Ồng Nguyễn Gia Liêm
PV: Ông có thể cho biết khi nào phía Nhật sẽ thực hiện chính sách này. Thời gian kéo dài thời gian cư trú của thực tập sinh này trong bao lâu?
Ồng Nguyễn Gia Liêm: Việc kéo dài khẩn cấp thời gian cư trú cho thực tập sinh nước ngoài kết thúc chương trình thực tập sinh trong ngành xây dựng là quyết định của Chính phủ Nhật Bản để bổ sung nhân lực cho ngành xây dựng hướng tới Olimpic 2020, Paralympic Tokyo và tái thiết vùng Đông Bắc. Theo đó, phía Nhật Bản sẽ cần số lượng là 7 vạn công nhân trong ngành. Đồng thời, chương trình tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài còn có mục đích đào tạo nguồn nhân lực cho các nước đang phát triển. Vì thế, sẽ kéo dài tối đa 2 năm cư trú cho thực tập sinh đã nhập cảnh trong ngành xây dựng với tư cách cư trú "hoạt động đặc thù” sau khi kết thúc 3 năm tu nghiệp nếu có nguyện vọng. Đặc biệt, cần phải chú ý, hiện tại không công nhận tái nhập cảnh đối với chương trình thực tập sinh nước ngoài, nhưng công nhận việc tái nhập cảnh đối với thực tập sinh ngành xây dựng với tư cách "hoạt động đặc thù”, nếu đã về nước trên 1 năm sẽ chấp nhận tái nhập cảnh và thời gian cư trú tối đa là 3 năm. Chính phủ và Ngành xây dựng Nhật Bản sẽ lập ra hội đồng giám sát để tăng cường quản lý thể chế, không để người nước ngoài làm việc trong thời gian dài, hoặc chỉ giới hạn cho phép đối với những đoàn thể không có hành vi vi phạm trong 5 năm trở lại đây.
Thế còn với chương trình tiếp nhận thực tập sinh trong ngành nông nghiệp, khả năng tiếp nhận lao động Việt Nam sẽ như thế nào, thưa ông?
- Với chương trình thực tập sinh trong lĩnh vực nông nghiệp, Nhật Bản hiện đang mở rộng cửa bởi cả hai nước hiện đang tăng cường thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này. Để thúc đẩy việc này, Sứ quán và các cơ quan quản lý trong nước đã thống nhất phải tăng cường đi xuống các địa phương của Nhật Bản có nhu cầu tiếp nhận lao động nông nghiệp. Năm ngoái, Đại sứ quán ta đã ký với tỉnh Ihime, có nhu cầu tiếp nhận 1.000 thực tập sinh ở lĩnh vực chế biến thủy sản và dệt may. Dự kiến tới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) sẽ sang ký hợp đồng với tỉnh Ibaraki, tỉnh đứng thứ hai về nông nghiệp của Nhật Bản. Tỉnh này đang có 3.000 thực tập sinh nước ngoài, Việt Nam có khoảng 200 người. Ông tỉnh trưởng cũng mong muốn được tiếp nhận nhiều thực tập sinh Việt Nam.
Có thể thấy đây là tín hiệu mừng cho thị trường XKLĐ Việt Nam. Tuy nhiên, cũng là áp lực rất lớn bởi phải đảm bảo chất lượng lao động. Nắm tình hình thực tế tại Nhật Bản, đồng thời tham dự nhiều cuộc tiếp xúc với các nghiệp đoàn, các DN Nhật Bản, ông thấy họ đánh giá thế nào về chất lượng lao động Việt Nam?
- Đúng là tín hiệu mừng. Bởi thực tế thị trường Nhật vẫn có nhiều cơ hội dành cho lao động Việt Nam. Điều này được khẳng định. Về mặt khách quan thì quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản đang rất tốt. Cùng với đó là luồng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam lớn, thông qua hoạt động hợp tác lao động, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng mong muốn đào tạo nguồn nhân lực cho họ. Về mặt chủ quan thì Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản có chủ trương đẩy mạnh lĩnh vực này.
Chúng tôi đã đi đến từng hộ gia đình sử dụng thực tập sinh Việt Nam. Điều kiện làm việc đảm bảo. Gia đình chủ nhà rất thoải mái, tin tưởng giao việc. Mức lương làm nông nghiệp tháng không phải vụ mùa bình quân đạt 800 USD, vào vụ mùa thì 1.400 USD/tháng. Dệt may bình quân đều đều 1.000 USD/tháng. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, qua những lần tiếp xúc các đối tác tôi thấy, điều đáng lưu ý nhất là đào tạo khả năng tiếng Nhật cho lao động. Cho dù lao động Việt Nam được doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao về độ chăm chỉ, sáng tạo, chỉ duy nhất khả năng tiếng Nhật vẫn là rào cản lớn nhất để các bạn có thể hòa nhập nhanh với công việc và cuộc sống tại Nhật Bản. Về việc này, ĐSQ Việt Nam tại Nhật Bản cũng có gặp các tổ chức phi lợi nhuận của Nhật Bản để nhờ họ giới thiệu cho mình người Nhật tình nguyện sang giúp các DN Việt Nam dạy tiếng Nhật cho lao động.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng có yêu cầu bộ phận lao động trong nhiệm kỳ 3 năm, mỗi năm tăng lên 1.000 lao động. Chúng ta đã đạt được khá thành công. Năm 2011 đưa được 7.000 thực tập sinh; năm 2012 hơn 8.000, năm 2013 hơn 10.000. Năm nay phấn đấu tăng lên 11.000 thực tập sinh. Chúng tôi đặt mục tiêu làm sao vừa tăng vừa phải đảm bảo sự ổn định. Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản sẽ phối hợp với cơ quan quản lý trong nước cùng với doanh nghiệp để làm tốt các hợp đồng.
Theo Daidoanket.vn