Người Việt Odessa
Kinh doanh

Nhà nước phải giám sát đến cùng, không đẩy rủi ro cho người dân!

Chủ nhật, 18/09/2016 | 04:38
Dự án BOT là dự án của nhà nước thì nhà nước phải có trách nhiệm giám sát đến cùng, để nhà đầu tư không đẩy rủi ro cho người dân!

Đây là khẳng định của Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên với báo chí khi nói về những bất cập tại nhiều dự án BOT hiện nay.

Thưa ông, hàng loạt các dự án BOT được vận hành trong thời gian vừa qua góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng tại Việt Nam, song các dự án này cũng đã gây ra nhiều vấn đề khiến dư luận và người dân rất bức xúc, ông nghĩ gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Hiện nay, dư luận xã hội và người dân chỉ bức xúc về việc đặt trạm thu phí và mức thu phí chứ người dân không bức xúc về chủ trương xây dựng các dự án BOT. Do đó, những cái gì chúng ta làm đúng về mặt chủ trương mà đang làm tốt thì cần phải phát huy, còn những cái chưa làm được thì phải công khai minh bạch, trao đổi và báo cáo với người dân, đồng thời cần có kế hoạch khắc phục.

Đối với dự án BOT, có 2 vấn đề hiện nay đang nổi lên là khoảng cách đặt trạm thu phí và mức thu phí.

Mặc dù các nhà nghiên cứu thì lại băn khoăn về tính hiệu quả của các dự án BOT như dự án BOT tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng việc triển khai các dự án BOT trong thời gian qua đã góp phần đảm bảo cung ứng cho xã hội những công trình về giao thông có chất lượng cao hơn, đáp ứng được sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ví dụ như tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ đã cung ứng cho người sử dụng cả 2 phương án lựa chọn. Chúng ta vừa có thể đi đường chất lượng cao và vừa có thể sử dụng tuyến Quốc lộ 1 tuy nhiên tuyến này có giới hạn về tốc độ vì phải đi qua các khu dân cư hoặc khu công nghiệp.

Nhà nước phải giám sát đến cùng, không đẩy rủi ro cho người dân!
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Người dân cho rằng, Nhà nước đã trao quá nhiều "quyền" cho nhà đầu tư dự án BOT khiến họ "tự tung tự tác" trong việc đặt trạm thu phí cũng đưa ra mức thu phí quá cao. Ông giải thích thế nào về vấn đề này? 

Ông Nguyễn Đức Kiên: Dự án BOT chính là việc Nhà nước thực hiện hợp đồng kinh tế ủy quyền cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thực hiện một số phần việc của Nhà nước chứ không phải như nhiều người chưa hiểu chưa rõ lại cho rằng đây là công trình tư nhân để các nhà đầu tư, doanh nghiệp tư nhân toàn quyền quyết định.

Về bản chất, đây vẫn là dự án của Nhà nước, do Nhà nước thực hiện và chấp thuận về chủ trương. Tuy nhiên, để thực hiện được các dự án này thì ngân sách Nhà nước phải đảm bảo để phát triển ổn định và có kế hoạch.

Nhưng vì chúng ta mong muốn nhanh chóng có 1 cơ sở hạ tầng tốt nhất phục vụ cho xã hội để có thể phát triển kinh tế thì Nhà nước ủy quyền cho các nhà đầu tư  được thực hiện các dự án và được thu phí hoàn trả vốn với điều kiện nhà đầu tư phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật và đảm bảo tính công khai minh bạch khi sử dụng dự án.

Vấn đề nổi cộm hiện nay đối với các trạm thu phí dự án BOT đó là việc kiểm soát doanh thu. Để quản lý và kiểm soát tốt, theo ông, chúng ta phải làm gì?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Trước hết, đây là hợp đồng BOT thực hiện theo phương thức PPP tức là hợp tác công - tư thì Nhà nước là một đối tác bình đẳng với các nhà đầu tư nên khi Nhà nước đã ký hợp đồng với nhà đầu tư rồi thì đây là 1 hợp đồng kinh tế, hợp đồng dân sự nên Nhà nước không có quyền thay đổi những điều kiện ấy nữa.

Chúng ta không thể cứ ký hợp đồng xong rồi lại thay đổi, điều chỉnh giữa chừng được.

Có ý kiến cho rằng, việc ký kết hợp đồng BOT, nội dung thường có lợi cho nhà đầu tư mà ít để ý đến quyền lợi của người dân và người tham gia giao thông vì người tham gia giao thông không có lựa chọn nào khác khi phải đi qua những trạm thu phí BOT. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Tôi có thể nói, ý kiến này không có tính đại diện!

Đúng là trong quá trình triển khai các dự án BOT chúng ta có những khuyết điểm vì đặt những trạm thu phí quá nhiều, giữ cự ly giữa các trạm không đúng như theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, đây chỉ là một vài trường hợp, như dự án cầu Hạc Trì (Phú Thọ). Tại dự án này, lúc đầu nhà đầu tư đưa ra phương án cấm không cho xe cơ giới 4 bánh đi qua cầu Việt Trì tuy nhiên hiện chúng ta đang khắc phục và thay đổi.

Do đó, nói một số dự án không có phương án cho người dân lựa chọn là có nhưng nó không mang tính chất phổ biến đối với tất cả các dự án BOT.

Còn trên thực tế, những trạm BOT đặt ở các thành phố, thị xã và tỉnh lỵ đều có 2 phương án để người dân và người tham gia giao thông đều có sự lựa chọn, một là đi theo đường tránh, 2 là đi theo đường vào đô thị. Ví dụ như tuyến Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang; tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ… đều có 2 phương án để người tham gia giao thông lựa chọn.

Vậy theo ông, vai trò của Nhà nước trong việc quản lý các dự án BOT hiện nay như thế nào?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Đối với các dự án BOT chúng ta cần phải quan tâm đến điều đầu tiên là đơn giá tổng mức sử dụng đầu tư của dự án BOT có phải do Nhà nước lập và tổ chức đấu thầu hay không hay là các doanh nghiệp muốn đầu tư dự án BOT họ tự lập ra và chúng ta xem xét thẩm định.

Đồng thời phải làm rõ vai trò quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện dự án BOT. Đây là dự án của nhà nước thì nhà nước phải có trách nhiệm thực hiện đến cùng với người dân thông qua việc chịu trách nhiệm giám sát để nhà đầu tư không đẩy rủi ro cho người dân trong quá trình thực hiện cũng như sử dụng dự án.

Trong thời gian mới chỉ 4 năm nhưng chúng ta đã triển khai được nhiều dự án BOT và đã huy động riêng trong lĩnh vực giao thông vận tải khoảng 180 nghìn tỷ đồng. Tôi nghĩ, đây là thành công rất lớn của các dự án BOT.

Xin cảm ơn ông.

Hải Yến  - infonet.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN