Người Việt Odessa
Kinh doanh

Người Trung Quốc thích mua hàng trực tuyến từ Nhật

Chủ nhật, 23/07/2017 | 00:15
Đa dạng sản phẩm, chất lượng đảm bảo, nền tảng thanh toán thuận tiện là những yếu tố giúp các công ty Nhật chiếm lòng tin khách hàng Trung Quốc.

Số liệu thống kê từ công ty nghiên cứu tiếp thị Fuji Keizai có trụ sở chính tại Tokyo cho thấy trong năm 2016 khách hàng Trung Quốc đã chi hơn 1.000 tỷ yên mua hàng hóa trực tuyến từ Nhật Bản. Dự kiến con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2019, lên mức 2.100 tỷ yên.

Trung tâm mua sắm trực tuyến lớn nhất Nhật Bản Rakuten Ichiba là nơi thu hút phần nhiều người dùng Trung Quốc. Nhờ vậy nền tảng thương mại điện tử toàn cầu B2B2C (Business to Business to Consumer) Rakuten Global Market hoạt động xuyên biên giới sẽ đạt doanh thu năm nay cao gấp 3 lần so với 2016. Số lượng giao dịch từ hệ thống cửa hàng cao cấp của Rakuten Ichiba trên JD.com và Netease Kaola đã vượt năm 2010 từ 20-30%.

Ông Mitch Takahashi - trưởng bộ phận giao dịch xuyên biên giới của công ty EC Company (trực thuộc Rakuten) cho biết hiện có nhiều cơ hội tốt để phát triển thương mại xuyên biên giới. Công ty làm việc với nhiều đối tác Nhật Bản để cung cấp sản phẩm chất lượng cao cho người mua hàng quốc tế.  

Doanh nghiệp Trung Quốc cũng rất nhanh nhạy trước sự tăng vọt nhu cầu mua hàng xuyên biên giới của người dùng trong nước. Cụ thể JD.com ra mắt nền tảng thương mại điện tử qua biên giới JD Worldwide, hay công ty game NetEase phát triển ứng dụng Kaola. Lập tức Rakuten Ichiba mở một loạt cửa hàng chính thức trên hai sàn giao dịch này nhằm tiếp cận người dùng Trung Quốc.

Tuy không nằm trong danh sách 10 ứng dụng thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc, tuy nhiên Kaola hiện cung cấp nhiều sản phẩm thương hiệu nổi tiếng từ các quốc gia hàng đầu thế giới. Khối lượng giao dịch của Kaola từ Nhật Bản chiếm nhiều nhất, tiếp theo là Mỹ, Đức, Hàn Quốc và Australia.

Trao đổi với giới truyền thông, ông Mitch Takahashi cho biết khách mua hàng tích cực nhất trên Netease Kaola và JD là những nữ giới trẻ tuổi rành về mạng xã hội và công nghệ. Bên cạnh đó những chiến dịch quảng bá của Rakuten tung ra cũng thu hút đông đảo nam giới trưởng thành và thay đổi thói quen chi tiêu của họ.

Ông nói rằng so với năm 2014 chỉ có vài người Trung Quốc sẵn sàng mua hàng qua biên giới thì giờ việc mua hàng xuyên quốc gia rất phổ biến. Họ rất thông minh và nhanh chóng theo kịp những xu hướng sản phẩm hay thời trang đang thay đổi liên tục tại Nhật Bản.

"Thương mại điện tử đang tăng tốc, ngày càng có nhiều người thích mua sắm trực tuyến, không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên khắp thế giới. Họ rất chịu chi để mua các sản phẩm mới của Nhật Bản từ những nền tảng thương mại điện tử trực tuyến an toàn và bảo mật như JD, Kaola và Rakuten Global Market", Mitch nhận xét.

Thay vì thâm nhập thị trường Trung Quốc một cách rầm rộ, Rakuten Ichiba chọn cách tiếp cận "chậm mà chắc". Họ đã khởi xướng nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới từ năm 2008 bằng bốn ngôn ngữ, trong đó có tiếng Trung giản thể.

Người Trung Quốc thích mua hàng trực tuyến từ Nhật

Giao dịch từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao trên Rakuten Global Market.

Để tạo thuận tiện và thoải mái cho người dùng, Rakuten cho phép khách hàng nội địa lựa chọn thanh toán của bên thứ ba tại Trung Quốc. Trong năm 2014, công ty Nhật Bản đã thiết lập quan hệ đối tác với Alipay giúp người dùng hưởng nhiều ưu đãi giảm giá khi mua hàng.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu cung cấp những sản phẩm tốt nhất cho người mua sắm trực tuyến Trung Quốc, Rakuten Ichiba đã mở văn phòng tại Thượng Hải vào năm 2015. Các cuộc gọi dịch vụ khách hàng từ Trung Quốc được xử lý một phần ngay tại quốc gia này và một phần ở Nhật Bản.

Rakuten Global Market hiện vận chuyển sản phẩm tới khoảng 200 quốc gia, với doanh số cao nhất đến từ Trung Quốc, Hong Kong, Mỹ, Đài Loan và Hàn Quốc. Mitch nói rằng có ba điểm quan trọng giúp Rakuten mở rộng thị trường ở Trung Quốc là kênh phân phối, sản phẩm và thương hiệu.

"Bạn không thể cạnh tranh trực diện với các công ty địa phương vốn biết rõ thị trường và hiểu người tiêu dùng. Vì vậy hợp tác với JD.com và Kaola là lựa chọn đúng đắn, tạo ra kênh giới thiệu sản phẩm đến khách hàng hiệu quả. Chúng tôi đang mở quan hệ đối tác với các công ty truyền thông để đẩy mạnh quảng bá các kênh của chúng tôi đến người dùng nội địa", Mitch nhận xét.

Ông lớn Nhật Bản cũng tạo sự khác biệt trên sân chơi đầy cạnh tranh qua sản phẩm. Ngay tại đất nước mặt trời mọc, Rakuten Ichiba chọn lọc chặt chẽ những thương hiệu muốn tham gia trang web thương mại điện tử của họ. Chỉ những hãng vượt qua hàng loạt kiểm tra chất lượng sản phẩm, đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt mới có thể mở cửa hàng trực tuyến trên Rakuten Ichiba.

Rakuten Ichiba phát triển hệ thống Rakuten Merchant Server nhằm giúp người bán quản lý và lưu kho sản phẩm, kiểm kê, vận chuyển, dịch vụ hỗ trợ khách hàng, quảng bá sản phẩm. Nhiều cửa hàng trực tuyến tại Rakuten Ichiba cung cấp giao hàng trong một ngày ở các thành phố lớn và giao hàng qua ngày hôm sau ở những vùng ngoại ô đô thị lớn. Với khách hàng nước ngoài, Rakuten Global Express phân phối các sản phẩm đến Bắc Kinh và Thượng Hải trong vòng ba ngày.

 Minh Trí - vnexpress.net


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN