1.Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân:
Điểm mới quan trọng cần lưu ý là đối với trường hợp công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đồng thời có quốc tịch nước ngoài sẽ phải cung cấp Giấy chứng minh tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và Giấy chứng minh tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó mang quốc tịch. Cụ thể văn bản quy định như sau:
“ - Đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài (không đồng thời có quốc tịch nước ngoài) nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện tại nước mà người đó cư trú cấp hoặc giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, nơi người đó cư trú cấp.
- Đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài (đồng thời có quốc tịch nước ngoài) phải nộp giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó có quốc tịch cấp và Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
- Đối với người không quốc tịch cư trú ổn định lâu dài tại Việt Nam phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó cư trú cấp.”
2. Các trường hợp phải đến tư vấn tại Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.
Thông tư số 22/2013/TT-BTP cũng quy định cụ thể các trường hợp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài phải đến Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (Do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cấp tỉnh thành lập) để được tư vấn và cấp Giấy xác nhận đã tư vấn kết hôn mới giải quyết cho đăng ký kết hôn, bao gồm:
- Hai bên chênh lệch nhau từ 20 tuổi trở lên;
- Người nước ngoài kết hôn lần thứ ba hoặc đã kết hôn và ly hôn với vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam;
- Hai bên chưa hiểu biết về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh cá nhân của nhau; không hiểu biết về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa, pháp luật về hôn nhân và gia đình của mỗi nước.
Riêng trường hợp công dân Việt Nam thông thạo ngôn ngữ mà người nước ngoài sử dụng hoặc người nước ngoài thông thạo tiếng Việt, đồng thời kết quả phỏng vấn tại Sở Tư pháp cho thấy hai bên có sự hiểu biết về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh cá nhân của nhau, hiểu biết về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa, pháp luật về hôn nhân gia đình của mỗi nước, thì không phải bổ sung Giấy xác nhận của Trung tâm.
3. Phỏng vấn trong trường hợp công dân Việt Nam cư trú trong nước xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài
Theo Thông tư số 22/2013/TT-BTP, Sở Tư pháp sẽ tiến hành phỏng vấn đối với người có yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để làm rõ sự tự nguyện, mục đích kết hôn của công dân Việt Nam; sự hiểu biết của công dân Việt Nam về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh cá nhân của người nước ngoài, về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa, pháp luật về hôn nhân và gia đình của quốc gia, vùng lãnh thổ mà người nước ngoài cư trú.
Ngoài ra, khi phỏng vấn bên công dân Việt Nam cho thấy thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Sở Tư pháp sẽ yêu cầu bên người nước ngoài về Việt Nam để phỏng vấn làm rõ:
- Hai bên chênh lệch nhau từ 20 tuổi trở lên;
- Người nước ngoài kết hôn lần thứ ba hoặc đã kết hôn và ly hôn với vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam;
- Công dân Việt Nam không hiểu biết về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh cá nhân của người nước ngoài; không hiểu biết về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa, pháp luật về hôn nhân và gia đình của quốc gia, vùng lãnh thổ mà người nước ngoài cư trú;
- Người yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho biết sẽ không có mặt để đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài.
4. Từ chối cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân:
Một điểm mới cần lưu ý nữa là Thông tư số 22/2013/TT-BTP cũng quy định rõ là Ủy ban nhân dân cấp xã từ chối cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trong trường hợp:
“Công dân Việt Nam đề nghị cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của nước ngoài tại Việt Nam.”
Theo kieubaoviet.vn