Người Việt Odessa
Mục hỏi đáp

LUẬT QUỐC TỊCH (sửa đổi, bổ sung): Không quy định thời hạn đăng ký giữ quốc tịch?

Thứ sáu, 06/06/2014 | 14:00
Chiều ngày 4-6, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường: sau gần 5 năm thực hiện đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, theo Báo cáo của Bộ Ngoại giao, tính đến ngày 31-12-2013, mới có trên 6.000 người làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ kết thúc vào ngày 1-7-2014. Theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, thì những người không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ đương nhiên mất quốc tịch Việt Nam. Sau này, nếu có nguyện vọng thì họ phải làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật. "Vì vậy, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 là rất cần thiết và cấp bách”-ông Cường cho hay.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý  cho biết, Ủy ban Pháp luật nhất trí với sự cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi quy định về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam tại khoản 2 Điều 13 và trường hợp mất quốc tịch tại khoản 3 Điều 26 của Luật Quốc tịch Việt Nam. Theo ông Lý, về phạm vi và nội dung sửa đổi hiện đang có 3 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với đề nghị của Chính phủ sửa đổi khoản 2 Điều 13 theo hướng vẫn giữ việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, nhưng không quy định cụ thể thời hạn đăng ký giữ quốc tịch; đồng thời gắn việc đăng ký giữ quốc tịch với thủ tục cấp hộ chiếu Việt Nam và bãi bỏ quy định tại khoản 3 Điều 26 của Luật Quốc tịch Việt Nam hiện nay.  
Loại ý kiến thứ hai đề nghị, vẫn giữ quy định về đăng ký quốc tịch nhưng gia hạn thời gian đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thêm 5 năm, tức là thời hạn đăng ký sẽ được kéo dài đến ngày 1-7-2019 nhằm giúp cho kiều bào ta có thêm thời gian tiếp cận thông tin và thực hiện các thủ tục cần thiết để đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật. Còn loại ý kiến thứ ba đề nghị, bỏ quy định về việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam vì quy định này đã thể hiện sự bất cập, thiếu tính khả thi và không phù hợp với thực tiễn. 
Trong vấn đề trên, ông Lý cho biết: Ủy ban Pháp luật đề nghị, sửa đổi khoản 2 Điều 13 của Luật Quốc tịch Việt Nam theo hướng: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam (theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày 1 tháng 7 năm 2009) thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy  tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam còn giá trị sử dụng (theo quy định tại Điều 11 của Luật này) thì đăng ký với Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để được cấp giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định của Chính phủ.
Ông Lý cũng cho biết: Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc bãi bỏ quy định tại khoản 3 Điều 26 của Luật Quốc tịch Việt Nam. Cụ thể, những người đã đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật Quốc tịch Việt Nam từ ngày 1-7-2009 đến nay mà đã được xác nhận là có quốc tịch Việt Nam thì được cấp hộ chiếu Việt Nam (nếu họ có yêu cầu).
Về trình tự, thủ tục xem xét, thông qua dự án Luật và thời điểm có hiệu lực của Luật, theo ông Lý, do các quy định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng quốc tịch của một bộ phận không nhỏ đồng bào ta vào thời điểm ngày 1-7-2014. Đề nghị Quốc hội cho phép quy định Luật này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày công bố để bảo đảm thi hành trước khi hết thời hạn nói trên.

Theo daidoanket.vn

Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN