Người Việt Odessa
Mục hỏi đáp

Phóng viên Mỹ: Trên Biển Đông, Trung Quốc rất ‘côn đồ’

Thứ tư, 16/07/2014 | 08:01
Hôm 14/7, phóng viên Eunice Yoon của kênh truyền hình CNBC của Mỹ đã tường thuật trên trang web của kênh này hành động hung hăng của Trung Quốc đối với tàu Việt Nam tại gần giàn khoan Hải Dương – 981.

Bài tường thuật này đã cho thấy “bộ mặt thật” của Trung Quốc, khác hẳn với những cam kết “trỗi dậy hòa bình” mà nước này đã thốt ra với thế giới.

“Rất hiếm khi bạn có cơ hội được chứng kiến tận mắt một trong những điểm nóng nhất ở châu Á. Chúng tôi lên tàu ra Biển Đông để xem cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc.

...Chúng tôi khởi hành từ thành phố Đà Nẵng, đi qua đêm và đến sáng đã có thể nhìn thấy nơi đang diễn ra những màn đối đầu. Lên mạn tàu, chúng tôi có thể nhìn thấy tàu chiến Trung Quốc.

Phóng viên Mỹ: Trên Biển Đông, Trung Quốc rất ‘côn đồ’
Một chiếc tàu cảnh sát biển Trung Quốc được triển khai gần giàn khoan Hải Dương - 981.

Khi đến gần giàn khoan hơn, chúng tôi phải đổi tàu. Một người Việt Nam nói rằng phải đi tàu to hơn vì sẽ phải đối mặt với rất nhiều tàu của Trung Quốc.

Chúng tôi xuống một chiếc xuồng, lướt nhanh tới CSB-8003, con tàu 1.600 tấn mà chính quyền Việt Nam điều ra đây để tuần tra khu vực gần giàn khoan.

Ở đó, tôi gặp thủy thủ đoàn, do Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hưng dẫn đầu. Mỗi ngày, Thuyền trưởng Hưng và khoảng 30 thành viên thủy thủ đoàn đều nỗ lực đưa tàu của họ tới gần giàn khoan, và nhắc nhở người Trung Quốc rằng vùng biển này thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Tôi được biết, ngày hôm đó, Trung Quốc có tới 110 chiếc tàu, trong khi Việt Nam chỉ có 5, tuy nhiên điều đó chẳng khiến Thuyền trưởng Hưng chùn bước. Ông nói: "Giàn khoan rõ ràng đang nằm trong vùng biển của Việt Nam, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và vùng thềm lục địa của Việt Nam".

Chúng tôi vẫn tiếp tục tiến về phía giàn khoan.

Giàn khoan Hải Dương - 981 dài rộng như một sân bóng đá, cao bằng tòa nhà 40 tầng và theo Tập đoàn dầu khí CNOOC của Trung Quốc, nó có giá tới 1 tỷ USD.

Người canh gác cảnh báo với chúng tôi rằng có 8 tàu Trung Quốc đang tiến về phía tàu CSB-8003.

Khi chúng tôi đang ở cách giàn khoan 8 hải lý (15 km) thì bị một chiếc tàu cảnh sát biển Trung Quốc chặn đường. Một chiếc khác đang tiếp tục tiến tới.

Tàu Việt Nam phát đi đoạn băng ghi âm bằng tiếng Anh, Trung và Việt, yêu cầu Trung Quốc ngừng ngay hoạt động khoan và rời khỏi vùng biển của Việt Nam.

Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo của Việt Nam, các lực lượng chấp pháp của Trung Quốc tiếp tục dồn tới. Chúng tôi bị bao vây và buộc phải lùi một bước.

Ngày hôm sau, chúng tôi chứng kiến buổi lễ chào cờ của các thủy thủ đoàn trước các phóng viên. Việt Nam đang có cuộc đối đầu tồi tệ nhất với Trung Quốc kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Chính phủ muốn người dân biết rằng Việt Nam sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc.

Vài phút sau, chỉ huy ra lệnh và tàu của chúng tôi lại tiếp tục quay lại chỗ giàn khoan.

Một tàu cảnh sát biển Trung Quốc di chuyển nhanh về phía chúng tôi. Một người Việt Nam đếm và cho biết có tận 9 chiếc tàu đang đuổi theo đuôi chúng tôi và đây chỉ là một trong số đó. Chiếc tàu này di chuyển nhanh và dường như sẵn sàng đâm vào chúng tôi bất cứ lúc nào. Trước khi tàu chúng tôi tăng tốc, nó chỉ cách chúng tôi khoảng 100 m.

Phóng viên Mỹ: Trên Biển Đông, Trung Quốc rất ‘côn đồ’

Một trong những thành viên thủy thủ đoàn, anh Trần Văn Hậu, nói với tôi rằng đầu tháng Sáu, Trung Quốc đã tấn công chiếc tàu mà anh đang đi.

Ban đầu, chỉ có một chiếc tàu Trung Quốc đuổi theo chúng tôi, rồi có thêm hai chiếc khác ở hai bên tàu. Một tàu Trung Quốc tăng tốc rất nhanh và đâm vào mạn phải đuôi tàu của chúng tôi. Rồi nó lại tăng tốc và tiếp tục đâm, khiến tàu bị thủng bốn lỗ".

Cái nhìn từ phía Trung Quốc

Để có cái nhìn hai chiều về các cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực gần giàn khoan, phóng viên Eunice Yoon còn đi sang Trung Quốc để xem người dân ở nơi đây nghĩ gì về hành động của chính phủ Trung Quốc.

Eunice Yoon cho rằng, mặc dù tàu Trung Quốc hung hăng và hiếu chiến như vậy, nhưng người Trung Quốc vẫn cho rằng mình không phải là kẻ gây hấn trên biển.

Yoon đã bay từ Việt Nam sang Trung Quốc và nhận thấy rằng người dân Trung Quốc đang có cái nhìn sai lầm về sự việc trên.

Khi đến đảo Hải Nam, một nơi được coi là ‘bệ phóng’ đối với các thủy thủ và lực lượng hải quân triển khai tới Biển Đông, Yoon đã gặp giáo sư Wu Shicun, một học giả về hàng hải, thuộc Viện Nghiên Biển Đông Quốc gia Trung Quốc.

Một vị giáo sư như ông Wu cũng không thể nhận ra hoặc cố tình không nhận ra được sự thật khi cho rằng Trung Quốc có quyền đặt giàn khoan gần quần đảo Hoàng Sa, và ông này cho biết người Trung Quốc cảm thấy giận dữ về việc tàu Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc hơn 1.000 lần (?).

Người Trung Quốc đang tức giận với Việt Nam vì một lời nói sai sự thật, một lời vu khống trắng trợn của chính phủ Trung Quốc. Trung Quốc vu khống Việt Nam đâm tàu Trung Quốc hơn 1.000 lần trong khi chính tàu nước này mới là kẻ đã đâm hỏng, phun vòi rồng và thậm chí là đâm chìm tàu cá của Việt Nam bất chấp những nỗ lực khuyên răn hòa bình của Việt Nam.

Trong khi đó, theo phóng viên Yoon, tại Bắc Kinh, nhiều quan chức hàng hải hàng đầu của Trung Quốc cũng kể lể mình là một nạn nhân. Ông Yi Xianliang, quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, còn cho rằng Mỹ đã kích động căng thẳng trên biển với chiến lược xoay trục sang châu Á, kêu gọi các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines đối đầu với Trung Quốc.

Theo hãng tin Reuters, sau hơn 2 tháng xâm phạm trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vào cuối ngày 15/7, hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh đang bắt đầu di chuyển giàn khoan về phía đảo Hải Nam.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo trang tin của kênh truyền hình CNBC, kênh chuyên về thông tin kinh tế và thị trường tài chính của Mỹ.

Theo Infonet