Người Việt Odessa
Kinh doanh

Công an triệt phá vụ mua bán hóa đơn GTGT: Có sự làm ngơ của cơ quan thuế?

Chủ nhật, 28/08/2016 | 04:28
Vụ việc công an Hà Nội triệt phá đường dây mua bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) với hơn 500 doanh nghiệp, tổ chức có liên quan đã cho thấy nhiều lỗ hổng từ chính sách thuế.

Như các phương tiện truyền thông đã đưa tin, đường dây mua bán hóa đơn GTGT có quy mô lên đến gần một nghìn tỷ đồng được xác định là đường dây mua, bán hóa đơn khống lớn nhất từ trước đến nay bị phát hiện trên địa bàn Hà Nội. Tại thời điểm khám xét, cơ quan công an phát hiện và thu giữ 36 bộ dấu pháp nhân công ty “ma”, 28 bộ dấu Hộ kinh doanh cá thể, hơn 140 quyển hóa đơn và nhiều sổ sách liên quan.

Cầm đầu đường dây này là Hoàng Lệ Hằng, thường trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chỉ tính riêng từ tháng 6/2014 đến nay, đường dây này đã xuất khống  gần 3.200 hóa đơn khống với tổng giá trị hơn 780 tỷ đồng của 33 công ty “ma” cho hơn 500 doanh nghiệp, tổ chức, gây thất thu hơn 78 tỷ đồng thuế VAT cho ngân sách Nhà nước. Cơ quan an ninh điều tra cũng làm rõ thủ đoạn mua gom các công ty làm ăn kém hiệu quả hoặc vừa thành lập với giá chỉ từ 30-40 triệu đồng/công ty. Sau đó chỉnh sửa lại thông tin của giám đốc, người đại diện pháp luật để xuất, bán hóa đơn giá trị gia tăng cho hàng trăm công ty.

Theo Thượng tá Đàm Minh Khanh, Cơ quan an ninh điều tra, Công an TP Hà Nội, các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở trong việc thành lập doanh nghiệp, xin cấp đổi thông tin, đăng ký kinh doanh để thực hiện hành vi vi phạm. Nhận định về vụ việc, Luật sư Bùi Quang Hưng, Văn phòng Luật sư BQH và Cộng sự, cho rằng đây là tội danh xuất hiện không nhiều nhưng cho chúng ta thấy vẫn còn các kẽ hở từ cơ quan quản lý thuế, tạo điều kiện để một số cá nhân tổ chức trục lợi ở các việc này để chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp, việc hợp thức hóa ''đầu ra - đầu vào'' qua hóa đơn là câu chuyện phổ biến của doanh nghiệp. Để làm việc này, bộ phận kế toán của công ty có rất nhiều thủ thuật'. Một trong số đó là viết hóa đơn cho những khách hàng không có nhu cầu. Vị lãnh đạo này còn chia sẻ câu chuyện ''mượn thuế'' giữa các doanh nghiệp với nhau và cho rằng thực trạng này là phổ biến. Theo đó, các doanh nghiệp “mượn thuế” của nhau sau đó “đẩy” trả hóa đơn cho nhau. Cơ quan thuế quản lý thông báo phát hành hóa đơn thuế nhưng cũng khó quản lý nội dung hóa đơn. Nếu doanh nghiệp chủ động 'thông đồng để xuất hóa đơn, cơ quan thuế muốn ''soi'' cũng rất khó.

Công an triệt phá vụ mua bán hóa đơn GTGT: Có sự làm ngơ của cơ quan thuế?
Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, phụ trách một sàn mua bán doanh nghiệp ở Hà Nội cũng chỉ ra bất cập trong việc mua bán công ty hiện nay, đó là có những công ty vừa được thành lập từ 3 đến 6 tháng đã được các đối tượng tìm đến và mua lại chỉ với mức giá vài chục triệu đồng. Khi cơ quan quản lý thuế chưa kịp lên kế hoạch kiểm hoạt động của danh nghiệp, chủ mới đã kịp xuất bán hóa đơn để trục lợi.

“Thực tế giờ nhiều đối tượng họ tinh ranh hơn. Ví dụ tôi có ý định mua bán hóa đơn thì tôi không bao giờ sử dụng chứng minh thư của tôi đi mua doanh nghiệp, thay vào đó, tôi sẽ mượn các người bạn, thậm chí lấy chứng minh của các người khác để về làm giấy phép kinh doanh, sau đó sang tên đổi chủ cho người ấy nên cái đấy sẽ rất khó kiểm soát và cơ quan thuế cũng khó có thể kiểm tra,'' ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, một doanh nghiệp đã dừng hoạt động bỗng dưng xuất hóa đơn tiền tỷ rõ ràng là điều bất thường. Theo Thượng tá Đàm Minh Khanh, qua vụ việc mua bán hóa đơn này, cơ quan thuế cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ quản lý thuế đối với doanh nghiệp. “Vì doanh nghiệp hoạt động ở địa bàn thì họ phải biết, cán bộ thuế có trách nhiệm một chút thì họ sẽ phát hiện ra ngay là từ lúc thành lập có sản xuất, kinh doanh hay không, và họ có những biểu hiện nghi vấn gì không. Tôi nghĩ là nếu cán bộ thuế hoạt động hết trách nhiệm họ sẽ biết,'' Thượng tá Đàm Minh Khanh nói.

Luật sư Bùi Quang Hưng cho rằng, những công cụ kiểm soát, phát hiện vi phạm trong lĩnh vực thuế là không thiếu, nhưng để phát huy tối đa hiệu quả của hình thức kê khai thuế qua mạng thì rõ ràng các công cụ đó cần phải hoàn thiện hơn.

“Nếu như chỉ có một đầu vào thôi còn đầu xuất ra của doanh nghiệp không có thì cơ quan thuế phải phát hiện ra rằng đấy là hóa đơn giả hoặc đấy là hành vi trục lợi và phải bị ngăn chặn ngay. Nếu hệ thống phần mềm quản lý thuế đạt được mức độ như vậy, tôi cho rằng hành vi mua bán hóa đơn như này sẽ bị tiệt trừ một cách tận gốc.” Luật sư Hưng nói.

Theo infonet.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN