Người Việt Odessa
Mục hỏi đáp

Crimea, bán đảo không bình yên

Thứ hai, 10/03/2014 | 13:04
Không phải ngẫu nhiên mà nước cộng hòa tự trị Crimea ở bán đảo cùng tên trở thành điểm nóng tại Ukraine những ngày qua, bởi đây chính là nơi có những mâu thuẫn sắc tộc và chính trị gay gắt suốt nhiều năm.

Có một lịch sử lâu dài về những cuộc chinh phục lãnh thổ, bán đảo Crimea luôn là một điểm giao thoa văn hóa và cũng là nơi nung nấu nhiều mâu thuẫn. Trong bối cảnh khủng hoảng của Ukraine, mỗi nhóm sắc tộc ở Crimea đều có lập trường riêng về tương lai mảnh đất mà họ sinh sống.

Crimea là gì?

Được biết đến là nước cộng hòa tự trị Crimea, bán đảo có phong cảnh đẹp như tranh này là một vùng đất nhô ra từ phía nam phần lục địa của Ukraine. Nó nằm giữa Biển Đen và biển Azov, ngăn cách với Nga ở phía đông bằng eo biển hẹp Kerch.

Crimea từng có hàng thế kỷ sống dưới chế độc thuộc địa và bị các đế chế cũng như bộ tộc du mục xâm chiếm. Đế quốc Nga từng xâm lược lãnh thổ Crimea vào cuối thế kỷ 18, sau nhiều cuộc chiến đẫm máu với Đế chế Ottoman.

Các Sa Hoàng và giới quan chức Liên Xô từng nhiều lần đi nghỉ hè tại các bờ biển phía nam cận nhiệt đới của Crimea, nơi hiện nay vẫn thu hút rất nhiều du khách và các nhà đầu tư bất động sản giàu có.

Dấu ấn của Nga

Nga có lợi ích ở Crimea hàng trăm năm qua, nhờ những vùng đất nông nghiệp màu mỡ và địa thế bên bờ Biển Đen của quốc gia này. Nga nhượng lại Crimea cho Ukraine vào năm 1954, khi cả Nga và Ukraine đều thuộc Liên Xô.

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, một số người dân địa phương có nguyện vọng tách Crimea khỏi Ukraine và trở lại làm một phần lãnh thổ của Nga. Tuy nhiên, các nghị sĩ Ukraine và Crimea đã bỏ phiếu nhất trí tiếp tục duy trì bán đảo này cho Ukraine.

Hạm đội Biển Đen thuộc hải quân Nga có một căn cứ ở thành phố Sevastopol của Crimea suốt 230 năm qua. Các tàu chiến và tàu ngầm neo tại đây nằm ngay phía bắc Thổ Nhĩ Kỳ và có thể tiếp cận với Địa Trung Hải để gây ảnh hưởng đến Trung Đông và Balkans.

Sevastopol có một tầm quan trọng rõ ràng đối với Nga. Năm 2010, Moscow từng dùng một thỏa thuận về khí tự nhiên để đổi lấy việc gia hạn thuê căn cứ hải quân ở Ukraine.

Mâu thuẫn sắc tộc

Do ảnh hưởng từ lịch sử nên phần lớn cư dân đang sinh sống ở Crimea hiện nay là người Nga, chiếm khoảng hơn 58% tổng số dân cư, theo điều tra dân số quốc gia được thực hiện vào năm 2001. Tại thủ phủ Simferofol, khoảng 70% dân số là người Nga. Do đó, hầu hết dân cư trên bán đảo đều sử dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính của họ.

Ngoài ra, Crimea còn có khoảng 24% người Ukraine và 12% thuộc nhóm Hồi giáo Tatars.

Đầu thế kỷ 20, người Nga và người Tatars đều là những nhóm sắc tộc chiếm ưu thế ở Crimea, sau đó đến người Ukraine, người Do Thái và những nhóm thiểu số khác.

Trong Thế chiến II, khoảng 20.000 người Tatar đã liên kết với Đức Quốc xã trong khi nhiều người khác chiến đấu cho quân đội Liên Xô. Viện dẫn lý do người Tatars bắt tay với Đức Quốc xã, lãnh đạo Xô viết đã ra lệnh trục xuất cả nhóm sắc tộc này đến Trung Á. Nhiều người trong số này đã thiệt mạng vì đói khát.

Chính sự kiện này đã hình thành nỗi căm phẫn chính quyền Liên Xô trong tộc người Tatars. Sau khi Liên Xô tan rã, người Tatars lại quay về Crimea và đối mặt với tình trạng thất nghiệp cùng điều kiện sống vô cùng nghèo khổ.

Phần lớn cư dân đang sinh sống ở Crimea hiện nay là người Nga, chiếm khoảng hơn 58% tổng số dân cư (màu xanh thẫm), hơn 12% là người Tatars và còn lại là người Ukraine. Đồ họa: RT Sau khi Ukraine độc lập, một số quan chức trong cộng đồng người Nga ở Crimea đã tìm cách khẳng định chủ quyền và tăng cường hợp tác với Nga.

Tuy nhiên, năm 1996, hiến pháp Ukraine quy định Crimea có chế độ cộng hòa tự trị nhưng khẳng định rằng luật pháp ở đây phải tuân theo hiến pháp Ukraine. Crimea có quốc hội và chính quyền riêng với quyền hạn về các lĩnh vực nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và du lịch.

Người Tatars cũng có quốc hội không chính thức của riêng họ, gọi là Mejlis, với mục đích hoạt động là tăng cường quyền và lợi ích của sắc tộc này.

Mâu thuẫn chính trị

Sau khi cựu tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị phế truất và chính quyền lâm thời được thành lập ở Kiev, cộng đồng người Nga ở Crimea bắt đầu tổ chức biểu tình bên ngoài tòa nhà quốc hội, yêu cầu chính quyền địa phương không ủng hộ các lãnh đạo mới. Họ muốn quốc gia tự trị này quay về hiến pháp năm 1992, có tổng thống riêng và chính sách đối ngoại riêng.

Trong khi đó, quốc hội Crimea dự kiến vào giữa tuần tới sẽ tuyên bố lập trường chính thức hướng về chính quyền mới ở Kiev. Quốc hội Mejlis của người Tatars cũng bày tỏ sự ủng hộ với chính quyền trung ương.

Hai nhóm đối lập đã tổ chức hai cuộc biểu tình riêng biệt, thu hút hàng nghìn người đối đầu với nhau. Hai người đã thiệt mạng và 30 người bị thương trong cuộc ẩu đả, trước khi chủ tịch Mejlis kêu gọi mọi người trở về nhà. Các đội cảnh vệ được thành lập, với khoảng 3.500 người tuần tra trên các đường phố ở Crimea cùng cảnh sát để ngăn chặn các hành động khiêu khích.

Mục tiêu cuối cùng của những người Nga ở Crimea là tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc liệu vùng đất này nên giữ nguyên tình trạng hiện tại, là một quốc gia tự trị thuộc Ukraine, hay trở lại làm một phần của Nga. Trong thời gian chờ đợi kết quả, họ tuyên bố có quyền bất tuân mệnh lệnh từ chính quyền trung ương "bất hợp pháp".

Trong khi đó, người Tatars cảm thấy rằng, tộc người Nga đang cố gắng "tách Crimea ra khỏi Ukraine" và không muốn họ can thiệp vào việc quyết định số phận của vùng đất này.

Chính quyền Kiev thì đang bận rộn với việc củng cố ban lãnh đạo mới và chấp nhận một cách tiếp cận mềm mỏng đối với Crimea. Bộ Nội vụ lâm thời Ukraine thậm chí không có biện pháp nào quyết liệt để bắt giữ cựu tổng thống đang bị truy nã Yanukovych, do lo ngại bất ổn có thể bùng phát.

Nga nhiều lần khẳng định nước này không có gì nghi ngờ về việc Crimea là một phần của Ukraine, dù Moscow thấu hiểu cảm xúc của đa số dân cư trong vùng.

Chính quyền Kiev đã thu hồi một đạo luật năm 2012 cho phép tiếng Nga và những ngôn ngữ thiểu số khác ở Ukraine được công nhận là ngôn ngữ chính thức. Động thái này làm dấy lên một cuộc tranh cãi trên khắp quốc gia Đông Âu, đặc biệt là ở Crimea.

Anh Ngọc - vnexpress.net


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN