Người Việt Odessa
Kinh doanh

Triết lý 'thu thập lời cảm ơn' của ông chủ Nhật

Thứ hai, 07/10/2019 | 04:42
Nhà sáng lập tập đoàn Watami tin rằng Việt Nam đang ở thời điểm chuẩn bị bước vào giai đoạn kinh tế phát triển thịnh vượng như nước Nhật những năm 1970.

"Tôi đã đi qua nhiều nước Đông Nam Á và đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam. Thế giới đang khủng hoảng bởi chiến tranh thương mại. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu thâm hụt dần. Song, chính phủ Việt Nam thì có chính sách hợp lý nên không ảnh hưởng nhiều mà còn có định hướng phát triển kinh tế tốt", ông Miki Watanabe – Nhà sáng lập Tập đoàn Watami (Nhật Bản) nói với VnExpress trong dịp đến Việt Nam gần đây.

Trong chuyến đi này, ngoài việc tiếp tục thảo luận với đối tác về kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm và tìm kiếm nguồn cung lao động từ Việt Nam, ông Watanabe dành nhiều thời gian để ghé thăm nhà hàng Kyo Watami tại TP HCM, hạt nhân đầu tiên trong kế hoạch mở rộng sang thị trường này.

"Tại Nhật, các nhà hàng của Watami chủ yếu phục vụ khách gia đình. Tuy nhiên, để phù hợp với phong cách và vị trí đắc địa, chúng tôi bổ sung thêm các món ăn đáp ứng nhu cầu tiếp khách", ông nói hài lòng về nhà hàng đầu tiên khi nó nằm cạnh Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản.

Triết lý 'thu thập lời cảm ơn' của ông chủ Nhật

Ông Miki Watanabe – Nhà sáng lập Tập đoàn Watami (Nhật Bản). 

Là gương mặt mới trong thị trường nhà hàng ẩm thực Nhật Bản, nhưng Kyo Watami triển vọng là một đối thủ nặng ký bởi sức mạnh của hai 'đại gia' đứng sau, gồm Tập đoàn Watami (Nhật Bản) và Tập đoàn Sơn Kim (Việt Nam).

Với quy mô vốn hóa hơn 560 triệu USD, mảng kinh doanh chính của Watami là dịch vụ ăn uống, bao gồm 17 thương hiệu, hơn 500 nhà hàng ở Nhật Bản và 9 thành phố châu Á. Đó là chưa kể các lĩnh vực khác như trang trại hữu cơ, chế biến thực phẩm, bếp trung tâm, dịch vụ giao thức ăn tận nhà, môi trường...

Trong khi đó, Sơn Kim hoạt động trong hai lĩnh vực chính là bất động sản phân khúc cao cấp và bán lẻ, bao gồm các chuỗi thời trang, cửa hàng tiện lợi, kênh mua sắm truyền hình và chuỗi nhà hàng ở Việt Nam.

"Kế hoạch của chúng tôi là mở chuỗi nhà hàng rộng khắp Việt Nam", ông Watanabe nói. Trước đó, khi công bố hợp tác, lãnh đạo Sơn Kim cũng xác nhận cả hai phía đặt mục tiêu sẽ mở 30 nhà hàng trong giai đoạn đầu.

Nhà sáng lập Watami tin rằng, kinh tế Việt Nam phát triển và mức sống người dân cải thiện chính là cơ hội cho ông. Khách hàng sẽ tìm đến những nhà hàng Nhật với đòi hỏi chất lượng cao, tương đồng với các nhà hàng bản xứ tại Nhật.

"Cũng như bên Nhật, bước đầu tiên của chúng tôi là đi vào dịch vụ nhà hàng, bước thứ hai là nhà máy chế biến thực phẩm, bước thứ ba là sản xuất các sản phẩm nông nghiệp", ông nói về tầm nhìn ở Việt Nam. 

Tuy nhiên, điều đặc biệt là nhà kinh doanh 60 tuổi này thậm chí còn tâm đắc hơn với mục tiêu thu thập những lời cảm ơn từ Việt Nam. 

"Mỗi doanh nghiệp có định hướng và phong cách riêng. Có doanh nghiệp nhắm đến doanh thu, doanh nghiệp khác nhắm đến lợi nhuận. Chúng tôi thì muốn nhận được nhiều lời cảm ơn từ nhân viên trong công ty và khách hàng. Thực tế, nếu nhận được nhiều lời cám ơn hơn, sự hài lòng cao hơn, thì sự tăng trưởng của công ty sẽ đạt theo kế hoạch tốt hơn", ông lý giải về khẩu hiệu "To be the group to collect the most ‘Thank you’ on the planet" mà ông luôn mang theo trên mọi ngả đường kinh doanh.

Con đường kinh doanh của ông Watanabe vốn đã có nhiều khác biệt. Ý tưởng khởi nghiệp đến với ông lúc mới 10 tuổi, khi công ty của bố phá sản. "Ngay trong năm đó, tôi quyết tâm mình sẽ xây dựng một công ty cho riêng mình", ông kể lại.

Tốt nghiệp Đại học Meiji năm 1982, ông làm việc cho một công ty dịch vụ kế toán trong 6 tháng để học về tài chính và kỹ năng kế toán cần thiết cho việc quản lý. Sau đó, ông dành thêm một năm làm trong ngành chuyển phát trước khi thành lập Watami vào tháng 5/1984.

"Giai đoạn đầu khó khăn, tôi luôn canh cánh làm sao để tăng doanh thu. Tuy nhiên, trong quá trình định hướng tăng trưởng, tôi nhận ra một điều quan trọng hơn, đó là văn hóa công ty. Làm sao thu thập được nhiều lời cảm ơn hơn từ khách hàng, từ nhân viên công ty", và ông nói vì thế công ty bắt đầu đi theo định hướng này.

Mong muốn nhận thêm lời cảm ơn từ các lĩnh vực khác, ông sáng lập "School Aid Japan", chuyên hỗ trợ giáo dục tại Campuchia, Nepal và Bangladesh. Ở Campuchia, tổ chức này đã xây dựng 288 ngôi trường, tính đến tháng 3/2019, cung cấp đồng phục và đồ dùng học tập cho hơn 11.000 học sinh. Ông đang định hướng Watami thành tập đoàn theo mô hình CSV (Creating Shared Value), đưa việc kinh doanh cùng giải quyết những vấn đề xã hội.

"Vì sao con người có mặt trên trái đất này? Con người không phải sống vì tiền, mà sống để trưởng thành. Với lí do đó, chúng tôi xây dựng cho tập đoàn con đường phát triển và tầm nhìn xa hơn", nhà sáng lập Watami chia sẻ.

Kinh doanh được 29 năm, ông Miki Watanabe tham gia vào chính trị 6 năm. Ông làm cố vấn tái thiết Thành phố Rikuzentakata, tỉnh Iwate năm 2011 và trở thành Nghị sĩ thượng viện năm 2013. Tháng 7/2019, ông quay trở lại  kinh doanh sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Trong thời gian làm chính trị, Watami có lúc rơi vào khó khăn. Những lúc đó, ông bảo sự đoàn kết là chìa khóa để công ty vượt sóng.

"Tôi hiểu rằng công ty phát triển bền vững không phải nhờ doanh thu mà nhờ con người. Trong kinh doanh có lúc thắng lúc bại, tuy nhiên, chúng ta phải xây dựng văn hóa kinh doanh sao cho các nhân viên đoàn kết thì khó khăn nào cũng vượt qua được", ông nói.

Triết lý 'thu thập lời cảm ơn' của ông chủ Nhật

Một góc bên trong nhà hàng Kyo Watami đầu tiên tại Việt Nam. 

Nói về làn sóng các công ty Nhật Bản đổ sang Việt Nam đầu tư, ông nói Việt Nam đang hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi từ vị thế chính trị, môi trường đầu tư lẫn những chính sách mà chính phủ Nhật dành cho nước này.

Ngoài chuỗi nhà hàng sắp hình thành, Watami còn muốn xây dựng trường dạy tiếng Nhật để tiến tới tuyển dụng lao động Việt sang làm việc. Mảng xây dựng nhà máy thực phẩm cùng Sơn Kim cũng nằm trong sự chuyển dịch đối tác từ Trung Quốc sang Việt Nam của tập đoàn.

"Chúng tôi là doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác cũng như kinh doanh, chúng tôi có lời khuyên là thị trường này rất có tiềm năng. Rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn có điều kiện trở lại như lúc kinh tế Nhật thịnh vượng. Tôi tin rằng, Việt Nam thời điểm này rất giống thời điểm mà kinh tế Nhật chuẩn bị phát triển mạnh. Các bạn trẻ nếu có quyết tâm và kế hoạch cụ thể thì làm gì ắt cũng thành công", ông nhận định.

vnexpress.net


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN