Nhóm cướp nguy hiểm đang theo dõi bà con người Việt
Những năm gần đây, tội phạm cướp giật có xu hướng manh động hơn. Tâm lí của tội phạm cướp giật rất liều mạng, quyết liệt, bất chấp mọi nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của người khác, miễn là cướp được tài sản. Công cụ phương tiện gây án chủ yếu là các loại xe ăn cắp đeo biển số giả, che biển hoặc tháo biển; cũng có thể đeo biển số thật, nhưng là của xe khác. Gần như tên cướp giật nào cũng “găm đồ” (súng, dao, kiếm, công cụ hỗ trợ…) trong người. Để tổ chức cướp, chúng ra chợ cây số 7 đóng giả người mua hàng theo dõi qui luật hoạt động của bà con, bám theo về nhà rồi lập kế hoạch hành động.
Sau một thời gian theo dõi và lập án đấu tranh, ngày 5-4-2016, Cảnh sát TP.Odessa bắt giữ 4 đối tượng trong băng cướp sau khi chúng gây án với một phụ nữ Việt tại khu vực Avangard. Sau đó, bắt giữ đối tượng thứ 5. Đến nay, bọn chúng khai nhận đã thực hiện 13 vụ cướp với bà con người Việt.
Trinh sát hình sự tham gia vụ phá án cho biết: Các vụ cướp mà bọn chúng tiến hành qui mô nhỏ, vụ đầu tiên là gia đình anh chị Xuân Hòa ở khu vực siêu thị Fosgi, các vụ tại Semsamurai rồi sau đó Xukhoi Liman, Avangard. Những vụ cướp táo bạo gây ra nỗi khiếp đảm và hoang mang cho bà con người Việt như vụ anh chị Dũng Chiến tại chợ tàu 4, vụ cướp ngay cổng Làng Sen, vụ cướp trên cầu Kleverni bọn chúng không liên quan.
Qua quá trình thông dõi bọn cướp, xử lý những thông tin mà bà con cung cấp, cảnh sát hình sự Odessa nhận định có ít nhất một nhóm cướp nguy hiểm hiện nay đang theo dõi bà con người Việt.
Cách phòng tránh
Vậy làm gì để không trở thành “mồi ngon” của bọn cướp giật? Theo cảnh sát hình sự thì cách phòng ngừa tốt nhất vẫn là sự cảnh giác của mỗi người. Cần chủ động không để bản thân rơi vào những tình huống nguy hiểm, không nên tạo những sơ hở để bọn xấu ra tay. Đồng thời, phải “phòng ngừa sớm” bằng việc dự liệu từ trước những cách thức đối phó nếu chẳng may bị cướp giật.
1. Trước khi cất túi vào xe hoặc lấy ra thì phải nhìn xung quanh. Nên cho tiền vào trong người.
2. Nếu qua gương chiếu hậu phát hiện có kẻ nghi vấn bám theo sau thì phải chạy thật chậm lại, tấp xe vào lề đường, trạm xăng hoặc cố gắng đi đến khu vực có nhiều người.
3. Không nên vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại.
4. Khi chẳng may xảy ra va quẹt xe, cần bảo vệ khối tài sản đang mang theo trên người, có thể bọn cướp giật cố tình dàn cảnh.
5. Phản ứng khôn ngoan khi bị cướp giật là hô hoán thật to với người cùng đi trên đường để nhờ giúp đỡ, truy đuổi. Cũng không nên khóc lóc, gào thét, chửi bới… vì sẽ làm mọi người thiếu thiện cảm với bạn.
6. Sau khi hô hoán, cố gắng trấn tĩnh lại và ghi nhớ đặc điểm của chúng (số lượng, tầm vóc, độ tuổi, đầu tóc, quần áo, giầy dép, các đặc điểm đặc biệt…) cùng phương tiện của chúng (loại xe, biển số xe), hướng tẩu thoát… để trình báo ngay cho đơn vị cảnh sát gần nhất, triển khai khoanh vùng truy tìm ra thủ phạm. Nên nhớ, biển số xe là quan trọng nhất, nếu chúng có lắp biển số giả thì cũng có thể giúp ích cho hoạt động điều tra sau này.
7. Nếu may mắn bắt được bọn cướp, cách ứng xử đúng đắn nhất là bình tĩnh, can ngăn mọi người không đánh đập, khám nhanh thu giữ hung khí, phương tiện, lấy lại tài sản rồi cùng người đi đường khóa trói họ giải đến cơ quan cảnh sát.
8. Để hạn chế bị cướp giật, cách tốt nhất khi ra đường là không nên mang nhiều tiền theo người và nên đi lại theo nhóm để dễ bảo vệ lẫn nhau.
P/v Người Việt Odessa