Người Việt Odessa
Kinh doanh

Đà Nẵng đề nghị Nhật Bản đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu dự án cảng Liên Chiểu

Thứ tư, 21/09/2016 | 07:40
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đề nghị phía Nhật Bản đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu dự án phát triển cảng Liên Chiểu để chậm nhất trong năm 2018, dự án được đưa vào danh mục vốn ODA của phía Nhật Bản.

Sáng 20/9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chủ trì cuộc họp khởi động việc triển khai nghiên cứu khả thi dự án cảng Liên Chiểu do Công ty Tư vấn cảng Nhật Bản (JPC) và Viện Phát triển khu vực ven biển nước ngoài Nhật Bản (OCDI) phối hợp thực hiện với sự tài trợ của Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI).

Đà Nẵng đề nghị Nhật Bản đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu dự án cảng Liên Chiểu
Cuộc họp khởi động khởi động việc triển khai nghiên cứu khả thi dự án cảng Liên Chiểu sáng 20/9 (Ảnh: HC)

Theo ông Huỳnh Đức Thơ, trong tương lai gần, cảng Liên Chiểu sẽ dần thay thế vai trò cảng hàng hóa của cảng Tiên Sa do có vị trí thuận lợi, nước sâu, kết nối thuận tiện với đường bộ, đường sắt, đường hàng không quốc gia, các KCN, dịch vụ logistic... và có khả năng phát triển dài hơi hơn. Đà Nẵng mong muốn sớm triển khai dự án cảng này nhưng do chi phí đầu tư cao trong khi nguồn lực của địa phương và TƯ còn hạn hẹp nên TP đang tìm kiếm các nguồn lực khác theo hình thức hợp tác công – tư (PPP).

“Trước hết, chúng tôi cần đơn vị tư vấn có đầy đủ kinh nghiệm, năng lực chuyên nghiên cứu về phát triển cảng và thông thạo về quy hoạch phát triển đô thị hiện đại, để khi phát triển một khu vực lớn như cảng Liên Chiểu sẽ không gây xung đột với các định hướng phát triển khác của TP, trong đó có lĩnh vực dịch vụ và du lịch. Vì vậy chúng tôi rất cảm ơn Cơ quan Hơp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), TP Yokohama, các công ty, đối tác của phía Nhật Bản đã quan tâm đến việc nghiên cứu khả thi dự án này!” – ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Theo ông Koichiro Harada, Trưởng đoàn nghiên cứu khả thi dự án cảng Liên Chiểu, dự án này có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của Đà Nẵng và để đáp ứng việc đầu tư theo hình thức PPP, đoàn nghiên cứu mời cảng Yokohama cùng tham gia thiết kế, quy hoạch khu vực cảng Liên Chiểu. Mục tiêu chính là tập trung rà soát, bổ sung nghiên cứu tiền khả thi dự án cảng Liên Chiểu mà Đà Nẵng đã thực hiện, đánh giá tính khả thi của dự án sao cho có thể thực hiện các bước tiếp theo bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản hoặc các nhà đầu tư khác.

Để đánh giá tính khả thi của dự án, theo ông Koichiro Harada, có 3 điểm chính sẽ được tập trung trong nghiên cứu lần này của đoàn. Thứ nhất là phân chia chức năng giữa các cảng hiện nay của Đà Nẵng nhằm đảo bảo sự phát triển ổn định cho cảng Liên Chiểu (Cảng nào bốc xếp loại hàng hóa nào, khối lượng bao nhiêu?). Thứ hai là sắp xếp tổ chức của cảng Liên Chiểu (Đơn vị nào thi công, khai thác, quản lý và sở hữu cảng?). Thứ ba là sắp xếp kế hoạch tài chính của dự án cảng Liên Chiểu (Đơn vị nào hỗ trợ tài chính và hỗ trợ bao nhiêu?).

“Chúng tôi hy vọng đê chắn sóng và luồng cảng sẽ sử dụng vốn của Chính phủ Việt Nam (vay ODA) để thực hiện. Đây là vấn đề rất quan trọng vì JICA và Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét cho vay phần này. Muốn thu hút các nhà đầu tư tư nhân vào cảng Liên Chiểu thì nhà nước phải xây dựng đê chắn sóng, luồng và đường dẫn. Khi bỏ tiền xây dựng các cơ sở hạ tầng đó thì nhà nước phải đánh giá tiềm năng của các nhà đầu tư xây dựng bến và các hạng mục khác.

Nếu đê chắn sóng và luồng dùng vốn ODA để xây dựng nhưng các nhà đầu tư xây dựng bến cũng như các hạng mục khác thực hiện chậm thì việc đầu tư đê chắn sóng và luồng sẽ không có hiệu quả. Ngược lại, nếu bến và các hạng mục được xây dựng rất tốt về tiến độ và chất lượng nhưng chất lượng đê chắn sóng không đảm bảo thì việc khai thác cảng cũng hoàn toàn không có hiệu quả. Do đó khu vực nhà nước và tư nhân phải có sự hợp tác, cam kết chặt chẽ để cùng phát triển cảng Liên Chiểu!” – ông Koichiro Harada nói.

Ông Koichiro Harada cũng nhấn mạnh, nếu 3 vấn đề trên được giải quyết một cách rõ ràng và có thông tin đầy đủ sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi thu hút các nhà đầu tư vào cảng Liên Chiểu do họ nhận thấy việc đầu tư của mình được giảm thiểu rủi ro rất nhiều. Về tiến độ nghiên cứu, ông cho hay, tổng thời gian nghiên cứu dự án dự kiến là 6 tháng, từ tháng 9/2016 đến tháng 2/2017.

Trong đó sẽ có 3 lần đoàn nghiên cứu sang Việt Nam khảo sát và thu thập số liệu. Riêng lần này đoàn sẽ có 3 tuần ở Việt Nam (trong đó có 2 tuần làm việc tại Đà Nẵng), sau đó sẽ có báo cáo lần thứ nhất. Trong 3 tháng 10 – 12, đoàn tập trung nghiên cứu dự báo nhu cầu, lập quy hoạch cảng, kế hoạch kinh doanh, thiết kế và dự toán các công trình cảng, phân tích kinh tế và tài chính, đánh giá môi trường và xã hội... và làm việc với METI, JICA. Cuối tháng 12, đoàn sang Việt Nam báo cáo giữa kỳ và thu thập ý kiến các cơ quan hữu quan. Sau đó tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo cuối kỳ vào tháng 1/2017 và dự kiến trình báo cáo cuối cùng vào tháng 2/2017.

Theo ông Huỳnh Đức Thơ, lãnh đạo TP Đà Nẵng thống nhất với các nội dung nghiên cứu của đơn vị tư vấn, nhưng đề nghị thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ nghiên cứu nhằm sớm khởi động dự án. Nếu khởi động muộn sẽ dẫn đến thời gian xây dựng cảng kéo dài và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển của TP Đà Nẵng.

“Chúng tôi mong muốn báo cáo sẽ kết thúc sớm hơn, nộp cho METI, JICA, Chính phủ Việt Nam, Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT... để có thể dàn xếp nguồn vốn ODA trong tài khóa 2017 – 2018. Nếu để trễ quá thì dự án sẽ “trôi” nữa, vì đây mới là giai đoạn tiền khả thi, còn nghiên cứu khả thi nữa. Phải làm sao để chậm nhất trong năm 2018, dự án được đưa vào danh mục vốn ODA của phía Nhật Bản. Hiện có một số nhà đầu tư Việt Nam rất quan tấm dự án này, nên cần thúc đẩy kết quả nghiên cứu sớm hơn!” – ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng khẳng định sau cuộc họp sáng 20/9, các sở, ban, ngành hữu quan của Đà Nẵng sẽ phối hợp tích cực với đoàn nghiên cứu để sớm hoàn chỉnh các báo cáo và tiến hành triển khai kêu gọi đầu tư. Trong đó, Sở KH-ĐT được giao làm đầu mối phối hợp với đơn vị tư vấn để làm thật nhanh, góp phần rút ngắn thời gian nghiên cứu theo đúng mong muốn của lãnh đạo TP. 

HẢI CHÂU

?


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN