Người Việt Odessa
Kinh doanh

2 năm theo đuổi một đề xuất, Cục ATTP vẫn bắt chờ tiếp!

Thứ sáu, 16/09/2016 | 03:10
Cùng một kiến nghị của doanh nghiệp được gửi đến 3 Bộ, trong khi 2 Bộ Tài chính, Nông nghiệp đã thông, nhưng Bộ Y tế vẫn im lặng, doanh nghiệp mất rất nhiều chi phí cơ hội.

Trong 2 năm qua, kể từ năm 2014, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi 6 văn bản cùng 2 cuộc gặp gỡ với Cục An toàn thực phẩm (ATTP) thuộc Bộ Y tế chỉ để kiến nghị về thủ tục công bố hợp chuẩn hợp quy đối với hàng hóa nhập khẩu là phụ gia, gia vị để phục vụ cho việc chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, vướng mắc này đến nay chưa được giải quyết.

Tại buổi Tọa đàm mới đây về chính sách quản lý an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP đã bày tỏ sự bức xúc của các doanh nghiệp trong ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản. Ông Nguyễn Hoài Nam nói: “Có Cục trưởng Phong ngồi đây (ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP – PV), tôi muốn trực tiếp hỏi Cục trưởng, theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ liên quan đến trách nhiệm của Bộ Y tế, liên quan đến thủ tục và quy chuẩn hợp quy đối với hàng phụ gia phục vụ trong chế biến thực phẩm phục vụ chế biến xuất khẩu. Hiện nay ngành thủy sản đang có nhiều lợi thế nhờ hội nhập đem lại, nhưng nếu như chúng tôi cứ bị vướng mắc bởi những thủ tục như thế này mà không được Bộ Y tế lưu tâm để có những điều chỉnh kịp thời về chính sách thỉ rõ ràng sẽ làm giảm đi rất nhiều những cơ hội do hội nhập mang lại.”

Vấn đề ở chỗ, các nguyên phụ liệu do các doanh nghiệp thành viên VASEP nhập về là để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, chứ không phải sản xuất để tiêu thụ trong nước. Do vậy, đại diện VASEP kiến nghị cần có chính sách riêng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Hoài Nam khẳng định, liên quan đến vấn đề này, VASEP đã có kiến nghị cùng lúc với 3 Bộ gồm: Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, và Y tế. 

Đáp lại kiến nghị của VASEP, Bộ Tài chính đã quyết định miễn thuế nhập khẩu từ 01/09/2016 đối với hàng nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã sửa Thông tư 06 để tạo một kênh kiểm soát riêng đối với hàng nhập để sản xuất xuất khẩu, không cần phải đăng ký với Cục Thú y, thay vào đó chỉ cần đăng ký tại nơi doanh nghiệp nhập về. 

2 bộ Tài chính và NNPTNT đã thông, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phản hồi từ Bộ Y tế.

Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP thừa nhận đã nhận được công văn của VASEP và cũng đã có nghiên cứu, cân nhắc. Tuy nhiên, bà Nga cho rằng Luật ATTP không có sự phân biệt giữa hàng nhập khẩu để phục vụ sản xuất xuất khẩu hay tiêu thụ trong nước, điều 14 Nghị định 38 không có quy định hàng nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu thì được miễn kiểm tra. Đây là một trong những vướng mắc mà Cục ATTP đã cân nhắc trong thời gian vừa qua, bên cạnh hàng nhập khẩu còn có hàng mẫu, hàng tạm nhập tái xuất… nhưng đều không được quy định cụ thể tại Nghị định 38.

“Hiện nay Chính phủ đã ban hành Nghị định 67 hướng dẫn Luật Đầu tư, chúng tôi cũng đã đưa vào một điều về vấn đề này, tuy nhiên khi trình lên Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ thì họ cho rằng phần đó không thuộc điều kiện kinh doanh nên tạm thời không đưa vào và đề nghị sửa đổi Nghị định 38. Chúng tôi đã đưa vào trong kế hoạch xem xét để điều chỉnh trong thời gian tới, đồng thời đã có kế hoạch họp với các Bộ ngành về vấn đề này trong tuần này nhưng chưa chốt được lịch cụ thể để làm việc,” bà Trần Việt Nga nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP đã phản pháo đối với cấp phó của mình khi cho rằng không thể nói là trong tuần này hay tuần khác được bởi vì VASEP đã kiến nghị trong 2 năm qua. 

Tuy nhiên, ông Phong cũng khẳng định đây không phải là chủ trương của Bộ Y tế, muốn thay đổi cần phải sửa đổi Nghị định 38, nhưng trước hết cần sửa Nghị định 67 hướng dẫn Luật Đầu tư. Bộ Y tế đã trình lên Văn phòng Chính phủ nhưng lại không được xem xét.

2 năm theo đuổi một đề xuất, Cục ATTP vẫn bắt chờ tiếp!
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế).

Tù mù công bố thành phần trên nhãn sản phẩm

Tại buổi Tọa đàm, vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm là dung sai đối với các thành phần dinh dưỡng ghi trên bao bì sản phẩm. Theo ông Nguyễn Thanh Phong, hiện nay Việt Nam chưa có quy định cụ thể về dung sai đối với thành phần ghi trên nhãn sản phẩm là thực phẩm, ngay các các nước trên thế giới cũng chưa có quy định nào cụ thể cho việc này.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Khánh - Giám đốc điều hành Nghiên cứu và Phát triển, CTCP Sữa Việt Nam – cho rằng sự sai lệch về dung sai là điều không tránh khỏi, nhưng dung sai như thế nào cho phù hợp để không gây khó khăn cho nhà sản xuất. 

Năm 2015, Vinamilk đã xuất khẩu sản phẩm đến hơn 40 quốc gia với giá trị xuất khẩu đạt 250 triệu USD, nếu không tuân thủ quy định của các nước, Vinamilk sẽ không thể nào xuất khẩu được sản phẩm sang các nước này. Ông Khánh kiến nghị cần quy định mức tối thiểu 80% đối với vitamin và khoáng chất bổ sung và không quy định mức tối đa, các dưỡng chất bổ sung bắt buộc cần làm rõ thêm.

Mặc dù chưa có quy định cụ thể về khoản dung sai đối với các thành phần dinh dưỡng ghi trên bao bì sản phẩm, nhưng ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn, Luật Thương mại đã có những quy định cụ thể. Nghị định 185 của Chính phủ cũng quy định nếu phát hiện hàm lượng các chất trong sản phẩm dưới 70% so với mức công bố trên bao bì sản phẩm thì bị coi là hàng giả.

“Một số nước khác quy định dưới 80%, nhưng với điều kiện ở Việt Nam hiện nay, các chính sách ban hành cần đảm bảo đáp ứng với thực tiễn. Đầu tiên là phải bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời các quy định cũng phải thống nhất với các quốc gia để tránh cản trở thương mại,” ông Phong nói.

Hiện nay, việc công bố các thành phần dinh dưỡng vẫn đang do chính các nhà sản xuất tự công bố, chưa có quy định bắt buộc phải cụ thể là bao nhiêu. Ông Phong cho rằng khi chưa có quy định cụ thể, các nhà sản xuất phải chú thích rõ trên nhãn sản phẩm là “+/-20% thành phần ghi trên nhãn”, bởi thời gian vận chuyển, bảo quản… có thể làm giảm một số vitamin khoáng chất trong sản phẩm, nhưng thông tin đó phải minh bạch với người tiêu dùng.

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam khẳng định các chất dinh dưỡng trong thực phẩm luôn dao động, bản thân sản phẩm cũng luôn có những sai số khác nhau, từ năm 2012 chúng ta đã có quy định hàm lượng dao động đến 66% theo tiêu chuẩn Việt Nam đối với sữa công thức cho trẻ từ 0-12 tháng. Cũng theo ông Trung, sản phẩm nào có quy chuẩn thì nên áp quy chuẩn, đối với sản phẩm không có quy chuẩn, nên áp dụng như đối với chất dinh dưỡng đa lượng với mức tối thiểu 80% và tối đa 120%. Đối với dưỡng chất vi lượng, mức quy định là tối thiểu 80% và không quy định mức tối đa, đối với các chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe thì nên khống chế mức tối đa.

Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho rằng, cần phải đặt lợi ích người tiêu dùng lên hàng đầu, nhưng cũng phải đảm bảo tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Do đó, quy định về dung sai của sản phẩm cũng cần phù hợp với các quốc gia, để doanh nghiệp không gặp khó trong quá trình hội nhập.

Theo infonet.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN