Người Việt Odessa
Mục hỏi đáp

Odessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhập

Thứ tư, 25/09/2013 | 21:31
LTS: Đất nước Ucraina nói chung và thành phố biển Odessa xinh đẹp nói riêng vốn từ lâu đã là một điểm đến hấp dẫn, thu hút và chào đón rất nhiều đoàn đại biểu cấp cao nhà nước, các đoàn công tác doanh nghiệp, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, các khách du lịch và những người thăm thân…đã đến

Những ngày vừa qua, thành phố Odessa và cộng đồng người Việt Nam ở Odessa đã được chào đón họa sĩ kiêm nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa tâm linh Trịnh Yên nhân chuyến thăm của ông đến Ucraina, cụ thể là đến với Odessa. Báo điện tử Người Việt Odessa đã có cuộc trao đổi với ông về vấn đề lịch sử văn hóa nghệ thuật Odessa cùng người Việt ở đây với nét đẹp tín ngưỡng truyền thống dân tộc trong bối cảnh hội nhập mới.

Odessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhập
Tác giả Trịnh Yên tham quan Bảo tàng Phương Đông Phương Tây ở Odessa
Odessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhập
Làng Sen, cụm dân cư người Việt đầu tiên ở Odessa - Ảnh Trịnh Yên

PV Người Việt Odessa: Xin chào họa sĩ Trịnh Yên, hiện giờ ông đang có chuyến du lịch dài ngày tại Ukraina, cụ thể là đến với Odessa, xin ông cho biết cảm nhận của ông về đất và người ở Odessa, trong đó có cộng đồng người Việt Nam mình?

Họa sĩ Trịnh Yên: Một câu hỏi thật lý thú, vì bạn hỏi tôi với vài lĩnh vực văn chương, hội họa thì tôi sẽ nói khác, còn ở đây là câu trả lời trước cộng đồng người Việt ở Odessa thì tôi buộc phải hóa thân là “người Việt Nam thường ngày vẫn đi chợ Cây số 7 kiếm ăn”; là “cháu bé học sinh đi học trường phổ thông ở xứ người với sự bắt buộc phải học văn hóa và cả sinh ngữ từ ba đến bốn thứ tiếng Nga, Ukraina, Anh, Việt, thậm chí cả tiếng Trung nữa mới đủ mức giao tiếp trong môi trường đa sắc thái cộng đồng Ukraina”; là các bạn trai trẻ vẫn “máu ăn thua” trong đội tuyển đá bóng Làng Sen hay đội Sorsa, hay đội Liên quân Lvov, Kva 1 và 2, hay đội bóng khối sinh viên” …; hóa thân là “một tiểu gia đình người Việt ta cuối tuần mùa hè sẽ đi tắm biển và thưởng thức món thịt lợn, thịt gà tự nướng ở các cánh rừng trong thành phố Odessa được thiên nhiên ưu đãi do có biển ôm quanh”;...và chính tôi cũng cần hóa thân là “cái bà tây quét rác, ông tây thường vẫn bới tìm đồ thải loại trong các thùng rác ở chung cư Làng Sen mà vẫn tự tin rằng mình kiếm sống chính đáng”; hóa thân là “cô tây trông trẻ một trên một ở khu cộng đồng người Việt” và chính tôi cũng là “các bạn sống ở đây, đang mang nặng 3 tâm trạng: kiếm sống, hợp cư xứ người và rất nặng tình nghĩa với đại gia đình, quê hương ở trong nước” - có nghĩa là các bạn đang tự bảo trợ chính mình, bảo trợ con cái và thân nhân của mình tại xứ người và cũng kiêm cả bảo trợ các thành viên ruột thịt trong gia đình lớn của mình tại Việt Nam…điều này bắt buộc mỗi thành viên trong cộng đồng phải phát huy khả năng hết mức để kiếm sống, phải biết xét đoán vấn đề để bớt đi cái gánh nặng phụ thuộc “cả trong lẫn ngoài điều kiện nơi xứ người” để cuộc sống ngày càng giảm thiểu các chủ quan khác do nhận thức hoặc tư duy ngôn ngữ bất đồng…giá trị “định cư, là an cư sẽ đem lại sự lạc nghiệp và ổn định nhiều hơn cho mỗi gia đình chúng ta đang mưu sinh tại Odessa này” . Và chúng ta không thể có đường nào khác là hãy cùng nhau đoàn kết, đùm bọc và yêu thương thì mới giữ vững cuộc sống và phát triển tương lai cho mình, cho thế hệ hai và cả thế hệ ba đang tiếp nối chúng ta tại vùng đất Odessa tươi đẹp và mến khách với bất cứ người ngoại quốc nào đã và đang sống ở đây…

Odessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhậpOdessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhập
Buổi sáng và tinh thần thể dục thể thao của người dân Làng Sen - Ảnh : Trịnh Yên

Odessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhập
Một góc chợ "Đuội" (chợ ế ẩm tháng 5)
Odessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhập
Chợ Cây số 7 - Một gian hàng bán cặp học sinh của người Việt - Ảnh : Trịnh Yên

Nói vậy là tôi đánh giá rất sát đức tính người Việt mình nói chung ở đâu và bao giờ cũng chỉ làm việc, làm việc và làm việc đến mức quên cả chơi; chỉ trách nhiệm và trách nhiệm đến mức “đánh rơi” chính bản thân mình mà không biết; chỉ thu vén, thu vén và tiết kiệm đến mức đồ quý kiếm được cũng để hết đát rồi mà “quên” sử dụng đúng nghĩa của đồ vật (?). Nếu không tin bạn hãy thử hỏi mấy người đi chợ Cây số 7 xem trong một năm họ cùng gia đình đi chơi các bãi biển Odessa được mấy lần? Họ đã đến nhà hát lớn hay đi tham quan các công trình văn hóa nghệ thuật hay đã vào các bảo tàng ở Odessa được mấy buổi? Họ có chăm học tiếng nước sở tại để vượt khỏi cái phụ thuộc vào người khác một cách hăng hái lắm không? Câu trả lời chắc chắn là “không” hoặc “rất kém” với đa số người Việt mình như tôi đã nói ở trên là bản tính của chúng ta đang và vẫn còn tự hạn chế mình nhiều lắm. Tôi được biết có người Việt ta sống ở Odessa đã vượt quá 20 năm rồi mà chỉ nói được vài câu tiếng Nga với các từ đơn giản là : “Chào tạm biệt; cảm ơn; tốt; tôi muốn cái này; tôi muốn cái kia…

Odessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhập
Một cửa hàng người Việt tại Chợ Cây số 7
Odessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhập
Cộng đồng người Việt kỷ niệm Quốc khánh 2/9 cũng là ngày thành lập TP Odessa lần thứ 219 - Ảnh: Trịnh Yên

Qua tìm hiểu thì tôi đã thấy có người Việt mình suốt năm tháng sống ở đây chỉ từ nhà đi đến chỗ kiếm sống, từ chỗ kiếm sống về nhà rồi khép kín mình không biết xã hội xanh, đỏ, trắng, đen…ra sao nữa…Thật đáng tiếc vì những điều vừa nêu về những người có cách sống nói trên là trái với khả năng, bản năng ham muốn tiến bộ của con người…Tôi chợt nhớ đến 10 điều tâm niệm của nhà văn Hoàng Đạo trong nhóm Tự lực Văn đoàn đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam có những câu không bao giờ cũ như: “Tiến mới, hoàn toàn theo mới không chút do dự”. “Tin tưởng ở sự tiến bộ một ngày một có thể hơn”; “Phụ nữ và xã hội”; “Cần có trí xếp đặt”; “Luyện thân thể cường tráng”...Như vậy người sống được nhiều nhất là những người thực thi được nhiều vốn sống và kiến thức lành mạnh thì ở đâu giá trị cuộc sống cũng đem lại cho họ những kết quả tốt, nhất là người Việt Nam đang sống ở nước ngoài như các thế hệ chủ nhân đầu tiên ở Làng Sen hay các cộng đồng Sorsa, Lvov 1, 2, Kva hoặc các ký túc xá sinh viên đang du học…hầu hết họ rất chịu luyện tập thể dục thể thao với khu dụng cụ đã bố trí sẵn như xà đơn, xà kép, bập bênh…hóa ra người tây càng chú ý rèn luyện sức khỏe nên các vườn hoa nhỏ, các khoảng đất trống trên các ngả đường đều có bố trí dụng cụ thể dục thể thao cho người dân cần dùng…

Còn một vấn đề khác ở đầu thế kỷ 21 này không chỉ xuất hiện khủng hoảng về kinh tế kéo dài mà nó còn kèm theo sự suy thoái về đạo đức trên toàn cầu, cho nên tổ chức UNESCO thế giới có tổ chức một hội nghị về đạo đức toàn cầu vào tháng 3 năm 2014 tại Mỹ. Những căn cứ này làm chúng ta hiểu rằng các quốc gia phát triển trung bình như Ukraina đều không tránh khỏi sự suy thoái về kinh tế và đạo đức, trong đó có thế giới ngầm ngày càng bộc lộ những thao túng bất lợi cho người dân, đặc biệt là cho các doanh nghiệp đều phải chịu đựng 3 lực ép đồng diễn biến: môi trường phát triển kinh tế hạ nhiệt, áp lực thế giới ngầm tăng, mâu thuẫn nội bộ biến động xấu dẫn đến tan vỡ công sở, tan vỡ nhóm liên kết…nhìn chung đạo đức luôn đi theo hình sin của tiến trình phát triển hoặc suy thoái kinh tế, cho nên nhóm cộng đồng người Việt ở Odessa buộc phải gánh chịu quy luật này là lẽ đương nhiên, vì thế tôi mới chú ý đến tâm lý này để đưa ra ý kiến rằng mỗi người Việt ở đây đều cần hiểu rõ quy luật này và nâng cao sự đoàn kết, cảm thông, giúp đỡ lẫn nhau để vượt qua cơn khó khăn. Còn ai đó không theo nhịp sống này thì họ ắt gặp khó khăn bởi tính cộng đồng thường nhìn nhau để lựa chọn hướng đi hoặc giữ yên cho bản thân không bị các thế lực đối kháng chèn ép cũng là một cách vượt khó. Bạn nên nhớ nơi bạn sống ở nước ngoài thì sự vượt khó sẽ tăng lên gấp 5 đến 10 lần so với môi trường sống khi bạn ở trong nước là lẽ đương nhiên.

Odessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhập
Một nhóm trẻ em Việt được các bà, các cô tây chăm sóc
Odessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhập
Một góc bãi tắm Otrada ở Odessa - Ảnh: Trịnh Yên

 

Odessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhập
Làng Sen và cầu vồng tháng 7 tiết Vu Lan – Ảnh Trịnh Yên
Odessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhập
Odessa về đêm - Ảnh sưu tầm

 

Odessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhậpOdessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhập
Thế hệ thứ hai của cộng đồng người Việt ở Odessa được Hội Người Việt Nam ở tỉnh Odessa tổ chức trao giải thưởng thành tích xuất sắc trong học tập nhân ngày Kỷ niệm Quốc khánh 2/9/2013.

Đôi lời ý hay:

1.Bạn hãy cân đối tài chính kiếm được để đáp ứng các chi tiêu quan trọng như ăn, ở, nuôi con, sắm sửa và đi chơi. Đây là cách sống thường niên của người hiện đại nay và người tiến bộ xưa.

2. Hãy tạo cảm hứng cho thành viên gia đình trong lúc ăn, nghỉ, sắm sửa và đi chơi.

3. Người ta có thể nghỉ hưu trí về cường độ lao động, nhưng đừng ngưng nghỉ cách giáo dục con cháu thường ngày với các kỹ năng sống phù hợp các nền văn hóa mới.

4. Dù sống ở đâu bạn cũng nên biết về vi tính đôi chút và thao tác mạng internet phổ thông thì bạn mới có nhiều thông tin hiểu được con cái và các thế hệ trẻ, đồng thời nâng cao kiến thức của chính mình cùng các phương cách giáo dục khác.

5. Bạn hãy chia sao cho phù hợp và giữ vững nhịp sống trong ngày (có 24 tiếng) thì có đủ 8 tiếng làm việc, 8 tiếng giải trí (nghiên cứu và chơi), sau đó là 8 tiếng nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe thì chắc chắn bạn sẽ là người hạnh phúc: sống lâu, sống vui khỏe, sống có ích cho chính mình, cho cuộc đời.

6. Bạn đừng quên nên tảng văn hóa lịch sử truyền thống Việt Nam, nhưng tư duy hội nhập sự tiến bộ của các nền văn hóa lịch sử khác cũng là các món ăn tinh thần để bạn bước chân đến thế giới văn minh trong bầu trời hạnh phúc lớn.

7. Bạn nên nâng cao tính nhạy bén, cảm thông và hành động chia sẻ với người khác trong cộng đồng thì bạn sẽ được họ đối xử lại như thế.

Hãy ngợi ca Odessa

Bạn hỏi về đất và người ở Odessa thì đây là vùng đất lâu đời có truyền thống gần 1000 năm tích lũy hệ thống văn hóa lành mạnh và bác học, lịch sử rõ nét và kiêu sa; ý thức con người bản địa thì sống khoan dung và hiếu khách.

Tiền thân của Odessa, một khu định cư Tatar nhỏ, được thành lập bởi Hacı I Giray, Khan của Crimea, ban đầu nó được đặt theo tên một người là "Hacıbey" vào năm 1240. Sau thời gian kiểm soát của đất nước Litva, vùng đất này lại chuyển sang lãnh địa của Sultan Ottoman vào năm 1529 cho đến khi đế chế Ottoman bị thua trong cuộc chiến tranh Nga -Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1792 do Nữ Hoàng Ekaterina II lãnh đạo. Thành phố Odessa được thành lập theo một sắc lệnh của bà vào 2 năm sau đó (1794). Từ 1819 đến 1858 Odessa là hải cảng tự do. Chúng ta nên biết vùng địa lý này nằm ở miền Nam Ukraina, ven bờ Tây Bắc biển Đen, sau thế chiến thứ II (năm 1945) Odessa được vinh danh là một trong 4 thành phố anh hùng đầu tiên của Liên Bang Xô Viết, đó là Leningrad, Stalingrad, Sevastopol và Odessa. Cho đến thời Liên Xô cũ, Odessa là hải cảng thương mại quan trọng bậc nhất. Bây giờ vẫn là cảng lớn của đất nước Ukraina và là cơ sở hải quân chiến lược của các nước phát triển xung quanh Ukraina và các nước tách ra từ Liên Xô cũ.

Odessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhập
Một góc cảng lớn, cầu tàu du lịch và bậc thang Potemkin ở Odessa
Odessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhập
Một góc TP Odessa - Ảnh Trịnh Yên


Ngày nay, ở Odessa, phần lớn nét văn hóa thành phố vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính là do nhiều kiến trúc mang dấu ấn Phục hưng, Baroque, Art Nouveau của các nước Tây Âu như Italia, Pháp, Đức và có cả Mỹ. Người dân ở đây vẫn nói Odessa mang tinh thần châu Âu còn hơn cả nước Nga.

Odessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhập
Một khu thể thao bên bờ biển Otrada ở Odessa
Odessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhập
Một khu vui chơi trong công viên Chevtchenco - Ảnh Trịnh Yên

 

Odessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhập
Nhà ga xe lửa ở Odessa
Odessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhập
Ngọn hải đăng trên cảng lớn Odessa - Ảnh Trịnh Yên


Với văn hóa ảnh hưởng phong cách Pháp là chính, bởi Odessa cũng có biển bao quanh như nước Pháp, có nhà hát Ô pê ra, Ba lê dáng vẻ kiến trúc Pháp và còn vượt mức tiêu chuẩn các nhà hát xa xỉ nhất trên thế giới, người và đất này còn có hệ thống danh nhân văn hóa và chiến tích lịch sử như Nữ hoàng Ekaterina II (1) của Nga, thị trưởng Duke de Richelieu (1766 – 1822), người sáng lập và lãnh đạo đô thị Odessa đầu tiên thế kỷ 19, tiếp đến Đại thi hào, nhà văn, nhà viết kịch Pút Kin (1799 - 1837) của nước Nga đã từng sống tại Odessa nên vẫn có đường phố chính mang tên ông. Nhà văn Nikolai Vasil'evich Gogol (1809 - 1852), xuất thân từ một gia đình quý tộc nhỏ ở Ukraina, người kế tục Puskin và đứng đầu "trường phái thực phê phán”.. Ông nổi tiếng với nhiều truyện dài và truyện ngắn như “Bức chân dung” phản ánh một tri thức tâm linh ảnh hưởng đến tâm lý định mệnh con người về cái thiện cái ác qua hiện tượng nghệ thuật; tiếp nữa là danh họa lớn I-van Công-xtăng-ti-nô-vich Ai-va-dôp-xki (1817-1900), là họa sĩ chuyên vẽ về biển, đến mức nhiều nước châu Âu đã phong cho ông các danh hiệu “hàn lâm về nghệ thuật biển”. Tại một đoạn tiểu sử của ông có ghi: “Ai-va-dôp-xki đã bỏ ra 11 năm trời ngâm chân trong dòng nước chảy xiết để thể hiện những hòn cuội nằm chìm trong dòng chảy ấy ... trong vắt”.

Nói chung hầu như các danh họa nổi tiếng thế giới là người Nga và Ukraina như Lê-vi-tan; Rê-pin, Caravaggio…đều được lưu giữ tác phẩm ở các bảo tàng Odessa. Một câu chuyện về cuộc đánh cắp bức tranh (được tìm thấy ở Đức ngày 29.6.2010), là tác phẩm của Caravaggio được coi là đắt giá nhất ở Ukrainie (định giá 80 triệu USD) đã được tìm thấy và thu hồi sau 2 năm bị lấy trộm (2008). Tác phẩm nhan đề Vụ bắt giữ Chúa Jesus (The Taking of Christ) hay còn gọi là Nụ hôn của Judas (The kiss of Judas) do Caravaggio vẽ hồi đầu thế kỷ 17, miêu tả chúa Jesus với các tông đồ John và Judas đang bị bọn lính li gián.

Odessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhập
Vụ bắt giữ Chúa Jesu - The Taking of Christ (Tranh của Caravaggio), bức tranh trị giá 80 triệu USD
Odessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhập
Người Zaporozhe viết thư cho Sultan Thổ Nhĩ Kỳ. Tranh của Ilya Repin.

Cho đến giữa thế kỷ XIX, thành phố Odessa đã trở thành một trong những thành phố lớn và mang tính quốc tế nhất của đế quốc Nga, như Pushkin từng viết: “Nơi đây mọi thứ đều phảng phất mùi châu Âu”, bởi địa danh này còn là một cảng tự do và cũng là cảng xuất khẩu lúa mì lớn nhất của Nga (cũ) – một lý do khiến một số thành phố, thị trấn, làng, hạt của Hoa Kỳ được thành lập vào thế kỷ XIX cũng được đặt tên Odessa. Đó là: Odessa thuộc bang Texas (lớn nhất của Mỹ). Odessa thuộc bang Missouri. Odessa thuộc bang Florida. Odessa thuộc bang Washington; thị trấn Odessa ở hạt Lonia bang Michigan. Odessa ở bang New York (một làng thuộc hạt Schuyler, cách 25 dặm về phía Đông Nam của thành phố Ithaca). Odessa ở Nebraska, Odessa ở Delaware, Odessa ở Minnesota, Odessa ở North Dakota, Odessa ở Georgia, Odessa ở West Virginia, New Odessa ở Oregon…Như vậy toàn thế giới có không dưới 50 thành phố, thị trấn, làng, hạt mang tên Odessa từ ý nghĩa lịch sử và quan niệm văn hóa ghi nhớ của những người Nga (Liên Xô cũ), Ukraina di cư hoặc có lý do về kinh tế hay tuyến đường mới đã đặt cho cái tên Odessa đã trở thành phổ biến như ngày nay. Còn người Việt Nam đang sinh sống định cư ở đây thì nên biết rằng ngày Quốc khánh 2/9 của đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta cũng là ngày Thành lập TP Odessa lần thứ 219 (tính đến năm 2013) do Nữ hoàng Ekaterina II đặt tên.

Odessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhập
Nhà hát Ô pê ra, Ba lê ở Odessa
Odessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhập
Một sảnh và cầu thang lên tầng nhà hát - Ảnh Trịnh Yên

Đã ở Odessa, bạn đừng quên một lần đến Nhà hát giao hưởng Odessa (nhà hát Ôpêra và Ba lê thuộc tầm cỡ quốc tế) nằm ngay góc cắt phố Pushkin và phố Bunhin. Đây là một công trình kiến trúc được trang trí bằng những phối cảnh bích họa, những bức phù điêu đắp nổi và tượng tròn phủ vàng 24 kara với số lượng khá lớn và còn nữa là những bộ cửa kính bán nguyệt đủ màu sắc theo kiểu “kính vá Tiffany” (2) do kiến trúc sư của Italia thiết kế. Cả khối kiến trúc nửa tròn có 5 tầng ghế khán giả và những ô khách víp bên trong với hơn 1.636 chỗ ngồi. Còn bên ngoài nhà hát có diện tích sử dụng khoảng 8.150 mét vuông, tại đây thường xuyên có các đêm diễn say mê của các nghệ sĩ người Odessa thể hiện các vở ballet lẫy lừng như Hồ thiên nga, Carmen, Nutcraker, Aida, Madama Butterfly, Giselle…

Đã ở Odessa bạn cũng đừng quên ghé thăm công viên Chevtchenco, thư viện Maxim Gorky, khách sạn Mozart, bãi tắm Lanzheron Otrada hay những con phố cổ đầy thơ mộng và bí hiểm…nơi đó cũng có một loạt bảo tàng danh tiếng như bảo tàng Alexander, bảo tàng Pushkin, bảo tàng Nghệ thuật, bảo tàng Phương Đông phương Tây, bảo tàng Văn học, bảo tàng Lịch sử của Hạm đội biển; bảo tàng Khảo cổ học với kho tiền vàng, bạc của đế chế La Mã, Hy Lạp, Nga xưa…có nghĩa là chúng ta đang sống với “những bồ văn hóa nghệ thuật lớn của Odessa cũng là của nhân loại” đấy!. Và tất nhiên nếu bạn hứng lên theo phong cách “Odessa của thành phố êm đềm và thâu đêm suốt sáng” thì đấy là những hàng quán mở thông đêm ngay trên hè phố, hay bãi biển, hay dưới những tán cây cổ thụ hàng trăm tuổi. Bạn có thể gọi món thịt cừu nướng, món ikra (trứng cá caviar) đỏ hoặc đen, hoặc món droiniki, thịt bò nấu với nấm, phô-mai và rượu vodka, hoặc món cá khô Atrakhan chấm ớt uống bia, hay món cá hồi tươi chiêu với rượu votka... Đó là những đặc sản không thể thiếu của Odessa.

Còn một điều nữa trên tinh thần và cảnh sắc của Odessa sẽ sống mãi trong lòng những du học sinh, nghiên cứu sinh người Việt Nam đã từng công tác và học tập tại đây. Nhiều đoàn du học và nghiên cứu sinh đã có dịp được trở lại Odessa với thời gian đã biến họ thành người cao tuổi, nhưng ở họ đã thành công nhất định trong sự nghiệp cống hiến của từng cá nhân và chẳng cần phải nói khi “những đứa con trở về mái trường xưa yêu dấu” của bây giờ vẫn là thày, là trò cả “ta lẫn tây” đều ôm nhau nức nở kể lại nhiều kỷ niệm xưa với sức trẻ trai gái, với những mái đầu bạc hôm nay mà vẫn tung hô thời oanh liệt hôm qua…hợp lại trên trang mạng internet có các bài viết tương tự như “Odessa - Mùa phượng trắng” của tác giả Lưu Quang Định, hay “Odessa hòn ngọc của Biển Đen” của tác giả Hoa Thiên đã làm tôi xúc động trong ký ức văn hóa của những người có kỷ niệm lưu học sinh tại đây…

Odessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhập
Odessa đêm trăng (Tranh của Ai-va-dốp-ski)
Odessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhập
Tranh bên : Mùa thu vàng (Tranh của Le-vi-tan)

 

Odessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhập
Bức tranh Tam giáo – Phật, Lão Tử và Khổng Tử
Odessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhập
Thày pháp Nhật Bản đang làm lễ "tróc tà".
Odessa - cộng đồng Việt với nhận thức cuộc sống và văn hóa tâm linh thời hội nhập
Bộ áo giáp Thổ Nhĩ Kỳ - các hiện vật trong Bảo tàng Phương Đông phương Tây - Ảnh Trịnh Yên

Tôi nói vậy để các bạn biết mình đang hạnh phúc và may mắn được sống ở thành phố gốc Odessa trước sự cởi mở của văn hóa, nghệ thuật, sự ưu đãi của thiên nhiên, sự quý trọng người của dân bản xứ mà không dễ gì những du khách trước tôi đã mệnh danh cho Odessa là “Hòn ngọc của Biển Đen”.

Và để được nói với các bạn hôm nay (với tư cách họa sĩ, nhà văn, nhà thơ và nhà nghiên cứu văn hóa), tôi không thể không có tấm lòng tri ân và biết ơn Odessa trong gần một trăm ngày được sống ở đây mà không có quà tặng lại các bạn người Việt Nam đang sinh sống ở Odessa một chùm thơ nhan đề:

Chùm thơ về Odessa

Mến tặng người Việt Nam đã và đang sống tại Odessa

Kỷ niệm Odessa

Tháng Chín thu vàng đã ngả
Ngày mồng Hai nhắc nhớ Việt Nam
Nhớ ngôi sao vàng tỏa sáng cờ non nước
Soi cả bước chân người du học xa...
Tôi đã đến “Hòn Ngọc Biển Đen” (3)
Người ta cũng chọn ngày mồng 2 tháng 9
Để đặt tên cho Ô-đét-xa (4)
Hơn hai trăm năm sức mạnh đế chế
Là những bậc thang Pô-tem-kin đi lên
Ở đó có Nữ hoàng E-ka-tê-rin-na
Có Du-ke, có Pút-Kin và có cả Gô-Gôn ... (5)
Cùng tất cả những anh hùng đã mở địa đạo chống xâm lược hôm qua
Đã từng chảy máu, từng chia hoa và đã từng kết quả cho sử xanh sáng chói Ô-đét-xa...
Và cho những bài hát Tháng Mười cứ thế (6)
Ngợi ca đất anh hùng, ngợi ca sóng biển Đen
Ở ngay trong bảo tàng Đông, Tây
Phô bày Trung Đông, phô bày Nhật Bản
Và các cuộc “di truyền” văn hóa tâm linh (7)
Rõ ngay trong bảo tàng Nghệ thuật
Ở đó,
Có những câu chuyện về sắc màu huyền bí:
Trên biển dữ, trên đêm trăng gió lộng của Ai-va-dốp-ski (8)
Trên “Mùa thu vàng” của Lê-vi-tan (9)
Trên sự chiến thắng quân Thổ như vui đùa của Rê-pin (10)
Và cả thành phố là các “nàng thơ hóa đá” (11)
Trên kiến trúc Ô-đét-xa
Tỏa sáng ô-pê-ra là những “Hồ thiên nga”, những “Phiên chợ cũ” (12)
Giăng mây biển cảng qua những chiều gió gọi lao xao
Sừng sững ngọn Hải đăng chao nghiêng mắt bão
Ôm đồm cánh trắng hải âu
Long lanh cát dài hờn sóng
Nườm nượp nắng chiếu pha lê
Như người giang tay ôm trọn biển cả
Tình yêu Ô-đét-xa
Kỷ niệm Ô-đét-xa
Trong tôi…
Cùng những người…sẽ tới…và sẽ được tin yêu…

Người Việt ở Odessa

Cộng đồng hai tiếng thân thương
Chung dòng máu Việt nên nhường nhịn nhau
Dù Trung-Nam-Bắc trước sau
Vẫn con một bọc ta chầu Mẹ - Cha
Hùng Vương dội bóng quê nhà
Non càng thương biển – thuận hòa gió mưa
Xứ người đánh đổi được, thua
Trí, Tâm chia sẻ có thừa ai đâu ?
Đức nhân đoàn kết nhiệm màu
Phát huy thành quả mai sau…mới là
Làng Sen (13) vẫn nở rộ hoa
Cây thiêng cho quả khắp ba, bốn đời
Chợ “Cây số 7” vẫn lời
Cháu con phất học vững nòi Việt Nam…

Trẻ em xứ người

Bi bô tập nói, tập cười
Tiếng cha tiếng mẹ sõi lời Việt Nam
Tiếng U tập viết rõ ràng
Tiếng Nga gọi nắng sang trang…phúc nòi
Tiếng Anh gỡ bỏ trùng khơi
Chăm trồng sinh ngữ gặt nơi xứ người
Ngày xưa cha mẹ…chợ trời
Nay con tiến sĩ đổi đời…ca dao.

Người Việt đi chợ Cây số 7

Sáng đi rạng rỡ mặt trời
Chiều về “nếp tẻ” lộc người…nhập kho
Ngày dài, đêm đợi…âu lo
Tháng ba “chợ đuội” bỏ bò, bắt trâu
Tháng tám cờ phất…ngựa mau
Giá “công” mở cửa trước sau…lộc về
Người sang đùm bọc kẻ mê
Đừng tham vận đỏ bỏ bê…nghĩa tình
Chợ nào cũng chứa…nhục – vinh
Ai ơi dạ Việt còn linh…nước nhà…

Thăm Bảo tàng nghệ thuật

Gặp một góc nhìn Ô-đét-xa
Biển Đen khát vọng Uk-rai-na ?
Quá “Mùa thu vàng" (14) chẳng nguôi mộng
Ta khóc người xưa vội vã…xa…
Biết Pút-kin nợ trời…đắm đuối
Xót chàng Rê-pin vẽ…trầm kha
Bảo Lê-vi-tan khoan cầm súng (15)
Vàng bạc trong tâm đủ đấy mà…
Trông thấy "hiện đại" chưa tới bến
Men về "cổ điển" khiếp phong ba
Bão ơi đừng hờn Ai-va-dốp (16)
Biển sáng về sau luận…chính tà.

Một ngày ở Odessa

Một ngày được biển ôm ta
Một ngày được vẽ cả ba…cánh rừng
Hải âu rộn rã tưng bừng
Biển Đen lóa trắng, cửu trùng nghiêng soi
Ta thèm kể chuyện…du chơi
Biết em - biển ấy đã khơi…rộng tình…

Odessa tình yêu

Nếu yêu - đen trắng thì đây
Biển Đen cứ khát mây ngày trắng tinh
Bao năm anh vẫn giật mình
Bây giờ cảm xúc chỉ…tình em thôi…

Odessa tình bạn

Tưởng xa xôi mãi trời Tây
Lại thêm bạn mới trong ngày Việt Nam
Mùng Hai tháng Chín…vinh quang
Trùng ngày thành lập “thiên đàng” Ô-đét-xa
Ta neo một thoáng mây nhà
Nghĩa ngàn tình bạn thắm qua…cộng đồng…

Đôi lời ý hay:

1. Bạn là khách của Odessa, nhưng bạn có quyền làm chủ cảm xúc của mình mỗi khi cảnh và người đã hồ hởi chia sẻ cùng bạn các nền văn minh và các tiến bộ hội nhập nơi đất khách.

2. Người Việt không giỏi thể thơ và các kỹ năng thơ nhưng tất cả đều thích làm thơ để minh họa cho cảm xúc của mình. Không tin bạn hãy xem lại những người hưu trí đa số đều thích nói và kể chuyện đời mình bằng cảm xúc thơ của chính họ.

3. Nếu bạn biết cách sắp xếp và nói theo tứ của tu từ chuẩn mực và thi thoảng tìm cách giải phóng tâm trạng thì chính bạn đã trở thành nhà thơ của riêng mình rồi đấy.

4. Người ta có thể không cười trong nỗi buồn, nhưng người làm thơ lại rất sảng khoái trong việc đặc tả được nỗi buồn qua các vần thơ của chính họ.

5. Ngôn ngữ của từng dân tộc không giống nhau, nhưng nó đã hòa được vào nhau bởi các giai điệu thơ hóa bài hát hoặc bài hát hóa thơ.

6. Hội người Việt Nam tại Odessa nên có “Ngày của người Việt Nam tại Odessa” cũng là cơ hội nhân lễ kỷ niệm trùng lặp này (Quốc khánh 2/9 đồng là ngày Thành lập TP Odessa) để coi đó cũng là “ngày của mình” thì niềm vui và tinh thần đoàn kết và bác ái sẽ tăng lên nhiều lắm – Ngày này tổ chức Hội sẽ làm được nhiều việc đoàn kết, khuyến học, từ thiện, tôn vinh và các nghi thức tín ngưỡng khác…chắc chắn sẽ ấm lòng người Việt ở đây trong mọi lẽ riêng, chung…

Chú thích:

(1) : Nữ hoàng Ekatherine đệ nhị: Còn gọi là Ekaterina Đại đế (Yekaterina II Velikaya) (sinh 1729 – mất 17 tháng 11 năm 1796). Cai trị toàn bộ lãnh thổ đế quốc Nga từ 28 tháng 6 năm 1762 cho tới khi qua đời. Có thể nói bà là hiện thân của chế độ quân chủ chuyên chế Nga hoàng, tuy nhiên bà có công lớn trong việc đưa nước Nga thực sự trở thành một cường quốc tại châu Âu vào thế kỷ 18. Dưới triều đại của bà, Quân đội Nga đánh tan tác quân Thổ và mở rộng đất đai cho đế chế Nga.

(2) : “Kính vá Tiffany” : Họa sĩ Louis Comfort Tiffany (1848-1933) - bậc thầy Stained Glass phát minh kỹ thuật làm đèn nghệ thuật Tiffany Lamps. Ông đã sáng chế ra loại kính màu đa sắc được nung chảy từ quặng thô thủy tinh ở nhiệt độ 2500 độ C. Kính này được sử dụng nhiều trong các cây đèn, ô cửa số đầu thế kỷ 20 như một giá trị về chất liệu nghệ thuật quý hiếm. Các cây đèn Tiffany từ tay ông làm ra có giá nhiều triệu USD.

(3) : Biển Đen: Biển Đen, còn được gọi là Hắc Hải, là một biển nội địa nằm giữa Đông Nam châu Âu và vùng Tiểu Á. Biển Đen được nối với Địa Trung Hải qua eo biển Bosporus và biển Marmara. Biển có diện tích khoảng 422.000 km², nơi sâu nhất đến 2210 mét. Sông Danube là dòng sông quan trọng nhất đổ vào Biển Đen. Xung quanh bờ biển có rất nhiều thành phố lớn như: Istanbul, Burgas, Varna, Constanţa, Yalta, Odessa, Sevastopol, Kerch, Novorossiysk, Sochi, Sukhumi, Poti, Batumi, Trabzon, Samsun…Chỉ riêng Odessa được mệnh danh là “Hòn ngọc của Biển Đen”

(4) : Tên Odessa : Do Nữ hoàng Ekaterina đặt tên cho TP này vào khoảng năm 1794 (xem trong bài viết).

(5) : Duke, có Pút Kin và có cả Gô Gôn: Duke Rechelieu – nhà sáng lập Odessa và là thị trưởng đầu tiên của TP này, ông chính là công tước de Richelieu, (sinh ngày 25 Tháng Chín năm 1766, Paris, mất 17 tháng 5 năm 1822, tại Paris), Trước đó, ông đã phục vụ Nga Hoàng và là thống đốc của Odessa. Còn Pút Kin và Go gôn (xem trong bài viết)

(7) : Di truyền văn hóa tâm linh: Hầu hết các bảo tàng ở Odessa đều trưng bày các tác phẩm nghệ thuật và các hiện vật liên quan đến ký ức lịch sử văn hóa, nhưng nó phản ánh các mặt mạnh về đa tôn giáo như một nền tảng tâm linh tập hợp cho văn hóa lập thành TP Odessa.

(8) : Ai-va-dôp-ski: (Xem tóm tắt trong bài viết)

(9) : Le-vi-tan: Tên thật Isaac Ilyich Levitan, sinh ngày 30 tháng 8 năm 1860, mất ngày 4 tháng 8 năm 1900. Ông là một họa sĩ tranh phong cảnh người Nga gốc Do Thái nổi tiếng. Với những tuyệt tác như “Mùa thu vàng” hay “Rừng bạch dương”…, Levitan được coi là một trong những họa sĩ Nga nổi tiếng nhất vào cuối thế kỉ 19. Tranh ông hiện còn treo ở Bảo tàng Nghệ thuật Odessa và Bảo tàng Nghệ thuật Mat-xơ-cơ-va.

(10) : Rê-Pin: Tên đầy đủ là Ilya Yefimovich Repin (1844-1930) là một họa sĩ hàng đầu Nga và là nhà điêu khắc của trường nghệ thuật Peredvizhniki . Phần quan trọng trong công việc của ông là dành cho quê hương của mình Kharkov, Ukraine. Ông là người tiên phong vạch rõ chiều sâu tâm lý và phơi bày sự căng thăng được đặt ra ở xã hội bấy giờ… Bắt đầu từ cuối 1920, các công trình chi tiết về ông đã được xuất bản ở Liên Xô, nơi mà văn hoá Repin phát triển một thập kỷ sau đó. Các điều ông làm và vẽ đã được tổ chức như là một mô hình "tiến bộ" và "có óc thực tế " để noi gương cho những hoạ sĩ " hiện thực xã hội chủ nghĩa " ở Liên Bang Xô -Viết trước đây.

(11) : “Nàng thơ hóa đá” : Ở châu Âu có thuật ngữ đặt cho ngành kiến trúc cổ là “Nàng Thơ hóa đá” – ý nói loại nghệ thuật này phối hợp với các điêu khắc để kiện toàn sản phẩm có ý nghĩa nghệ thuật đã vượt khỏi sự xây dựng thuần túy làm cho “đá đã trở thành những nàng thơ sống mãi với nghệ thuật kiến trúc và thời gian”…

(12) : Hồ thiên nga, Phiên chợ cũ: Tức “Phiên chợ Ba Tư” và nhiều tác phẩm kinh điển khác luôn được trình diễn tại nhà hát lớn Opera, Ba lê của Odessa. Điều đặc biệt là các vở diễn này thường xuyên diễn hàng trăm năm nay mà chỗ ngồi vẫn kín người xem…

(13) : Làng Sen: Tên ngôi làng gồm 3 tòa nhà chung cư lớn tập trung cộng đồng người Việt đang sinh sống tại TP Odessa.

(14) : “Mùa thu vàng”: Tên tác phẩm của họa sĩ Lê-vi-tan.

(15) : “Bảo Lê -vi-tan khoan cầm súng” : Lê-vi-tan đã cầm súng tự tử 2 lần không chết. Có người nói ông bí bức do tự kỷ sáng tác mỹ thuật, có người nói ông bị bệnh tật kéo dài, nên chán nản mà tự sát.

(16) : Ai-va-dốp: Tên đầy đủ là Ai-va-dốp-ski, họa sĩ nổi tiếng chuyên vẽ về biển (xem qua bài viết).

Còn nữa…

Những câu hỏi và trả lời kỳ sau:

PV Người Việt Odessa: Ngoài việc sáng tác nghệ thuật nói chung, người ta còn mệnh danh ông là nhà tổ chức và nghiên cứu văn hóa tâm linh nổi tiếng trong nước như công cuộc tìm kiếm hài cốt nhà văn liệt sĩ Nam Cao với nhiều tổ chức đồng hiệp thương tham gia cùng các nhà ngoại cảm và những người có khả năng đặc biệt, sự kiện ấy đến nay vẫn còn nhắc đến…Xin ông cho biết tâm linh là gì, quan niệm thế nào cho đúng với văn hóa tâm linh mà không vướng vào mê tín, dị đoan?

PV Người Việt Odessa: Cộng đồng người Việt Nam tại đây luôn hướng về tổ quốc khi cần thiết, nhưng tâm lý người xa quê hương đều mang tâm thờ tự tổ tiên và đã lập ban thờ tại nhà riêng hoặc nơi ở chung cư tại Odessa này, nhưng quan niệm thờ sao cho đúng với nghi thức thờ truyền thống thi ít người nắm vững. Xin ông chỉ bảo đôi điều về cách thờ tự nói chung của người Việt Nam?

PV Người Việt Odessa: Cuộc phỏng vấn ông thật chưa từng có trong số học giả đã qua Odessa. Phần kết thúc cuộc đàm thoại đặc biệt này, xin ông có đôi lời khuyên bà con cộng đồng Việt Nam mình nên trau dồi kiến thức ra sao để phát huy hơn nữa khả năng hội nhập các tiến bộ cho cuộc sống ngày mai ?

Ban biên tập


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN