Người Việt Odessa
Kinh doanh

7,8 triệu người lao động mất việc, nghỉ luân phiên, giãn việc do COVID-19

Thứ bảy, 04/07/2020 | 02:30
Đó là con số được đưa ra tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam lần thứ 6 (khóa XII),

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến nay đã có 7,8 triệu người lao động mất việc hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc. Số lao động bị mất việc làm trong 6 tháng đầu năm nay là khoảng 1,4 triệu người. Số người nộp hồ sơ đề nghị được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 565.000 người, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập bình quân của người lao động làm công hưởng lương trong quý I/2020 là 7,4 triệu đồng, tăng 8,3% so với quý IV/2019, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 19,4% của năm trước. Do giãn việc, nghỉ luân phiên, nghỉ việc không lương, cắt giảm lương nên thu nhập của người lao động bị sụt giảm đáng kể.

Lợi dụng những khó khăn về tài chính cũng như nhận thức chưa đầy đủ của người lao động, các tổ chức "tín dụng đen" hoạt động trở lại ở nhiều khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân, gây mất an ninh - trật tự, đe dọa sự an toàn của người lao động. Đồng thời, xuất hiện hiện tượng một số đối tượng lập trang Facebook mạo danh cơ quan Bảo hiểm xã hội để thu gom, mua bán sổ bảo hiểm xã hội của người lao động với giá chỉ từ 40-50% giá trị thực tế mà người lao động được hưởng.

"Mất việc, khó khăn, lại hiểu chưa thấu đáo giá trị của sổ bảo hiểm xã hội nên một số người lao động đã bị những đối tượng này dụ dỗ bán lại sổ bảo hiểm xã hội để lấy tiền trang trải cuộc sống trước mắt, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động về sau. Có địa phương xuất hiện tình trạng một số đối tượng giả mạo công ty, đơn vị giới thiệu, môi giới việc làm để lừa đảo, thu phí của người lao động nhằm trục lợi cá nhân", ông Trần Thanh Hải cho biết.

Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, dự báo, vào những tháng cuối năm 2020 dịch COVID-19 tiếp tục có những tác động đến tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Trong trường hợp tình hình diễn biến tích cực, bình quân mỗi tháng vẫn sẽ có khoảng 8 vạn lao động bị mất việc làm, khoảng 3 triệu lao động phải ngừng việc, 70 - 75% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tiềm ẩn yếu tố có thể phát sinh sự phức tạp trong quan hệ lao động…

Để hoàn thành được mục tiêu kép - đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, chăm lo cho người lao động và tiếp tục thực hiện việc phòng, chống dịch, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề ra nhiệm vụ tăng cường tuyên truyền để đoàn viên, người lao động hiểu, nắm rõ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ đạo, giải pháp của Chính phủ, các cấp công đoàn và ngành, địa phương, từ đó, giúp người lao động yên tâm, tin tưởng và tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp để khôi phục sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tập trung phát huy vai trò tổ chức Công đoàn trong Hội đồng Tiền lương quốc gia về việc thương lượng, đàm phán tiền lương tối thiểu vùng 2021, vai trò thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công; chủ động thực hiện các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho công đoàn cơ sở tiến hành đàm phán, thương lượng về tiền lương cho người lao động năm 2021 theo quy định pháp luật.

Đồng thời, cơ quan này tham gia kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về lao động, chính sách đối với người lao động, tăng cường đối thoại, nhất là đối thoại đột xuất để giải quyết các vướng mắc phát sinh tại cơ sở; phối hợp với doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong việc sắp xếp lại sản xuất, nhân sự, đổi mới quy trình, tìm kiếm thị trường, điều chỉnh mức lương…

 vtv.vn

Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN