Nhà báo Borri trong lần tác nghiệp tại Syria - Ảnh: pressenza.com |
Một điều tra của Đại học Indiana (Mỹ) mới đây chỉ ra rằng chỉ có 23,3% các nhà báo Mỹ cảm thấy hài lòng về công việc của họ. Tương tự, cũng chỉ có 23,1% người làm báo ở đất nước này tin rằng “quyền lực thứ tư” đang đi đúng hướng, 17,2% tuyên bố họ “không biết” báo chí có đi đúng hướng không, và 59,7% khẳng định rằng nền báo chí đang lầm lạc.
Có rất nhiều lý do để họ không hài lòng: thu nhập của người làm báo tại Mỹ đã giảm khoảng 35% so với thập niên 1970, trong khi đó đòi hỏi trình độ lại tăng lên: có tới 92,1% người làm báo Mỹ bây giờ tốt nghiệp đại học, tăng gần gấp đôi so với năm 1971.
Giá trị cũ lung lay
Đó không chỉ là câu chuyện của riêng nước Mỹ, mà là của hầu hết nền báo chí phát triển. “Chính người làm báo đang là kẻ thù tệ hại nhất của những người làm báo” - nữ nhà báo chiến trường nổi tiếng của Ý Francesca Borri tuyên bố, như để nhấn thêm cái ý “đi lầm đường” của những đồng nghiệp người Mỹ.
Francesca Borri nổi tiếng thế giới một phần vì những bài viết về số phận con người tại các điểm nóng như Syria hay Dải Gaza, nhưng chủ yếu là nhờ câu chuyện của chính cô: đó là một người bị các biên tập viên đẩy ra trước lằn tên mũi đạn để rồi nhận về đồng nhuận bút chết đói.
Với mỗi bài viết gửi từ chiến trường về, Borri nhận được 70 USD. “Họ chỉ trả một mức giá: 70 USD, ngay cả tại những nơi như Syria, vật giá tăng gấp ba lần vì chiến tranh. Ví dụ, để ngủ ở doanh trại của quân nổi dậy, giữa mưa đạn, trên một cái nệm dưới đất, với nước đục ngầu khiến tôi bị thương hàn, tốn 50 USD một đêm.
Thuê một chiếc xe tốn 250 USD mỗi ngày. Cuối cùng thì thay vì giảm thiểu nguy cơ, bạn lại làm nó tăng lên cực điểm. Bạn không thể mua bảo hiểm - tốn đến 1.000 USD mỗi tháng - và bạn cũng không thể thuê một người phiên dịch. Bạn cô độc giữa một nơi xa lạ”.
Tại sao lại có mức giá bèo bọt ấy? Borri chỉ ra một lý do mà có lẽ ngay cả độc giả Việt Nam cũng cảm thấy quen thuộc: “Không phải vì họ không có tiền, mà họ phải dành tiền cho những bài viết về các cô tình nhân của Berlusconi” (cựu thủ tướng Ý Sylvio Berlusconi, nổi tiếng vì các cô tình nhân xinh đẹp) vì đó là chủ đề có thể dễ dàng bán báo.
Thị trường báo chí bị định hướng sang những thứ như “tình nhân của Berlusconi”, và những cây viết chính luận cũng phải cạnh tranh khốc liệt để giành miếng cơm. “Nếu bạn đòi 100 USD sẽ có người khác sẵn sàng nhận 70 USD để viết. Một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Như Beatriz, người hôm nay đã chỉ sai đường cho tôi, để cô ấy có tin độc quyền”.
Ngay cả các bài viết chiến trường giờ cũng phải đi theo hướng giật gân câu khách. Borri từng viết một bài rất công phu về cơ cấu quyền lực trong xã hội Syria, chỉ để nhận câu trả lời của biên tập viên: “Cái gì đây? Sáu nghìn chữ mà không có ai chết?”.
Các biên tập viên muốn có máu, có tiếng súng và những hình ảnh giật gân như một cậu bé 7 tuổi ôm khẩu AK, phì phèo điếu thuốc trên môi. Hình ảnh ấy, cũng được chụp bởi một nhiếp ảnh gia người Ý, đã được các báo khắp thế giới đăng tải hồi tháng 3-2013 và tạo một hình ảnh kinh khủng về đất nước Syria. Trong khi đó, những bài phân tích “sáu nghìn chữ không có ai chết” của Borri không được đăng. Sự phản ánh một chiều ấy khiến những nhà báo khổ sở. Bây giờ trên đường phố, người Syria chặn Borri lại và mắng mỏ: “Lũ bay thật đáng hổ thẹn”.
Borri kể một lần biên tập viên của cô liên lạc từ Ý và yêu cầu cô viết một bài về Gaza, nơi lại vừa chịu một vụ đánh bom. “Làm ơn, có ai hiểu Gaza bằng cô đâu. Ai mà quan tâm cô có đang ở hiện trường hay không” - biên tập viên nói, khi Borri trả lời rằng mình đang ở Syria.
Một bé trai Syria 7 tuổi với điếu thuốc trên tay và một khẩu AK47 - loại ảnh mà nhiều biên tập viên rất thích nhưng phản ánh sai lệch về đất nước này - Ảnh: The Times |
Trào lưu mới của báo chí
Báo chí bây giờ không được định hướng bởi những người như Borri, mà bởi những người như Bill Coles. Đó là một phóng viên đầy uy tín của làng báo chí Anh - Mỹ. Vì ông ta bán được báo. Bill Coles là người đã khui ra xìcăngđan tình ái của cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton với thực tập sinh Monica Lewinsky hồi năm 1998.
Nhà báo gạo cội này chưa bao giờ thôi tự hào về câu chuyện ấy: “Tôi có người đàn ông quyền lực nhất thế giới và một phụ nữ đẹp bằng nửa tuổi ông ta. Tôi có sex - sex đặc biệt”. Bây giờ, Bill Coles được các trường đại học mời về giảng dạy về tác nghiệp báo chí. Ở đó, ông khẳng định với học viên: “Sex sẽ luôn là thứ giúp bán báo”. Không chỉ dừng lại ở giảng dạy, Coles còn là cố vấn đặc biệt của các nền báo chí non trẻ ở châu Phi!
Nữ nhà báo Francesca Borri đang phải sống trong một thời đại mà một tờ báo có hơn 200 năm lịch sử như New York Post sẵn sàng mời ả gái bán dâm nổi tiếng và tai tiếng nhất nước Mỹ Ashley Dupre làm người giữ mục. Cô sẽ không thể cạnh tranh với những nhân vật như vậy về nhuận bút, cho dù có đổ máu ở chiến trường.
Những xu hướng này, xuất phát từ các nước có nền truyền thông - báo chí phát triển, gây ảnh hưởng mạnh tới các quốc gia khác. Hãy thử đọc các nội dung trên mặt báo Daily Sun, một tờ bán chạy bậc nhất ở Nam Phi - đây chính là một quốc gia mà nhà báo Bill Coles đang hoạt động với vai trò cố vấn báo chí cao cấp.
Ở đó, họ đưa tin về cá mập phân biệt chủng tộc chỉ ăn thịt người da trắng, về những phù thủy chuyên bắt chồng người khác và về những loại thảo dược có thể tăng độ lớn dương vật hay bài phỏng vấn một phụ nữ vừa bị cưỡng bức bởi một con đười ươi hoang dã.
Làn sóng “lá cải” này mới được du nhập từ nước Anh vào Nam Phi gần một thập niên trở lại đây và đang nở rộ. Sau khi Daily Sun thống trị thị trường, đã có hàng loạt tờ báo khác học theo mô hình ấy. Để hướng tới cộng đồng những người da màu và người nghèo vốn có trình độ tri thức hạn chế, họ không ngại tạo ra bất kỳ câu chuyện nào. Làn sóng ấy mạnh tới mức tập đoàn truyền thống lớn thứ hai tại Nam Phi, Johnnic Co., đã phải biến tờ báo chính luận nổi tiếng The Sowetan của họ thành một tờ “lá cải”.
“Những người trẻ ngày nay rất khác, chính trị không còn là tất cả đối với họ và họ muốn đọc những thứ thường nhật khiến họ cảm thấy thú vị” - Steve Pacak, một nhân vật có ảnh hưởng trong làng truyền thông Nam Phi lý giải. Dưới thời của chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid, người Nam Phi rất quan tâm đến chính trị. Và tờ báo The Sowetan kể trên từng có thời được tôn vinh nhờ nói lên tiếng nói của người da màu. Nhưng cuộc sống sung túc có được gần 20 năm nay đã thay đổi tất cả.
Những người làm báo ở các thị trường mới chỉ cần copy tất cả những gì mà người Anh đã làm, và họ sẽ có khách mua báo. Năm 2000, tờ News of the World của Anh từng khiến dư luận nước này xôn xao khi thực hiện chiến dịch công khai danh tính của 110.000 người từng phạm tội lạm dụng tình dục trẻ em.
Ngay sau khi 82 cái tên và ảnh đầu tiên được công bố đã diễn ra hàng chục vụ đốt phá, đánh đập từ các phần tử quá khích nhắm vào những người này. Thậm chí, những người trùng tên cũng bị đánh. Tờ báo này chỉ chịu dừng chiến dịch “vì cộng đồng” này sau khi các lãnh đạo của họ bị đe dọa ám sát.
Tới năm 2014, tại Uganda, tờ Red Pepper của nước này thực hiện một loạt bài tương tự, đăng tải “Top 200 gã đồng tính của Uganda” - trong đó phần lớn là các nhà hoạt động đấu tranh đòi quyền cho người đồng tính, giữa bối cảnh kỳ thị giới sâu sắc ở nước này.
Đó có lẽ là những câu chuyện không xa lạ với người làm báo và độc giả nước ta cho dù mức độ có khác nhau. Những trào lưu báo chí mới như thế này đang tiêu diệt các giá trị cũ, thậm chí trong trường hợp của những cây viết chiến trường như Francesca Borri, chúng đang “giết” người làm báo kiểu cũ theo nghĩa đen.
Hãy đọc lại một trích đoạn lời giảng của Bill Coles tại Đại học Leeds Trinity về cách tìm chủ đề đặc biệt cho số báo hôm sau: “Luôn luôn có một phụ nữ đang có 19 đứa con. Bạn phải gọi ngay cho cô ta để hỏi xem cô ta có mang thai nữa không. Bạn sẽ gặp may khi cô ta quyết định rằng mình sẽ có thêm đứa nữa. Đứa thứ 21 à? Thật tuyệt!”. Vài sinh viên báo chí sau buổi “học” này đã nức nở khen “ông ấy có những lời khuyên hay”!
Theo TTO