Người Việt Odessa
Mục hỏi đáp

Lừa đảo xuất khẩu lao động - bài cũ vẫn mắc: Bài 1: Tan giấc mơ đổi đời

Chủ nhật, 20/04/2014 | 14:00
Ở nhiều vùng quê nghèo, người dân luôn ước ao có phép màu giúp cuộc sống đỡ túng bấn hơn. Với họ, phép màu đó chính là được đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Do vậy dù không có tiền, những người nông dân cũng cố thu xếp một khoản vài chục triệu bằng cách bán thóc, vay mượn, cầm cố sổ đỏ... để "đặt cọc” cho mơ ước đổi đời của m&ig

Lừa đảo xuất khẩu lao động - bài cũ vẫn mắc: Bài 1: Tan giấc mơ đổi đời

Những công ty có uy tín trong xuất khẩu lao động chu đáo đón tiếp người lao động từ Lybia trở về năm 2011

(Ảnh: Hoàng Long)

Nắm được tâm lý đó của người dân, khá nhiều đối tượng bằng đủ các chiêu trò đã lừa đảo, chiếm đoạt những đồng tiền mồ hôi nước mắt của họ. Khi những kẻ lừa đảo cao chạy xa bay, để lại biết bao mảnh đời khốn khổ, những khoản nợ chồng chất, nhà cửa có nguy cơ bị ngân hàng phát mại... Bao năm qua, nhiều kẻ lừa đảo đã phải ra trước vành móng ngựa, cùng với đó là biết bao người rơi vào đường cùng vì trót "đánh bạc” với số phận. Vậy nhưng số người bị lừa đảo đến trắng tay vẫn tiếp tục gia tăng.


Ước vọng vượt khó khiến nhiều người dân, đặc biệt là nông dân liều lĩnh cầm cố, vay mượn để có tiền "lo” đi XKLĐ. Chính khát vọng đổi đời nhanh chóng làm cho họ dễ bị sập bẫy của các đối tượng lừa đảo. Chỉ đến khi chúng mất hút cùng với số tiền mà cả đời làm lụng cũng không có được, họ mới ngã ngửa người khi biết đã trao trứng cho ác.

Từ nhu cầu việc làm...

Nghệ An là một trong những tỉnh có số lượng người ở độ tuổi lao động lớn, nhu cầu việc làm hết sức cấp thiết. Ở các vùng dân cư trong toàn tỉnh Nghệ An, từ lao động phổ thông đến sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng còn thất nghiệp khá nhiều do không xin được việc làm. Nhu cầu có việc làm là nỗi khao khát đến cháy bỏng của họ.

Vì nhu cầu việc làm không được đáp ứng nên nhiều người dân đã bị các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo cũng là điều dễ hiểu. Theo thống kê, Nghệ An là tỉnh có số lượng lao động đi làm ăn xa ở miền Nam, Hà Nội, Hải Phòng... thuộc "top” đầu. Do lực lượng lao động khá dồi dào, trong khi khả năng đáp ứng việc làm lại hạn chế nên Nghệ An trở thành "mảnh đất béo bở” cho các đối tượng lừa đảo. Theo thống kê, trong 5 năm trở lại đây, Nghệ An đã xảy ra gần 10 vụ lừa đảo XKLĐ, nhẹ thì làm được vài tháng rồi về, nặng thì bị lừa mất tiền, thậm chí mất mạng.

Là người ngậm quả đắng khi gặp phải đường dây lừa đảo XKLĐ, ông Nguyễn Quang (huyện Gia Bình, Bắc Ninh) vẫn chưa hết bàng hoàng và bức xúc. Trong ngôi nhà không được tươm tất là mấy, ông Quang đỏ khóe mắt nói trong uất ức: "Chỉ vì thằng con không có việc làm, sợ nó lông bông sinh hư mà gần 60 tuổi tôi vẫn bị lừa. Bỗng dưng gia đình lâm vào cảnh nợ nần cùng những đàm tiếu của bà con lối xóm. Đau quá chú ạ...”.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - bài cũ vẫn mắc: Bài 1: Tan giấc mơ đổi đời

Người lao động cần tìm hiểu kỹ để đăng kí ở những địa chỉ tuyển dụng có uy tín

... Đến ước mong làm giàu nhanh chóng

Điều đáng buồn là nhiều người dân, nhất là bà con nông dân không chỉ mong ước có một việc làm chính đáng, mà còn có khát khao làm giàu một cách nhanh chóng. Trông thấy trong xóm, làng có một số gia đình có người đi XKLĐ gửi về toàn "tiền Mỹ”, anh Nguyễn Hoàng Trung (huyện Yên Dũng, Bắc Giang) không khỏi "sốt sình sịch”. "Nhìn gia đình họ cũng cảnh nông dân chân lấm tay bùn như mình, vậy mà từ khi có thằng con đi Hàn Quốc, họ xây cái nhà to nhất làng, sắm sanh đủ thứ tiện nghi đắt tiền. Mình cũng đang vay mượn anh em họ hàng, nếu cần bán thêm vài tạ thóc để lo cho thằng cu lớn đi Nhật...” - anh Trung chia sẻ.

Chúng tôi giật mình với suy nghĩ hết sức giản đơn của anh nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Có lẽ do làm lụng quá vất vả nên tối về anh chẳng buồn ngó ngàng đến chương trình thời sự trên tivi, còn báo chí thì đương nhiên là không có để đọc rồi, vậy nên anh không biết vừa có rất nhiều người ở tỉnh Bắc Ninh, Nghệ An bị lừa mất tiền chỉ vì ham muốn làm giàu nhanh chóng bằng hình thức đi XKLĐ. "Ôi dào, lừa thế nào được, tôi có phải đầu đất đâu. Hơn nữa, toàn người quen giới thiệu, lo gì...” - anh Trung cười vang trả lời câu hỏi của chúng tôi.

Mới đây thôi, trong những ngày đầu tháng 4, tại các huyện Yên Thành, Tân Kỳ, Đô Lương... của tỉnh Nghệ An, cơ quan chức năng đã điều tra, triệt phá đường dây lừa đảo XKLĐ, do 3 đối tượng Ngô Thu Lý, Giáp Văn Trung (đều trú tại xã Việt Lập, huyện Tân Yên, Bắc Giang), Chu Ngọc Lâm (trú tại xã Tiến Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) cầm đầu. Theo điều tra, trong vòng nửa năm (từ tháng 6-2013 đến cuối tháng 12-2013), các đối tượng này đã làm giả giấy tờ hồ sơ của nước ngoài, giả mạo cán bộ, thu tiền (có hóa đơn) và cam kết với nhiều người dân là sẽ "chạy” cho đi XKLĐ sang Hàn Quốc, Canada... với mức lương "khủng”.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - bài cũ vẫn mắc: Bài 1: Tan giấc mơ đổi đời

Đón lao động từ Lybia về nước năm 2011 (Ảnh: Hoàng Long)

Bị lừa ngoạn mục

Theo lời kể của ông Nguyễn Quang, trong lúc hai đứa con trai học xong chưa có việc làm thì ông gặp người phụ nữ có tên là Trần Thị Phương. Phương vốn chẳng có chức quyền và tài cán gì, mà chỉ đơn giản là một phụ nữ ở miền quê Hải Quang (huyện Hải Hậu, Nam Định).

Để dân tin, Phương đã đi xe hơi "xịn” và lấy danh nghĩa là người của Trung tâm XKLĐ. Bằng tài ăn nói và khả năng tự đánh bóng mình, Phương cho biết mình có khả năng đưa người đi đến tất cả mọi nơi để làm việc, với chi phí thấp nhưng thu nhập lại cao. Nghe Phương thuyết dụ, cũng như nhiều người nông dân khác ở miền quê Gia Bình, ông Nguyễn Quang đã tin ngay chỉ với một tấm card visit mà nữ quái này đưa cho.

Giá chi phí mà Phương đưa ra chỉ 2000-4000 USD/suất đi Malaysia và Đài Loan. Thấy "rẻ”, không nề hà ông Nguyễn Quang đã đăng ký liền một lúc cho 2 đứa con trai. Ông và gia đình hy vọng chỉ sau thời gian đi sang "trời Tây” làm việc thì con ông sẽ có thu nhập để gửi về cho ông trang trải nợ nần và sau đó sẽ là tiền dôi dư để kiến thiết gia đình. Sau khi vay mượn, ông Nguyễn Quang đã đem tiền xuống nộp cho Phương tại một văn phòng ở La Khê (quận Hà Đông, Hà Nội). Thêm một "đòn” để gia đình ông Quang gục hẳn, Phương làm ra vẻ vì giá rẻ nên ông phải tự túc khoản học tiếng Đài Loan cho hai đứa con. Vì đã đưa chân vào tròng nên cực chẳng đã ông Nguyễn Quang phải tiếp tục vay tiền để cho con đi học tiếng. Tuy mất thêm tiền, nhưng niềm tin với Phương trong ông đã trở thành tuyệt đối. Chỉ đến khi đối tượng này bị cơ quan công an "sờ gáy”, ông mới ngã ngửa vì bị lừa.

Gia đình ông Quang chỉ là một trong số hàng trăm gia đình nông dân khốn khổ khác bị lừa mất hết số tiền dành dụm được, cộng thêm các khoản nợ chồng chất đè lên vai. Trong hàng trăm trường hợp bị lừa đảo XKLĐ mà cơ quan công an vừa triệt phá tại Nghệ An và Bắc Ninh, đa số đều là những người nông dân một nắng hai sương, chân lấm tay bùn bỗng dưng bị lâm vào cảnh nợ nần khốn cùng, thậm chí có gia đình còn có nguy cơ bị phát mại chính căn nhà và mảnh đất cha ông để lại. Theo cơ quan điều tra, đa số những trường hợp bị lừa đảo XKLĐ đều do nhu cầu có việc làm, ham muốn làm giàu nhanh chóng nên dễ bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng.

Theo Daidoanket.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN