Người Việt Odessa
Kinh doanh

Vì sao doanh nghiệp tư nhân chậm lớn?

Thứ tư, 05/10/2016 | 01:18
Tuy đứng đầu về số lượng nhưng kinh tế tư nhân có năng lực cạnh tranh thấp, hiệu quả sản xuất không cao, còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tại diễn đàn “Vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế Việt Nam” diễn ra ngày 4/10, các chuyên gia kinh tế đều chỉ rõ kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế.

Số lượng doanh nghiệp tư nhân ngày càng tăng. Số doanh nghiệp đăng ký đã đạt gần mức xấp xỉ 95.000 doanh nghiệp (năm 2015). Tổng thu nhập khu vực này năm 2015 tằng gấp 3,19 lần so với năm 2010.

Tuy nhiên năng suất lao động khu vực kinh tế tư nhân có xu hướng tăng rất ít và thấp hơn nhiều so với mức chung của cả nước (chỉ xấp xỉ bằng 50%), thấp hơn nhiều khu vực nhà nước (chỉ bằng 1/6) và chỉ bằng gần 1/9 khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Vì sao doanh nghiệp tư nhân chậm lớn?

GS.TS Nguyễn Kế Tuấn, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, vai trò của kinh tế tư nhân chưa phát huy đầy đủ do những yếu tố cản trở từ chính bản thân kinh tế tư nhân và bất cập trong quản lý nhà nước đối với kinh tế tư nhân.

“Thực tế, những đại gia vẫn nhận được sự ưu ái còn những anh nhỏ, yếu thế trong khu vực tư nhân bị phân biệt đối xử về việc tiếp cận đất đai, vốn…”, GS.TS Nguyễn Kế Tuấn nói.

Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, trong khi doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn trong kinh doanh, lợi nhuận ít, thậm chí thua lỗ nhưng các khoản đóng góp vào ngân sách nhà nước tăng thêm, do đó đại bộ phận doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp nhỏ khó có thể tích lũy để tái sản xuất mở rộng.

Cụ thể, theo GS Mại, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp tư nhân giảm sâu năm 2011 (27%) tăng dần đến năm 2013, tăng 11,6% và năm 2014 tăng 56% thì thuế và các khoản nộp ngân sách tăng 7% năm 2012 và 26% năm 2014.

Việc tiếp cận vốn ngân hàng cũng rất khó khăn, chỉ có 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận, 70% còn lại phải sử dụng vốn tự có hoặc vay từ nguồn khác, có nhiều doanh nghiệp vay với lãi suất cao 15- 18%.

Theo ông với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, ít vốn, ít lao động, năng lực cạnh tranh hạn chế nếu không được Nhà nước hỗ trợ có hiệu quả thì khó mà tồn tại chứ chưa nói đến phát triển.

Mặc dù Bộ tài chính có đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ 20% xuống 15% nhưng ông cho rằng đây là tư duy nhỏ giọt. Bao nhiêu doanh nghiệp hiện nay không có lãi thì việc giảm thuế này cũng không có ý nghĩa gì. Ông cho rằng cần khảo sát thuế giai đoạn 2011- 2015 để có giải pháp toàn diện về thuế.

PGS.TS Lê Xuân Bá, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng 30 năm nay chúng ta đã nói đến chuyện làm thế nào để phát triển kinh tế tư nhân, có những cái đã có văn bản dài hàng mét nhưng thực hiện vẫn như cũ. 

Theo ông, đã đến lúc cần nghiêm túc trong suy nghĩ và hành động liên quan đến việc đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp của người Việt Nam. Việt Nam không thể phát triển nếu không có nhiều doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp nội địa mạnh tầm cơ tập đoàn kinh tế. Nếu doanh nghiệp chỉ đông về số lượng nhưng quy mô quá nhỏ năng lực cạnh tranh yếu.

“Chúng ta ưu ái FDI vì có tiền, doanh nghiệp tư nhân bé nhỏ, ngoan nhưng nếu lớn lên sẽ biết cãi. Cần chấm dứt ngay tâm lý hay suy nghĩ hiện nay vẫn đang còn tồn tại trên thực tế của không ít người không muốn khu vực kinh tế tư nhân doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh”, ông Bá nhấn mạnh.

Thời gian qua có nhiều chủ trương, chính sách, luật pháp nhưng thiếu đồng bộ, chưa đủ rõ, có tính khả thi thấp… Do đó phải lấy lại lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp, lời nói phải đi đôi với việc làm.

Theo infonet.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN