Người Việt Odessa
Mục hỏi đáp

Thu hút trí thức kiều bào: Môi trường làm việc chưa hấp dẫn

Thứ tư, 05/11/2014 | 20:10
Trong suốt một thời gian dài, chúng ta vẫn luôn trăn trở vì sao các em học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi quốc tế, những trí thức đầu ngành về khoa học, công nghệ, trí thức kiều bào lại chỉ muốn công tác ở nước ngoài. Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi cởi mở với ông Nguyễn Hoài Bắc, kiều bào  Canada về vấn đề này.

Thu hút trí thức kiều bào: Môi trường làm việc chưa hấp dẫn

Ông Nguyễn Hoài Bắc
Là một người từng có nhiều đóng góp cho việc đào tạo, thu hút nguồn lực là các trí thức kiều bào về phục vụ Tổ quốc, ông có thể cho biết hiện có bao nhiêu trí thức kiều bào, chủ yếu hoạt động ở những lĩnh vực nào?
 
- Theo tôi được biết, hiện nay trong tổng số 4,5 triệu kiều bào người Việt Nam định cư ở nước ngoài, có khoảng gần 400.000 trí thức kiều bào đang sinh sống và làm việc ở hơn 109 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trí thức kiều bào hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nhưng tập trung chủ yếu ở các chuyên ngành về công nghệ cao, lĩnh vực như CNTT, chế tạo sản xuất máy móc và bác sĩ.
 
Ông đánh giá như thế nào về thực trạng thu hút nguồn lực trí thức Việt kiều về nước hiện nay?
 
- Trước tiên, chúng ta cần phân biệt hai khái niệm trong thu hút nguồn lực của trí thức kiều bào. Tôi tạm phân thành hai lĩnh vực cụ thể gọi là đầu tư chất xám, tức là chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật mới và đầu tư chất xanh, tức là vốn đầu tư trực tiếp kết hợp với phương thức quản trị kinh doanh. Nói về việc thu hút trí thức kiều bào đầu tư về Việt Nam, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận, trải qua những năm tháng dài nhưng thực tế Việt kiều đầu tư về Việt Nam bằng chất xám không được nhiều, kết quả còn rất hạn chế. 
 
- Không chỉ có kiều bào, mà ngay nhiều em học sinh trong nước đạt giải cao quốc tế, các lưu học sinh Việt Nam tại nước ngoài đa phần đều muốn làm việc ở nước ngoài. Theo ông đâu là nguyên nhân của thực trạng trên?
 
Cuộc sống hiện đại ngày nay không chờ đợi bất cứ ai, quốc gia nào, mỗi ngày qua đi nếu anh không tự hoàn thiện, không tự làm mới mình thì sẽ nhanh chóng bị tụt hậu so với xung quanh. Tốc độ luân chuyển về thời gian và không gian quả thực rất lớn đối với kinh tế thế giới, nhưng với nền kinh tế Việt Nam thì rất chậm, thậm chí là ì ạch. Những trí thức Việt Nam được tu nghiệp tại nước ngoài hoặc du học sinh Việt Nam có kết quả học tập cao nhưng đa phần không trở lại Việt Nam làm việc vì môi trường làm việc chưa tốt, nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống còn thấp.
 
Đối với lực lượng trí thức kiều bào thì càng khó khăn hơn khi thực tế các văn bản quy phạm pháp luật, các thông tư, nghị định còn quá nhiều bất cập, môi trường làm việc cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của họ chưa rõ ràng minh bạch. 
 

Thu hút trí thức kiều bào: Môi trường làm việc chưa hấp dẫn

Cần một chế độ đãi ngộ tương xứng để thu hút trí thức kiều bào

- Các thế hệ trẻ Việt kiều có thường xuyên được giáo dục về tình yêu quê hương đất nước, nhằm chung vai gánh vác, chia sẻ khó khăn với Tổ quốc, thưa ông?
 
- Xưa nay chúng ta hay sử dụng cụm từ "con cháu Lạc Hồng” bởi ảnh hưởng nền văn hóa phương Đông, còn ở Bắc Mỹ nơi tôi đang sống thì các các gia đình họ đơn giản hơn, dù không dạy con cháu về cụm từ này, song họ luôn hướng về Tổ quốc bằng những hình ảnh cụ thể, thực tế hơn, đó là: Tiếng Việt, chữ Việt và quê hương đất tổ - nơi đó có bà con họ hàng, nơi đó là đất mẹ thiêng liêng.
 
Với một điều kiện làm việc tốt hơn hẳn, thu nhập cao, đãi ngộ xứng đáng của nước sở tại, liệu trí thức kiều bào có vì tình yêu Tổ quốc mà bỏ qua những cơ hội về vật chất để về Việt Nam phụng sự cho Tổ quốc không, thưa ông?
 
- Trên thực tế cũng có một số trí thức kiều bào chấp nhận đồng lương ít ỏi, điều kiện làm việc khó khăn, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng để về làm việc tại Việt Nam. Song, sòng phẳng mà nói thì tỷ lệ người về nước công tác trong tổng số 400.000 trí thức kiều bào là một con số rất nhỏ, đa phần các trí thức kiều bào chưa mặn mà với việc về Việt Nam làm việc bởi những hạn chế trong cơ chế, chính sách. 
 
Theo tôi, với tâm lý của một người bình thường thì rất khó từ bỏ nơi có điều kiện làm việc lý tưởng để đến làm việc ở nơi cơ sở vật chất kém hơn. Phàm là con người, ai cũng có nhu cầu ăn sung mặc sướng, có nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống, đó là nhu cầu chính đáng mà chúng ta phải thừa nhận. Vậy nên trong cuộc sống hàng ngày, mọi người luôn phải bươn chải, kiếm tìm "miền đất hứa”, nơi đó có cuộc sống an bình, lao động và làm việc ổn định, chí ít là đủ để nuôi vợ con và gia đình, không phải chịu áp lực quá lớn về cuộc sống. Thế nên câu hỏi này với tôi là rất khó trả lời.
 
Theo Đại đoàn kết


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN