Người Việt Odessa
Kinh doanh

Tiền ảo chính thống từ Trung Quốc: Tiềm năng hay nguy cơ tài chính?

Thứ ba, 20/08/2019 | 05:15
Đồng tiền ảo chính thức của Trung Quốc liệu có thể thực sự kết liễu thị trường tiền mặt tại quốc gia này?

Một trong những tin tức có xu hướng bị giới truyền thông bỏ qua trong giai đoạn đầy biến động của xung đột thương mại Mỹ - Trung nhưng sẽ có hậu quả lớn là việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố đã sẵn sàng ra mắt đồng tiền ảo chính thống của mình sau 5 năm phát triển.

Quốc gia đóng góp nhiều nhất vào sự phát triển của thị trường cũng như đã cố gắng hết sức để kiểm soát tiền điện tử thông qua nhiều lệnh cấm liên tiếp giờ đây sẽ làm điều mà rất ít quốc gia khác thực hiện. 

Thay vì tiếp tục chờ đợi và thụ động trong những phiên điều trần về tiền ảo như Mỹ và các quốc gia châu Âu, Trung Quốc đã đưa ra dự án của riêng mình, dưới sự kiểm soát tập trung như mọi thị trường khác tại đây. 

Mục đích tận dụng những lợi thế vượt trội của tiền điện tử bằng cách tung ra chính nó là chiến lược không thể khôn ngoan và táo bạo hơn. Đây không phải là sự thay đổi về quan điểm mà là một cú bùng nổ gây ngạc nhiên và tiến xa đáng kể so với dự án tiền điện tử của các quốc gia khác.

Cấu trúc đồng tiền ảo của Trung Quốc có lẽ sẽ không liên quan nhiều đến hệ thống tiền điện tử phổ biến hiện nay. Đặc biệt, nó sẽ được giám sát ở hai cấp độ do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bên trên và các ngân hàng thương mại quốc gia bên dưới. 

Tiền ảo chính thống từ Trung Quốc: Tiềm năng hay nguy cơ tài chính?

Không phải Nhật Bản, Thụy Sĩ hay Mỹ, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên chính thức công bố sẽ ra mắt dòng tiền ảo chính thống. Ảnh: Forbes

Để quản lí nền kinh tế rộng lớn của Trung Quốc, chỉ phụ thuộc vào blockchain là quá chậm và không hiệu quả khi giải quyết khối lượng giao dịch khổng lồ như vậy. 

Ý tưởng tạo ra một loại tiền tệ ổn định, một phương tiện hiện đại để giao dịch là xu hướng thiết yếu và tiền điện tử có được mọi ưu điểm đó. Điều duy nhất chính phủ Trung Quốc cần làm là tránh được tính bất ổn và biến động của tiền điện tử truyền thống hiện nay. 

Nhiều chuyên gia cho rằng chính phủ Trung Quốc cũng muốn tăng khả năng truy nguyên nguồn gốc tất cả các giao dịch kinh tế, giải quyết được hạn chế của tiền mặt hiện nay. Đây là một nỗ lực trong chiến dịch phòng chống tội phạm kinh tế và nạn tham nhũng của chính quyền Bắc Kinh.

Cách tiếp cận này có thể sẽ khiến những người đam mê tiền điện tử thất vọng nhưng nó có thể đưa ra một mô hình cho các quốc gia phát triển không muốn liên kết với những trò hề của các quốc gia thất bại như Venezuela và đồng petro. 

Động thái của Trung Quốc có thể là một suy nghĩ lại về vai trò của các loại tiền trong nền kinh tế hiện tại, đưa ra các giải pháp cho những thách thức sẵn có. Tiền điện tử sẽ đóng một vai trò quan trọng trong những năm tới và Trung Quốc đã quyết định trở thành người tiên phong trong sân chơi mới. 
Đến nay, ngày ra mắt chính thức của đồng tiền này vẫn chưa được tiết lộ nhưng đó chắc chắn là một chặng đường dài từ những lí tưởng ban đầu của cộng đồng phát triển tiền điện tử đến thực tế này.

Nhiều người đặt câu hỏi rằng một khi tính tự do và phóng khoáng của tiền ảo bị ảnh hưởng nặng nề bởi những cân nhắc thực tế và lợi ích của một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới thì điều gì sẽ xảy ra? 

Đầu tiên, các ngân hàng thương mại và PBoC chắc chắn sẽ là tổ chức phát hành duy nhất của đồng tiền này. Ở Trung Quốc, sự phân biệt giữa các ngân hàng thương mại và nhà nước rất mong manh. Việc các cơ quan thẩm quyền có thể dễ dàng truy cập và kiểm soát nguồn tiền liệu có đảm bảo sự khác biệt so với tiền mặt hiện nay?

Tiếp theo, PBoC có thể sẽ thiết kế tất cả các ví tiền điện tử và có quyền truy cứu dữ liệu của tất cả các giao dịch, ở mọi cấp độ. Nếu các đối tác tư nhân có thể tham gia vào việc phân tích dữ liệu hoặc cài đặt ví tiền, đây có phải là nguy cơ tăng tỉ lệ tội phạm tài chính và đánh cắp thông tin ngay từ trong các cơ quan đầu não hay không? 

Các bằng sáng chế được PBoC đệ trình đến nay cho thấy họ muốn kiểm soát toàn bộ quá trình, khiến khó có khả năng những người dùng phổ thông (đối tượng chính sẽ sử dụng loại tiền này) được tiếp cận dịch vụ truy vấn giao dịch hay tạo hồ sơ công khai tương tự như blockchain.

Chỉ thời gian mới có thể trả lời những thắc mắc trên nhưng có một điều chắc chắn không thể phủ nhận: kỉ nguyên của tiền điện tử đã bắt đầu từ một chính phủ không ai ngờ tới.

vietnambiz.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN