Người Việt Odessa
Kinh doanh

Doanh nghiệp chấp nhận tăng chi phí bảo vệ môi trường sau sự cố Formosa

Thứ tư, 15/03/2017 | 01:12
Khảo sát PCI của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam cho thấy ý thức thực thi các quy định về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp đã tốt hơn sau sự cố năm ngoái tại khu vực biển miền Trung.

Dành hẳn một chương để khảo sát về cảm nhận của doanh nghiệp liên quan tới vấn đề môi trường, Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2016) của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 14/3 cho thấy, các doanh nghiệp sẵn sàng hơn trong việc chi trả chi phí cho bảo vệ môi trường, dù hoạt động này có thể khiến họ thêm gánh nặng tài chính.

Kết quả được đưa ra dựa trên khảo sát từ 10.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và trong nước cho thấy, gần 97% khẳng định cần có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, thậm chí nếu điều đó làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh. Sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) do Formosa gây nên hồi giữa năm 2016 được coi là động lực để các doanh nghiệp, chính quyền địa phương hợp lực hơn trong việc bảo vệ môi trường.

Theo các doanh nghiệp, tình trạng ô nhiễm đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ. Chỉ 1/3 cho rằng không ảnh hưởng, trong khi có khoảng 1/4 số doanh nghiệp "than" hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nhiều do ô nhiễm môi trường gây nên.

Doanh nghiệp chấp nhận tăng chi phí bảo vệ môi trường sau sự cố Formosa

Đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại tỉnh và các doanh nghiệp hoạt động. Ảnh: VCCI

Sự đánh giá về mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường cũng có khác biệt giữa các vùng miền. Hà Tĩnh, tâm chấn của cuộc khủng hoảng Formosa và các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Bình, đều bày tỏ sự lo ngại lớn đối với vấn đề ô nhiễm. Ba trong số đó đều là các tỉnh bị thiệt hại nặng nề do thảm họa cá chết và nằm trong nhóm đang nhận tiền bồi thường. Hơn 27% các doanh nghiệp tại Hà Tĩnh cho biết ô nhiễm môi trường có những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Doanh nghiệp chấp nhận tăng chi phí bảo vệ môi trường sau sự cố Formosa

Mức độ nhận thức của doanh nghiệp trong nước, FDI về ô nhiễm môi trường. Ảnh:VCCI

Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI dường như "sốt sắng" hơn trong việc bảo vệ môi trường với tỷ lệ đồng ý là 29%, trong khi các doanh nghiệp trong nước là 22%.

Ngoài doanh nghiệp thì trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng được đề cập và được coi là điểm "chốt chặn" trong cải thiện môi trường tại mỗi tỉnh, thành phố. Theo đánh giá của doanh nghiệp thì chính quyền vẫn chưa hành động đủ để đảm bảo tránh được các cuộc khủng hoảng môi trường trong tương lai và một sự cố tương tự có thể xảy ra thêm một lần nữa. Chỉ có 41% doanh nghiệp trong nước và 37% doanh nghiệp FDI tin rằng, ít khả năng sẽ xảy ra các thảm họa môi trường tương tự như thế này ở Việt Nam.

Ngoài ra, kết quả khảo sát cho cho thấy, có 83% doanh nghiệp trong nước tin rằng, chính quyền địa phương đã tăng thêm số lượng các quy định về môi trường cho doanh nghiệp sau khi sự cố Formosa xảy ra và đồng thời đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc áp dụng các quy định hiện hành.

89% doanh nghiệp FDI đồng ý rằng, quy mô kiểm tra mức độ tuân thủ các quy định và các chính sách quản lý về môi trường đã tăng mạnh sau sự cố này. "Sau sự cố môi trường Formosa, các doanh nghiệp chấp nhận những nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm bảo vệ môi trường, dù có thể sẽ gia tăng gánh nặng chi phí", báo cáo của VCCI kết luận.

Theo vnexpress.net


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN