốc gia loại đặc biệt, đến mức Lễ hội này đã vang lên các nhịp đập hiệu ứng văn hóa quốc tế, đó là sự kiện hôm Thứ 5, lúc 18h20, ngày 06/12/2012, UNESCO đã công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hoá Phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ tiếng vang này nó đã in đậm sắc thái thờ Tổ Hùng Vương không những trong khắp cả nước mà còn loang rộng ra quốc tế. Tổng kết lưu lượng khách trẩy hội từ 1975 – 1980 sau đất nước hòa bình, mức chỉ vài ngàn người về dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Năm 1990 – 1995 lên đến vài vạn người, từ 2001 – 2010 lên đến hàng chục vạn người…đến năm 2013, sau một năm được UNESCO vinh danh Lễ Hội Đền Hùng bỗng có số người trẩy hội tăng vọt là 8 triệu người, gây tình trạng ùn tắc, mất trật tự. Năm 2016 báo chí lại thống kê trong 3 ngày Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương có 7 triệu lượt khách trên toàn quốc và nước ngoài về dự lễ. Năm 2018 sẽ có thể tăng hoặc giữ nguyên số lượt khách trẩy hội như năm trước. Điều này vẫn và sẽ gây trình trạng bột phát và bội số chen chúc người trẩy hội làm ảnh hưởng các mặt văn hóa, trật tự và an toàn cho người dân trẩy hội, khi mà chúng ta vẫn còn để trống các giáo dục ý thức và nghi lễ cho người trẩy hội.

Một nguyên tắc chung cho người đi trẩy hội Đền Hùng không thể chắp tay khấn suông, vui đùa cợt nhả, ăn, hút tùy tiện, áo cộc, váy ngắn…nên chăng chúng ta cần xác định:

- Nghiên cứu sâu thêm Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương về mặt nội quy, điển tích và địa hình thời nay để tránh bị động mất thời gian khi tiếp cận di tích.

- Tập hợp đoàn đi cần chú trọng y phục chỉnh tề và tiến cử người hiểu biết về lễ nghi đảm nhiệm cho kế hoạch chỉ đạo tuyến đi, hành lễ và cũng lường trước về mặt thời gian chờ đợi hành lễ khi lễ hội vượt mức đông người.

- Sắp xếp tư trang gọn nhẹ, lễ mặn không cầu kì, tránh đốt vàng mã, ý thức cúng bái trong cung ngắn gọn văn tấu nhưng đầy đủ ý muốn nguyện cầu cần thảo ra trước để đọc như sớ hoặc đưa vào sớ có đủ cái chung, cái riêng dành cho đoàn lễ.

- Trưởng đoàn nên quán triệt các thành viên nâng cao ý thích nhường nhịn và chia sẻ bất cứ tình trạng nào xảy ra bất thường trong lễ hội, nói năng lịch lãm. Chúng ta cần nhận thức về với hội như về với gia đình thân thương, với đồng bào coi nhau như ruột thịt để mỗi người có được tấm lòng cung kính các bậc Tiên Tổ Hùng Vương thì tất nhiên phúc ấm sẽ “cầu được ước thấy”.

Như vậy chúng ta chỉ thành tâm, phát tâm đi lễ đền Hùng mà quên đi tri thức văn hóa và nghi lễ với thần linh, với ý thức của chính mình là: Lễ cầu phải được an, lễ thỉnh phải được chứng, lễ kính phải được trọng… thì mới dâng nổi tâm, mới đạt cái chí tình. Nếu ai đó chỉ biết mình mà không biết người là ắt hỏng cuộc lễ chung phát sinh từ những cá nhân thác loạn, là không được thần linh chứng quả…ngần ấy thứ thôi đã đánh tụt mức thấp nhất về ý thức văn hóa, hiểu biết tâm linh của người đi lễ sẽ bằng o là cái thiệt chung cho cộng đồng trẩy hội.

Xin kính chúc toàn thể bà con trẩy hội năm nay thuận buồm, xuôi gió và gặt hái hồng phúc Tổ Tiên Hùng Vương thêm nặng nghĩa, nặng tình.

Bài, ảnh và tranh: Hs Trịnh Yên


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN