Người Việt Odessa
Kinh doanh

Vua chứng khoán

Chủ nhật, 04/09/2016 | 03:26
Với chiến lược tăng trưởng theo chiều dọc, phát triển mô hình khép kín “từ nông trại đến bàn ăn”, trên “bàn ăn” của PAN đã có nước mắm (584 Nha Trang) bên cạnh gạo (từ NSC và SSC), thủy sản (từ ABT), hạt điều (từ LAF) và bánh kẹo (từ BBC).

Trên thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Duy Hưng luôn có tên trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán kể từ khi thị trường này bùng nổ vào năm 2006. Ông vốn được nhắc đến với vai trò là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), một công ty luôn có thị phần môi giới lớn nhất trên sàn TP. HCM; Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý quỹ SSI, một công ty chuyên thâu tóm các doanh nghiệp khác sau đó bán lại kiếm lời; và Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (PAN), một doanh nghiệp lên sàn từ năm 2006 với ngành nghề kinh doanh chính là vệ sinh công nghiệp.

Thế nhưng, thời gian gần đây người ta thấy ông âm thầm lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm với một chiến lược rõ ràng, bài bản hơn, điều đó thể hiện những thương vụ M&A này không phải để mua đi bán lại kiếm lời như hàng loạt thương vụ đã được ông và SSI thực hiện.

“Bàn ăn” của PAN có gì?

Đáng chú ý, ông Nguyễn Duy Hưng thực hiện tham vọng phát triển vào ngành nông nghiệp và thực phẩm của mình thông qua PAN Group với hình thức M&A qua việc liên tục mua lại, mua thêm gia tăng sở hữu tại các công ty trong ngành mục tiêu. Thông qua đó, PAN Group đã được ông Nguyễn Duy Hưng khoác lên tấm áo mới là nông nghiệp và thực phẩm.  

Năm 2015 và nửa đầu năm 2016, Tập đoàn PAN đã tiếp tục thực hiện các kế hoạch M&A trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua Công ty con sở hữu 99.99% là PAN Food) với mục tiêu là mua lại hoặc nâng tỷ lệ sở hữu các doanh nghiệp nông nghiệp, thực phẩm để tạo thành chuỗi liên kết. Các thương vụ M&A đình đám được ông Nguyễn Duy Hưng tạo ra gồm:

Mua lại 75% cổ phần của CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC), tương đương 921 tỷ đồng và biến NSC trở thành công ty con. Điều thú vị là NSC lại đang nắm giữ 61,5% cổ phần tại CTCP Giống cây trồng Miền Nam (SSC); Hoàn tất việc thành lập và tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng tại Công ty con là CTCP Thực phẩm PAN Food với tỷ lệ sở hữu 99.99%. Cụ thể, PAN Group đã chuyển toàn bộ sở hữu của Công ty mẹ ở các Công ty gồm CTCP XNK Thủy sản Bến Tre (ABT), sở hữu 72,8% cổ phần và CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAF), sở hữu 80,5% cổ phần, sang PAN Food; Tăng tỷ lệ sở hữu tại LAF lên 76,7% vốn điều lệ thông qua PAN Food; Mua lại 42,3% vốn điều lệ của CTCP Bánh kẹo Bibica (BBC) thông qua PAN Food.

Quý 1/2016, PAN đã thành lập một công ty mới tên là PAN SaladBowl tập trung vào xuất khẩu hoa. Nguồn hoa được trồng theo hợp đồng tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Quy mô ban đầu chỉ là 5 ha nhà kính để trồng hoa, nhưng công ty dự kiến sẽ mở rộng diện tích trồng hoa lên 200 ha trong vòng 5 năm bao gồm cả diện tích trồng hoa hợp tác với người nông dân. Hiện tại, công ty tập trung vào hoa cúc và cẩm chướng, thị trường xuất khẩu là Nhật Bản.

Nằm trong chiến lược tăng trưởng theo chiều dọc, phát triển mô hình khép kín “từ nông trại đến bàn ăn”, tháng 6/2016, PAN Food đã mua 20% cổ phần của CTCP Thủy sản 584 Nha Trang, thương hiệu có thị phần nước mắm truyền thống khoảng 8%. Như vậy, trên “bàn ăn” của PAN đã có thêm nước mắm bên cạnh gạo (từ NSC và SSC), thủy sản (từ ABT), hạt điều (từ LAF) và bánh kẹo (từ BBC).

PAN Food cũng bắt đầu tập trung phát triển các sản phẩm gạo đóng gói có thương hiệu theo mô hình chiều dọc khép kín. Cụ thể, công ty ký hợp đồng với người nông dân trồng lúa với nguồn giống và phân bón do PAN cung cấp, người nông dân sẽ bán lúa thu hoạch cho công ty. Sản phẩm gạo đóng gói hiện tại của PAN là Ban Mai Cung Đình loại 5kg đang được bán với mức giá khá cao là 260.000 đồng/kg. Trong khi đó, Tập đoàn Lộc Trời, là công ty cùng ngành, đang bán gạo đóng gói 5kg với giá là khoảng 20.000đồng/kg.

Mới đây, PAN Food cũng vừa giới thiệu một loại kẹo dẻo mới có tên là Huro được sản xuất theo công nghệ của Anh. Trong khi đó, PAN Group cũng đã thành lập CTCP PAN FARM trong tháng 7/2016 và dự kiến trong năm 2016 sẽ thành lập công ty con PAN Retail để hoàn thiện chuỗi giá trị Nông trại – Thực phẩm – Gia đình. PAN Retail sẽ phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ nhằm tiêu thụ và quảng bá các sản phẩm dưới thương hiệu PAN.

PAN Group đã chuyển đổi hoàn toàn thành doanh nghiệp nông nghiệp và hàng tiêu dùng sau khi chuyển nhượng 80% cổ phần mảng vệ sinh cho đối tác Nhật Bản là Nihon Housing Limited, thu về 120,5 tỷ đồng. Tại PAN Group, cá nhân Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng chỉ trực tiếp nắm giữ 0,74% vốn điều lệ trong tổng vốn điều lệ 1.008 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông lại sở hữu gián tiếp PAN thông qua các cổ đông tổ chức do ông làm Chủ tịch như: SSI (20,01%) và NDH Invest (10,93). Trong cơ cấu cổ đông của PAN, cổ đông trong nước nắm giữ 53,16% vốn điều lệ, và cổ đông nước ngoài nắm giữ 46,84%, trong đó hai cổ đông tổ chức là The Asian Entrepreneur Legacy và Mutual Fund Elite nắm giữ hơn 30% tính đến hết ngày 31/12/2015.

Vua chứng khoán
Vua chứng khoán
PAN Group đã chuyển hẳn sang lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm thông qua M&A các doanh nghiệp trong ngành.

Nông nghiệp chưa cho trái ngọt

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016 của PAN, doanh thu 6 tháng đầu năm tăng trưởng tốt nhờ hợp nhất nhiều công ty con, trong khi lợi nhuận cũng tăng  nhờ ghi nhận lợi nhuận tài chính không thường xuyên từ việc chuyển nhượng mảng dịch vụ vệ sinh (PAN Services). Cụ thể, doanh thu thuần hợp nhất 6 tháng tăng 19,3% so với cùng kỳ lên 1.266,2 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 192,5 tỷ đồng, tăng 52,2%. Với kết quả này, PAN đã hoàn thành 38% kế hoạch doanh thu 3.330 tỷ đồng năm 2016 (tăng 24,5% so với năm 2015), và 46,4% kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 415 tỷ đồng, tăng 31,7% so với năm 2015.

Tuy nhiên, hầu hết các công ty con của PAN có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm kém khả quan do ảnh hưởng của đợt hạn hán gần đây tại phía Nam, đợt hạn hán này đã ảnh hưởng đến mảng kinh doanh hạt giống, nghêu sò và hạt điều. Dưới đây là kế quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016 của từng doanh nghiệp kể trên:

CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC): Doanh thu thuần đạt 679,7 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ, và lợi nhuận sau thuế đạt 84,5 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ. Việc CTCP Giống cây trồng Miền Nam (SSC) trở thành công ty con của NSC vào quý 2/2015 nên doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2015 chưa hợp nhất doanh thu thuần quý1/2015 của SSC. Trên thực tế, nếu hợp nhất cả kết quả kinh doanh quý 1/2015 của SSC vào kết quả kinh doanh của NSC, thì doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016 của NSC giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Do thị trường chính của NSC là ở phía Bắc nên doanh thu công ty mẹ không bị ảnh hưởng của điều kiện thời tiết bất lợi tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Trái lại công ty con là SSC đạt kết quả kinh doanh kém khả quan với doanh thu thuần 6 tháng đầu năm giảm 24,4% so với cùng kỳ xuống còn 225,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 45,1% so với cùng kỳ, xuống còn 21,1 tỷ đồng. Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực Tây nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long làm giảm sản lượng hạt giống được sản xuất của SSC, đồng thời nhu cầu hạt giống cũng giảm.

CTCP XNK Thủy sản Bến Tre (ABT): Doanh thu 6 tháng đầu năm của DN xuất khẩu nghêu số 1 Việt Nam giảm 4,7% xuống còn 217,6 tỷ, đồng trong khi lợi nhuận gộp giảm 31,9% xuống còn 43 tỷ đồng. ABT là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản với sản phẩm chính là nghêu sò và cá tra, trong đó doanh thu từ nghêu sò chiếm hơn 50% tổng doanh thu. Lợi nhuận của công ty bị ảnh hưởng mạnh từ giá nguyên liệu đầu vào là nghêu sò và cá tra. Trong 6 tháng đầu năm 2016, trong khi giá cá tra trung bình giảm 10%, thì giá nghêu trung bình tại tỉnh Tiền Giang, nơi nuôi nghêu nhiều nhất cả nước, tăng 24,5% từ 25.300đ/kg lên 31.500đ/kg. Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu giảm từ 7,8% xuống 6,5% nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 35,5% so với cùng kỳ từ 40,2 tỷ đồng xuống còn 24,4 tỷ đồng.

CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAF): Doanh thu thuần 6 tháng đầu năm của DN xuất khẩu hạt điều LAF giảm 12,5% so với cùng kỳ, xuống còn 300,9 tỷ đồng do nhu cầu giảm và giá hạt điều nguyên liệu trong nước đã tăng nhanh hơn giá xuất khẩu. Tại tỉnh Bình Phước, nơi đóng góp 50% sản lượng điều sản xuất cả nước, giá hạt điều tươi bình quân 6 tháng đầu năm 2016 tăng 24,8% so với cùng kỳ lên 32.604 đ/kg, giá bình quân hạt điều khô tăng 20,1% so với cùng kỳ lên 40.372đ/kg. Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá xuất khẩu điều bình quân của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 10,1% từ 7.027 USD/tấn lên 7.938 USD/tấn. Lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ 422 triệu đồng nhưng lợi nhuận khác tăng mạnh từ 0,3 tỷ đồng lên 5,2 tỷ đồng. Trong quý 1, LAF đã bán chi nhánh Bình Phước và ghi nhận lãi 5,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 5,6% so với cùng kỳ từ 3,7 tỷ đồng xuống 3,5 tỷ đồng.

CTCP Bibica (BBC): BBC công bố doanh thu thuần 6 tháng đầu năm giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ là 422,2 tỷ đồng, hoàn thành 33,8% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận gộp cũng giảm 12,2% so với cùng kỳ là 126,8 tỷ đồng, trong khi đó lợi nhuận trước thuế giảm 5,4% so với cùng kỳ là 31,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 26,3 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,3% so với cùng kỳ, nhờ tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý trên doanh thu giảm, là 24,3% từ mức 27,3% trong năm ngoái. Đồng thời, công ty cũng chịu thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn, mức 16% so với mức thuế suất 20,8% trong cùng kỳ năm ngoái.

Hiền Anh  - infonet.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN