Người Việt Odessa
Kinh doanh

Nối gót Mỹ, chứng khoán châu Á đỏ lửa

Thứ ba, 06/02/2018 | 05:33
Chỉ số Nikkei 225 trên sàn chứng khoán Nhât hiện giảm tới 7% trong phiên chiều.

Theo sau phiên giảm điểm kỷ lục của Wall Street tối qua, gần như toàn bộ thị trường lớn tại châu Á sáng nay đều lao dốc khi mở cửa. Tại Nhật, hầu hết mã trong Nikkei 225 đều đi xuống, với gần 40% có mức giảm 5% hoặc hơn. Chốt phiên sáng, Nikkei 225 mất 5,26% và Topix giảm 5%.

Sang phiên chiều, mức giảm của Nikkei đã lên 7% - mạnh nhất kể từ tháng 6/2016 khi người Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU). “Nhà đầu tư đang dần rút khỏi các tài sản rủi ro. Chúng tôi không biết liệu động thái này có phải là tạm thời hay không”, Takuya Takahashi – chiến lược gia tại Daiwa Securities cho biết trên Reuters. 

Nối gót Mỹ, chứng khoán châu Á đỏ lửa

Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh nhất châu Á sáng nay. Ảnh: Bloomberg

Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi ngày càng giảm sâu, hiện mất 3%. Trong khi đó, Kosdaq đã hồi phục phần nào so với đầu phiên, kéo mức giảm về 3,8%.

Chứng khoán Trung Quốc cũng không thoát khỏi làn sóng bán tháo toàn cầu. Ngay khi vừa mở cửa, Hang Seng Index (Hong Kong, Trung Quốc) và Shanghai Composite (Thượng Hải, Trung Quốc) đều giảm hơn 1,5%. Chốt phiên sáng, Shanghai Composite mất 2,1%. Trong khi đó, đà bán tháo tại Hong Kong tiếp tục tăng, khi Hang Seng Index đã giảm 6,1%, hướng đến phiên mất điểm mạnh nhất 7 năm.

Các thị trường khác tại châu Á, như Australia, New Zealand, Ấn Độ, Việt Nam, Singapore đều đang đi xuống.

Đà giảm còn lan sang các tài sản khác, như tiền tệ. Trừ yen Nhật tăng và đôla Hong Kong đứng yên, 10 tiền tệ hàng đầu châu Á khác đều mất giá. Won Hàn Quốc hiện là đồng tiền mất mạnh nhất, với 0,7%. Đôla Australia cũng đi xuống với mức giảm 0,2%. Giá dầu thô Mỹ WTI hiện giảm hơn 1%.

Hôm qua, chứng khoán Mỹ có phiên giảm điểm kỷ lục. Chỉ số Dow Jones có thời điểm sụt gần 1.600 điểm trong phiên giao dịch, S&P 500 cũng có phiên giao dịch tồi tệ nhất trong 6 năm. Chốt phiên, Dow Jones mất 4,6%, S&P 500 giảm 4,1% và Nasdaq là 3,78%. Các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ vẫn đang đi xuống trong phiên châu Á.

Trong khi đó, vàng – công cụ trú ẩn được ưa chuộng trong thời kỳ biến động kinh tế - chính trị lại đang đi lên, dù không mạnh như kỳ vọng. Giá tăng 10 USD trong nửa tiếng, hiện lên 1.345 USD một ounce. Trong phiên Mỹ, tối qua, giá cũng tăng với tốc độ tương tự khi Wall Street lao dốc. 

Cơn biến động của thị trường đã bắt đầu từ tuần trước, nhưng đến nay mới dần nghiêm trọng. “Nhà đầu tư đang ngày càng lo lắng rằng sẽ còn nhiều chuyện nữa xảy ra”, Greg McKenna – chiến lược gia thị trường tại AxiTrader nhận xét trên CNN.

Chứng khoán toàn cầu bị bán tháo do dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhanh hơn kỳ vọng. Lãi suất cao sẽ làm giảm lợi nhuận của các công ty và tác động lên thị trường trái phiếu. Mối lo này càng tăng tốc sau báo cáo việc làm Mỹ cuối tuần trước, cho thấy tốc độ tăng lương đang nhanh nhất kể từ 2009. Việc này khiến nhiều người lo ngại lạm phát có thể quay lại.

Riêng tại Nhật Bản, mức giảm càng mạnh do nhà đầu tư đổ xô mua đồng yen – công cụ trú ẩn hàng đầu trong thời kỳ biến động. 

Hà Thu - vnexpress.net


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN