Chủ tịch Hội Nguyễn Như Mạnh cho biết, sống và làm việc trong lúc “bom rơi đạn lạc” với muôn vàn khó khăn và nguy hiểm rình rập nhưng bà con luôn ý thức, trách nhiệm, tích cực tham gia và đóng góp xây dựng cộng đồng. Đạt được kết quả đó là nỗ lực rất lớn của cán bộ các chi hội. Họ đã tích cực đến từng căn hộ, từng gia đình, từng điểm bán hàng giải thích để bà con hiểu về trách nhiệm và quyền lợi của mình khi tham gia đóng hội phí, khơi dậy được trong bà con tinh thần tự nguyện, tự giác, chung tay gánh vác công việc chung.
"Trong hoàn cảnh hiện nay, rất nhiều tình huống không mong muốn có thể xảy ra bất cứ lúc nào với bất cứ bà con nào hiện đang bám trụ. Vì thế, Hội đang vận động triệt để và đưa tất cả bà con vào sinh hoạt để không có trường hợp nào tách rời ra khỏi cộng đồng", ông Nguyễn Như Mạnh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Long – Hội viên lâu năm của chi hội Kva và hiện đanh lánh nạn tại Canada chia sẽ, qua 29 năm hoạt động Hội, đặc biệt qua công tác phòng chống dịch bệnh, sơ tán bà con ra khỏi Odessa, Ban chấp hành Hội luôn bình tĩnh khi đối mặt với áp lực lớn và xây dựng kịch bản ứng phó. Rõ ràng là qua những lần thử thách như thế, BCH Hội hiểu rõ mình nên làm gì và thể hiện là người sẽ chịu trách nhiệm trước sự an toàn về người và tài sản của bà con. Điều đó ngày càng thu hút bà con tham gia sinh hoạt Hội.
Ông Nguyễn Tấn Thành – Chi hội trưởng chi hội Staritskogo – Xukhoi Liman phấn khởi cho biết, bà con sống ở ngoại ô phần lớn khó khăn và thường tách rời với cộng đồng. Nhưng gần đây, Hội đã phối hợp với Đại sứ quán VN tại Ucraina hỗ trợ các thủ tục pháp lý để hỏa thiêu và đưa tro cốt anh Lê Trần Tuấn Nhựt về VN. Số tiền thừa mà bà con quyên góp ủng hộ còn 81 triệu VND đã được chuyển đến cho gia đình anh Nhựt; hay giúp đỡ 2500 đô la trường hợp gia đình chị Duyên Long – trước chiến tranh sống tại Làng Sen, sau khi về Việt Nam lánh nạn thì bị trọng bệnh…đã thuyết phục đại bộ phận bà con sống ở khu vực này tin tưởng và tham gia đóng Hội phí.
Với ông Nguyễn Văn Thủy – Hội viên đang sinh sống tại Việt Nam, việc đóng góp xây dựng Hội còn là trách nhiệm của bà con đang đi lánh nạn ở nước khác và những doanh nhân trưởng thành từ Odessa vì tại đấy bà con vẫn còn nhà và tài sản, là nơi sẽ quay về khi kết thúc chiến tranh nên mỗi người cần chung tay để giảm áp lực cho bà con bám trụ đang vất vả và chịu nhiều nguy hiểm.
“BCH Hội biết những khó khăn mà bà con đang gặp phải. Mọi hoạt động, mọi nguồn lực cộng đồng đều ưu tiên giải quyết những khó khăn đấy. Nhưng, cho dù chiến tranh, cho dù kinh doanh có thể ngưng trệ thì cộng đồng vẫn phải nắm chặt tay nhau để cùng bước về phía trước”, ông Mạnh nói và khẳng định công tác Hội sẽ luôn gắn liền với thực tiễn và phục vụ lợi ích cộng đồng.
P/v Người Việt Odessa.