Người Việt Odessa
Kinh doanh

Ngành than cần 18.000 tỷ đồng đầu tư mỗi năm

Thứ sáu, 02/09/2016 | 01:41
Ngày 31/8, Bộ Công Thương đã chính thức công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030.

Theo đó, sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành trong các giai đoạn 2016 là khoảng 41 - 44 triệu tấn; 47 - 50 triệu tấn vào năm 2020; 51 - 54 triệu tấn vào năm 2025 và 55 - 57 triệu tấn vào năm 2030.

Trong đó bể than sông Hồng giai đoạn 2021 - 2030 thực hiện dự án thử nghiệm, làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển mỏ với quy mô công nghiệp; phấn đấu đạt sản lượng than thương phẩm khoảng 0,5 - 1,0 triệu tấn vào năm 2030.

Ngành than cần 18.000 tỷ đồng đầu tư mỗi năm
Ảnh minh họa

Sản lượng than thương phẩm toàn ngành có thể được điều chỉnh để phù hợp nhu cầu thị trường trong từng giai đoạn (kể cả việc xuất, nhập khẩu than) nhằm mục tiêu đảm bảo hiệu quả chung của nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương, tính đến nay, tổng trữ lượng và tài nguyên than khoảng 48,88 tỷ tấn; trữ lượng và tài nguyên than huy động vào quy hoạch khoảng 3,05 tỷ tấn.
Quan điểm phát triển tại quy hoạch này là khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước; đóng góp tích cực vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước; đảm bảo xuất nhập khẩu hợp lý theo hướng giảm dần xuất khẩu và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng... 

Ông Thọ cho biết, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành Than đến năm 2030 khoảng 269.003 tỷ đồng (bình quân 17.934 tỷ đồng/năm).

Giai đoạn đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư khoảng 96.566 tỷ đồng (bình quân 19.313 tỷ đồng/năm).

Nguồn vốn này chủ yếu tập trung cho đầu tư mới và cải tạo mở rộng, duy trì sản xuất và Phương thức đầu tư kinh doanh theo nhiều hình thức, qua vốn tự có, vay thương mại, ưu đãi…

Theo ông, ngành Than đang đối mặt với nhiều khó khăn. Than khai thác ngày càng sâu, điều kiện vận tải ngày càng xa nhưng từ nay đến 2030 nhiệt điện than vẫn là giải pháp cơ bản để đảm bảo an ninh năng lượng. Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng, bên cạnh việc yêu cầu Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam giảm chi phí, sẽ tiếp tục nhập khẩu than để phát triển nhiệt điện.

 

Lãnh đạo Tổng cục năng lượng cũng cho biết, mặc dù là ngành kinh doanh có điều kiện, nhưng các doanh nghiệp khác nếu có đủ điều kiện cũng khuyến khích nhập khẩu than và điều này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của TKV.

Theo vnexpress.net


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN