Người Việt Odessa
Kinh doanh

Thủ tướng: Khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của kinh tế Việt Nam

Thứ ba, 06/12/2016 | 01:29
Mặc dù đánh giá cao vai trò của khu vực FDI, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nền kinh tế Việt Nam muốn phát triển vững mạnh không thể thiếu khu vực kinh tế tư nhân trong nước tăng trưởng hiệu quả và lớn mạnh.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2016 diễn ra sáng nay, 05/12/2016, với chủ đề “Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân – Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hòa của kinh tế Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: thực tiễn 30 năm đổi mới của Việt Nam và xu hướng hiện nay đã chứng minh một cách thuyết phục kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của kinh tế Việt Nam, góp phần xây dựng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị sản xuất của toàn cầu.

Doanh nghiệp tư nhân ngày càng quan trọng

Hiện nay Việt Nam đã có 600.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó có nhiều công ty tư nhân, công ty cổ phần lớn trên thị trường trong nước và quốc tế như FPT, Vinamilk, TH True Milk, BITI’S, Vietjet Air, Saigon Tourist… Năm 2016 là năm đầu tiên có hơn 100.000 doanh nghiệp được đăng ký thành lập trong 1 năm, như vậy, bình quân cứ 1 tiếng đồng hồ lại có 12 doanh nghiệp ra đời.

Cùng với lực lượng doanh nghiệp kể trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của lực lượng doanh nghiệp tư nhân trong đó có hơn 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể trong nước. Lực lượng đông đảo này có ảnh hưởng quan trọng và sâu sắc đến mục tiêu thành lập doanh nghiệp đến năm 2020.

“Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020, Đại hội lần thứ 12 của Đảng đã xác định tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực, chủ động tham gia sâu hơn quá trình cơ cấu lại nền kinh tế thông qua đa dạng hóa các hoạt động đầu tư, trong đó chú trọng hình thức Hợp tác Công tư (PPP), khuyến khích tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh về chất lượng sản phẩm và dịch vụ, chủ động tham gia và đề xuất các sáng kiến, chính sách, đầu tư hiệu quả, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và tăng trưởng mang tính toàn diện.

Thủ tướng: Khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại VBF 2016.

Hãy đến Việt Nam bằng khối óc và trái tim

Bên cạnh các doanh nghiệp trong nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng khu vực FDI với hơn 21.000 doanh nghiệp đầu tư gần 300 tỷ USD tại Việt là khu vực có tiềm lực kinh tế mạnh, phát triển rộng lớn trong nền kinh tế Việt Nam và đang có sự hợp tác tốt với các khu vực kinh tế trong nước, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân.

Năm 2016, tuy có những khó khăn, biến động trên thế giới nhưng tổng mức đầu tư FDI vào Việt Nam đã đạt trên 17 tỷ USD, đây cũng là một thành công của Việt Nam, đồng thời Chính phủ Việt Nam coi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bao gồm cả các doanh nghiệp FDI.  Điều này cũng đã được ghi trong Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam.

Diễn đàn kinh tế Việt Nam đã đề cập tới 7 nội dung quan trọng về tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nhu cầu đào tạo; phát triển thị trường vốn; cải thiện cơ sở hạ tầng và cơ chế PPP; năng lượng sạch và tái tạo; và ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Đây là những chủ đề rất thiết thực, phù hợp với chủ đề phát triển của Việt Nam. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ với các nhà đầu tư nước ngoài rằng, Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo mọi điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.

“Khu vực FDI là một mắt xích không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam và có những đóng góp ngày càng quan trọng đối với kinh tế Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đánh giá cao những đóng góp này và cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa đối với sự phát triển của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ cũng mong muốn các doanh nghiệp FDI với thế mạnh về công nghệ, tài chính, thị trường và năng lực quản trị… sẽ có những cam kết và hành động cụ thể, thực chất, để hỗ trợ và tăng cường liên kết, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước cùng phát triển, trên cơ sở hài hòa lợi ích chung của các bên,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Trong nỗ lực thu hút đầu tư FDI, Chính phủ đặc biệt ưu tiên khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ để các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có khả năng tiếp nhận và tham gia cung ứng nhiều linh kiện phụ tùng, dịch vụ đạt yêu cầu cho các doanh nghiệp FDI. Chính phủ cam kết nỗ lực để kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi, bảo hộ quyền tài sản và quyền sở hữu trí tuệ, cùng chung tay hành động với các doanh nghiệp để thực hiện những mục tiêu quan trọng này.

Về phía doanh nghiệp FDI, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các doanh nghiệp đặt niềm tin vào nỗ lực cải cách của Việt Nam, áp dụng công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, có trách nhiệm với xã hội, chung tay cùng với Việt Nam bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống trong lành cho Việt Nam.

“Các bạn hãy  đến Việt Nam bằng khối óc, tức công nghệ hiện đại và quản lý tiên tiến, và bằng trái tim, tức đề cao chuẩn mực đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. “Chính phủ khẳng định sẽ không đón chào những nhà đầu tư coi Việt Nam là nơi chuyển giá, là nơi để trốn trách nhiệm môi trường, đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản và giá trị cốt lõi mà các doanh nghiệp đã cam kết. Điều đó không chỉ gây phương hại đến Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến uy tín, sự mẫu mực trong kinh doanh của nhiều nhà đầu tư khác đang có mặt ở Việt Nam, làm giảm tính hấp dẫn trong việc thu hút những nhà đầu tư tiềm năng vào Việt Nam trong tương lai”.

Mặc dù đánh giá cao vai trò của khu vực FDI, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nền kinh tế Việt Nam muốn phát triển vững mạnh không thể thiếu khu vực kinh tế tư nhân trong nước tăng trưởng hiệu quả và lớn mạnh. Chính phủ Việt Nam khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp và người dân, phấn đấu cả nước có trên 1 triệu doanh nghiệp đăng ký vào năm 2020, trong đó có nhiều doanh nghiệp trưởng thành và phát triển, vươn ra tầm khu vực và thế giới.

Theo infonet.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN