Người Việt Odessa
Mục hỏi đáp

Một số tục lệ đón năm mới tại châu Âu

Thứ sáu, 27/12/2013 | 13:09
Cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới, người châu Âu đón năm mới với những truyền thống và phong tục mang nét đặc trưng riêng, vốn được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Cứ đến dịp năm mới, những tập quán này lại được người châu Âu ôn lại một cách trân trọng.

Tục lệ “bước chân đầu tiên”

 

 Một số tục lệ đón năm mới tại châu Âu

 Người châu Âu cho rằng, người đầu tiên "xông nhà" trong ngày đầu
 của năm mới sẽ mang lại những điều may mắn cho gia chủ
 (Ảnh: IT)


Tục lệ “Bước chân đầu tiên” (The First Footing) của người châu Âu có nguồn gốc từ thời Trung Cổ. Cũng giống như tục xông nhà của người Việt Nam, người châu Âu cho rằng người đầu tiên bước qua cửa nhà mình trong ngày đầu của năm mới sẽ mang lại những điều may mắn.

 

Sau khi chuông đồng hồ báo hiệu đêm giao thừa, người đầu tiên đến “xông nhà” phải lẳng lặng bước vào nhà từ cửa chính, mang theo một viên than đá, một ít bánh mỳ và muối. Người châu Âu tin rằng đây là những yếu tố đảm bảo cho gia đình họ no đủ trong năm mới.

Tục lệ bắn pháo hoa

 

Một số tục lệ đón năm mới tại châu Âu 

 Chùm pháo hoa rực sáng phía trên đền Parthenon ở đỉnh đồi Acropollis
 tại thủ đô Athens, Hy Lạp, rạng sáng ngày 1/1/2012 theo giờ địa 
phương. Trong năm 2011, Hy Lạp là tâm điểm của cuộc khủng hoảng
 trong khu vực đồng tiền chung châu Âu 
(Ảnh: IT)


Đây là một hoạt động mừng năm mới thường thấy ở châu Âu cũng như các nước khác trên thế giới. Cho dù phải trải qua một “cuộc đại khủng hoảng nợ công” trong năm 2011, song nhiều quốc gia châu Âu vẫn tạm gác những gánh lo về kinh tế và hân hoan đón chào năm mới 2012 trong những màn pháo hoa rực rỡ.

 

Tục lệ gây tiếng ồn

Vào đêm Giao thừa, dân châu Âu thường thổi kèn, còi, tù và, chiêng trống, rung chuông, gõ mõ, cầm roi tụ tập cười nói rầm rĩ để tiễn đưa năm cũ và đón chào những điều tốt lành trong năm mới. Điều này xuất phát từ thời xa xưa, người ta tin rằng với những nghi lễ huyên náo như vậy, những thế lực ma quỷ xấu xa sẽ phải ra đi cùng năm cũ, trước khi năm mới đến. 

Tục lệ “xem bói đầu năm”

Cũng giống người châu Á, người châu Âu có thói quen đi xem bói vào dịp đầu năm để dự báo về những điều sẽ đến với họ trong năm mới.

Những món ăn mừng năm mới truyền thống của người châu Âu

Một số tục lệ đón năm mới tại châu Âu 

 Cá là một trong những món ăn được ưu tiên trong thực đơn của người châu Âu nhân dịp đầu năm mới (Ảnh: IT)


Người châu Âu ưa chuộng món thịt heo nướng nhân dịp năm mới vì đây là biểu tượng chính của sự may mắn. Thịt gia cầm như gà, gà Tây thì thường bị tránh, vì người ta quan niệm rằng vận may sẽ “bay đi” cùng với chúng. 

Ngoài ra, trong ngày đầu năm, đỗ, đậu… thường được nấu vì chúng được coi là sẽ mang lại tiền tài cho gia chủ. Còn nếu ai khoái món cá thì nên ăn từ đuôi trở lên để vận may khỏi… trôi đi; đồng thời, tốt nhất là bạn hãy xơi món cá nhiều vẩy, vì vảy cá cũng tượng trưng cho tiền tài. Ngoài ra, người châu Âu cũng quan niệm chừa lại một chút gì đó trên bàn tiệc đêm giao thừa, để còn có phần cho một năm mới sung túc, không thiếu thốn. 

Và một số điều người châu Âu kiêng kị nhân dịp đầu năm mới

Có phần giống như ở Việt Nam chúng ta, ngày đầu của năm mới đến người châu Âu với nhiều cấm kỵ: 

- Không được mang rác khỏi nhà vì khi đó, cùng với rác, chúng ta sẽ quẳng đi mọi may mắn trong năm tới. 

- Không được giặt giũ – và đặc biệt không được phơi áo quần, chăn chiếu, vì cử chỉ, hành động này gợi nhớ đến cái chết trong những nền văn hóa cổ ở châu Âu. 

- Không được cho bất cứ ai vay mượn vào lúc này, vì khi đó tiền xuất ra rất khó hồi lại và ai cho vay mượn vào đầu năm, kẻ đó trong suốt năm tới sẽ phải chi tiền vô ích.

Thời xưa, ngày đầu năm, phụ nữ không được đặt chân ra đường vì nếu họ đặt chân làm khách nhà ai trong hôm ấy, gia chủ cả năm sẽ bị “rông”. Như thế, cũng không khác gì người Việt, người châu Âu cũng cho rằng chỉ đàn ông “xông nhà” thì mới may mắn...

Nhìn chung, mỗi quốc gia, mỗi châu lục đều có một phong tục, tập quán đón chào năm mới khác nhau, thể hiện sự đa dạng và đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, tất cả đều có chung một điểm tương đồng, đó là cho dù ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, bước sang năm mới ai cũng mong muốn có được may mắn, sức khoẻ và sự an lành./.