Người Việt Odessa
Kinh doanh

Ông lớn ngân hàng

Thứ ba, 08/11/2016 | 01:30
Trong khi một số ngân hàng lớn đã dừng bán nợ xấu cho VAMC để tự xử, thì cùng lúc số tiền trích lập dự phòng rủi ro cho các món nợ xấu đang ngốn nhiều ngàn tỷ đồng tại các ngân hàng.

Theo báo cáo tài chính quý 3 của Vietinbank, tại thời điểm cuối tháng 9, nợ xấu là 5.380 tỷ đồng, tăng 8,9% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ (NPL) là 0,86%, thấp hơn mức 0,92% tại thời điểm cuối năm 2015.

9 tháng đầu năm, Vietinbank không bán thêm nợ xấu cho VAMC, trong khi nợ xấu được xử lý trong kỳ là 508 tỷ đồng, giảm 80,6% so với mức 2.628 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2015. Hệ số trích lập dự phòng rủi ro trên nợ xấu (LLR) là 128,2%, tăng từ mức 92% tại thời điểm cuối 2015 và cũng là mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Cũng trong 9 tháng đầu năm, chi phí dự phòng tại Vietinbank tăng 30,3% so với cùng kỳ, lên 4.977,4 tỷ đồng, chủ yếu là dự phòng cho vay khách hàng, là 2.852,8 tỷ đồng. Theo ước tính của Công ty Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HSC), Vietinbank đã trích lập khoảng 1.960 tỷ đồng dự phòng trái phiếu VAMC trong 9 tháng đầu năm, tương đương 19% mệnh giá trái phiếu VAMC mà nhà băng này nắm giữ, ước tính là khoảng 10.341 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9/2016.

Trong khi đó, báo cáo tài chính quý 3/2016 của Vietcombank cho thấy, tại thời điểm cuối tháng 9, nợ xấu tăng 8,7% so với đầu năm, lên 7.758,2 tỷ đồng. Tỷ lệ NPL là 1,73%, thấp hơn so với 1,84% tại thời điểm cuối năm 2015, và thấp hơn nhiều so với mức 2,48% trong 6 tháng đầu năm 2015. Trong quý 3, Vietcombank không xử lý nợ xấu bằng dự phòng và cũng không bán thêm nợ xấu cho VAMC. Tính từ đầu năm, ngân hàng đã xóa 1.403 tỷ đồng nợ xấu, giảm 58,8% so với cùng kỳ, tương đương 0,31% dư nợ cho vay. Hệ số LLR là 128%, tăng từ mức 121% tại thời điểm cuối 2015.

Chi phí dự phòng giảm 4,3% so với cùng kỳ là 4.514,7 tỷ đồng, tương đương 75% kế hoạch dự phòng cả năm của Vietcombank là 6.000 tỷ đồng. Phần lớn là dự phòng cho vay khách hàng, tổng cộng là 2.698,6 tỷ đồng, giảm 42,2% so với cùng kỳ. Trong đó, 717,9 tỷ đồng là dự phòng chung, tăng 142,4% so với cùng kỳ, do tín dụng tăng mạnh. Phần còn lại 1.980,6 tỷ đồng là dự phòng cụ thể, giảm 54,7% so với cùng kỳ, nhờ kiểm soát tốt nợ xấu hình thành mới.

Ông lớn ngân hàng

Vietcombank đã trích lập khoảng 1.721 tỷ đồng dự phòng đầu tư giữ đến ngày đáo hạn trong 9 tháng đầu năm, phần lớn là dự phòng đối với trái phiếu VAMC. Như vậy, đến cuối tháng 9, Vietcombank đã trích lập khoảng 2.300 tỷ đồng dự phòng trái phiếu VAMC, tương đương 68,5% mệnh giá trái phiếu VAMC mà ngân hàng hiện nắm giữ, là 3.360 tỷ đồng.

Một “ông lớn” khác là BIDV có chi phí dự phòng 9 tháng đầu năm tăng 76,07% so với cùng kỳ, lên 6.972 tỷ đồng. Trong đó, 3.903 tỷ đồng là dự phòng cho vay khách hàng, 3.069 tỷ đồng là dự phòng cho trái phiếu VAMC. 

Trong 9 tháng đầu năm, BIDV đã sử dụng 807 tỷ đồng từ nguồn dự phòng để xử lý nợ xấu, giảm đáng kể so với mức 1.890 tỷ đồng trong cùng kỳ 2015. BIDV cũng không sử dụng nguồn dự phòng để hoán đổi trái phiếu VAMC trong năm 2016.

Tỷ lệ nợ xấu sau xử lý tăng thêm 3.985 tỷ đồng, trong đó, nợ Nhóm 4 tăng mạnh tới 153,13% so với cùng kỳ lên 2.222 tỷ đồng, chiếm 0,33% tổng dư nợ. Nợ Nhóm 5 tăng 42,34% so với cùng kỳ lên 7.392 tỷ đồng và chiếm 1,09% tổng dư nợ. 

Đối với ngân hàng từng có nhiều vấn đề về nợ xấu trước đây như Ngân hàng Á Châu (ACB), báo cáo tài chính quý 3 cho thấy ACB vẫn kiểm soát tốt tỷ lệ nợ xấu ở mức rất thấp là 1,13%, giảm từ mức 1,31% trong năm 2015. Tuy nhiên, chi phí dự phòng tăng 15,71% so với cùng kỳ lên 1.372 tỷ đồng sau khi cộng toàn bộ chi phí dự phòng liên quan đến nhóm 6 công ty liên quan đến “bầu” Kiên. ACB tiếp tục tích cực trích lập dự phòng đối với các tài sản có vấn đề còn lại. Do đó, hệ số LLR được cải thiện, tăng từ 87% vào cuối năm 2015 lên 100%.

Cũng có mức kiểm soát tốt tỷ lệ nợ xấu, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) cho biết chi phí dự phòng 9 tháng đầu năm là 1.127,9 tỷ đồng, giảm 33,6% so với cùng kỳ. Nợ xấu mặc dù tăng nhẹ 0,1% so với đầu năm lên 1.951,3 tỷ đồng nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn giữ ổn định tại 1,34%.

Trái ngược với ACB và MBBank, Ngân hàng Sacombank lại duy trì tỷ lệ nợ xấu khá cao, tỷ lệ nợ xấu tính đến 30/9/2016 ở mức 2,36%, tăng so với mức 1,85% đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ đều tăng mạnh 3 lần so với đầu năm lên mức 922 tỷ đồng và 602 tỷ đồng.

Mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, tính đến nay VAMC đã thực hiện mua được 25.062 khoản nợ tại 42 tổ chức tín dụng, với tổng dư nợ gốc là 262.054 tỷ đồng, giá mua nợ là 227.848 tỷ đồng. VAMC đã phối hợp với các TCTD tổ chức thu hồi nợ đạt 37.983 tỷ đồng dưới nhiều hình thức như bán nợ, bán tài sản bảo đảm…đạt tỷ lệ 15% dư nợ gốc nội bảng.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam rất phức tạp, đã đến lúc cần có giải pháp đột phá, quyết liệt, đồng bộ để xử lý dứt điểm hơn về nợ xấu. Dứt khoát phải bán theo giá, cơ chế thị trường và phải chấp nhận có lãi, lỗ.

Theo infonet.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN