Người Việt Odessa
Mục hỏi đáp

Luật sư Hội giải đáp về giấy tờ tùy thân

Thứ bảy, 01/07/2017 | 17:15
Bà con cộng đồng quan tâm lo lắng trước việc nhà chức trách Ucraina ngày 30/6 tạm giữ 2 và trục xuất 3 trường hợp có hộ chiếu Ucraina (cấp tại Kherson) về nước. Người Việt Odessa đã có cuộc trao đổi với Tổ luật sư Hội người VN tỉnh Odessa xung quanh vấn đề này.

Luật sư Hội giải đáp về giấy tờ tùy thân

- Xin luật sư vui lòng cho biết, vào ngày 29/06, tại chợ cây số 7, Cơ quan nào kiểm tra giấy tờ của người nước ngoài? Có bao nhiêu trường hợp người Việt bị giữ và kết quả xử lý như thế nào, thưa ông?

- Ngày 29/06 trong khuôn khổ chiến dịch “Biên giới - 2017”, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Sở di trú, phòng chống buôn người và an ninh tiến hành kiểm tra người nước ngoài làm việc tại chợ cây số 7. Sau khi xử phạt hành chính một số trường hợp và thả người, còn lại 6 trường hợp bị lập biên bản tạm giữ hành chính, trong đó có 3 trường hợp sinh sống bất hợp pháp, có hộ chiếu VN và đồng ý tự nguyện mua vé về nước nên ngay hôm sau họ đã lên đường về Việt Nam. Riêng 3 trường hợp còn lại là hộ chiếu Ucraina tại Kherson đã bị tòa án tỉnh này hủy và có ra quyết định trục xuất. Về lệnh trục xuất của Kherson, qua phiên dịch, Đoàn kiểm tra thông báo cho 3 công dân trên biết nhưng không ai tin đây là sự thật, cũng như họ được khuyến cáo trong trường hợp này chỉ có 2 sự lựa chọn hoặc tự nguyện về nước nếu còn hộ chiếu VN hoặc qua tòa án xin lệnh tạm giữ để làm thủ tục xin giấy tờ về nước. Sau khi tòa Odessa ra quyết định tạm giữ 3 công dân trên tại trại tạm giam ở Chernhigov, có 2 trường hợp tìm được hộ chiếu VN xin tự nguyện về nước nhưng nhà chức trách không chấp nhận vì phải chấp hành lệnh tạm giữ của tòa, việc trục xuất về nước sau này phải thông qua trại tạm giam ở Chernhigov.  Riêng trường hợp còn lại vì lý do nhân đạo đang chữa bệnh hiểm nghèo nên được tự nguyện về nước sau khi có đầy đủ các giấy xác nhận.  

- Thưa ông, người mang hộ chiếu Ucraina lại bị bắt giữ như vậy có đúng pháp luật không?

- Trong khuôn khổ chiến dịch kiểm tra, nếu phát hiện trường hợp vi phạm về di trú, thủ trưởng cơ quan có thể ra quyết định tạm giữ hành chính 72 giờ để xem xét: Hoặc nhắc nhở rồi xử phạt hành chính, hoặc tự nguyện về nước nếu còn hộ chiếu hợp pháp hoặc bị tạm giữ theo quyết định của tòa để làm thủ tục về nước. Với 3 trường hợp bị giữ lần này là đúng pháp luật vì hộ chiếu Ucraina đã bị hủy, tòa án Kherson ra quyết định trục xuất nên nhà chức trách Odessa lập biên bản tạm giữ hành chính trong 72 giờ để xem xét, sau đó tòa án Odessa đã cho phép tạm giữ để trục xuất. 

- Ông có thể nói rõ thêm về trường hợp bà con bị hủy giấy tờ và bị trục xuất không?

Luật đinh cư Ucraina có quy định, người nước ngoài muốn nhận thẻ định cư tại Ucraina cần 2 bước: thứ nhất làm thủ tục định cư, thứ 2 sau khi nhận quyền định cư sẽ làm tiếp thẻ định cư. Nếu bị hủy thẻ định cư mà không bị hủy quyền định cư thì bà con có thể ra Sở di trú xin làm thủ tục cấp mới. Nếu hủy thẻ và quyền định cư thì buộc phải về nước và thường sau 1 năm mới được phép quay lại Ucraina. Luật cũng qui định, công dân VN sang Ucraina theo diện hợp tác lao động trước tháng 3 năm 1998 được quyền định cư tại Ucraina. 

- Theo tôi được biết, 3 trường hợp trên họ đã sinh sống lâu năm ở Ucraina, có tài sản và cơ sở pháp lý vì vậy việc bị trục xuất liệu có “quá đáng” không?

- Cũng như nhiều người Việt khác, 3 công dân trên sinh sống lâu năm tại Ucraina, có tài sản, con cái sinh ra tại Ucraina được công nhận quốc tịch và đã nhận hộ chiếu Ucraina… đó là cơ sở pháp lý để định cư hợp pháp. Tuy nhiên, sau khi bị hủy hộ chiếu và trục xuất ra khỏi Ucraina theo quyết định của tòa án Kherson, họ không kháng cáo cũng như không ra Sở di trú để xin cấp lại thẻ định cư trên những cơ sở pháp lý trên. Nên khi kiểm tra, phát hiện sống bất hợp pháp và đã lập biên bản trục xuất thì thường tòa án ủng hộ đề xuất của nhà chức trách hơn là chú ý những trình bày của luật sư vì người bị tạm giữ lúc đó đang sinh sống bất hợp pháp. Việc có cơ sở pháp lý để sinh sống có thể giúp không bị cấm và nhanh chóng  quay lại Ucraina. 

- Vậy, xin ông cho biết vai trò của luật sư và Hội trong những vụ việc như thế?

- Khi nhận được thông tin có kiểm tra, phiên dịch Hội luôn có mặt kịp thời để giúp đỡ hội viên. Những trường hợp khó thì có thêm cán bộ Hội và luật sư đến cùng. Tuy nhiên những trường hợp đã có lệnh trục xuất thường rất khó can thiệp.

- Ông có lời khuyên nào cho người Việt tại Odessa?

- Với những trường hợp là hộ chiếu Ucraina cấp tại Kherson nên khẩn trương kiểm tra lại giấy tờ để có hướng giải quyết tránh trường hợp như trên hoặc khi đi qua cửa khẩu bị tịch thu và đuổi quay lại. 
Trường hợp là thẻ định cư cũng cần kiểm tra lại xem có bị hủy hoặc cần bổ sung giấy tờ gì thêm không. Những trường hợp bị hủy giấy tờ mà không bị trục xuất, tùy theo từng trường hợp cụ thể có thể xin cấp lại, có thể đóng khẩu và làm lại mới mà không phải về nước rồi quay sang hoặc có thể thông qua tòa. 
Qua làm việc, tôi thấy chính quyền địa phương luôn dành sự ưu ái cho cộng đồng người Việt. Đôi khi việc thực thi và chấp hành pháp luật phụ thuộc vào thiện cảm của người cán bộ vì vậy trong quá trình bị kiểm tra, người Việt nên tỏ thái độ nhã nhặn với cán bộ. Nếu quên giấy tờ ở nhà hoặc mang bản photo mà có cách giải thích hợp lý và thái độ hợp tác thì tôi tin mọi việc sẽ tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó mỗi người cần phải biết tình trạng giấy tờ của mình để chủ động có phương án xử lý chứ không nên thờ ơ.  

- Theo chúng tôi được biết, gần đây có trường hợp người Việt đã có thẻ định cư cấp tại Odessa, tuy nhiên sau khi về Việt Nam thì không thể quay lại Odessa, luật sư có thể giải thích về trường hợp này?

- Về trường hợp này, trong khi về Việt Nam thì tại Ucraina hủy thẻ định cư cũ và chuẩn bị cấp thẻ định cư mới nên không thể qua được biên phòng vì khi hủy thẻ định cư, qui định phải thông báo cho cơ quan này biết. Tuy nhiên, nhờ sự can thiệp của Hội và Tổ luật sư, công dân này sau đó được nhập cảnh vào Ucraina và đã nhận thẻ định cư mới.

- Còn một trường hợp nữa vì ốm đau nặng không thể về Việt Nam sau đó nhờ Hội đưa về nước, ông có thể nói thêm về trường hợp này?

- Đây là trường hợp đặc biệt mà sau 2 lần mua vé không về được. Sau khi Hội  người VN và gia đình chuẩn bị những giấy tờ cần thiết, Sở di trú đã cử 3 cán bộ giúp đưa về VN. Mới đây chị và gia đình đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Hội và cộng đồng. 

- Xin ông giới thiệu về Tổ luật sư của Hội?

- Tổ luật sư của Hội gồm 4 luật sư: một chuyên trách về thuế, chuyên trách về các vụ hành chính, chuyên về giấy tờ và các vụ án hình sự. Tổ luật sư luôn phối hợp tốt với Tổ phiên dịch tư vấn, giúp đỡ về pháp luật cho hội viên và người VN có nhu cầu. Trong tình hình phức tạp hiện nay, việc nâng cao ý thức pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hội viên luôn là vấn đề hết sức cấp thiết. Trợ giúp pháp lý làm chỗ dựa cho người Việt, để họ tiếp cận và tin vào công lý, vào Nhà nước Ucraina, góp phần giữ vững ổn định cộng đồng người Việt tại Odessa.

- Vâng xin cảm ơn ông!

P/v Người Việt Odessa