Người Việt Odessa
Kinh doanh

Hai "tượng đài" sẽ nắm trong tay 20.000 tỷ USD và thống trị mọi ngõ ngách của thế giới đầu tư

Thứ ba, 12/12/2017 | 10:13
BlackRock Inc và Vanguard Group – vốn đang là 2 quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới – sẽ chỉ mất chưa đến 1 thập kỷ nữa để nâng tổng tài sản lên mức 20.000 tỷ USD, theo ước tính của Bloomberg.

Hãy thử tưởng tượng về 1 thế giới được điều khiển bởi 2 quỹ đầu tư có tổng tài sản lớn hơn cả GDP của nước Mỹ. Gần như mọi quỹ đầu cơ, Chính phủ và người nghỉ hưu đều là khách hàng của 2 quỹ này.

Có thể bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên, nhưng viễn cảnh này ở gần hơn so với tưởng tượng, BlackRock Inc và VanguardGroup – vốn đang là 2 quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới – sẽ chỉ mất chưa đến 1 thập kỷ nữa để nâng tổng tài sản lên mức 20.000 tỷ USD, theo ước tính của Bloomberg. Con số khổng lồ này sẽ làm thay đổi hoàn toàn bức tranh ngành quản lý tài sản, cho phép BlackRock và Vanguard tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ. Đây cũng là 1 bài kiểm tra đối với 2 đặc tính quan trọng của thị trường: thị trường hiệu quả và sức mạnh quản trị doanh nghiệp.

Chính Jack Bogle, người sáng lập của Vanguard và được mệnh danh là “cha đẻ” của loại hình quỹ đầu tư chỉ số, cũng đã từng nói về viễn cảnh có quá nhiều tiền chỉ tập trung trong tay một số người. “Có khoảng 20% cổ phần của các doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ tập trung trong tay BlackRock, Vanguard và State Street”, Bogle phát biểu tại New York hôm 28/11. “Thật tệ khi không có thêm người tham gia vào thị trường quỹ chỉ số”.

Tổng tài sản của Vanguard được dự báo đến năm 2023 sẽ tăng từ mức 4.700 hiện nay lên hơn 10.000 tỷ USD, trong khi BlackRock sẽ chạm mốc này 2 năm sau đó. Bloomberg ước tính các mức thời gian dựa trên tốc độ tăng trưởng tài sản trung bình hàng năm của các quỹ này trong 5 năm qua. Một phần nguyên nhân cũng là do thị trường chứng khoán đã liên tục phá đỉnh trong mấy năm qua và điều này có thể kết thúc bất cứ lúc nào.

Hai "tượng đài" sẽ nắm trong tay 20.000 tỷ USD và thống trị mọi ngõ ngách của thế giới đầu tư
 

Theo Jim Ross, Chủ tịch mảng ETF ở State Street, tổng tài sản của các quỹ ETF trên toàn cầu có thể đạt 25.000 tỷ USD vào năm 2025, đồng nghĩa BlackRock và Vanguard sẽ có thêm hàng nghìn tỷ USD nếu vẫn duy trì thị phần như hiện nay.

Trong khi những con số ấn tượng hoàn toàn tốt cho những người khổng lồ của ngành quỹ, sự thống trị của các quỹ đầu tư bị động có thể khiến thị trường bị bóp méo. Lập luận ở đây là sự nổi lên của các quỹ chỉ số sẽ làm gia tăng nhu cầu đối với các cổ phiếu trong chỉ số thay vì quan tâm đến toàn bộ thị trường trái phiếu và cổ phiếu rộng hơn rất nhiều, dẫn đến giá của các tài sản trong quỹ chỉ số bị thổi phồng hoặc dìm giá so với các tài sản không ở trong quỹ. Các hiện tượng như bong bóng và giá trồi sụt thất thường sẽ thường xuyên diễn ra.

Thống kê của ngân hàng Goldman Sachs cho thấy trung bình các cổ phiếu trong chỉ số S&P 500 chỉ có 77% giao dịch dựa trên phân tích cơ bản (tức phân tích báo cáo tài chính của công ty, môi trường ngành, nền kinh tế vĩ mô…). Cách đây 1 thập kỷ tỷ lệ là 90%.

Larry Tabb, nhà sáng lập của Tabb Group là công ty chuyên phân tích cấu trúc của thị trường tài chính, lo ngại trong thế giới mà đầu tư bị động chiếm ưu thế các công ty nhỏ và vừa sẽ không muốn lên sàn vì họ không có triển vọng lọt vào chỉ số do quy mô quá bé. Và không ở trong chỉ số cũng đồng nghĩa giá các cổ phiếu này sẽ không thể bứt phá.

Theo số liệu từ Bank of America Corp, khoảng 37% tài sản trong các quỹ đăng ký ở Mỹ được quản lý bị động, so với con số 19% của năm 2009. Ngược lại, ở Nhật Bản, gần 70% là quỹ bị động. Điều này đồng nghĩa tỷ lệ ở thị trường Mỹ cũng có thể tăng lên mức tương tự. Nhìn rộng ra thì trên toàn cầu tỷ lệ chỉ là 15%, do đó vẫn còn dư địa tăng trưởng.

Những lo ngại về tính cạnh tranh của thị trường

Sự vượt trội của BlackRock và Vanguard đặt ra những câu hỏi về tính cạnh tranh và bài toán quản trị. Hai công ty này đang nắm ít nhất 5% cổ phần của hơn 4.400 cổ phiếu trên toàn thế giới.

Điều này khiến các nhà quản lý lo ngại. Theo nghiên cứu của trường kinh doanh IESE, tình trạng sở hữu chung bởi các cổ đông là các định chế tài chính đã khiến giá vé máy bay tăng khoảng 7% trong 14 năm tính từ 2001 bởi áp lực cạnh tranh giữa các hãng hàng không giảm xuống đáng kể. BlackRock và Vanguard là hai trong số 5 cổ đông lớn nhất của 3 hãng lớn nhất đang hoạt động trên thị trường.

 

“BlackRock và Vanguard càng lớn mạnh thì tiền càng chảy nhiều hơn từ các quỹ chủ động sang bị động và tỷ lệ cổ phần mà 2 tập đoàn này nắm giữ càng tăng lên”, Jose Azar, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, nhận định. Theo ông, nếu tỷ lệ vượt quá 10%, nhiều người sẽ đồng ý rằng sự lớn mạnh của 2 quỹ này có thể làm giảm tính cạnh tranh trong nhiều ngành.

BlackRock và Vanguard hiện đang là một trong những cổ đông lớn nhất của nhiều tập đoàn lớn hoạt động trong nhiều ngành, từ các ông lớn công nghệ như Google và Facebook đến ngân hàng Wells Fargo.

Tuy nhiên quy mô lớn cũng giúp BlackRock và Vanguard đem lại nhiều thay đổi hữu ích cho các doanh nghiệp. Cả hai là những cái tên đầu tiên tham gia vào Investor Stewardship Group, nhóm các quỹ đầu tư đi tìm giải pháp tăng cường hiệu quả công tác quản trị doanh nghiệp. Vanguard đã tăng gấp đôi đội ngũ phụ trách mảng này trong 2 năm qua trong khi BlackRock có hơn 30 người.

Trong khi đó các nhà đầu tư chủ động đang theo dõi câu chuyện sát sao. Nhiều người cho rằng làn sóng đầu tư thụ động thực sự là 1 thử thách, nhưng họ cũng mong chờ những ngày tươi sáng hơn sẽ sớm đến khi các NHTW bắt đầu “đảo ngược” chính sách nới lỏng tiền tệ đã kéo dài 1 thập kỷ, đồng nghĩa thị trường sẽ không còn im lìm như bây giờ. Số liệu cũng cho thấy hoạt động của các nhà đầu tư chủ động đang dần khởi sắc.

Dẫu vậy, ở thời điểm hiện tại thì dường như không ai cản nổi đà tiến lên của cặp đôi BlackRock và Vanguard.

cafef.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN