Người Việt Odessa
Kinh doanh

Thế giới đã học được gì 8 năm sau vụ Lehman Brothers

Thứ sáu, 16/09/2016 | 02:16
Vào ngày này năm 2008, đại gia ngân hàng Mỹ nộp đơn phá sản, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tồi tệ nhất từ sau Thế chiến II.

Trên CNBC, David Buik - bình luận viên thị trường tại Panmure Gordon nhận định: "Lĩnh vực ngân hàng đến giờ vẫn chưa hồi phục, dù thị trường đã được hỗ trợ bằng những đợt nới lỏng định lượng khổng lồ".

Ngày 15/9/2008, Lehman Brothers nộp đơn xin phá sản vào sáng sớm. Và đến chiều, ngân hàng trung ương toàn cầu bắt đầu cùng soạn ra kế hoạch hành động, nhằm hãm phanh thị trường tài chính đang lao dốc. Đến cuối ngày, hơn 25.000 nhân viên Lehman đã chuẩn bị tinh thần thất nghiệp.

"Vụ sụp đổ của Lehman Brothers đã khiến các thị trường tài chính nhận ra thứ quý giá nhất họ có chính là sự tin tưởng. Và giành lại việc này sẽ đòi hỏi sự thay đổi cả về cấu trúc lẫn văn hóa. Đây là những sự thay đổi chẳng ai tưởng tượng được trước đó vài năm", Michael Cole-Fontayn - Chủ tịch EMEA tại BNY Mellon cho biết.

Thế giới đã học được gì 8 năm sau vụ Lehman Brothers

Biển hiệu Lehman Brothers được đem đấu giá năm 2013. Ảnh: Reuters

"Từ năm 2008, các ngân hàng toàn cầu đã phải củng cố bảng cân đối kế toán, tăng vốn và tài sản thanh khoản. Họ cũng đầu tư mạnh vào quản trị rủi ro. Fontayn cũng nhấn mạnh các nhà băng đã quay về nghiệp vụ cơ bản, tránh xa những hoạt động rủi ro cao.

Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng vẫn còn rất mong manh. Nhiều nhà phân tích đánh giá hệ thống ngân hàng Mỹ hiện tốt hơn châu Âu. Do châu Âu có lãi suất quá thấp, tăng trưởng kinh tế trì trệ và bất ổn quanh việc người Anh bỏ phiếu rời EU.

Cổ phiếu các nhà băng lớn tại châu Âu như Deutsche Bank hay Credit Suisse đã xuống thấp kỷ lục sau kết quả trưng cầu dân ý tại Anh ngày 23/6. Và dù cổ phiếu Deutsche Bank có mức giảm tương đương nhiều nhà băng khác, như RBS, với 35% từ đầu năm, họ vẫn thường xuyên bị so sánh với ngân hàng xấu số Lehman Brothers.

Phí bảo hiểm vỡ nợ của Deutsche Bank đang tăng mạnh, cho thấy đây là tài sản rủi ro và làm dấy lên so sánh với Lehman Brothers. Giá hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) cho trái phiếu của nhà băng này tháng trước đã lên cao nhất trong tất cả ngân hàng đầu tư, theo hãng nghiên cứu thị trường Markit. Các báo cáo cũng cho thấy rủi ro phái sinh toàn cầu (global derivatives risk) của Deutsche Bank vào khoảng 75.000 tỷ USD - cao gấp 20 lần GDP nước Đức.

Cổ phiếu Deutsche Bank cũng giảm mạnh sau khi chi nhánh tại Mỹ của họ trượt bài kiểm tra áp lực (stress test) năm nay. Vốn hóa của hãng hiện là 18 tỷ USD, chỉ tương đương ứng dụng nhắn tin bằng hình ảnh - Snapchat. Và việc này càng khiến nhà đầu tư lo lắng

Dù vậy, Alastair Winter - kinh tế trưởng tại Daniel Stewart vẫn khá lạc quan: "Không như Lehman, Deutsche Bank sẽ không được phép sụp đổ. Có lẽ họ còn hiểu rõ vấn đề của mình hơn, dù không thể hoặc không muốn đong đếm chúng".

Winter cũng giải thích dù triển vọng ngành này khá nghèo nàn, mọi chuyện sẽ không kết thúc bằng việc thị trường chứng khoán sụp đổ. Dù vậy, ông vẫn cảnh báo các ngân hàng châu Âu nên giải quyết vấn đề nợ xấu tăng cao. Vì nó đang ảnh hưởng đến khả năng cho vay của họ. Vấn đề này đặc biệt rõ tại các ngân hàng Italy, với tổng cộng 360 tỷ euro (401 tỷ USD) nợ xấu.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng tình hình hiện tại không u ám như cách đây 8 năm. Vì dù kinh tế toàn cầu sẽ cần thêm thời gian để hoàn toàn hồi phục, nhiều lĩnh vực đã có chuyển biến tích cực.

"Chúng tôi nhận thấy đà phục hồi bền vững tại Mỹ, Anh, Canada và Đức. Tỷ lệ thất nghiệp tại các nước này đã về mức tiền khủng hoảng", Andrew Sentence - cựu thành viên Ủy ban Chính sách Tiền tệ tại Ngân hàng Trung ương Anh cho biết. Ông giải thích rắc rối tại các nền kinh tế trong G7 là do chính vấn đề cấu trúc của họ. Và điều này đang kìm hãm tăng trưởng.

Còn về lĩnh vực ngân hàng, giới phân tích cho biết các nhà băng đã áp dụng nhiều hoạt động an toàn hơn, để quản lý rủi ro tốt hơn. "Phần lớn các tài sản rủi ro đã bị giảm quy mô hoặc bán đi hết", Mark Peden - đồng quản lý Kames Global Equity Income cho biết trên CNBC. Ông cũng cho rằng nợ xấu tại Deutsche Bank và các nhà băng Italy đúng là rắc rối lớn, nhưng không phải vấn đề hệ thống.

Dù vậy, thị trường vẫn lo ngại về việc người Anh bỏ phiếu rời EU và ảnh hưởng tiềm tàng lên các ngân hàng có hoạt động tại London. "London là trung tâm tài chính của châu Âu. Họ đã gây dựng cơ sở hạ tầng suốt 70 năm nay vì không muốn mất vị thế vào tay Frankfurt, Paris, Dublin hay bất kỳ nơi nào khác", Buik kết luận.

 (Theo CNBC)


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN