Người Việt Odessa
Kinh doanh

Thị trấn Mỹ của doanh nhân Việt chật vật tồn tại

Thứ bảy, 18/03/2017 | 00:51
Buford đang gặp khó khăn về tài chính, khiến người điều hành thị trấn này - ông Jason Hirsch cũng lưỡng lự về việc tiếp tục công việc ở đây

Đứng sau quầy thu ngân của cửa hàng tiện lợi tại Buford (Wyoming) - thị trấn nhỏ nhất Mỹ, Jason Hirsch nhìn ra mảnh đất mà mình đang quản lý. Buford chỉ có một trạm xăng, vài căn nhà nhỏ và một ngôi trường cũ kỹ. Tuy nhiên, ông vẫn nhận thấy tiềm năng tại đây.

Hirsch muốn nâng cấp các trạm nghỉ, xây sân chơi, thêm chỗ đốt lửa cắm trại và làm thêm bàn picnic. Ông muốn bán các sản phẩm thủ công, nghệ thuật của Wyoming, hoặc mở một nhà hàng nhỏ. Mục tiêu của ông là biến thị trấn thành điểm dừng của những người di chuyển giữa hai thành phố Cheyenne và Laramie.

Thị trấn này đã được doanh nhân Việt - Phạm Đình Nguyên mua lại năm 2012. Buford khá quen thuộc với các lái xe tải, khách du lịch và cao bồi. Đây là nơi trú chân an toàn cho tài xế khi gặp thời tiết xấu, là điểm dừng chân của du khách trong mùa hè. Các cảnh sát ghé vào đây làm một cốc cà phê. Còn những người chăn gia súc địa phương thích đến đây hút xì gà, mua vé số và tán gẫu về thời tiết.              

Tuy nhiên, vấn đề là Buford đang gặp rắc rối tài chính. "Tôi phải tính toán theo tuần ấy. Nó phụ thuộc vào việc tôi có thể thanh toán hết các chi phí hay không", Hirsch cho biết. Ông hiện là người quản lý thị trấn này, kiêm người phát ngôn, dọn dẹp và chủ cửa hàng tiện lợi.

Thị trấn Mỹ của doanh nhân Việt chật vật tồn tại

Hirsch trong cửa hàng tiện lợi của mình tại Buford. Ảnh: Star-Tribune

Thời hoàng kim, Buford từng có 2.000 cư dân. Thị trấn này hình thành từ những năm 1860, với vai trò là một căn cứ quân sự. Tuy nhiên, khi căn cứ chuyển sang Laramie, cư dân của Buford cũng rời đi. Đến năm 2006, cả thị trấn chỉ còn một người sinh sống - Don Sammons.

Năm 2012, Sammons quyết định bán Buford, sau hơn 20 năm làm thị trưởng, chủ sở hữu kiêm quản lý. Ông Phạm Đình Nguyên đã đấu giá thành công và có được thị trấn này với giá 900.000 USD. Mục đích của ông là quảng bá cho sản phẩm cà phê của mình - PhinDeli với người Mỹ.

Trên Star-Tribune năm 2013, ông Nguyên từng cho biết: "Thị trấn này có thể nhỏ, nhưng lại tiếp cận được khá nhiều người. Chúng tôi hy vọng họ sẽ uống cà phê Việt Nam của PhinDeli".

Hirsch thuê lại Buford từ ông Nguyên năm 2015 với hy vọng giúp thị trấn này phát huy hết tiềm năng. Hợp đồng của ông sẽ kết thúc vào tháng 12 này. Và nếu không có gì thay đổi, Hirsch có lẽ không gia hạn nữa.

Theo hợp đồng, ông sẽ phải quản lý, sửa chữa và trả mọi chi phí cho thị trấn, lấy từ nguồn thu cửa hàng tiện lợi và cây xăng. Chi phí chuyển hàng hóa và xăng đến đây cũng khá đắt đỏ. Và mỗi tháng, tính riêng tiền xử lý rác thải đã là 800 USD.  

Nhìn chung, hợp đồng này không hiệu quả. Nếu muốn ký thêm 5 năm nữa, Hirsch sẽ phải đàm phán lại, thay đổi một số điều khoản với ông Nguyên để giảm chi phí tài chính. "Tôi có thể làm rất nhiều việc để biến đây thành một thương vụ kinh doanh bền vững. Còn hiện tại thì khó", ông nói.

Mùa đông là thời điểm khó khăn nhất của Buford. Khách du lịch đến đây ít hơn, việc bảo dưỡng thiết bị cũng phức tạp và đắt đỏ hơn. Các hàng rào bị đổ, giếng đóng băng, nhà bị gió tốc mái. Năm ngoái, trạm phát sóng tại thị trấn bị sét đánh trúng khiến Hirsch tốn 8.000 USD để sửa chữa.

Điều Buford cần hiện tại là một nhà đầu tư, Hirsch cho biết. Người này sẽ cho ông vay tiền để sửa sang thị trấn. "Nếu tôi rời đi, ông Nguyên sẽ rất khó tìm một người thay thế. Không phải ai cũng thích sống một mình ở Buford này", Hirsch nói.

Cuộc sống ở Buford rất yên tĩnh và nhàm chán. Dù vậy, Hirsch cho biết ông không cảm thấy cô đơn, ngay cả trong mùa đông. Ông có một quyển sổ ghi lại danh sách những người từng tới đây. Họ đến từ cả London, Pháp, California, Texas và Việt Nam nữa. "Khách du lịch Việt Nam đến đây chụp ảnh nhiều lắm, nhưng hầu như chẳng mua gì", ông nói.

Những người dân quanh đó thì thường đến quán tán gẫu. Hirsch gần như không kiếm được tiền từ họ. Nhưng họ là một phần lý do khiến ông tiếp tục bám trụ tại đây. Ông đã biến Buford thành nơi tụ tập cho hơn 100 người dân sống rải rác quanh thị trấn. "Họ là chỗ dựa cho tôi đấy. Họ luôn cố gắng hỗ trợ tôi nhiều nhất có thể", ông nói.

Năm ngoái, Buford đã tổ chức một bữa tiệc nhân ngày Quốc khánh. Bất cứ khi nào thời tiết cho phép, Hirsch còn tổ chức những buổi chơi bài poker cho các nhân viên cứu hỏa tình nguyện tại văn phòng của thị trấn.

Hirsch không biết sẽ phải làm gì nếu không còn điều hành thị trấn nữa: "Tôi cảm thấy rất buồn. Tôi chỉ vừa mới nghĩ ra cách, thì tương lai đã trở nên mù mịt".

Hà Thu (theo Star-Tribune)


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN