Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 3/8, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Đức Joachim Gauck đã cùng tham dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày Đức tuyên chiến với Pháp trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất (1914-1918).
Nghĩa trang Vieil Armand, nơi diễn ra lễ kỷ niệm 100 năm Chiến tranh Thế giới thứ nhất. (Nguồn: AFP) Lễ kỷ niệm diễn ra tại địa danh Hartmannswillerkopf, thuộc vùng Alsace, một địa điểm có tính biểu tượng cao, nơi 30.000 binh lính Pháp và Đức đã bỏ mạng trong những trận chiến khốc liệt, đặc biệt vào năm 1915.
Phát biểu tại buổi lễ, hai nhà lãnh đọa Pháp và Đức đã nhắc lại sự hy sinh của những người lính và đề cao tình hữu nghị Pháp-Đức trong giai đoạn hiện nay cũng như quá trình xây dựng một châu Âu hòa bình sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc.
Trong một thông cáo phát đi cùng ngày, Điện Elysée (Phủ Tổng thống Pháp) viết: "Lễ kỷ niệm này thể hiện sức mạnh của tình hữu nghị Pháp-Đức, cho phép hai nước cùng nhau nhìn lại lịch sử, kể cả những trang đau thương nhất. Việc làm này càng có ý nghĩa khi hành động Đức tuyên chiến với Pháp ngày 3/8/1914 đã khai mào cho một giai đoạn xung đột, hận thù và tàn sát dã man kéo dài 30 năm giữa Pháp và Đức."
Sau lễ kỷ niệm, Tổng thống Pháp và Tổng thống Đức cũng đặt viên đá tượng trưng cho sự hòa giải giữa hai dân tộc tại địa điểm dự kiến xây một bảo tàng chung cho cả hai nước về Chiến tranh Thế giới thứ nhất, dự kiến khánh thành vào năm 2017.
Trong chương trình buổi lễ cũng đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa thanh niên hai nước Pháp và Đức.
Cũng trong chương trình kỷ niệm 100 năm Chiến tranh Thế giới thứ nhất, ngày mai 4/8, Tổng thống Pháp và Tổng thống Đức cùng các lãnh đạo Bỉ và nhiều nước khác sẽ tham dự các hoạt động kỷ niệm 100 năm sự kiện Đức xâm lược Bỉ tại thành phố Liège (Bỉ).
Cách đây 100 năm, Chiến tranh Thế giới thứ nhất đã nổ ra khi Đức tuyên chiến với Nga (ngày 1/8/1914). Trong những ngày tiếp theo, Đức tiếp tục tuyên chiến với Pháp, Bỉ và Luxembourg. Sau đó, lần lượt nhiều nước châu Âu và các châu lục khác bị kéo vào cuộc chiến.
Chiến tranh Thế giới thứ nhất là hệ quả của việc các quốc gia châu Âu cạnh tranh với nhau để gây ảnh hưởng và tranh giành thị trường. Các cuộc xung đột là bi kịch cho toàn thể nhân loại, khiến cho hàng chục triệu binh sỹ và thường dân thiệt mạng, gây thiệt hại kinh tế to lớn cho tất cả các bên tham chiến./.
Theo TTXVN