Người Việt Odessa
Kinh doanh

Quan lộ thăng tiến vù vù bất chấp scandal của Trịnh Xuân Thanh

Chủ nhật, 18/09/2016 | 04:38
Dù lái con thuyền PVC xuống bùn, lỗ hơn 3.200 tỷ đồng, Chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh sau đó được điều động về Bộ Công thương tiếp tục quan lộ thăng tiến như diều gặp gió, chỉ đến khi scandal Lexus biển xanh làm lộ ra những sự thật gây sửng sốt...

Dìm PVC thua lỗ hơn 3.200 tỉ đồng 

Năm 2007, ông Trịnh Xuân Thanh được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam điều về làm Phó tổng giám đốc PVC, đến năm 2009 được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Chức vụ Chủ tịch PVC của Trịnh Xuân Thanh kéo dài đến năm 2013.

Quan lộ thăng tiến vù vù bất chấp scandal của Trịnh Xuân Thanh
Ông Trịnh Xuân Thanh

Thời điểm đó Tập đoàn mẹ PVN đang thời hoàng kim ăn nên làm ra nhất, nhưng không hiểu vì lý do gì “thuyền trưởng” Trịnh Xuân Thanh đã dìm con tàu PVC ngập trong thua lỗ, nợ nần.

Báo cáo của Ban kiểm soát tại Hội đồng cổ đông thường niên của PVC năm 2014 cho biết năm 2013 PVC thua lỗ 2.228,5 tỉ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ 1.927 tỉ đồng. Lũy kế cuối năm 2013, công ty mẹ - PVC lỗ hơn 3.262 tỉ đồng. Trong năm 2013, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các công ty con của PVC gặp rất nhiều khó khăn, nhiều đơn vị gần như không có việc làm.

Theo Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và một số đơn vị thành viên (trong đó có PVC) đã phát hiện nhiều sai phạm. Cụ thể, PVC đã tham gia liên kết, liên doanh với nhiều doanh nghiệp bên ngoài nhưng làm ăn không hiệu quả, gây thua lỗ và mất vốn của Nhà nước.

Theo các báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ và kiểm toán, trong giai đoạn năm 2011 đến năm 2013, dưới bàn tay Trịnh Xuân Thanh, PVC đã để xảy ra thua lỗ khoản tiền hơn 3.200 tỷ đồng.

Thăng tiến như diều gặp gió

PVC thua lỗ bết bát, nhưng tháng 8/2013, Bộ Công thương điều động Trịnh Xuân Thanh về làm Phó Chánh văn phòng Bộ Công thương.

Sau đó, Trịnh Xuân Thanh được tỉnh Hậu Giang chủ động xin về với quy trình như sau: Đầu năm 2013, UBND một số tỉnh trong đó có Hậu Giang có các tờ trình về việc xin bổ sung một phó chủ tịch nhưng không được Chính phủ đồng ý.

Tuy nhiên, tháng 1.2014, phía Trung ương có thông báo rằng Tỉnh ủy Hậu Giang được tăng thêm một phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 từ nguồn nhân sự theo nhu cầu của tỉnh. 

Và đầu tháng 4.2015 Tỉnh ủy Hậu Giang có công văn gửi Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương để xin đích danh Trịnh Xuân Thanh về công tác tại UBND tỉnh.

Bộ Công Thương nhanh chóng đồng ý. Mọi thủ tục nhanh chóng hoàn tất. Trịnh Xuân Thanh về giữ ghế Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.

Tháng 5/2016, qua nhiều vòng Hiệp thương, Trịnh Xuân Thanh được lọt vào danh sách bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 14, và được 198.392 phiếu bầu, đạt tỷ lệ 75,28% phiếu, trúng cử với số phiếu được bầu chọn cao nhất tại Hậu Giang.

Scandal siêu xe Lexus biển xanh 

Bắt đầu từ những bài báo phản ánh việc Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh được đưa đón bằng chiếc Lexus LX570 là xe tư, nhưng gắn biển xanh; tình trạng thua lỗ nặng ở Tổng công ty PVC, nơi ông Thanh từng giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ năm 2007 đến năm 2013 và dù lãnh đạo doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nhưng ông Thanh vẫn được bổ nhiệm Phó chủ tịch tỉnh... dư luận bắt đầu nóng lên bởi những câu hỏi về những vấn đề liên quan đến quy trình bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh.

Chiều 11/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về kỳ họp thứ IV và thứ V của ủy ban, trong đó chỉ rõ hàng loạt vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh trong quá trình công tác từ năm 2007 đến nay như: Buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, để xảy ra sai phạm thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng khi đảm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC); dùng biển số xe công gắn vào ôtô tư nhân để sử dụng là trái quy định, gây phản cảm, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân khi đảm nhiệm chức vụ phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Dù có nhiều sai phạm nhưng vẫn đề nghị, để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang là thể hiện thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu…

Với các sai phạm, khuyết điểm trên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định tiến hành quy trình xem xét, xử lý kỷ luật với ông Trịnh Xuân Thanh. Đồng thời kiến nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét, không công nhận tư cách ĐBQH khóa XIV đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Ngày 15/7, Hội đồng bầu cử quốc gia họp phiên thứ 7 để xem xét, biểu quyết về tư cách đại biểu Quốc hội của 496 người trúng cử. 

Tất cả thành viên của Hội đồng có mặt trong phiên họp sáng 15/7 đã bỏ phiếu tán thành việc không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội của ông Trịnh Xuân Thanh.

Ngày 8/9/2016, Ban Bí thư họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã biểu quyết 100% bằng phiếu kín quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Ngày 15/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định số 51/C46(P12) khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam; ngày 16/9/2016 ra Quyết định khởi tố bị can số 363/C46(P12) đối với Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự; đồng thời ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.

Sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn; căn cứ các điều 34, 82, 161, 169, 187, 256 và 260 Bộ luật tố tụng hình sự nước CHXHCN Việt Nam, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.

PV - infonet.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN