Phóng viên Vietnamnet hỏi: Trung Quốc đã tiến hành cải tạo một số đảo đá ở quần đảo Trường Sa, Việt Nam phản ứng như thế nào?
Ông Lê Hải Bình khẳng định Việt Nam có đầy đủ chứng lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam với khu vực. Gần đây Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động xây dựng ở một số bãi đá đã chiếm từ quần đảo Trường Sa. Việc này vi phạm Công ước Liên Hợp quốc về luật biển (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Việt Nam yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hoạt động mở rộng hoạt động ở khu vực.
Ông Lê Hải Bình: Việt Nam có đầy đủ chứng lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam với khu vực Trường Sa và Hoàng Sa (Ảnh: Hữu Nghị)
Phóng viên Lao động đặt câu hỏi: Trung Quốc từng thông tin là thời Pháp thuộc, Pháp từng công nhận chủ quyền của Trung Quốc với Hoàng Sa. Sự thật vấn đề này?
Ông Trần Duy Hải khẳng định, thông tin này của Trung Quốc là hoàn toàn bịa đặt. Sau khi vào Việt Nam, Pháp đã thực hiện việc thực thi chủ quyền với 2 quần đảo, có cơ quan đặt tại Hoàng Sa, thậm chí đã cấp giấy khai sinh cho công dân sinh ra tại quần đảo này. Đây là hoạt động quản lý ở mức rất cao. Pháp cũng nhiều lần phản đối hành động xâm phạm của Trung Quốc, thậm chí đã đề nghị đưa vấn đề ra cơ quan tài phán quốc tế nhưng Trung Quốc đã từ chối yêu cầu cầu này.
Một công hàm nêu rõ, nếu Trung Quốc không đồng ý thương lượng thì Pháp sẽ buộc đưa vấn đề ra cơ quan tài phán quốc tế.
Các phóng viên quốc tế chăm chú theo dõi những clip, hình ảnh được công bố (Ảnh: Hữu Nghị)
Phóng viên AP đặt câu hỏi: Việt Nam đã ký hơn 100 hợp đồng với các đối tác nước ngoài, có hơn 60 hợp đồng đang hoạt động. Vậy các đối tác có quan ngại gì về tình hình trên Biển Đông? Cuộc gặp của ông Dương Khiết Trì với Việt Nam tới đây sẽ giải quyết vấn đề trên biển, có làm ổn định hơn tình hình?
Phó Tổng GĐ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Nguyễn Quốc Thập trả lời, trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan, sau đó tuyên bố 57 lô dầu khí trái phép dựa vào đường lưỡi bò phi lý, Việt Nam đã tiến hành gặp gỡ mọi công ty dầu khí Trung Quốc cho là nằm trong khu vực tranh chấp như các công ty của Mỹ, Nga, Ấn Độ... Tại các cuộc gặp này, đại diện các đơn vị đó đều thông tin, tổng hành dinh các đơn vị đã nhận được thông báo và ủng hộ các tuyên bố của PetroVietnam cũng như Chính phủ Việt Nam. Khẳng định hoạt động của Việt Nam hoàn toàn hợp pháp nên các đối tác vẫn cam kết tiếp tục hoạt động, triển khai các hoạt động đầu khí đã ký với Việt Nam.
Về vế sau của câu hỏi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tiếp lời: Ông Dương Khiết Trì sẽ thăm Việt Nam tới đây; ông Bình tin rằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan chắc chắn sẽ được bàn đến trong cuộc họp. Việt Nam luôn hết sức kiên trì, tìm mọi kênh thông tin trao đổi hòa bình với Trung Quốc về vấn đề trên. Cuộc gặp này của 2 bên cũng sẽ là một kênh để trao đổi về việc này.
Phóng viên VOV yêu cầu bình luận về thông tin Trung Quốc yêu cầu Việt Nam rút khỏi 49 đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa.
Ông Trần Duy Hải phản ứng cho rằng đề nghị của Trung Quốc hết sức phi lý, Việt Nam kiên quyết bác bỏ vì Việt Nam có đủ chứng cứ về việc quản lý với quần đảo Trường Sa. Chính Trung Quốc là người dùng vũ lực chiếm đóng một số bãi đá quần đảo này nên Trung Quốc phải trao trả những bãi đá đã chiếm từ năm 1988.
Phóng viên VOV tiếp tục đặt câu hỏi: Philippines yêu cầu Trung Quốc dừng hoạt động xây dựng trên đảo Phú Lâm, vậy Việt Nam có yêu cầu ASEAN có động thái gì phản đối hoạt động của Trung Quốc?
Ông Trần Duy Hải một lần nữa khẳng định, Việt Nam có đầy đủ chứng lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việt Nam ủng hộ nỗ lực của ASEAN để duy trì tình hình ổn định trong khu vực.
Phóng viên Vnexpress đề nghị Cục Kiểm ngư bình luận về thông tin Trung Quốc nêu lực lượng Việt Nam đã cản trở hoạt động bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc.
Ông Hà Lê khẳng định, Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của Việt Nam nên ngư dân Việt Nam hoạt động ở khu vực này là hoàn toàn bình thường. Không biết Trung Quốc nói tàu cá Việt Nam quấy nhiễu hoạt động của lực lượng chấp pháp nước này thế nào vì tàu cá Việt Nam thực tế là tàu gỗ rất nhỏ, trong khi các tàu của Trung Quốc lớn hơn rất nhiều, trang bị đầy đủ. Vậy nên nói như phía Trung Quốc, ông Lê cho là vô lý.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam - Hà Lê tuyên bố, tàu cá, ngư dân Việt Nam hoạt động ở Hoàng Sa là hoàn toàn bình thường bởi đây là ngư trường truyền thống của ta. (Ảnh: Hữu Nghị)
Phóng viên Người lao động hỏi: Những bằng chứng thu được từ những văn bản từ thế kỷ 17 sẽ giúp Việt Nam thế nào trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền?
Ông Trần Duy Hải trả lời: Các châu bản của nhà Nguyễn đã thể hiện việc nhà nước phong kiến cử các đội ra quản lý Hoàng Sa. Đây là hoạt động quản lý của nhà nước nên có giá trị về mặt pháp lý.
Phóng viên Tiền Phong hỏi: Trung Quốc bác bỏ thông tin đã xâm chiếm Hoàng Sa năm 1974, thực ra đó chỉ là hành động tự vệ của nước này?
Ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm UB Biên giới Quốc gia - trả lời: Các phát biểu của Trung Quốc là xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử. Sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam đã bàn giao quyền quản lý 2 quần đảo cho chính quyền Việt Nam cộng hòa. Năm 1974 Trung Quốc đã lợi dụng tình hình chiến tranh đã tấn công lực lượng đồn trú của Việt Nam cộng hòa trên 2 quần đảo. Ngay các trang web của Trung Quốc cũng đưa những hình ảnh, thông tin về cuộc xâm chiếm này.
PV hãng truyền hình Asahi của Nhật Bản đặt câu hỏi với ông Thu: PV đã được xem những hình ảnh Trung Quốc cung cấp về việc tàu Việt Nam đâm va tàu Trung Quốc và đề nghị đại diện Cảnh sát biển Việt Nam bình luận về những hình ảnh này? Phóng viên Nhật cũng đề cập việc Trung Quốc thông tin Việt Nam cử lực lượng đặc công người nhái đến hoạt động trong khu vực biển?
Ông Thu nói chưa xem clip do Trung Quốc đưa ra trong buổi họp báo ngày 13/6 vừa qua. Thông tin Trung Quốc nói tàu Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc 1.547 lần, ông Thu khẳng định là hoàn toàn sai sự thật. Thực tế, tại khu vực, chỉ có hoạt động đâm va, phun nước để chế áp của tàu Trung Quốc với tàu Việt Nam. Hình ảnh Trung Quốc đưa ra là tàu Trung Quốc bị đâm chùn mũi, rõ ràng chỉ có thể dùng mũi tàu nọ đâm vào mạn tàu kia chứ không thể có chuyện bị tấn công vào đúng mũi tàu.
Ông Thu cũng bác bỏ thông tin Việt Nam sử dụng người nhái trên hiện trường khu vực giàn khoan. Về các vật trôi nổi và lưới mà Trung Quốc vớt được, chụp ảnh đưa về, ông Thu lý giải là do tàu Trung Quốc chủ động cắt lưới tàu ngư dân Việt Nam, ngư dân Việt cũng nhiều lần bị truy đuổi buộc phải bỏ lưới để chạy tránh. Ngoài ra còn có những vật dụng như thùng sơn, thùng dầu sơn dùng làm vật huấn luyện của lực lượng chấp pháp Việt Nam, bị vòi rồng phun văng xuống biển, Trung Quốc vớt và lại coi đó là bằng chứng chống lại Việt Nam.
17h59’, clip do Kiểm ngư Việt Nam và Cảnh sát biển Việt Nam cung cấp được trình chiếu tại cuộc họp báo.
Những hình ảnh trên thực địa được trình chiếu tại buổi họp báo tố cáo hành vi bóp méo sự thật của Trung Quốc (Ảnh: Hữu Nghị)
Ông Ngô Ngọc Thu chỉ rõ hình ảnh giàn khoan Hải Dương 981 trên biển. Hình ảnh một tàu tên lửa tấn công nhanh số hiệu 571 đã được ghi lại, đối lập với thông tin Trung Quốc khẳng định không đưa tàu chiến đến khu vực. Trên màn hình cũng liên tục xuất hiện hình ảnh máy bay chiến đấu của Trung Quốc lượn đi lượn lại với tầm bay rất thấp.
Hình ảnh cận cảnh tàu Việt Nam bị phun vòi rồng cho thấy luồng nước mạnh thổi bay nhiều thiết bị trên tàu Việt Nam xuống biển, từ phao cứu sinh cho tới giàn ăng ten thông tin... Hình ảnh cũng cho thấy một thực tế khác: tàu cá Việt Nam với sức giãn nước chỉ 30 tấn rõ ràng không thể nào tấn công, đâm chìm tàu cá lớn gấp 6-8 lần của Trung Quốc.
Ông Ngô Ngọc Thu khẳng định, tàu cá Việt Nam không thể nào tấn công, đâm chìm tàu cá lớn gấp 6-8 lần của Trung Quốc. (Ảnh: Hữu Nghị)
Ông Thu cũng luận giải, Trung Quốc nói tàu Trung Quốc bị đâm móp hỏng mũi tàu là rất phi lý vì không thể có chuyện tàu Việt Nam dùng mạn tàu để đâm vào mũi tàu Trung Quốc. Thực tế, chỉ có tàu Trung Quốc lao thẳng đầu vào hông tàu Việt Nam, đâm thủng thân tàu Việt Nam nên phần mũi mới bị ảnh hưởng.
17h54', Cục phó Cục Kiểm ngư Việt Nam, ông Hà Lê, thông tin thêm, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam có mặt trên thực địa, cùng Cảnh sát biển yêu cầu Trung Quốc hút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam. Suốt thời gian qua, Trung Quốc duy trì trung bình 120 tàu bảo vệ trên khu vực mỗi ngày, chủ động tấn công, đâm va tàu Kiểm ngư Việt Nam.
Trung Quốc cũng dùng các phương thức để tạo cớ như chặn đuôi, cắt mặt tàu Việt Nam để tạo tư liệu giả vu cáo Việt Nam đâm va tàu Trung Quốc. Kiểm ngư Việt Nam có đầy đủ bằng chứng để khẳng định Việt Nam chưa hề có hành động chủ động đâm va, gây hấn nào trên biển.
Ngày 16/5, Trung Quốc có lệnh cấm đánh bắt cá nhưng thực tế có cả trăm tàu cá vỏ thép của Trung Quốc có mặt trên vùng biển trong ngày này, với mục đích không phải để khai thác hải sản mà để phá hoại hoạt động của ngư dân Việt Nam trên ngư trường truyền thống, như cắt lưới của ngư dân, đâm va gây hư hỏng tàu, làm bị thương hàng chục ngư dân, trong đó có 3 ngư dân bị thương nặng.
Phản đối thông tin Trung Quốc đưa ra rằng chiều 23/5 tàu cá Việt Nam đâm tàu cá Trung Quốc, tàu Trung Quốc định vào cứu nhưng có 30 tàu cá Việt Nam ngăn cản, không thể cứu hộ được; ông Hà Lê khẳng định trên khu vực chỉ luôn có chuyện tàu Việt Nam bị tấn công, bị đâm đến lật úp, chìm. Ngoài ra, tàu Trung Quốc còn ngăn cản hoạt động cứu hộ của Việt Nam với 10 ngư dân trên con tàu bị đâm chìm.
17h42’, ông Ngô Hải Thu - Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam - trình bày tình hình trên thực địa Trung Quốc hạ đặt giàn khoan. Điểm lại ngày 27/5, giàn khoan di chuyển từ vị trí Tây Nam Tri Tôn 27 hải lý đến vị trí Đông Nam Tri Tôn 25 hải lý, ông Thu cho biết, giàn khoan đến nay đã ổn định tại vị trí mới và bắt đầu tác nghiệp.
Ngày 15/6 vừa qua, Trung Quốc sử dụng 115 lượt tàu để bảo vệ giàn khoan, trong đó có 6 tàu chiến (2 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu tên lửa tấn công nhanh, 2 tàu quét mìn, 34 tàu hải cảnh, 2 tàu hải giám, 14 tàu vận tải, 33 tàu cá...). Cũng ngày này, có 2 lần máy bay quân sự của Trung Quốc bay nhiều vòng trên các tàu Việt Nam trên độ cao 300-500m.
Phương thức hoạt động của các tàu bảo vệ Trung Quốc từ đầu tháng 6 đến nay cơ bản không thay đổi. Trung Quốc dùng nhóm 15 tàu áp sát bao vây phía 2 mạn, đầu, đuôi mỗi tàu chấp pháp của Việt Nam để tàu Việt Nam không thể tiếp cận giàn khoan. Trung Quốc còn dùng súng phun nước, dùng sóng âm tần số cao để gây nhiễu loạn, ảnh hưởng đến tàu Việt Nam, sức khỏe và tâm lý lực lượng trên tàu.
Nói về những vụ việc cụ thể trên thực địa, ông Thu nói, ngày 13/6, Trung Quốc tổ chức họp báo về vụ giàn khoan, nêu những thông tin sai lệch về sự việc, nói các tàu Việt Nam đã đâm húc 1.547 lần các tàu Trung Quốc làm các tàu này hư hỏng nhiều phần mũi tàu. Bác bỏ thông tin này, ông Thu khẳng định, thực tế chỉ có tàu Trung Quốc chủ động đâm va, phun nước làm 36 lượt tàu của Việt Nam bị hư hỏng.
Đặc biệt nhấn mạnh vụ đâm chìm tàu cá Đà Nẵng, ông Thu cho biết, tính đến thời điểm này đã có 15 kiểm ngư viên và 2 ngư dân Việt Nam bị thương. Cảnh sát biển Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về việc này. Những vật nổi trên biển mà Trung Quốc thu nhặt được là các mảnh ván của tàu Việt Nam bị đâm va vỡ văng xuống biển, không có chuyện Việt Nam thả lưới, vật cản trở cũng như cho người nhái hoạt động trên biển.
Trong hơn 40 ngày qua, ông Thu cho rằng, không thể nói ngày nào cũng có 4-6 chiếc tàu chiến của Trung Quốc "ngẫu nhiên" đi qua khu vực này. Trong khi đó, Việt Nam cho đến nay vẫn nhất quán không sử dụng vũ lực, không đe dọa sử dụng vũ lực trên biển.
17h25, Phó Tổng GĐ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Nguyễn Quốc Thập trình bày bài phát biểu phản đối hành động sai trái của Trung Quốc về các hoạt động khai thác, thăm dò dầu khí trên vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Thập điểm lại những hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí Việt Nam thực hiện liên tục từ thời Pháp thuộc đến nay, không vấp phải bất cứ sự phản ứng nào của quốc tế.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng tiến hành nhiều hoạt động đánh giá tiềm năng dầu khí tại Hoàng Sa và khu vực lân cận, được trình bày công khai tại nhiều hội thảo quốc tế và được công nhận. Ông Thập khẳng định, thời gian tới, Tập đoàn Dầu khí tiếp tục các hoạt động khai thác bình thường trong khu vực.
Về vấn đề phản đối hành động của Trung Quốc, ông Thập nhấn mạnh, Trung Quốc đã dựa vào yêu sách đường lưỡi bò một cách phi lý mà cả thế giới không thừa nhận để xác lập chủ quyền với 57 lô dầu khí trên vùng biển Việt Nam là hoàn toàn phi lý. Thực tế, khu vực này nằm hoàn toàn trong vùng biển của Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc có hành vi vi phạm này. Năm 2003, giàn khoan của Trung Quốc đã định khoan ở lô 133D và bị phản ứng mạnh nên phải dừng hoạt động. Năm 2006, tàu Phấn Đấu 4 của Trung Quốc hoạt động gần khu vực đảo Lý Sơn và bị lực lượng chấp pháp của Việt Nam tiến hành ngăn chặn, xua đuổi. Năm 2007, nhà thầu của Công ty Western Pico đã đưa giàn khoan vào khu vực biển Việt Nam do Trung Quốc thuê song đã thất bại và phải rút lui. Lần thứ 8, năm 2010, Trung Quốc mời thầu với 9 lô dầu khí thuộc vùng biển của Việt Nam nhưng vì phi chính nghĩa, không đơn vị nào bỏ thầu...
Với những luận cứ không thể chối cãi như trên, ông Thập một lần nữa nêu quan điểm phản đối các hoạt động sai trái của Tập đoàn Dầu khí Hải Dương Trung Quốc trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
17h16’, một clip thể hiện nội dung xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa từ khi đây còn là những vùng đất vô chủ được trình chiếu.
17h4’, ông Trần Duy Hải trình bày những hoạt động làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc. Ông Hải nêu rõ, từ năm 1995, Trung Quốc đã có nhiều hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại khu vực.
Việc Trung Quốc nói tàu cá Việt Nam tự chìm khi chủ động đâm vào tàu Trung Quốc, ông Hải cho rằng, những hình ảnh từ thực địa đã thể hiện rõ hành vi bóp méo sự thật của nước này.
Việt Nam bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc với Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa. Các tư liệu Trung Quốc đưa ra, ông Hải khẳng định là không rõ ràng, mô tả quần đảo một cách thiếu nhất quán, do cá nhân đưa ra. Trên thực tế, theo UNCLOS, việc xác lập chủ quyền phải căn cứ trên hoạt động của chính quyền, nhà nước.
Trong khi đó Việt Nam đã công bố bằng chứng công khai cho thấy nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo từ thế kỷ 17, qua nhiều châu bản cổ vẫn lưu truyền đến nay. Sau khi Pháp ký hiệp định bảo hộ với triều đình phong kiến Việt Nam, Pháp đã tiếp quản quyền quản lý này, tiến hành nhiều hoạt động đảm bảo quyền cai quản của mình ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Khi đó, Pháp cũng đã có nhiều hoạt động đấu tranh chống các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc đối với 2 quần đảo này.
Tại các hội nghị quốc tế sau đó, Việt Nam cũng bác bỏ những thoả thuận về việc từ bỏ chủ quyền của Việt Nam tại khu vực.
Trung Quốc đã 2 lần xâm chiếm trái phép Hoàng Sa Việt Nam. Chính quyền Việt Nam cộng hoà đã phản đối mạnh mẽ hoạt động xâm chiếm của Trung Quốc từ năm 1956.
Năm 1974, lợi dụng tình hình chiến tranh ở Việt Nam, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa từ chính quyền Việt Nam cộng hoà. Tuy nhiên, hành động dùng vũ lực để xâm chiếm này, ông Hải khẳng định, không giúp Trung Quốc xác lập chủ quyền với quần đảo.
Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không đề cập gì đến vấn đề chủ quyền. Trong bối cảnh năm 1958, công thư này chỉ thể hiện quan điểm ủng hộ của Việt Nam với việc mở rộng chủ quyền của Trung Quốc trên biển thêm 13 hải lý.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khi đó hiểu rõ việc này nên sau này, khi trao đổi với Tổng Bí thư Lê Duẩn, ông này thừa nhận quan điểm khác nhau của 2 nước về chủ quyền trên biển. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc thừa nhận sự thật lịch sử đó.
Quang cảnh buổi họp báo quốc tế chiều 16/6 (Ảnh: Hữu Nghị)
17h, mở đầu cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ, xung quanh khu vực hoạt động của giàn khoan, các tàu, máy bay, lực lượng của Trung Quốc vẫn hung hăng đâm va, xua đuổi tàu Việt Nam, tàu các của ngư dân Việt Nam còn bị đâm chìm. Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn liên tiếp đưa ra các luận điểm sai lệch, bị bóp méo về chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển.
Cuộc họp báo quốc tế vì thế được tổ chức để phản bác những thông tin đưa ra của phía Trung Quốc và để thông tin những diễn biến thực tế trên thực địa, để dư luận trong và ngoài nước nắm rõ những sự thật khác với thông tin Trung Quốc đưa ra.
Chủ trì buổi họp báo có Phó Chủ nhiệm UB Biên giới Quốc gia Trần Duy Hải; Phó Tổng GĐ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Nguyễn Quốc Thập; Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam Ngô Ngọc Thu; Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam (Bộ NN&PTNT) Hà Lê; Quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình.
Bước vào buổi họp báo, đại diện UB Biên giới Quốc gia và đại diện Tập đoàn Dầu khí có phần phát biểu phản bác các luận điểm thiếu căn cứ và một số nội dung sai trái Trung Quốc đưa ra về các hoạt động liên quan đến vụ giàn khoan Hải Dương 981.
Theo Dân trí