Người Việt Odessa
Mục hỏi đáp

Lắng nghe ý kiến cử tri là quan trọng với đại biểu Quốc hội

Thứ bảy, 07/12/2013 | 08:12
Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, ngày 2/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đại biểu Quốc hội khóa XIII và các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri quận 1 và quận 3.

Tại các buổi tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, thay mặt tổ đại biểu đã báo cáo với cử tri về hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội thành phố năm 2013 và kết quả chính của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII.

Các cử tri bày tỏ hoan nghênh và đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc của các đại biểu.

Lắng nghe ý kiến cử tri là quan trọng với đại biểu Quốc hội
Chủ tịch nước phát biểu tại buổi tiếp xúc

Cử tri coi đây là kỳ họp lịch sử với việc Quốc hội đã bàn và quyết định những vấn đề quan trọng, đặc biệt, là việc thông qua bản Hiến pháp sửa đổi và 8 dự án luật và Nghị quyết quan trọng khác, trong đó có Luật đất đai (sửa đổi), Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và Luật Tiếp công dân…

Có thể khẳng định, Hiến pháp và các luật quan trọng được thông qua lần này thể hiện công việc hệ trọng của toàn Đảng, toàn dân cho giai đoạn phát triển mới của đất nước, đồng thời thể hiện việc đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị, góp phần nâng cao quyền làm chủ của người dân.

Cử tri Phạm Đức Phùng (phường Nguyễn Cư Trinh) bày tỏ: “Cử tri và nhân dân dành tình cảm rất lớn với kỳ họp Quốc hội lần này, đặc biệt, Hiến pháp đã được chuẩn bị rất công phu, đã lấy ý kiến rộng rãi cả của nhân dân trong và ngoài. Điều đó thể hiện tính dân chủ”.

Bên cạnh đó, nhiều cử tri bày tỏ những trăn trở về vai trò giám sát của Quốc hội cần được tăng cường hơn, nhất là kiểm soát về bội chi, về nội dung và lời hứa của các Bộ trưởng sau trả lời chất vấn tại kỳ họp được thực hiện như thế nào.

Cùng với đó, cử tri bức xúc tình hình tội phạm gia tăng, quá tải bệnh viện, y đức giảm sút và phòng chống tham nhũng chưa hiệu quả...

Cử tri Lê Đình Cây (phường Nguyễn Thái Bình) cho rằng: “Kỳ họp vừa rồi đã nói lên những vấn đề chống tham nhũng, nhưng tôi thấy chống tham nhũng vẫn chưa hiệu quả. Do đó, các đại biểu Quốc hội phải kiểm tra tham nhũng nằm ở đâu, phát sinh ở chỗ nào…”.

Các cử tri cũng tập trung phản ánh về bất cập trong giáo dục hiện nay, về chế độ tiền lương, chính sách với người có công và những lo lắng trong nợ công, khó khăn của kinh tế xã hội đất nước chưa có lời giải thỏa đáng...

Phát biểu tiếp thu ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận những ý kiến tâm huyết và đầy trách nhiệm của cử tri. Giải đáp băn khoăn của cử tri về hiệu quả của tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước cho rằng việc lắng nghe ý kiến cử tri là đặc biệt quan trọng với đại biểu Quốc hội, vấn đề là cần đổi mới hình thức để không lặp lại 1 địa điểm, nhằm thu hút được nhiều hơn ý kiến cử tri, giúp đại biểu tiếp thu toàn diện hơn.

Về băn khoăn Hiến pháp sửa đổi hay các đạo luật chưa nhận được sự đồng thuận 100%, Chủ tịch nước nhấn mạnh điều đó thể hiện sự dân chủ, tôn trọng ý kiến của các đại biểu, chúng ta phải thấy đó là hết sức bình thường và phải làm quen với điều đó.“Trước đây không được sự đồng thuận 100% thì khó chịu lắm. Nhưng lúc đó khác, bây giờ khác, dân chủ trong Đảng, trong xã hội phát triển, thông tin nhiều, cho nên mỗi người có cách tiếp cận. Tất nhiên trước khi quyết định cuối cùng phải cân nhắc rất thận trọng, quyết định hành vi về vấn đề đưa ra và tôn trọng những ý kiến còn khác nhau. Và làm sao trong quá trình đó, những dự luật đưa ra cần phải được lắng nghe thấu đáo, tường tận từ các tầng lớp dân cư, các tầng lớp xã hội, các ban ngành chức năng, để có quyết định cuối cùng, dung nạp được tuyệt đại bộ phận ý kiến đúng đắn của nhân dân. Không nên có tình trạng ở trong hội trường bỏ phiếu 100%, nhưng bước ra ngoài cửa lại có ý kiến khác nhau".

Trả lời câu hỏi của cử tri về việc Luật Đất đai quy định chưa rõ về giá đất đai khi đền bù, Chủ tịch nước khẳng định một dự Luật cần có sự ổn định thời gian dài, muốn xã hội ổn định thì hệ thống chính sách pháp luật phải ổn định tương đối nên quy định như vậy là hợp lý, việc quy định chi tiết sẽ được Quốc hội giao cho Chính phủ cụ thể hóa khi đi vào cuộc sống.

Chủ tịch nước cũng giải đáp những lo lắng của cử tri về thực thi pháp luật, vấn đề chống tham nhũng, các khoản nợ của các doanh nghiệp, và nhất là tình hình kinh tế xã hội còn có những đánh giá khác nhau.

Chủ tịch nước khẳng định: Một bộ phận người dân bức xúc lo lắng về kinh tế khó khăn là thực tế, điều đó cũng thể hiện sự phản biện của mỗi người dân và sự ghi nhận của mỗi đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại mỗi kỳ họp. Tuy nhiên, dù có nhìn nhận hay đánh giá khác nhau, thì kết quả cuối cùng là thể hiện ý kiến của cử tri thông qua đại biểu Quốc hội bằng thảo luận dân chủ, biểu quyết theo đa số để ra Nghị quyết triển khai. Những phản biện sẽ được kiểm chứng và có thể được đưa ra thảo luận tại kỳ họp tiếp theo.

Với tinh thần cầu thị, Chủ tịch nước mong rằng mỗi cử tri cần phát huy vai trò giám sát của nhân dân. Đảng và Nhà nước luôn lắng nghe ý kiến đóng góp và góp ý của nhân dân và với trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước khẳng định sẽ cùng với các đại biểu nỗ lực hết sức để không phụ lòng tin của cử tri./.

Cử tri nhận xét về phiên chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát

Hoàng Dũng/VOV


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN