Người Việt Odessa
Kinh doanh

Việt Nam đứng trước cơ hội lớn, bất động sản công nghiệp ‘lên ngôi’

Thứ hai, 15/06/2020 | 03:46
Việc Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn nhất để trở thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới không chỉ thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dồi dào vào các khu công nghiệp mà còn khiến thị trường bất động sản khu vực này trở nên sôi động sau nhiều năm trầm lắng.

Thị trường sôi động

Theo báo cáo của Công ty CBRE về về thị trường bất động sản công nghiệp, thời gian vừa qua, thị trường Việt Nam rất sôi động với sự gia tăng yêu cầu thuê đất và nhà máy từ cả khách thuê hiện hữu lẫn khách thuê mới.

Điều này cho thấy, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn nhất để trở thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới. Một mặt là do các hoạt động sản xuất sẽ tiếp tục xu hướng chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc, cùng với đó là xung đột thương mại với Mỹ và chiến lược của các nhà sản xuất nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.

Báo cáo từ Savills Việt Nam (Tập đoàn cung cấp các dịch vụ BĐS hàng đầu trên thế giới) cũng cho thấy, Việt nam có lợi thế với 64% dân số trong độ tuổi lao động, chi phí lao động lại thấp hơn Trung Quốc. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, Việt Nam càng tạo được uy tín với quốc tế khi kiểm soát dịch bệnh tốt, niềm tin của người dân với Chính phủ, tính linh hoạt và khả năng thích nghi nhanh chóng của Việt Nam tăng cao... Đây chính là những tiêu chí để quốc gia không thể bỏ lỡ các cơ hội đón sự chuyển dịch đầu tư quốc tế vào các khu công nghiệp.

Tiến sỹ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tìm kiếm địa điểm tại các khu công nghiệp (KCN) để đầu tư kinh doanh nhà xưởng theo quy mô lớn, với quỹ đất từ 500 - 1.000 ha.

Ngoài TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, thì các thành phố vệ tinh cũng đang được các nhà đầu tư quan tâm như Long An, Bình Dương... những nơi có vị trí thuận lợi về cơ sở hạ tầng giao thông, kho bãi lưu trữ và dịch vụ logistics tới các thành phố lớn.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2020, các KCN, KKT trên cả nước thu hút được khoảng 390 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 4,3 tỷ USD. Theo đó, lũy kế nâng tổng số dự án FDI lên khoảng 9.850 dự án với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 194 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện đạt trên 70%.

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN, KKT đạt khoảng 81 tỷ USD, chỉ giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng giá trị xuất khẩu 58 tỷ USD, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là con số có ý nghĩa hết sức khả quan trong thời điểm mà nhiều nền kinh tế đang bị khủng hoảng từ đại dịch Covid-19.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bất động sản công nghiệp như hiện tại là nhờ định hướng của Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu; Việc xúc tiến thành lập các khu công nghiệp và kinh tế trọng điểm; Sự tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA); tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong những năm gần đây và việc sở hữu lực lượng lao động trẻ, dồi dào, chi phí thấp.

Những yếu tố này đã góp phần thu hút một lượng vốn đầu tư đáng kể từ các tập đoàn nước ngoài, điển hình như Samsung đã công bố đầu tư hơn 17 tỷ USD vào Việt Nam. Gói đầu tư này dã góp phần tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng của thị trường Việt Nam trong mắt nhà đầu tư trên khắp thế giới.

Theo ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, sức hấp dẫn của bất động sản công nghiệp Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và tiếp tục được thúc đẩy bởi các yếu tố, như: chi phí lao động thấp; giá thuê đất hợp lý; thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi...

Tuy nhiên, ông Cung cũng lưu ý, sự phát triển của bất động sản công nghiệp Việt Nam cũng còn nhiều những bất cập: hạ tầng kết nối đa phương tiện còn thiếu đồng bộ, hạ tầng nhà xưởng có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, đóng góp của KCN, KKT vào GDP còn chưa tương xứng với tiềm năng, định hướng chính sách của nhà nước đã có nhưng chưa rõ ràng và đủ mạnh để hỗ trợ các nhà đầu tư và thúc đẩy thị trường phát triển.

Cổ phiếu khu công nghiệp tăng vọt

Trên thực tế, nhóm cổ phiếu khu công nghiệp luôn giữ được đà tăng trưởng trong suốt những tháng đầu năm 2020 ngay cả khi thị trường “đỏ lửa” vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, phải đến đầu tháng 4 mới thật sự nổi sóng cùng với đà tăng trưởng của thị trường. Nhiều nhà đầu tư đã bắt đúng "sóng" và kiếm bộn tiền từ làn sóng cổ phiếu khu công nghiệp. 

Theo đó, nếu tính từ đầu tháng 4 thì cổ phiếu ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Itaco) đã tăng gần 135% từ mức giá 1.900 đồng/cp. Ngoài ITA, những cổ phiếu khác trong ngành cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, vượt trội so với thị trường chung như cổ phiếu KBC của CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc cũng ghi nhận mức tăng gần 30%; cổ phiếu NTC của CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên tăng 45,5%; cổ phiếu BCM của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) tăng 54,1%; nhóm cổ phiếu Sonadezi cũng ghi nhận mức tăng trung bình 50%...

Lý giải về sự tăng trưởng mạnh của nhóm cổ phiếu bất động sản, Công ty Chứng khoán VNDrirect cho biết động lực chính là do kỳ vọng từ việc các nhà máy đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển khỏi Trung Quốc, đặc biệt sau dịch Covid-19.

Bởi các tập đoàn toàn cầu nhìn nhận được hậu quả của sự phụ thuộc quá lớn vào một quốc gia, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế, công nghệ và công nghiệp nặng là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất buộc họ phải thay đổi chiến lược.

Do đó, các tập đoàn thực hiện chiến lược Trung Quốc +1, trong đó với lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân công giá rẻ cùng chính sách ưu đãi thuế hấp dẫn, Việt Nam trở thành một trong những điểm đến phù hợp trong chiến lược dịch chuyển này.

Thực tế, xu thế chuyển dịch vẫn đang ở mức khá thấp nhưng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đầu tư khu công nghiệp vẫn có những dấu hiệu khởi sắc nhất định, nhất là trong quý đầu năm 2020 bất chấp việc dịch bệnh khiến nhiều ngành khác lao đao.

Đơn cử như Itaco ghi nhận khoản lợi nhuận 25 tỷ đồng trong quý I/2020, tăng trưởng 341% so với cùng kỳ; Nam Tân Uyên lãi 85,3 tỷ đồng tăng 22% so với cùng kỳ; Long Hậu báo lãi 63,2 tỷ đồng tăng trưởng 15%...

Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 19/6 tại Hà Nội. Diễn đàn sẽ là nơi trao đổi, kết nối thông tin, đưa giải pháp giúp các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội vàng của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2020 - 2022.

baoquocte.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN