Người Việt Odessa
Kinh doanh

Khiến ông Trump "phiền lòng", Ấn Độ sẽ là mục tiêu tiếp trong cuộc chiến thương mại?

Thứ bảy, 16/03/2019 | 03:21
Ngay khi những căng thẳng với Trung Quốc bắt đầu lắng dịu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lập tức mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại của ông, đó là Ấn Độ.

Không phải điều bất ngờ

Ngày 4/3, ông Trump đã "nổ phát súng đầu tiên" với thông báo trước Quốc hội về ý định chấm dứt ưu đãi mà Ấn Độ được hưởng theo Hệ thống thuế quan ưu đãi phổ cập (GSP), theo đó cho phép nhiều sản phẩm từ Ấn Độ và các nước phát triển khác được miễn thuế khi nhập khẩu vào Mỹ.

Quyết định chấm dứt GSP của Trump không phải một điều bất ngờ. Dù hai nền dân chủ lớn nhất thế giới có mối quan hệ hợp tác thân thiết trong lĩnh vực quốc phòng và nhiều lĩnh vực khác, quan hệ thương mại song phương nhiều khi vẫn gặp trắc trở, và càng tiêu cực hơn sau những lời lẽ châm biếm sắc bén của ông Trump khi gọi Ấn Độ là “vua thuế”.

Khiến ông Trump "phiền lòng", Ấn Độ sẽ là mục tiêu tiếp trong cuộc chiến thương mại?
Thủ tướng Ấn Độ Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AP)

Tổng thống Trump luôn than phiền về việc Ấn Độ áp thuế cao với hãng xe Harley Davidson, song đó không phải duy nhất. Ông cũng luôn tỏ ra khó chịu khi Mỹ chịu mức thâm hụt thương mại lớn với Ấn Độ - lên tới 27,3 tỉ USD vào năm 2017. Trong hai năm vừa qua, đất nước này cũng đã tăng thuế lên một số sản phẩm chế tạo của Mỹ, chẳng hạn như điện thoại di động và phụ tùng ô tô. Một vấn đề khác là tư tưởng bảo vệ các ngành kinh tế trong nước của Ấn Độ, đăc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ngoài ra, cơ chế sở hữu trí tuệ của Ấn Độ cũng là một nguyên nhân gây lo ngại cho Mỹ lâu nay. Theo luật cấp bằng sáng chế giới hạn của mình, Mỹ đã nhiều năm liệt Ấn Độ vào “Danh sách cần Ưu tiên Theo dõi” trong Báo cáo Đặc biệt 301, vốn ấn định các nước không bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ một cách thích đáng.

Không những vậy, Ấn Độ cũng vừa đưa ra một vài quyết định gây tổn hại đến các công ty công nghệ của Mỹ. Nước này vừa thông qua các điều luật yêu cầu một vài số liệu phải được lưu hành cục bộ, khiến chi phí vận hành các công ty nước ngoài càng gia tăng. Tương tự, các quy định về thương mại điện tử cũng cấm các ứng dụng bán hàng trên mạng bán bất cứ sản phẩm nào của các công ty có vốn lớn. Cuối cùng, Ấn Độ đang siết chặt các quy định mà các nhà cung cấp trên thị trường trực tuyến phải tuân thủ để hoạt động.

Không chỉ là "nỗi lòng" của Mỹ

Danh sách phàn nàn của Ấn Độ về Mỹ thì không dài như vậy, nhưng cũng chứa đựng một số lo ngại đáng kể.

Trước tiên, Ấn Độ từ lâu đã lập luận rằng những hạn chế của Mỹ với chính sách thị thực H-1B đã làm tổn hại sự phát triển ngành công nghiệp phần mềm của họ. Những lo ngại của Ấn Độ liên quan đến việc cấp thị thực bị trì hoãn quá lâu và những lời đề xuất hạn chế thị thực của chính quyền Trump với nhân công lao động tay nghề cao và không cấp phép làm việc cho những người đi theo vợ/chồng.

Ngoài ra, thuế mà Mỹ áp lên nhôm và thép cũng khiến các mặt hàng xuất khẩu này của Ấn Độ bị tác động. Cuối cùng, Ấn Độ lo ngại về những tổn hại nghiêm trọng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ vào Iran và Nga. Ở cả hai trường hợp này, Mỹ đều tuyên bố phạt nước thứ ba nếu có quan hệ làm ăn với hai nước nói trên.

Tuy nhiên, đến nay Washington vẫn trao các quyền miễn trừ cho New Delhi, nước phụ thuộc rất lớn vào việc mua trang thiết bị quốc phòng từ các công ty bị trừng phạt của Nga và nhập khẩu dầu từ Iran, song các biện pháp miễn trừ này chỉ là tạm thời, và Ấn Độ đã phải giảm lượng dầu nhập khẩu từ Iran cũng như có thể phải từ bỏ hẳn việc này…

Xét về triển vọng kinh tế, việc ông Trump xóa bỏ GSP sẽ không khiến quan hệ quá tồi tệ. Thứ nhất là bởi chỉ có một phần nhỏ trong các mặt hàng xuất khẩu Ấn Độ sang Mỹ được hưởng ưu đãi GSP. Thứ hai, GSP chưa bao giờ được áp dụng với các sản phẩm xuất khẩu thành công nhất của Ấn Độ. Cuối cùng, theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, GSP chỉ mang tính đơn phương, không cần sự nhượng bộ đáp lại từ các nước phát triển, dù Mỹ vẫn thường xuyên sử dụng việc đe dọa rút khỏi GSP để gây áp lực lên các nước được hưởng lợi về sở hữu trí tuế và tiêu chuẩn lao động.

Khiến ông Trump "phiền lòng", Ấn Độ sẽ là mục tiêu tiếp trong cuộc chiến thương mại?
Về lâu dài, Mỹ và Ấn Độ cần nhận thức rõ về những tiềm năng khổng lồ từ sự hợp tác không chỉ trong lĩnh vực quốc phòng, mà cả thương mại. (Nguồn: Sideraconsutl)

Có thực sự phải đi đến "chiến tranh" kinh tế

Về viễn cảnh chính trị, động thái của ông Trump với GSP rất nguy hiểm, và Mỹ cần thận trọng khi áp dụng thêm bất cứ hành động nào đẩy Ấn Độ vào xung đột thương mại. Đất nước này đang trong các cuộc bầu cử Quốc hội, và Chính phủ Ấn Độ khó có thể thể hiện sự yếu kém. Họ có thể từ chối nhượng bộ mà trong các hoàn cảnh khác họ có thể chấp nhận. Chính phủ thậm chí có thể lựa chọn việc đáp trả Mỹ để thể hiện sức mạnh với các cử tri. Vì vậy, bất cứ động thái công kích nào của Mỹ đều có nguy cơ châm ngòi một cuộc chiến tranh thương mại chẳng có lợi gì cho cả hai bên.

Đến khi các cuộc bầu cử Ấn Độ kết thúc, chính phủ mới có thể sẽ làm tốt việc xem xét toàn diện các chính sách và quy định thương mại. Họ nên đánh giá lại sự sáng suốt của đất nước khi lựa chọn chủ nghĩa bảo hộ và thay thế hàng nhập khẩu. Các chính sách nói trên từng là nhân tố trọng tâm trong sự thất bại của nền kinh tế Ấn Độ trong bốn thập kỷ đầu tiên sau khi giành độc lập. Ngược lại, sự cởi mở với thương mại và đầu tư nước ngoài đã mở đường cho sự thành công về kinh tế trong thời gian gần đây.

Về lâu dài, Mỹ và Ấn Độ cần nhận thức rõ về những tiềm năng khổng lồ từ sự hợp tác không chỉ trong lĩnh vực quốc phòng, mà cả thương mại. Mỹ vẫn là nền kinh tế mạnh mẽ và giàu có nhất thế giới, còn Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng 7 đến 8% hàng năm trên con đường trở thành nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới chỉ trong một thập kỷ nữa. Có rất nhiều không gian cho những thương lượng cùng có lợi cho đôi bên. Nếu biết kiên trì, cả hai đều có thể hưởng lợi lớn từ sự hợp tác thương mại trong những năm tới đây, như những gì họ đã làm được trong vấn đề quốc phòng và các lĩnh vực khác trong thời gian qua.

baoquocte.vn