Cách đây hơn 20 năm, tôi đã được Đại tướng kể cho nghe về thời niên thiếu của mình. Đại tướng nói:
“Tôi sinh ngày 25.8.1911 trong một gia đình trung nông lớp dưới ở xã An Xá, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình), nay gọi là thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy. Cha là Võ Quang Nghiêm, vừa dạy học vừa làm ruộng, cấy cày trên 2,5 mẫu công điền, cứ 3 năm xã chia lại một lần. Là một nhà nho yêu nước, đêm đêm, dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu, cha thường đọc bài vè “Thất thủ kinh đô”, tỏ lòng cảm phục Tôn Thất Thuyết, căm ghét Nguyễn Văn Tường. Mẹ tôi là Nguyễn Thị Kiên - cháu của một Lãnh binh Cần Vương yêu nước. Bà thường kể cho tôi nghe cảnh chạy loạn vào sâu trong dãy Ngàn Sơn mỗi khi có giặc Tây ruồng bố. Lời của mẹ cha đã reo rắc trong tôi lòng yêu nước và ghét Tây từ nhỏ.
Cha tôi là người khí tiết, đòi hỏi con cái phải nghiêm giữ gia phong. Cụ đặt tên tôi là Võ Nguyên Giáp, em trai là Võ Thuần Nho. Khi vào Huế học, tôi bỏ chữ Nguyên cho gọn, chỉ ghi tên là Võ Giáp. Khi tôi bị bắt vào tù, mật thám Pháp cũng ghi tên phạm nhân là Võ Giáp. Sau này cha biết được, bèn gọi về la mắng, yêu cầu tôi phải giữ chữ lót là Nguyên. Mãi đến năm 1935 tôi mới được ghi lại trong hồ sơ học bạ: Võ Giáp tức Võ Nguyên Giáp. Và tôi giữ tên này cho đến bây giờ.
Thuở nhỏ tôi học trường Tổng (bao gồm nhiều xã) từ lớp Đồng ấu, Dự bị, đến lớp Yếu lược, tương đương lớp 1, 2, 3 ngày nay. Những ngày không học, thường theo cha đi thăm ruộng, kết hợp mò cua bắt cá. Sau lên học tiếp ở trường Huyện 3 năm (lớp nhì đệ nhất niên, lớp nhì đệ nhị niên và lớp nhất). Ở trường Tổng cũng như trường Huyện đều đứng đầu lớp. Năm 13 tuổi (1924) thi đỗ Thủ khoa trường Huyện.
Quê tôi thời ấy đến ngày mùa thường có thuê phường gặt, ngày gặt ngoài đồng, tối về giã gạo, luôn miệng hát: “Khoan khoan hò khoan”. Do vậy mà tôi rất thuộc Hò giã gạo. Những năm mất mùa đói kém, nhà tôi phải đi vay thóc về giã mới có ăn. Sau mùa gặt hái, tôi cùng mẹ đi trả nợ, bị địa chủ Bá Hai ở Mỹ Lộc buộc phải đem thóc ra quạt mạnh cho bay hết hạt lép, cuối cùng chỉ còn lại hai phần ba. Mẹ tôi đành chịu, nhà nghèo lại càng nghèo, khiến lòng tôi vô cùng căm uất.
Đỗ xong tiểu học, nhờ có hai chị ruột buôn thúng bán bưng, tôi có tiền đi Huế thi vào trường Quốc học, nhưng thi hỏng phải về. Năm sau vào Huế tạm học trường tư, ở cùng nhà với anh Nguyễn Chí Điểu - người bạn thân nhất rồi trở thành người đồng chí chí cốt của tôi. Lên năm thứ ba, tôi được vào trường Quốc học, được ăn ở trong trường. Tôi bí mật đem sách báo vào đọc trộm. Nội trú thời ấy có tên giám thị rất độc ác, luôn rình mò học sinh như cú vọ. Tôi viết bài đả kích bằng tiếng Pháp: “À bas le tyran du Lycée! Đả đảo tên độc tài trường Quốc học!”.
Trong những năm học ở Huế, tôi luôn đứng đầu lớp, cùng hai anh Nguyễn Chí Điểu và Nguyễn Khoa Văn (sau này lấy bút danh là Hải Triều) tham gia phong trào đấu tranh bảo vệ cụ Phan Bội Châu bị giặc Pháp đem về quản thúc tại đây. Thứ năm nào, ba người cũng lên thăm cụ Phan. Trên tường nhà, cụ treo cả ảnh Lê-nin, Tôn Dật Tiên, Thích ca Mâu ni. Cụ Phan rất thương chúng tôi, có lần cụ nói: “Sau này tủ sách của cụ sẽ để lại cho cậu Giáp”. Qua tủ sách cụ Phan, nhóm “Bến Ngự” chúng tôi được đọc báo “Người cùng khổ” và “Việt Nam hồn”. Có cuốn tập nào đẹp, chúng tôi đều dành để chép những bài ca yêu nước.
Năm 1926, chúng tôi tham gia biểu tình đòi để tang cụ Phan Châu Trinh, tham gia bãi khóa chống việc đuổi học anh Nguyễn Chí Điểu. Bãi khóa xong, đến nhà thầy Võ Liêm Sơn; vào Sơn Trà, Mỹ Sơn quê đồng chí Phan Thanh. Thầy Võ Liêm Sơn là người đầu tiên dạy chúng tôi học chủ nghĩa Mác theo cuốn ABC du Marxisme do nhà xuất bản Quốc tế ấn hành, dạy tại nhà riêng. Thầy Sơn khuyên tôi đi làm cách mạng.
Năm 1927, anh Nguyễn Chí Điểu tổ chức tôi vào đảng Tân Việt. Tôi được xem báo cáo của Nguyễn Ái Quốc đọc tại Hội nghị quốc tế các dân tộc bị áp bức tại Bruxelles, thủ đô nước Bỉ. Tôi bắt đầu viết bài cho báo “Tiếng dân” của cụ Huỳnh Thúc Kháng dưới bút danh Vân Đình và làm việc ở Quan hải Tùng thư. Lần đầu tiên tôi gặp anh Phan Đăng Lưu ở đấy.
Năm 1928, tôi được chỉ định là Ủy viên Trung ương “dự bị” của đảng Tân Việt, phụ trách công tác tuyên huấn và giao thông.
Năm 1929, cùng các anh Nguyễn Chí Điểu và Nguyễn Khoa Văn thành lập “Việt Nam cộng sản liên minh”, rồi lần lượt đổi tên thành “Việt Nam cộng sản liên đoàn”, “Đông Dương cộng sản đảng”. Cũng năm ấy tôi đi Vinh để bàn việc chuyển Kỳ bộ đảng Tân Việt Trung kỳ thành đảng bộ Trung kỳ của Đông Dương cộng sản đảng; sau đó ra Hà Nội để triển khai việc thành lập Đông Dương cộng sản đảng trên phạm vi cả nước. Năm 1929 tôi cũng vào Sài Gòn vận động. Không may gặp vụ Barbier bị ám sát, các đồng chí Hà Huy Tập, Đào Xuân Mai bị bắt, tôi phải tìm cách lẩn tránh.
Sau khi Đào Duy Anh bị bắt, tháng 10.1930 tôi bị bắt ở Huế vì tham gia chi bộ Đảng ở toà báo “Tiếng Dân”. Lúc đầu bị kết án 2 năm tù treo, sau chuyển thành 2 năm tù ngồi. Ngồi tù 13 tháng thì được giảm án và đưa về quản thúc ở quê nhà.
Tôi tự thấy muốn tiếp tục làm cách mạng thì phải có trình độ học vấn ngày càng cao nên quyết tâm học cho hết bậc Tú tài, tức Trung học phổ thông ngày nay, đi sâu vào các môn Triết, Luật và Sử học. Tôi ra Vinh gặp anh Đặng Thai Mai vốn là giáo viên trường Quốc học Huế, đảng viên đảng Tân Việt. Thời gian này, tôi quen biết chị Quang Thái - nữ sinh trường nữ học Đồng Khánh Huế, gia đình ở Vinh và là em ruột chị Minh Khai. Tiếp đó anh Mai thu xếp cho tôi ra Hà nội ở nhờ nhà anh để tự học và luyện thi để năm 1933, lấy bằng tú tài Triết học phần thứ nhất (Bac Philo 1 - ère partie)…
Gặp lúc trường trung học An-be Xa-rô (Albert Sarraut) của Pháp mở lớp cho thí sinh tự do (candidat libre), tôi được vào học, đứng đầu lớp rồi thi đỗ Tú tài toàn phần (Bac complet) năm 1934. Đỗ xong tôi xin vào dạy ở trường Thăng Long để vừa hoạt động cách mạng, vừa có tiền học tiếp lên bậc đại học, nhằm lấy cho được bằng Cử nhân.
Trong quá trình tự học, tôi tham gia kỳ thi tổng hợp (Concours général) và đỗ Thủ khoa môn Kinh tế - Chính trị học với luận án “Tình hình thương mại và cán cân thanh toán ở Đông Dương”. Tiếp đó, lại đỗ đầu môn này trong kỳ thi học sinh giỏi toàn Đông Dương, rồi đỗ đầu trong kỳ thi lấy bằng Cử nhân Luật năm 1937.
Trong phong trào Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939), tôi tham gia Ủy ban hành động nửa hợp pháp của Đảng, đấu tranh trên mặt trận báo chí, giáo dục lý tưởng cách mạng cho học sinh sinh viên, cùng anh Trường Chinh viết cuốn “Vấn đề dân cày”. Năm 1936, tôi có dịp vào Sài gòn lần thứ hai để phổ biến tài liệu của Đông Dương Đại hội.
Tháng 9.1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Bọn phản động thuộc địa quay sang đàn áp phong trào cách mạng ở Đông Dương. Tôi chuyển vào hoạt động bí mật. Sang năm 1940, anh Hoàng Văn Thụ, lúc bấy giờ là Bí thư Ban Chấp hành trung ương lâm thời, bảo tôi sửa soạn cùng anh Phạm Văn Đồng sang Vân Nam (Trung Quốc) gặp “Đại diện của Thượng cấp” do giao liên của Đảng dẫn đường…
Từ đó, tôi thoát ly gia đình và chuyển sang một thời kỳ hoạt động mới…”
Từ câu chuyện thời niên thiếu của Đại tướng cho chúng ta thấy ở Đại tướng: Lòng yêu nước được mẹ cha hun đúc từ thuở ấu thơ, là tinh thần khắc phục khó khăn, đam mê học tập của con nhà nghèo cộng với trí thông minh đặc biệt để không ngừng vuơn lên, có học vấn ngày càng cao, phục vụ cách mạng ngày càng hiệu quả!
Về thời kỳ được Bác Hồ giao nhiệm vụ và hoạt động ở Trung Quốc rồi về nước gây dựng cơ sở cách mạng ở Cao Bằng, tiến tới thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, chuẩn bị và tham gia cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 và trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ lịch sử và sách báo đã nói nhiều, tôi chỉ xin nhấn mạnh thêm, trong thời kỳ chống Mỹ, bản lĩnh Võ Nguyên Giáp thể hiện trước hết ở chỗ không hề có ảo tưởng hòa bình sau Hiệp nghị Genève, sớm tiếp thu tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ là “Thắng lợi tuy lớn, nhưng mới chỉ là bước đầu, chúng ta còn phải đánh Mỹ!”.
Để có thể đánh thắng đế quốc Mỹ có tiềm lực kinh tế và quân sự lớn, có quân đội hiện đại hơn thực dân Pháp nhiều lần, theo đề nghị của đồng chí và Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã sớm ra nghị quyết về xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng ở miền Bắc. Sau 2 kế hoạch 5 năm, đến năm 1965, từ đơn thuần bộ binh, quân đội ta đã trở thành một quân đội có nhiều binh chủng và quân chủng.
Nhiều cán bộ đã được đi học tập ở các nước anh em; bản thân Đại tướng cũng đã sang Liên Xô học tập kinh nghiệm chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân binh chủng. Nhờ vậy mà quân và dân ta không chỉ đánh bại được quân ngụy mà còn đánh bại được quân đội hiện đại của Mỹ và các nước chư hầu ở miền Nam, đánh bại được 2 cuộc chiến tranh phá hoại bằng Không quân và Hải quân Mỹ trên miền Bắc mà đỉnh cao là cuộc tập kích đường không chiến lược bằng siêu pháo đài bay B52 vào Hà Nội và Hải Phòng.
Peter Macdonald - nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh - nhận định: “Với 30 năm làm Tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông đã tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh; khó có một vị tướng soái nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy ở trình độ cao... Cuộc đời của ông gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, đã làm ông trở thành một trong những thống soái lớn của tất cả các thời đại”. Còn Nhà sử học Mỹ Cecil Curry thì cho rằng: “Ông không chỉ trở thành huyền thoại, mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất thế kỷ 20 và một trong những thiên tài lớn nhất của tất cả các thời đại”. Đại tướng Tổng tư lệnh duyệt binh trên quảng trường Ba Đình. Ảnh: Thế Trung - TTXVN. |
Về chỉ đạo chiến lược, đó là chủ trương sớm mở đường chi viện cho miền Nam cả trên đất liền và trên biển, chỉ đạo phá Ấp chiến lược, kiên quyết và khôn khéo đấu tranh chống khuynh hướng không muốn tiến lên tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn ở miền Nam, không kịp thời xây dựng các Quân đoàn chủ lực gồm nhiều binh chủng hợp thành, hoặc coi chiến tranh cách mạng chỉ có tiến công và tiến công, không có phòng ngự…
Đó là chủ trương mở Mặt trận đường 9 để thu hút và kiềm chế địch; dự kiến sớm và đánh thắng Chiến dịch đường 9 Nam Lào, chọn hướng tiến công chủ yếu trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đó là việc phát huy trí tuệ tập thể để chọn hướng Tây Nguyên, đột phá vào nơi sơ hở và hiểm yếu của địch là Buôn Ma Thuột; tiếp đó là khẩn trương mở Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, không cho địch co cụm về Sài Gòn, khẩn trương phái lực lượng giải phóng quần đảo Trường Sa cùng lúc với vịệc nhanh chóng tiến về Sài Gòn với bản Mệnh lệnh lịch sử ngày 7.4.1975:
“Thần tốc! Thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và Toàn thắng!”
Không thể nào kể hết được tài chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một Tổng tư lệnh “văn võ song toàn” mà còn là một người chỉ huy “đức tài trọn vẹn”, xứng đáng là học trò gần gũi và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đại tướng luôn ghi nhớ và thực hiện lời dạy của Người là “Dĩ công vi thượng”, không đề cao cá nhân mà luôn đề cao vai trò của Hồ Chủ tịch, của tập thể Bộ Chính trị, Quân ủy trung ương và Ban chấp hành trung ương; giữ vững nguyên tắc của Đảng, có ý thức tổ chức kỷ luật, nghiêm chỉnh phục tùng sự phân công của lãnh đạo, kể cả trong trường hợp sự phân công ấy không phù hợp với cương vị và sở trường của mình; có ý thức tự kiềm chế và chờ đợi để giữ vững sự đoàn kết nhất trí trong lãnh đạo, nhất là khi có ý kiến khác nhau.
Trong quân đội, Đại tướng thường xuyên chăm lo bồi dưỡng cán bộ, thương yêu quý trọng những ngưòi có đức có tài, mở rộng dân chủ, lắng nghe ý kiến và phát huy trí tuệ của cấp dưới, khi gặp khó khăn thì cùng nhau bàn bạc để tìm cách vượt qua. Trong những ngày chiến đấu gay go ác liệt ở Điện Biên Phủ, Đại tướng đã nhiều lần viết thư tâm tình với chiến sĩ, nêu rõ thuận lợi, khó khăn của hai bên ta, địch, phương hướng phấn đấu của ta và triển vọng thắng lợi của chiến dịch để mọi người thông suốt, quyết tâm xông lên tiêu diệt địch.
Có mặt ở Điện Biên Phủ trong những tháng ngày gian khổ đó, nhà văn Nguyễn Đình Thi từng nhận xét: “Một vị Tổng tư lệnh đồng thời là người chỉ huy chiến dịch mà viết thư gửi chiến sĩ với những lời thân mật như anh em, quả là điều hiếm thấy trong chiến tranh các nước!”. Cố Thượng tướng Trần Văn Trà - nguyên Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam - nói: “Võ Nguyên Giáp là Tư lệnh của các Tư lệnh, Chính ủy của các Chính ủy”, “là một Tổng tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh”.
Xúc động trước tình cảm của người chỉ huy cao nhất của quân đội đối với các liệt sĩ hy sinh trên đỉnh đèo Phu lê Nhích, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn - viết trong hồi ký: “Những giọt nước mắt dành cho những chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại trên trọng điểm này của vị Tổng tư lệnh giữa chiều Trường Sơn thật sự thấm đậm tình người, lắng sâu trong tâm khảm chúng tôi, không thể nào quên được!”.
Theo Laodong