Người Việt Odessa
Kinh doanh

Nga ngừng giao dịch USD ở cảng biển: Đồng rúp chưa mạnh...

Thứ hai, 02/10/2017 | 06:00
Muốn giảm phụ thuộc vào USD Nga phải có đồng tiền ổn định, lãi suất tương xứng, nếu không dẫu có cấm thì người dân vẫn tìm đến đồng USD.

Liên quan đến việc Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ đạo đưa đồng rúp làm đơn vị tiền tệ chính trong các giao dịch tại tất cả các cảng biển của nước này thay vì đồng USD như hiện nay, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới nhận định, đây là chính sách nhằm chống lại tình trạng đô la hóa trong nước Nga và không thể làm giảm uy tín đồng USD trên trường quốc tế.

"Thứ Nga xuất khẩu nhiều nhất là dầu lửa, chiếm tới 2/3 các mặt hàng xuất khẩu của nước này. Tuy nhiên, khi thanh toán trên thế giới, theo quy định, phải thanh toán bằng USD.

Có thể công ty dầu lửa Nga, sau khi thanh toán bằng USD về, dùng luôn đồng tiền này để tiêu khiến chính phủ Nga cảm thấy khó kiểm soát được các chính sách tiền tệ trong nước nên mới ra chỉ đạo trên. Làm như thế Nga mới duy trì được nguồn dự trữ và thu mua USD ổn định vào tay Ngân hàng Trung ương.

Còn nếu các công ty cứ giữ USD, đến khi đồng rúp khó kiểm soát thì chính phủ Nga lấy đâu nguồn cung USD để duy trì kho dự trữ ngoại tệ?

Chính vì thế, có thể nói việc làm của Nga lần này chỉ đơn giản là để tăng lựa chọn cho chính sách của mình", ông Bùi Ngọc Sơn phân tích.

Cũng theo vị chuyên gia, đối tượng bị ảnh hưởng ở đây là các doanh nghiệp ra vào cảng biển của Nga. Các doanh nghiệp này sẽ phải mất thêm chi phí chuyển đổi tiền khi chuyển sang đồng rúp. Trong khi đó, Mỹ không thiệt thòi gì .

"Trước nay Mỹ không được lợi gì khi các nước dùng USD giao dịch. Đó là vấn đề của quốc gia sử dụng đồng USD. Ở nhiều nước khác, doanh nghiệp xuất khẩu khẩu về phải chuyển sang đồng nội tệ để sử dụng. Tuy nhiên, nếu đồng nội tệ ấy không có độ tin cậy thì người ta buộc phải sử dụng đồng tiền có uy tín để tích trữ. Bản thân các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải sử dụng đồng tiền có sự ổn định, nếu không họ không biết tính toán thế nào để làm ăn.

Với Nga cũng vậy, muốn người dân và doanh nghiệp sử dụng đồng rúp thì đồng tiền đó phải ổn định. Nếu cứ thấp thỏm nay lên mai xuống thì các doanh nghiệp sẽ thua thiệt rất nặng nề", ông Sơn chỉ rõ.

Nga ngung giao dich USD o cang bien: Dong rup chua manh... - Anh 1

Nga muốn giảm phụ thuộc vào đồng USD

Đánh giá thêm về nỗ lực giảm phụ thuộc vào đồng USD của Nga thời gian qua, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn cho rằng chúng không có hiệu quả gì.

"Nền kinh tế Nga chỉ còn khoảng 1.000 tỷ USD thì làm sao tác động được đến đồng USD?

Nga muốn nâng cao vị thế đồng rúp, giảm phụ thuộc đồng USD thì phải có đồng tiền ổn định, lãi suất tương xứng để khách hàng tin tưởng, nếu không dẫu chính phủ có cấm thì người ta vẫn tìm đến đồng USD tích trữ hay. Thậm chí, khi chi phí trú ẩn, giao dịch bằng đồng USD đắt thì người ta sẽ tìm sang đồng tiền khác, chứ không thể dùng rúp nếu không có sự ổn định và tin tưởng ở đó", ông Sơn nhận định.

Trong khi đó, cũng bàn về động thái mới của Chính phủ Nga, TS Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ quốc tế, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mexico, Thụy Điển nhận xét, nỗ lực nâng cao vị thế đồng rúp, giảm phụ thuộc vào đồng USD của Moscow đã có từ nhiều năm nay nhưng việc thực hiện không hề dễ dàng. Nguyên nhân là dự trữ của Nga được đầu tư vào các giấy tờ có giá trị của Mỹ, đồng thời các ngân hàng Nga vẫn có tài khoản USD nên không thể từ bỏ được đồng USD.

"Nga muốn đề cao vai trò của đồng rúp và bộc lộ sự bất bình trong quan hệ với Mỹ. Bên cạnh đó, đây cũng là cách để Nga đối phó với đồng nhân dân tệ, chứ không chỉ USD.

Tham vọng của Trung Quốc là đưa đồng nhân dân tệ thành đồng tiền giao dịch quốc tế. Giữa Trung Quốc và Nga đã đạt được thỏa thuận giao dịch bằng đồng nội tệ và việc này đã được triển khai nhưng Nga vẫn muốn khẳng định mình là một nước lớn", TS Nguyễn Ngọc Trường nhận định.

Theo vị chuyên gia này, việc Nga muốn dùng đồng rúp để giao dịch thanh toán tại các cảng biển của nước này sẽ gây phức tạp cho các đối tác nhưng không làm thay đổi được tương quan lực lượng về kinh tế. Mỹ và Trung Quốc vẫn khống chế thị trường tài chính tiền tệ và sức mạnh kinh tế thế giới.

Đánh giá tổng thể về nỗ lực của Nga nhằm giảm phụ thuộc vào đồng USD với nhiều biện pháp, vị chuyên gia cho rằng hiệu quả không được bao nhiêu bởi "Nga vẫn đang trong giai đoạn bế tắc và sự bao vây, cấm vận của Mỹ và phương Tây đã làm suy yếu, chảy máu kinh tế nước Nga nhiều. Cho nên, thời gian qua, Nga chỉ "cựa quậy" mà thôi".

"Những biện pháp của Nga ảnh hưởng được bao nhiêu đến sức mạnh của đồng USD? Hiện giao dịch tiền tệ và tài chính của Nga đã bị hạn chế rất nhiều, Nga không thể tiếp cận các thị trường và nguồn tài chính phương Tây, đặc biệt là ngân hàng phương Tây. Cho nên, nếu dựa vào đó thì buôn bán thương mại giữa Nga, Mỹ và phương Tây không đáng kể.

Đây cũng có thể coi là biện pháp đối phó trước của Nga phòng khi Mỹ và phương Tây có thể thắt chặt các biện pháp cấm vận liên quan đến tiền tệ hơn nữa", TS Nguyễn Ngọc Trường nói.

baomoi.com.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN