Người Việt Odessa
Kinh doanh

3 cách kinh doanh thương mại điện tử thành công ở Trung Quốc

Thứ sáu, 21/10/2016 | 01:54
Tập trung vào di động, kết hợp website bán hàng với mạng xã hội, có công cụ phân tích dữ liệu hợp lý sẽ giúp doanh nghiệp ngoại đứng vững tại Trung Quốc.

Di động là tiên quyết

Theo Forbes, nói đến thương mại điện tử là nói đến di động. Số liệu mới đây từ Bloomberg cho thấy quốc gia 1,4 tỷ dân này có hơn một tỷ người dùng điện thoại thông minh. Gần 90% người tiêu dùng Trung Quốc từng mua hàng qua điện thoại di động. Nhiều người còn bỏ qua "kỷ nguyên PC" để nhảy cóc hẳn sang di động (không sử dụng hay sở hữu PC mà dùng luôn thiết bị di động).

3 cách kinh doanh thương mại điện tử thành công ở Trung Quốc

Điện thoại thông minh đang là công cụ mua sắm trực tuyến hữu hiệu tại Trung Quốc.

Trong khi đó, thương mại điện tử ở phương Tây bắt đầu trong kỷ nguyên PC, nhiều tính năng trên các website bán hàng đều tập trung cho thiết bị này. Các ứng dụng di động thường có tính năng giới hạn và được sử dụng như công cụ bổ sung. Hạn chế này sẽ không phục vụ tốt được cho người tiêu dùng Trung Quốc.

Do vậy, các công ty thương mại điện tử nước ngoài muốn vào thị trường Trung Quốc cần đặt di động lên đầu tiên, thiết kế lại website của mình với đầy đủ tính năng dành cho điện thoại, máy tính bảng. Bên cạnh đó, trải nghiệm mua sắm và quá trình hoàn tất thanh toán thuận tiện cũng rất cần thiết.

Tích hợp truyền thông xã hội

Thương mại điện tử ở Trung Quốc như một xã hội rộng lớn. Không giống tại Mỹ, nơi Amazon và Facebook hoàn toàn tách biệt. Lĩnh vực này ở đây có sự gắn kết giữa các trang truyền thông xã hội với website bán hàng.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn khá mới mẻ ở Trung Quốc. Khách hàng nơi đây dựa nhiều vào những đánh giá và gợi ý truyền miệng từ những nguồn tin cậy để quyết định mua sản phẩm hay không. Do đó, website Tmall của Alibaba tích hợp mạng xã hội làm công cụ đánh giá và gợi ý cho người dùng. Người mua có thể đánh giá độ chính xác của phần mô tả sản phẩm, tốc độ chuyển hàng và độ hài lòng của họ với dịch vụ khách hàng.

Một hiện tượng khác nổi lên tại Trung Quốc là những người có tác động tới số đông (KOL) như blogger, nhân vật nổi tiếng với lượng người theo dõi từ hàng nghìn đến hàng triệu. Nhiều hãng danh tiếng như Gucci, Louis Vuitton đã gặt hái rất nhiều thành công nhờ các KOL. Để thương hiệu tồn tại được trong thị trường cạnh tranh cao này, các doanh nghiệp cần học cách nâng tầm ảnh hưởng của KOL để truyền đạt được thông điệp đến người dùng và xây dựng lòng trung thành.

Dữ liệu và phân tích

Dữ liệu lớn (Big Data) đang là yếu tố chính của thương mại điện tử Trung Quốc. Một khảo sát gần đây do công ty tư vấn KPMG thực hiện cho thấy nhiều công ty đang sử dụng dữ liệu và phân tích (D&A) để hiểu hơn về hành vi của khách hàng và tiên lượng xu hướng tương lai.

Baidu, Alibaba và Tencent (BAT) đang là 3 đơn vị có nguồn dữ liệu quý giá nhất. Các công ty đa quốc gia đang sử dụng kho D&A của BAT để khoanh vùng khách hàng của mình. Năm ngoái, nền tảng quảng lý dữ liệu của Alibaba đã giúp Mercedes-Benz triển khai chiến dịch dành cho mẫu xe mới và hướng nhiều lượng mua tới các đại lý địa phương.

Muốn giữ được thế cạnh tranh, các công ty phải thuê những công nghệ thu thập dữ liệu tiên tiến để có được hiểu biết về khách hàng Trung Quốc. D&A tốt sẽ giúp công ty truyền được những thông điệp và tạo được trải nghiệm cá nhân cho khách hàng mục tiêu của mình.

Hải Khanh


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN