Người Việt Odessa
Mục hỏi đáp

Những người nặng lòng với tiếng Việt

Thứ sáu, 25/04/2014 | 14:00
Từ quyết tâm giáo dục và bảo tồn tiếng mẹ đẻ cho thế hệ tiếp nối người gốc Việt ở Sydney nói riêng và Australia nói chung, liên trường văn hóa Việt Nam (VCSA) đã và đang trở thành biểu tượng của sự lớn mạnh theo thời gian, hoạt động bền vững qua năm tháng và mức độ thành công.
 
Những người nặng lòng với tiếng Việt 
 
Các em học sinh ở trường Bankstown trực thuộc VCSA
 
Ông Võ Liêm, Tổng Hiệu trưởng VCSA, cho biết: "Mọi việc bắt đầu vào năm 1982 với một lớp học nhỏ bé, số lượng học sinh vỏn vẹn chỉ 10 em. Từ đó, những lớp học khác dần thành hình để tiếp nối một thời gian dài thành 6 trường dạy tiếng Việt tại  6 địa điểm có đông dân cư gốc Việt nhất ở Sydney, trải dài từ Marickville xuống tới Cabramatta. Tính đến nay, ngôi trường lớn nhất (tính về diện tích, số phòng học…) trong nhóm VCSA là trường Bankstown, cũng là trường ngoại ngữ lớn nhất bang New South Wales với hơn 850 học sinh gốc Việt. Lớn thứ hai là trường Canley Ville gồm 720 học sinh, Thứ ba là trường Marrickville  với khoảng 200 em. Tại tất cả các trường, chúng tôi chủ trương các em tới đây không chỉ để học đọc, học viết, học nghe học nói tiếng Việt mà còn đặt nặng vấn  đề văn hóa bởi chúng tôi nghĩ rằng văn hóa Việt Nam chính là nền tảng của gia đình người Việt khi sống nơi xứ người.
 
   "Tính bình quân hiện có hơn 80 giáo viên rải đều ra 6 trường của nhóm VCSA, trong đó thầy cô nào tham gia đứng lớp ở những trường lớn và đông như Bankstown và Canley Ville phải phụ trách cả lớp sáng và lớp chiều. Các giáo viên một số trước đã từng đứng lớp rồi, một số thì chưa. Với những ai chưa có kinh nghiệm dạy học hoặc chưa có bằng dạy ngôn ngữ thì  phải qua một khóa đào tạo 6 tháng mà Bộ Giáo dục tiểu bang New South Wales yêu cầu. Nhìn chung, ngay từ lúc đầu, nghĩa là hơn ba chục năm về trước, các giáo viên giảng dạy hoàn toàn thiện nguyện mà thôi. Dần dà sau đó chúng tôi quyết định trả một số thù lao chứ không gọi là tiền lương. Bởi nếu mang so sánh với một giáo viên tại Australia, đó chỉ là một con số phụ cấp nhỏ chứ không phải tiền lương bình thường như các giáo viên khác. Thật ra các giáo viên của chúng tôi cũng không đặt nặng vấn đề thù lao, cho thấy phần nhiều vì họ yêu trẻ, yêu nghề mà dạy tiếng Việt cho các em ở Sydney nói riêng và Australia nói chung...”. - Ông Liêm chia sẻ.
 
Vietnamese Cultural Schools Association (Liên Trường Văn hóa Việt Nam – gọi tắt VCSA) bao gồm hệ thống 6 trường Việt ngữ  với tổng cộng trên 2 nghìn học sinh, thuộc 6 quận  hạt tại  thành phố Sydney, bang New South Wales, Australia
 
Là những người mang tâm huyết, nặng lòng với công tác giáo dục, nhất là dạy  tiếng Việt trên một đất nước mà Anh ngữ là ngôn ngữ chính, chưa kể đặc  điểm khác là  được sự tài  trợ của Bộ Giáo dục tiểu  bang New South Wales, thầy Võ Liêm cùng các giáo viên cộng tác với ông phải tạo cho Liên Trường Văn Hóa Việt Nam Sydney một hệ thống điều hành và hoạt động đúng tiêu  chuẩn giáo dục cũng như pháp lý của tiểu bang. Đây là một việc làm không dễ dàng nếu thiếu trình độ chuyên môn. Thầy Võ Liêm nói thêm: "New South Wales cũng như các tiểu bang khác tại Australia, mỗi tiểu bang thường tự ấn định lấy số kinh phí mà chính quyền tiểu bang dành cho mỗi em đi học ngôn ngữ. Việc này không chỉ áp dụng cho tiếng Việt mà cho tất cả các ngôn ngữ khác. Hiện tại khi đi học như vậy thì mỗi em được chính quyền hỗ trợ 120 AUD cho cả năm học. Số tiền tài trợ này giúp ban điều hành VCSA sử dụng chi trả thù lao cho các giáo viên, trang trải chi phí thuê mướn phòng ốc của các trường học, bên cạnh những phí tổn khác liên quan đến các hoạt động học đường trong đó có việc biên soạn sách giáo khoa cho học sinh. Vì  có quá ít nguồn sách giáo khoa ở bên Việt Nam chuyển sang, do vậy chúng tôi phải cử ra một nhóm giáo viên  giàu kinh nghiệm, cùng ngồi lại với nhau và tự mình viết sách lấy!”.
 
   Cũng tại Australia, nơi có khoảng 250 nghìn người Việt sinh sống, thường được cho là khá thuận lợi vì quốc gia này luôn xem trọng chính sách đa văn hóa. Bộ Giáo dục Australia công nhận tín chỉ tiếng Việt, hỗ trợ cho mỗi học sinh như trường hợp của VCSA hay những trường tiếng dạy Việt khác ở Melbourne, Brisbane hay Adelaide chẳng hạn. Hiệu trưởng Trịnh Thị Cách vốn là một nữ tu sĩ. Bà đã nhiều năm gắn bó với ngôi trường Bankstown. Bằng một giọng trầm ngâm xúc động, bà Cách bày tỏ: "Mục đích của nhà trường là truyền  đạt văn hóa Việt đến các em nhỏ sinh ra tại Úc. Hầu hết các em đều thuộc thế hệ thứ 3 của người Úc gốc Việt. Vì thế, nhu cầu đọc và nói tiếng Việt là điều rất cần thiết. Ngoài việc dạy văn hóa, chúng tôi còn phải dạy cho các cháu hiểu lễ giáo, nhân cách, phong tục tập quán và truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. 
 
Bằng những việc làm thiết thực từ những bàn tay nhỏ bé, các em sẽ tham gia đóng góp công sức của mình nhằm xoa dịu những nỗi đau của những mảnh đời bất hạnh trên toàn thế giới. Cũng đã có những lần chính các em quyên góp giúp đỡ những người cơ nhỡ kém may mắn ở quê nhà. Ngoài ra, trường còn là nơi các phụ huynh người Việt gặp gỡ nhau chia sẻ những vui buồn và giúp  đỡ nhau những lúc cần thiết…”./.
 
Theo Đại đoàn kết

Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN