Người Việt Odessa
Mục hỏi đáp

Trừng phạt thân thể trẻ em nên hay không?

Thứ năm, 20/03/2014 | 15:00
Gần đây các phương tiện thông tin đại chúng đề cập nhiều đến việc giáo viên, cha mẹ phạt học sinh, con em của mình bằng những hình thức hết sức nghiêm khắc gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển của các em. Dư luận chung tỏ thái độ bất bình, thậm chí phẫn uất với những trường hợp như một cô giáo

 

Khi được biết những trường hợp đó, ai cũng phản đối hành vi ngược đãi trẻ em tàn bạo của những bậc thầy cô, cha mẹ này. Thế nhưng, không ít người vẫn tiếp tục dùng roi hay mắng chửi con em mình khi các em phạm lỗi. Họ nghĩ rằng đó là để dạy các em nên người, cũng như ông bà, cha mẹ và thầy cô đã từng làm với mình khi mình còn thơ ấu. Chúng ta lên án và phán xét những hành vi ngược đãi trẻ em được nêu trên đài báo, nhưng lại chấp nhận việc mình hoặc hàng xóm đánh con vì mọi người đều cho rằng việc đánh con là để dạy dỗ con. Điều đó nên hay không?

Trong một lần tham dự một cuộc hội thảo về giáo dục, chúng tôi có dịp nói chuyện với một giáo viên mà tôi rất kính trọng về những nỗ lực không mệt mỏi để tạo cơ hội được học tập bình đẳng cho học sinh của mình. Vị giáo viên này luôn khẳng định đòn roi không giúp cho các em học nên người mà những lời khuyên răn giải thích và bảo ban sẽ có tác dụng tích cực hơn. Vậy mà, chính ông lại nói với tôi rằng ông sẵn sàng phát nhẹ vào mông của cháu mình khi cháu nghịch và không vâng lời.

Trừng phạt thân thể trẻ em không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà đây là một vấn đề mang tính toàn cầu bất kể địa lý, điều kiện kinh tế, tôn giáo và văn hoá. Ngay cả những nước đã phát triển, trừng phạt thân thể trẻ em vẫn diễn ra cho dù ở một số quốc gia, việc trừng phạt thân thể trẻ em đã bị luật pháp nghiêm cấm và có hình thức xử lý đích đáng với những người vi phạm.

Công Ước Quốc tế về Quyền trẻ em, trong đó Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới thông qua, đặc biệt bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực (điều 19) và các hình phạt tàn bạo, làm mất phẩm giá và mất nhân tính (điều 37). Công ước cũng yêu cầu kỷ luật của nhà trường cần phù hợp với nhân phẩm của trẻ em và phù hợp với công ước này (điều 28.2). Liên quan đến tác hại của trừng phạt thân thể có thể có đối với việc đến trường và học tập của trẻ, điều 28 cũng quy định quyền được học bậc tiểu học của trẻ và yêu cầu các quốc gia thành viên phải có những biện pháp để khuyến khích trẻ đến trường đầy đủ và giảm tỷ lệ bỏ học.

Trừng phạt thân thể là gì?

Theo Liên Minh các Tổ chức Cứu trợ Trẻ em thì Trừng phạt thân thể là hành vi sử dụng vũ lực và để gây ra đau đớn nhưng không gây thương tích. Hành vi này được sử dụng như một hình thức kỷ luật và bao gồm hai hình thức như sau:

- Trừng phạt thể xác có thể bao gồm: việc đánh trẻ bằng tay hay đồ vật (như gậy, thắt lưng, roi, giày...) đá, lắc, ném, véo, giật tóc, buộc trẻ phải ngồi hay quỳ... trong các tư thế khó chịu hay nhục hình, hay buộc trẻ phải thực hiện quá mức các bài tập thể lực, đốt hay đe doạ trẻ.

- Sỉ nhục hay hạ thấp nhân phẩm: gồm nhiều hình thức như trừng phạt về tinh thần, chửi bới, mỉa mai, xa lánh hay bỏ mặc trẻ.

Cha mẹ và người lớn thường lấy những lý do sau đây để biện minh cho việc trừng phạt thân thể trẻ em:

- Khi bị phạt nặng, trẻ em sẽ tôn trọng người lớn hơn và vâng lời hơn và học được điều hay lẽ phải và không tiếp tục phạm lỗi nữa

- Cha ông ta vẫn thường dạy là “Thương cho roi cho vọt” đấy thôi

- Chúng ta cần làm thế vì sự an toàn của trẻ: làm sao chúng ta có thể ngăn trẻ không làm bỏng mình hoặc chạy ra đường có nhiều xe cộ?

- Nuôi dạy trẻ là việc nội bộ gia đình chứ không phải là việc của hàng xóm, của cộng đồng hay của nhà nước.

- Cha mẹ, ông bà và thầy cô cũng đã xử sự như thế với tôi nên tôi mới nên người. Giờ đây tôi áp dụng các hình thức này với con cái tôi để mong chúng nên người.

- Cha mẹ và thầy cô chịu những áp lực khủng khiếp như áp lực về kinh tế, áp lực công việc vì vậy, họ trở nên thiếu kiên nhẫn và trừng phạt thân thể cũng là một biện pháp giáo dục có hiệu quả do đó không nên cấm trừng phạt thân thể cho đến khi mọi người không phải đối phó với các áp lực này nữa.

Đa số những lý lẽ này được sử dụng cho đến tận gần đây để bào chữa cho việc đánh vợ, đánh con cái, học sinh của mình hoặc bạo lực gia đình. Tuy nhiên có nhiều gia đình đã chọn cách giáo dục con cái bằng cách khuyên răn, giải thích, hướng dẫn và chỉ áp dụng các biện pháp kỷ luật không dùng đòn roi hoặc mắng mỏ để con cái họ lớn lên trong một môi trường an toàn với tràn đầy tình thương yêu.

Hậu quả của trừng phạt thân thể

Việc trừng phạt thân thể có thể đem lại hiệu quả tức thời nhưng trẻ em chỉ phục tùng vì sợ hãi hơn là hiểu rõ tại sao mình cần làm việc này. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những trẻ nhỏ hơn thường không nhớ tại sao các em bị đánh và chỉ khi bị doạ đánh thì các em mới không có hành vi sai trái. Trừng phạt thân thể không dạy các em tính kỷ luật, cũng không dạy các em thực hiện các hành vi ứng xử phù hợp.

Khi bị trừng phạt thân thể trẻ em cảm thấy: “đau đớn, sợ hãi, không được yêu thương, hoảng sợ, lo lắng, cô đơn, bị bỏ mặc, bị đe doạ, bị làm phiền, ốm, tồi tệ, bị xâm hại thân thể, căm ghét, tổn hại về tình cảm, bất hạnh, kinh khủng, xấu hổ, bối rối, phẫn uất, bị xao nhãng, bị chọc quê, thất vọng, khốn khổ, rụt rè, không được chăm sóc, không được hoan nghênh, đau tim, chán chường, sốc”.

Một cuộc trưng cầu ý kiến đã được thực hiện với hơn 80% trẻ em châu Âu và Nam Á, 3/4 trong số đó cho rằng đánh đập trẻ không bao giờ là giải pháp tốt. Khi bị mắng chửi bất công, 1/3 trẻ em phản ứng bằng cách im lặng.

Tổn thương thân thể.

Theo các nghiên cứu, trẻ em bị trừng phạt thân thể có thể bị những thương tổn nghiêm trọng và để lại những tổn hại lâu dài, thậm chí gây ra tử vong. Tất nhiên không bậc cha mẹ, thầy cô hay người lớn nào mong muốn con cái mình bị thương hay tử vong khi trừng phạt thân thể chúng để dạy dỗ, tuy nhiên vẫn có những sự thật thương tâm về những tai nạn vô tình của người lớn.

Tổn thương tâm lý

Nghiên cứu cho thấy nhiều hậu quả tâm lý có hại cho trẻ em bị trừng phạt về thân thể cả lâu dài và trước mắt. Trừng phạt thân thể tăng nguy cơ nảy sinh các vấn đề xã hội và tâm lý ở trẻ em như bạo lực hoặc trầm cảm. Bạo lực luôn dẫn đến bạo lực - một số nghiên cứu cho thấy là những người làm cha mẹ hay thầy cô giáo hay đánh dập học sinh là do từ nhỏ họ bị đánh đập, sỉ nhục hoặc nhiếc móc, và họ học được việc chấp nhận người lớn hơn, mạnh hơn dùng vũ lực để ép buộc một người yếu thế hơn phải vâng lời là một chuyện bình thường. Và vì thế không ai ngạc nhiên khi những hậu quả chính của trừng phạt thân thể thời thơ ấu tăng tỷ lệ thuận với mức độ là hành động gây hấn và là các hành vi hình sự, phản xã hội thời thơ ấu cũng như khi trưởng thành sau này. Trẻ em khi bị đánh đập, nhiếc móc, bỏ rơi thường cảm thấy buồn, đau khổ và bất lực. Các em cảm thấy xấu hổ và bẽ mặt hoặc cảm thấy bất công khi không được lắng nghe.

Ành hưởng tiêu cực đến việc học tập

Ở nước ta việc trừng phạt thân thể trong môi trường giáo dục đã bị cấm. Tuy nhiên, trong thực tế việc này vẫn diễn ra. Nhiều phụ huynh đã đề cập đến mối liên hệ giữa trừng phạt thân thể và việc bỏ học của học sinh. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng nhiều trẻ em đã tránh bị trừng phạt thân thể bằng cách chuyển trường hay bỏ học. Những hình phạt thân thể ít nghiêm trọng hơn cũng gây hại đến việc học tập của trẻ em. Trẻ em học hỏi thông qua khám phá, hỏi han, thử nghiệm; chúng cần tự do để làm thí nghiệm, để tự suy nghĩ, để mạo hiểm. Nếu chúng ta duy trì kỷ luật thông qua việc doạ dẫm khiến trẻ sợ hãi, tất cả những điều kiện dẫn đến thành công này sẽ biến mất.

Thực tế chưa có gì chứng minh rằng chỉ có trừng phạt thân thể mới có thể giúp quản lý được học sinh. Về mặt nguyên lý, trừng phạt thân thể là một hành động không thể hiểu được trong một hệ thống giáo dục về cơ bản dựa vào quyền trẻ em. Một hệ thống giáo dục trợ giúp giáo viên xây dựng mối quan hệ tin tưởng với trẻ em, tạo cơ hội cho trẻ em hỏi han, thách thức, phân tích và tự học hỏi, khuyến khích tôn trọng bình đẳng lẫn nhau thì ắt hẳn không có chỗ dành cho hành hạ thân thể, điều chỉ làm xói mòn nền tảng của cách tiếp cận học và dạy này.

Hậu quả đối với cha mẹ và xã hội

Người ta thường nghĩ rằng trừng phạt thân thể chỉ để lại hậu quả đối với trẻ em chịu hình phạt này nhưng cha mẹ và xã hội cũng chịu ảnh hưởng. Nhiều cha mẹ áp dụng trừng phạt thân thể vì không biết cách nào khác để xử lý mâu thuẫn, và sau đó họ hối hận vì đã làm việc đó.

Những trẻ em thường xuyên bị trừng phạt thân thể có xu hướng phản ứng đối xử như vậy với những người khác yếu thế hơn. Một em bé thường bị cha chửi mắng, đánh đập, cũng lặp lại y hệt những điều như vậy với em của mình. Nhiều tội phạm hình sự có tiền sử bị đánh đập, nhục mạ thường xuyên khi còn bé và sử dụng hành vi phạm tội như một cách phản ứng đối với bất công mà mình đã phải chịu.

Vi phạm Quyền trẻ em

Việc áp dụng trừng phạt thân thể trên khắp thế giới dường như mâu thuẫn với nguyên tắc trẻ em “là những con người như chúng ta”, là những con người có quyền. Người lớn đối xử với trẻ em theo cách mà người ta thường không dùng để đối xử với người lớn, ví dụ như đánh đập ai đó khi người đó cư xử không theo cách mong muốn. Thực ra người lớn đánh đập trẻ em vì người ta có thể làm điều đó và nhiều xã hội chấp nhận và ủng hộ nhưng trừng phạt thân thể chấm dứt khi trẻ trưởng thành, khi lạm dụng sức mạnh không được chấp nhận nữa.

Về mặt lịch sử, có lẽ trẻ em là nhóm cuối cùng được pháp luật bảo vệ khỏi hành hạ thân thể. Trong những kỷ nguyên trước, đánh đập vợ, người hầu, tù nhân, binh lính và nô lệ được chấp nhận cả về xã hội và pháp luật. Ngày nay chỉ còn rất ít quốc gia coi những hành động trên là hợp pháp, mặc dù họ vẫn duy trì một cách bất hợp pháp. Chỉ ở đâu liên quan đến trẻ em chúng ta dường như mù mờ về quyền trẻ em với tư cách là những con người.

Thế giới và khu vực đã làm những gì trong phong trào chống lại việc trừng phạt thân thể?

Phong trào chống lại việc trừng phạt thân thể được bắt đầu từ những năm 1985 tại Tây Ban Nha với phong trào “Hãy giáo dục, đừng đánh mắng”. Chương trình này đã thành công và đã đóng góp rất nhiều vào việc thay đổi nhận thức của cha mẹ về cách giáo dục con cái.

Liên Minh các Tổ chức Cứu Trợ trẻ em quốc tế đã bắt đầu phong trào mang tính toàn cầu nhằm chấm đứt tất cả các hình thức trừng phạt thân thể trẻ em trên toàn thế giới với khẩu hiệu ”Chấm dứt trừng phạt thân thể trẻ em- Biến thành hiện thực” từ năm 2001.

Ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, năm 2001 UNICEF thực hiện một nghiên cứu toàn khu vực xác định rằng bạo lực đối với trẻ em, trong đó có trừng phạt thân thể ảnh hưởng đến việc phát triển của trẻ em. Tháng 2/2003 Liên Minh các Tổ chức Cứu Trợ trẻ em quốc tế tổ chức hội thảo của Liên minh trên toàn cầu để nhận dạng việc trừng phạt thân thể trẻ em, định dạng các mô hình thành công và xác định các chiến lược thích hợp trong việc chống lại việc trừng phat thân thể trẻ em. Năm 2001, Liên hợp quốc thông qua việc tiến hành một cuộc điều tra có qui mô toàn cầu về bạo lực đối với trẻ em trong đó trừng phạt thân thể trẻ em là một phần trong cuộc điều tra này. Tháng 2/2003, Liên hợp quốc đã chỉ định Tiến sĩ Paulo Sergio Pinheirolà người Brazil làm điều tra viên độc lập trong cuộc điều tra mang tính toàn cầu này. Tháng 10/2003, Liên Minh các Tổ chức Cứu Trợ Trẻ em Quốc tế trong khu vực bắt đầu có những bước đi đầu tiên để nhận dạng việc trừng phạt thân thể trẻ em trong khu vực tại một hội thảo mang tên: “Tiến đến một chiến lược nhận dạng việc trừng phạt thân thể trẻ em trong khu vực”.

Việt Nam đã làm được những gì chống lại việc trừng phạt thân thể?

Tổ chức Cứu trợ Trẻ Em của Thụy Điển bắt đầu trợ giúp Việt Nam chống lại việc trừng phạt thân thể từ đầu năm 2003. Sau khi tham khảo kinh nghiệm từ các chương trình của các nước bạn và tham gia các hội thảo về chống việc trừng phạt thân thể trẻ em tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và bàn bạc với các đối tác phía Việt Nam, dự án chấm dứt việc trừng phạt thân thể trẻ nằm trong chương trình Bảo vệ trẻ em được hình thành.

Năm 2003, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Thụy điển đã mời Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội thực hiện một nghiên cứu về các tài liệu báo chí đề cập đến việc trừng phạt thân thể trẻ em trong vài năm gần đây.

Kết quả nghiên cứu cho thấy các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như các công trình nghiên cứu chưa đề cập đến vấn đề này một cách riêng biệt và đầy đủ. Những số liệu về trừng phạt thân thể trẻ em chỉ rải rác có trong các báo cáo về bạo lực trong gia đình, bạo lực đối với phụ nữ cho nên việc đưa ra một kết luận về qui mô và mức độ về trừng phạt thân thể trẻ em ở Việt Nam là điều tương đối khó.

Theo những nhận định ban đầu thì trừng phạt thân thể trẻ em trong gia đình, nhà trường, xã hội từ xưa đến nay hầu như được xã hội chấp nhận. Trừ những trường hợp trừng phạt thân thể trẻ em mà ảnh hưởng sâu sắc đến nhân phẩm và tính mạng của trẻ được dư luận và báo chí lên tiếng phản ảnh.

Từ xưa đến nay, lối sống, phong cách của người Việt Nam thường dễ dàng chấp nhận việc giáo dục và dạy dỗ con cái bằng những hình thức nghiêm khắc hơn là những hình thức giáo dục nhẹ nhàng, tình cảm.

Song song với nghiên cứu trên, một nghiên cứu khảo sát thực tế tại địa bàn một xã vùng trung du Bắc bộ. Kết quả khảo sát cũng cho thấy thực trạng trừng phạt thân thể diễn ra trong cộng đồng dân cư và mọi người, đặc biệt là người lớn chấp nhận nó như là một cách giáo dục trẻ em. Một khảo sát khác trên đia bàn Hà Nội cũng được thực hiện và có kết quả tương tự.

Các khảo sát cũng đưa ra những nhận định về sự xâm hại và ảnh hưởng đến Quyền trẻ em khi trẻ bị trừng phạt thân thể và một trong những khuyến nghị là cần phải có sự tham gia điều phối của Uỷ Ban Dân số, Gia đình và Trẻ em để vận động, tuyên truyền và giám sát bảo vệ quyền trẻ em cũng như chấm dứt việc trừng phạt thân thể trẻ em.

Từ kết quả nghiên cứu trên, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Thụy điển đã trao đổi với các cơ quan đối tác như các tổ chức Phi Chính phủ quốc tế cũng như trong nước, các cơ quan của Liên hợp quốc, các cơ quan của chính phủ mà đặc biệt là Uỷ Ban Dân số, Gia đình và Trẻ em và được sự ủng hộ cũng như quan tâm về vấn đề này.

Phòng Tư Vấn thuộc Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em quận Hoàn Kiếm Hà Nội đã thực hiện một khảo sát về trừng phạt thân thể trẻ em tại đia bàn quận Hoàn Kiếm với qui mô nhỏ. Sau khảo sát, các cán bộ của phòng tư vấn đã cùng với nhà trường tổ chức các hội thảo bàn về trừng phạt thân thể và các biện pháp thay thế. Trẻ em tham gia rất tích cực về chủ đề này và các em cũng chia sẻ cảm giác của mình khi bị trừng phat thân thể và những mong đợi của mình ở cha mẹ, thầy cô và người lớn khi các em phạm lỗi. Các em cũng đã vẽ tranh trong các buổi diễn đàn về trừng phạt thân thể.

Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới và gia đình bắt đầu thực hiện dự án “Chấm dứt trừng phạt thân thể trẻ em” trên địa bàn Hà Nội tại trường Tân Trào thuộc quận Hoàn Kiếm, Bồ Đề thuộc quận Gia Lâm và Đinh Tiên Hoàng thuộc quận Đống Đa, dự án bắt đầu vào đầu năm 2004 thông qua việc khảo sát thực trạng trừng phạt thân thể trẻ em sau đó là các hoạt động hội thảo, đào tạo về quyền trẻ em và sự tham gia của trẻ, tư vấn và các hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng về trừng phạt thân thể và đưa đến việc chấm dứt trừng phạt thân thể tiến đến việc sử dụng các biện pháp giáo dục thay thế tích cực, phi bạo lực.

Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em đã tham dự hội thảo khu vực về trừng phạt thân thể trẻ em tại Băng Cốc vào trung tuần tháng 4/2004.

Chúng ta sẽ làm gì để giảm đi việc trừng phạt thân thể?

Câu hỏi này xin dành cho tất cả mọi người, Những ai yêu thương con cái, học sinh và các em nhỏ. Chúng ta luôn mong muốn các em nên người, học được điều hay lẽ phải. Thế nhưng, đôi lúc chúng ta giơ cao ngọn roi, mắng nhiếc lạnh lùng, xa lánh... bởi vì chúng ta không biết cách nào khác nữa. Tuy nhiên về lâu về dài trừng phạt thân thể trẻ không giúp cho chúng ta đạt được mục đích giáo dục trẻ. Để đạt được mục đích trên cần phải có các biện pháp giáo dục tích cực phi bạo lực hay là các biện pháp thay thế để giáo dục con em mình.

Hãy kiên nhẫn, hãy lắng nghe, hãy là người bạn tốt nhất của các em để có được những biện pháp giáo dục tích cực phi bạo lực. Chính cha mẹ, thầy cô và những người chăm sóc và làm việc với trẻ sẽ tìm ra các biện pháp giáo dục thay thế phù hợp với mỗi đứa trẻ theo đặc điểm của riêng em và hoàn cảnh thực tế.

Những điều nên làm

Hãy nhớ trẻ em cũng là một con người. Đây là điều tối quan trọng. Trẻ em có cá tính riêng từ khi lọt lòng. Trẻ sẽ phát triển tốt khi bạn nhận biết trẻ thích gì và không thích gì, cá tính và điểm mạnh của trẻ.

Hãy lắng nghe. Hãy lắng nghe một cách nghiêm túc những gì trẻ nói. Nếu trẻ nghĩ bạn không lắng nghe, trẻ sẽ làm tất cả mọi điều, kể cả tiêu cực để bạn chú ý đến trẻ.

Nên chú ý đến những hành vi tốt của trẻ. Nếu trẻ làm việc gì tốt nên khen ngợi và thưởng. Hãy yêu thương và chú ý đến trẻ như cùng chơi hoặc truyện cho trẻ. Hãy cho trẻ thấy những việc nào trẻ làm khiến bạn hài lòng ví dụ như trước khi trẻ lấy thêm đồ chơi khác ra chơi thì trẻ cần cất những đồ chơi trước đó. Đây là cách trẻ học tự kỷ luật.

Hãy cho trẻ cơ hội diễn đạt cảm xúc của mình. Nói với trẻ rằng không thể xem tivi nữa vì đã đến giờ đi ngủ có thể làm trẻ tức giận và chán chường. Trẻ có thái độ như thế này là bình thường. Hãy cho trẻ không gian và cho trẻ thấy rằng bạn hiểu được mong muốn của trẻ.

Hãy nói rõ mong muốn của bạn. Hãy đưa ra những yêu cầu trực tiếp đơn giản, ngắn gọn và đi thẳng vào chủ đề. Đưa ra từng yêu cầu một. Giọng nói nhẹ nhàng nhưng kiên quyết. Xin cố gắng không cáu kỉnh, chì chiết.

Hãy giải thích lý do đưa ra quyết định cuả mình. Ví dụ “ con có 5 phút nữa để chơi trước khi chúng ta ra về. Nếu 5 phút nữa không về, cửa hàng sẽ đóng cửa và không có sữa uống”. Điều này giải thích hậu quả nếu trẻ không hợp tác.

Hãy thực tế trong mong đợi của mình. Điều quan trọng là bạn biết điều gì có thể mong đợi từ phía trẻ ở những lứa tuổi khác nhau. Ví dụ nếu trừng phạt một đứa trẻ nhỏ ví làm rớt thức ăn trên sàn nhà cũng chẳng có ích gì.

Hãy nêu gương thực hiện những gì bạn dạy trẻ. Hãy đưa ra cho con bạn những ví dụ thay vì chỉ dạy bảo chúng cư xử như thế nào. Ví dụ nếu bạn dạy trẻ không được chửi bậy thì bạn cũng không được chửi bậy trước mặt trẻ.

Hãy khuyến khích trẻ đưa ra giải pháp để giải quyết các vấn đề cho riêng mình. Trẻ thường có các ý tưởng tuyệt vời để giải quyết vấn đề một cách công bằng. Hãy hỏi trẻ, ví dụ “Con không muốn mang giày mới. Con muốn mang giày cũ. Mẹ không hài lòng về việc này. Chúng ta giải quyết vấn đề này thế nào?”

Nếu bạn ân hận làm hoặc nói điều gì sai, hãy nói lời xin lỗi với trẻ. Điều này cũng dạy trẻ cách nói lời xin lỗi. Đồng thời cũng hãy giải thích phản ứng của trẻ khiến bạn có cảm giác ra sao. Ví dụ, “nếu con cứ nhảy lên đệm mãi mẹ sẽ rất tức giận. Mẹ rất lo vì giường có thể sập và như thế mình không có tiền để mua giường mới”.

Hãy đặt mình vào vị trí của trẻ. Nếu hôm qua trẻ làm rơi xôi nhưng bạn không quan tâm còn hôm nay bạn lại rất giận dữ thì thật là kỳ cục.

Sẵn lòng thương lượng, thoả hiệp và thậm chí xem xét lại quan điểm của mình. Tại sao việc Tuấn đi giày mới lại quan trọng thế mặc dù cậu bé rất thoải mái khi mang giày thể thao? Trong trường hợp này có thành vấn đề gì không? Liệu bạn có thể để Tuấn chọn lựa trong trường hợp này?

Những điều không nên làm

Không nên chú ý quá nhiều đến hành vi của trẻ mà bạn không thích. Nhưng bạn cũng không nên tảng lờ hành vi đó. Bạn hãy cứng rắn nhưng bình tĩnh. Hãy giải thích những gì bạn không thích và đề nghị trẻ làm đúng nếu có thể. Đảm bảo rằng trẻ nắm được giới hạn; và khi đó trẻ sẽ làm những việc trong giới hạn đó

Đừng hối lộ trẻ. Trẻ không học cách tự kỷ luật nếu bạn hối lộ trẻ để trẻ không có những hành vi xấu nữa. Hối lộ sẽ làm hỏng đứa trẻ và khuyến khích các hành vi xấu khác

Đừng doạ dẫm hoặc la hét. Nếu chúng ta yêu cầu và trẻ tuân thủ thì tốt hơn việc làm trẻ sợ vì trẻ hiểu được lý do tại sao.

Đừng làm trẻ mất mặt. Đừng nói trẻ tồi, ngu ngốc, lười hoặc vụng về hoặc bạn không yêu, không thích chúng. Phê phán hoặc chỉ trích có thể gây tổn hại và khiến trẻ kém tự tin.

Đừng so sánh trẻ với những trẻ khác. Cá nhân trẻ trải nghiệm thế giới theo những cách hoàn toàn khác nhau cũng như cha mẹ cũng có quyền trải nghiệm khác nhau.

Cuối cùng hãy nhớ rằng bạn không đơn độc. Hãy trao đổi với bạn bè, hàng xóm, người thân... để chia sẻ kinh nghiệm và tìm hiểu cách nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em một cách tích cực. Chúng tôi xin chia sẻ và mong các bạn hãy suy ngẫm về lời kêu gọi của một nhóm học sinh trong một hội thảo về cách giáo dục học sinh và con em đối với thầy cô cha mẹ và người lớn: “ Xin đừng đánh vội, Hãy lắng nghe- hãy nhớ khi mình còn bé”.

Theo Gopfp.gov.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN