Người Việt Odessa
Kinh doanh

Hơn 8.000 tỷ mua lại ACV lấy từ đâu?

Thứ năm, 05/09/2019 | 04:41
Bộ Giao thông vận tải mới đây đề xuất mua lại Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để biến doanh nghiệp này trở lại thành doanh nghiệp Nhà nước...

Đó là câu hỏi được đặt ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều muộn 4/9.

Câu hỏi dành cho lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải là liên quan đến vụ việc Bộ Giao thông vận tải mới đây đề xuất mua lại Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để biến doanh nghiệp này trở lại thành doanh nghiệp Nhà nước. Việc mua lại này dựa trên cơ sở nào? Dự kiến số tiền mua lại khoảng 8.000 tỷ đồng. Vậy số tiền này lấy từ đâu?

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông trả lời, từ tháng 4/2016, ACV hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, phần vốn của Nhà nước vẫn chiếm trên 95%. 

Ngày 9/7/2019 Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản sở hữu công do Nhà nước đầu tư, quản lý. Trong Đề án này đưa ra nhiều phân tích, nhiều phương án khác nhau và có kiến nghị là từ nay đến 2025 tiếp tục giao cho ACV quản lý, khai thác.

Trong giai đoạn đó sẽ có đánh giá và chuyển cho cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Giao thông vận tải và có cơ chế để quản lý, khai thác hiệu quả giai đoạn sau 2025. Trong phương án đó cũng có một kiến nghị, giải pháp thực hiện Đề án này trong tương lai là xem xét lộ trình mua lại một phần vốn của các cổ đông ACV để đảm bảo điều kiện cao nhất là an ninh quốc phòng.

Nếu Đề án được phê duyệt thì mới có chủ trương để phê duyệt đề án mua, gom hoặc là lấy kinh phí ở đâu để thực hiện, Thứ trưởng Đông cho biết.

Khó khăn kinh phí sửa chữa sân bay Nội Bài 

Câu hỏi khác dành cho lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải là vừa qua, sân bay quốc tế Nội Bài bị lún, nứt sâu ảnh hưởng đến an toàn bay. Tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư sửa chữa đang có nhiều vướng mắc về cơ chế, Bộ Giao thông vận tải sẽ có giải pháp gì xử lý để bảo đảm an toàn bay?

Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông nói, trước đây, khi chưa cổ phần hoá Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) từ tháng 4/2016 trở về trước, công tác quản lý, khai thác, đầu tư, nâng cấp mới, cải tạo đều do ACV thực hiện trên cơ sở cơ chế hạch toán đã xác định đối với ACV.

Tuy nhiên, sau khi cổ phần hoá từ tháng 4/2016, do liên quan đến vấn đề an ninh các sân bay nên các khu bay, các đường bay, đường lăn thuộc Nhà nước quản lý. Như vậy, Nhà nước phải có trách nhiệm bố trí kinh phí để cải tạo, nâng cấp.

Nhưng, ông Đông cho biết, việc lập kế hoạch trung hạn năm 2016-2020, nguồn kinh phí khá khó khăn do không nằm trong kế hoạch trung hạn này.

Đầu năm 2018, Chính phủ ban hành nghị định 44 về quản lý nguồn tài sản hàng không và giao cho Bộ Giao thông vận tải báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ phương án giao kết cấu hạ tầng hàng không.

Bộ đã trình lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giao cho ACV tài sản bay. Trước mắt, ACV tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế lâu dài hơn.

Kiến nghị của Bộ là dùng các nguồn vốn khác nhau do ACV huy động, Thứ trưởng Đông cho biết.

Tuy nhiên, trước mắt đề án chưa được phê duyệt, việc xuống cấp, hư hỏng cục bộ đã xảy ra. Hiện tại ACV đang sửa chữa, khắc phục hư hỏng đó để bảo đảm an toàn bay.

Đấu thầu cao tốc Bắc - Nam là hồ sơ mật

Liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông còn trả lời câu hỏi của báo chí về kết quả sơ tuyển dự án cao tốc Bắc Nam.

Theo đó, quá trình sơ tuyển bắt đầu từ tháng 5/2019 Ban quản lý dự án đã mở hồ sơ sơ tuyển, tháng 7/2019 nhận hồ sơ các nhà đầu tư. Hiện tại Ban quản lý dự án đã thành lập hội đồng thanh tra, báo cáo kết quả lên Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về đấu thầu, quá trình đánh giá, thẩm định, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo chế độ hồ sơ mật, không cung cấp cụ thể được.

Thứ trưởng thông tin thêm, dự án đầu tư cao tốc Bắc Nam đã được Quốc hội thông qua tại nghị quyết 22, các phân loại đầu tư đã được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng đảm bảo cho khai thác khi xây dựng xong, hiệu quả đảm bảo kết nối các tuyến đường, và có khả năng thu hồi vốn.

Trên cơ sở thiết kế tính toán tổng mức đầu tư, từ đó xác định quy mô đầu tư của con đường và trên cơ sở đó theo quy định của pháp luật thì vốn điều lệ phải 20% tổng mức đầu tư. Vì vậy vốn đầu tư dự án đường cao tốc ở mức khá cao.

Tuy nhiên chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư trong nước cũng có khả năng tham gia, cũng như họ phải liên kết tham gia một số dự án nhất định trong quá trình đầu tư và thực tế chúng ta đã nhận được một số hồ sơ liên kết của các nhà đầu tư trong nước, ông Đông nói. 

VnEconomy.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN