Người Việt Odessa
Kinh doanh

Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng nguồn vốn từ quỹ SMEDF

Thứ sáu, 14/10/2016 | 01:32
Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEDF) sẽ hỗ trợ các đơn vị tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi.

SMEDF là Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ra mắt vào tháng 4 tại Hà Nội. Quỹ có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, gồm sáu thành viên: Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ là lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư; năm thành viên là lãnh đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cục Phát triển doanh nghiêp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc quỹ và Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam với chức năng hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp trên cả nước. Hiện Quỹ đang được ủy thác qua 3 ngân hàng: BIDV, Vietcombank và HDBank.

Ngay sau khi ra mắt, quỹ đã vận hành và tổ chức chương trình sự kiện giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp, tư vấn trực tiếp để tiếp nhận hồ sơ ở các khu vực phía Bắc (Hải Phòng), miền Trung (Nghệ An), phía Nam (TP HCM), Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ). Xuyên suốt các hoạt động, đại diện các ngân hàng được lựa chọn nhận ủy thác từ quỹ đều có mặt để tiếp cận và sẵn sàng phục vụ doanh nghiệp.

Trong 3 ngân hàng được Quỹ SMEDF "chọn mặt gửi vàng", 2 ngân hàng cổ phần lớn trong nhóm "tứ trụ" và có sở hữu Nhà nước chi phối được xem ngân hàng mạnh đã tham gia ủy thác các chương trình giải ngân có tính chất hỗ trợ doanh nghiệp hoặc triển khai chính sách an sinh xã hội... của quốc gia. Riêng HDBank là ngân hàng thương mại cổ phần duy nhất thuộc hệ thống, có mặt trong danh sách được lựa chọn ủy thác.

Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng nguồn vốn từ quỹ SMEDF

HDBank là một trong ba ngân hàng được ủy thác của quỹ SMEDF.

Đây không phải lần đầu HDBank tham gia các chương trình có tính chất chính sách. Đặc biệt, ngân hàng có kinh nghiệm và từng được Bộ Tài chính lựa chọn giải ngân vốn ODA - nguồn vốn đòi hỏi thẩm định chất lượng đáp ứng mọi quy định, giám sát chặt từ phía các tổ chức quốc tế đã viện trợ và cho vay. Ngân hàng tiên phong hợp tác cùng Nhà nước thúc đẩy vốn ODA đến các dự án, phá vỡ yếu tố "địa hạt" xưa nay chỉ dành cho phân bổ, ủy thác trong hệ thống định chế gốc quốc doanh.

"Sự có mặt của HDBank khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ yên tâm và có độ tin cậy cao hơn về khả năng tiếp cận vốn từ quỹ, khi 2 ngân hàng đầu ngành lớn và trước nay gần như mặc định dành cho doanh nghiệp lớn, tập đoàn, xuất khẩu”, đại diện ngân hàng HDBank cho biết.

Phát biểu tại hội thảo giới thiệu quỹ đến cộng đồng doanh nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, ngân hàng sẽ hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm cải tiến công nghệ, máy móc thiết bị, nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng thu nhập và tạo việc làm cho người lao động, tạo động lực phát triển kinh tế.

Cụ thể, đối tượng được tiếp cận nguồn vốn trung dài hạn với lãi suất ưu đãi chỉ định từ SMEDF gồm những doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo; tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến và bảo quản nông, lâm và thủy sản; sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho ngành điện tử và cơ khí và hoạt động trong ngành hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải.

Ông Thanh đặc biệt nhấn mạnh lợi ích của doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tham gia vốn từ quỹ: tỷ lệ cho vay tối đa 80% dự án trên phương án sản xuất kinh doanh. Tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay hoặc tài sản có sẵn. Nguồn vốn từ Quỹ SMEDF có lãi suất trung dài hạn 7% cố định suốt thời gian vay, miễn phí trả nợ trước hạn.

Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng nguồn vốn từ quỹ SMEDF

Ngân hàng sẽ hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh nguồn vốn vay tối đa là 30 tỷ đồng từ SMEDF, doanh nghiệp có thể tăng thêm hạn mức từ nguồn vốn của HDBank để phục vụ các dự án kinh doanh lớn hơn. Thời gian vay trung dài hạn có thể lên tới 7-10 năm. Hiện, qũy mới đi vào hoạt động nên nguồn tài chính dồi dào và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận được nguồn vốn.

Trao đổi bên lề hội thảo ở TP HCM, bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc SMEDF cho biết, 3 ngân hàng ủy thác chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ vay vốn của các doanh nghiệp từ SMEDF chuyển xuống cũng như thực hiện giải ngân, theo dõi các khoản nợ… với các hồ sơ đạt yêu cầu. Các ngân hàng ủy thác cũng là điểm mối tiếp nhận hồ sơ vay vốn của các doanh nghiệp.

Bà Hồng cũng cho biết việc lựa chọn ba ngân hàng dựa trên các tiêu chí về khả năng thanh khoản, uy tín..., và quan trọng nhất là mức độ sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp bởi ngân hàng phải "hy sinh" một số quyền lợi khi tham gia cùng SMEDF. Trong thời gian tới, SMEDF sẽ mở rộng số lượng ngân hàng bởi mục tiêu của quỹ là tạo vốn mồi, thu hút ngân hàng tham gia và tiến tới sẽ sử dụng vốn của ngân hàng, không phải từ ngân sách như hiện nay. Điều này cũng giúp thay đổi khẩu vị rủi ro của các ngân hàng, hướng nhiều hơn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ thay vì thích cho doanh nghiệp lớn vay.

Theo vnexpress.net


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN