Người Việt Odessa
Kinh doanh

Tranh cãi “nảy lửa”: Đại gia đòi giữ, DN nhỏ đòi xóa bỏ Thông tư 20

Chủ nhật, 14/08/2016 | 03:06
Thông tư số 20/2011/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành ngày 12/5/2011 đã hết hiệu lực vào ngày 1/7/2016 vừa qua. Hiện tại, việc duy trì hay bãi bỏ thông tư này đang là câu chuyện gây tranh cãi.

Vì sao giá xe ở Việt Nam đắt gần nhất thế giới?

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Nhập ô tô: Giữ hay bỏ Thông tư 20”, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng tại Việt Nam (VIVA) bày tỏ lo ngại nếu bãi bỏ Thông tư 20 sẽ tác động tiêu cực tới quyền lợi của người tiêu dùng và gây thất thu thuế cho Nhà nước.

Trong khi đó các nhà nhập khẩu ô tô nhỏ và vừa cho rằng việc giữ lại Thông tư 20 là gây méo mó thị trường, độc quyền trong kinh doanh ô tô và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Tranh cãi “nảy lửa”: Đại gia đòi giữ, DN nhỏ đòi xóa bỏ Thông tư 20
Đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhỏ và vừa 

Phát biểu tại tọa đàm, GS.Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nói: “Chúng ta đã nhiều lần sửa đổi chính sách bảo hộ cho ngành ô tô nhưng đến thời điểm này tôi có thể nói chiến lược này đã hoàn toàn thất bại”.

Ông cho rằng, một trong những nguyên nhân thất bại là chủ nghĩa bảo hộ cho ngành ô tô. Việc kéo dài bảo hộ cho bất kỳ sản phẩm nào đều thất bại, trái với tự do thương mại.

Theo ông chúng ta rất sai khi để thuế xuất nhập khẩu (XNK) chiếm 20-25% tổng thu nhập thuế nhà nước. Đó là tình trạng bất hợp lý vì ở các nước chủ yếu là thuế nội địa, thuế XNK chỉ chiếm từ 10- 12%.

Nhà nước muốn cân bằng thu nhập thì lại tăng thuế nhập khẩu, dùng thuế nhập khẩu để cân bằng ngân sách. Đây là lý do ô tô nhập khẩu Việt Nam đắt nhất thế giới, có lẽ chỉ sau Singapore.

“Tất cả những khập khiễng vừa rồi là do chúng ta không quan tâm đến lợi ích của người tiêu dùng. Nếu hội nhập mà chỉ nói đến lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp thì đó là sai lầm nghiêm trọng. Bất kỳ hoạt động nào cũng phải chú đến lợi ích của người tiêu dùng, nhân dân”, GS. Mại nhấn mạnh.

Cũng theo GS. Mại, mặc dù Thông tư 20 ra đời để hạn chế nhập siêu nhưng từ khi có Thông tư 20 đến nay, số lượng ô tô nhập khẩu chưa giảm.

“Từ khi có Thông tư 20 đến nay thử hỏi giảm thiểu bao nhiêu ô tô nhập khẩu, và nhờ Thông tư 20 này mà ô tô nhập khẩu chất lượng hơn không? Thực tế là không. Thông tư này chỉ làm thiệt hại cho những DN nhỏ và vừa, gara ô tô, có DN đã phá sản. Thứ hai là ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Tôi cho rằng không nên nâng Thông tư  20 thành nghị định mà nên chấm dứt đúng thời hạn nó hết hiệu lực là từ ngày 1/7/2016”, GS. Mại kiến nghị.

DN được ủy quyền lo người tiêu dùng không được bảo hành chính hãng

Tuy nhiên dưới góc độ của DN được ủy quyền, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc chi nhánh Audi Hà Nội đã có ý kiến phản bác lại.

Ông Dũng cho biết, có trường hợp một chiếc xe Audi A8 ở Hà Nội gặp phải vấn đề về ngập nước. Theo hồ sơ, chiếc xe này được mua không chính hãng với hóa đơn ghi giá 3 tỷ đồng (trong khi giá bán xe tại Mỹ 120.000 USD, khoảng 2,7 tỷ). Khi giải quyết, bên bảo hiểm đề nghị trả 3 tỷ đồng cho chủ xe và thu hồi lại tài sản thì không được chấp nhận vì giá trị thực của xe Audi A8 này lên tới 6 tỷ đồng.

Chính vì thế, ông lo ngại nếu mở cửa cho các doanh nghiệp được ồ ạt nhập khẩu xe sẽ dẫn tới thất thu thuế.

Còn giữ Thông tư 20 thì hoạt động thu thuế lành mạnh hơn, đầy đủ hơn, có sự quản lý tốt hơn.

Đối với quyền lợi người tiêu dùng, các hãng xe chính hãng có mạng lưới bảo hành toàn quốc, theo đúng tiêu chuẩn và trang thiết bị đắt tiền.

Theo ông Dũng, các doanh nghiệp được uỷ quyền còn phải đầu tư 4 triệu USD để xây dựng trang thiết bị cho hệ thống bán hàng. Để đào tạo một kỹ thuật viên gò khung sườn nhôm có trị giá 200.000 USD, doanh nghiệp phải mất 40.000 USD… Đó là điều mà các doanh nghiệp nhỏ khó đáp ứng được.

Tranh cãi “nảy lửa”: Đại gia đòi giữ, DN nhỏ đòi xóa bỏ Thông tư 20
Việc giữ hay bỏ Thông tư 20, hay nâng cấp thành nghị định đang gây ra nhiều tranh cãi 

Về ý kiến cho rằng Thông tư 20 đang tạo ra thế độc quyền cho một số DN nhập khẩu, ông Dũng khẳng định không có sự độc quyền. Nếu DN đáp ứng tính minh bạch, khả năng tài chính sẽ được chọn là nhà phân phối của hãng.

Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban Chính sách Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam (VAMA) cũng đề xuất Chính phủ duy trì thông tư 20 vì Thông tư này ra đời đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn giao thông, môi trường.

“Chúng tôi nhấn mạnh đến khâu sau bán hàng. Vì ô tô sử dụng dài, có thể trên 10 năm, cần được sửa chữa bảo hành chính hãng. Mục đích là ô tô được sử dụng, duy trì tốt nhất trong quá trình sử dụng, đảm bảo môi trường và an toàn giao thông. Do vậy cần có ủy quyền chính hãng”, ông Tuấn nói.

Đại diện VAMA đề xuất Thông tư 20 nên được nâng lên thành nghị định và coi ngành nghề nhập khẩu ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Thông tư 20 đang tạo thế độc quyền?

Phản bác lại những ý kiến trên, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phúc An cho rằng lo ngại doanh nghiệp trốn thuế thì đã có các cơ nhà nước cụ thể là hải quan quản lý.

Đối với vấn đề an toàn giao thông chưa có bằng chứng xác thực nào về việc mất an toàn giao thông là do xe nhập khẩu không chính hãng gây nên.

Do đó, không thể dẫn lý do về thuế thấp hoặc lý do an toàn để hạn chế nhập khẩu xe và cũng không thể chỉ một vài doanh nghiệp trốn thuế mà dùng Thông tư 20 để phân biệt đối xử với tất cả doanh nghiệp ô tô nhỏ và vừa.

“Những vấn đề an toàn và hiện đại hóa đều là vấn đề tương lai. VAMA hứa hẹn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến 25 năm nay rồi, nhưng lúc nào cũng là thì tương lai. Vừa rồi lại xin đến năm 2035 mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Còn những hệ quả và bài học về thông tư 20 thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã thấm trong hiện tại và quá khứ”, ông Tuấn bày tỏ.

Theo ông Tuấn, các đại lý ủy quyền chính hãng nêu phải tốn 4 triệu USD xây dựng showroom ô tô, nhưng các DN nhỏ và vừa còn mất hàng trăm triệu USD.

“Chúng tôi có người đầu tư 9 salon, nhưng khi Thông tư 20 ra đời, rất nhiều người phá sản, trắng tay, nợ nần, hàng ngàn công nhân thất nghiệp”, ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Đình Quyết, Giám đốc Công ty Hưng Hà cho rằng "các nhà nhập khẩu chính hãng nói bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là không đúng".

“Bây giờ ở đây có Audi, Porsche rất là sang. Khi có sự cạnh tranh thì người tiêu dùng mới có sự lựa chọn. Nếu chỉ có mỗi các anh thì chỉ có mỗi 1 giá, người tiêu dùng chỉ biết mỗi giá của anh thôi, không có cái giá nào khác. Sao mà Rolls-Royce và Lexus lãi khủng vậy? Đó là do độc quyền mà ra thôi”, ông Quyết nhấn mạnh.

“Các anh bảo không phải độc quyền là không đúng. Tôi đã từng đề nghị Hyundai, KIA cung cấp giấy ủy quyền để tôi nhập, nhưng bị họ từ chối vì bảo cấp cho chỗ khác rồi ”, ông Quyết phản ứng.

Vị giám đốc này cũng cho rằng, khi có Thông tư 20, thì hãng ép giá bên Việt Nam về giá, điều kiện, số lượng, do đó DN hoàn toàn bị động.

Đặc biệt là quyền lợi người tiêu dùng: “Nếu trong thị trường chỉ có Porsche, Toyota thì người ta thích đặt giá nào thì người tiêu dùng phải chịu là đương nhiên”.

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban pháp chế VCCI cũng cho rằng cách quản lý của nhà nước hiện nay là nhắm vào người nhập khẩu mà không nhắm vào chất lượng xe nhập khẩu.

“Ai dám khẳng định nhập khẩu ủy quyền 100% là tốt? Không có kiểu quản lý nào kiểu thế. Điều đó cũng giống như kiểu móc túi trên xe buýt toàn đàn ông nên cấm đàn ông đi xe buýt”.

Ông Ngô Việt Dũng - Quản trị Diễn đàn Otofun, đại diện cho một cộng đồng sử dụng xe ôtô với 300.000 thành viên cũng đề xuất, nếu sửa Thông tư 20, thay vì hướng vào đối tượng được nhập khẩu thì nên điều chỉnh tiêu chuẩn của xe.

“Hãy để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn. Các nhà quản lý hãy cố gắng xây dựng chính sách hướng vào chất lượng xe, người tiêu dùng chứ không phải là cuộc chiến bên này bên kia", ông Dũng nói.

Diệu Thùy - infonet.vn

 


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN