Người Việt Odessa
Kinh doanh

Sau 20 năm trực thuộc TƯ, Đà Nẵng vẫn toàn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ!

Thứ tư, 10/08/2016 | 04:04
Theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng, sau 20 năm trực thuộc TƯ, nền kinh tế TP vẫn chủ yếu là các DN nhỏ và siêu nhỏ. Số DN có kim ngạch xuất khẩu trên 100 triệu USD rất ít. Đặc biệt, thu hút vốn FDI 6 tháng đầu năm “âm” 4,3 triệu USD!

Thu ngân sách vượt dự toán nhưng nợ thuế có xu hướng tăng dần

Như tin đã đưa, ngày 9/8, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP đã nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm 2016, kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng nhưng chưa thực sự bền vững, một số chỉ tiêu KT-XH chưa đạt tiến độ kế hoạch... Đằng sau nhận xét ngắn gọn này là thực trạng đáng báo động!

Sau 20 năm trực thuộc TƯ, Đà Nẵng vẫn toàn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ!
Sau 20 năm Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc TƯ, số doanh nghiệp có quy mô như Công ty CP Cao su Đà Nẵng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay! (Ảnh: HC)

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, sản xuất công nghiệp trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2016 duy trì ổn định, tăng 15,5% so với cùng kỳ, một số ngành tăng trưởng khá, một số dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng được triển khai và đi vào hoạt động. Giá trị sản xuất dịch vụ tăng 8,3%; sản xuất thuỷ sản - nông - lâm đạt 59,7% kế hoạch, tăng 5,7%; tổng thu nhập xã hội từ du lịch 7.177 tỉ đồng, đạt 48.1% kế hoạch, tăng 15,5% so với cùng kỳ 2015.

Đáng chú ý, thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt kết quả khả quan, đạt 65,1% dự toán, thuế xuất nhập khẩu đạt 77,4%. Việc triển khai các biện pháp chống thất thu đối với hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn đã bắt đầu có kết quả. Tính đến ngày 30/6, số thuế VAT phải nộp trên lĩnh vực nhà hàng tăng 157%; trên lĩnh vực khách sạn tăng 193% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng chỉ rõ, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn 6 tháng đầu năm tuy tăng 7,9% so với cùng kỳ 2015 nhưng thấp khá xa so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2016 là 9 - 10%. Điều đó cho thấy kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế cho thấy tình hình phát triển kinh tế của TP đang có những dấu hiệu đáng quan tâm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế còn thấp so với kế hoạch; nhiều ngành, lĩnh vực chưa đạt tiến độ kế hoạch đề ra như: sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản…

Mặc dù thu ngân sách vượt với dự toán nhưng loại trừ các khoản tăng thu do cơ chế chính sách, các khoản thu tăng đột biến (903,8 tỉ đồng) và thu tiền sử dụng đất (1.234 tỉ đồng) thì tăng thu phát sinh từ kinh tế chưa cao. Vẫn còn thất thu ở một số lĩnh vực; nợ thuế và nợ tiền sử dụng đất vẫn còn nhiều và có xu hướng tăng dần. Tính đến 30/6, tổng nợ toàn ngành thuế là 1.740 tỉ đồng, tăng 5,58% (92 tỉ đồng) so với thời điểm 31/12.

Thu hút vốn FDI “âm” 4,3 triệu USD

“Đến nay, sau 20 năm trực thuộc TƯ, nền kinh tế TP vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ. Số DN có kim ngạch xuất khẩu trên 100 triệu USD rất ít. Năng lực sản xuất và tính cạnh tranh của các sản phẩm còn yếu. Chính sách, đề án, chương trình hỗ trợ DN được ban hành khá nhiều nhưng hiệu quả chưa cao, số DN tiếp cận và thụ hưởng rất khiêm tốn, chưa phân bổ đủ nguồn lực cần thiết để tạo sự chuyển biến căn bản và đạt được mục tiêu đề ra!” – bà Phan Thị Thúy Linh, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng nói.

Đặc biệt, theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng, mặc dù TP đã cố gắng cải thiện môi trường đầu tư, các chỉ số PCI, Par Index, ICT Index liên tục dẫn đầu nhưng kết quả thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn chưa đạt yêu cầu. Tình hình không những không cải thiện mà 6 tháng đầu năm còn sụt giảm cả về số lượng dự án cũng như số vốn đăng ký.

22 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư trong 6 tháng đầu năm có tổng vốn đăng ký chỉ 10 triệu USD, trong khi chỉ 01 dự án điều chỉnh đã giảm vốn đến 14,3 triệu USD. Có nghĩa thu hút vốn FDI của Đà Nẵng trong nửa đầu năm 2016 đạt mức... “âm” 4,3 triệu USD. Lũy kế cho đến nay TP có 409 dự án với số vốn đăng ký 3,67 tỉ USD, nhưng trong đó số vốn được triển khai chưa đến 50%, cho thấy hầu hết các dự án có qui mô nhỏ.

“Bên cạnh nhiều nguyên nhân như quỹ đất, chế độ ưu đãi, nhân lực, nguồn lao động… thì vẫn còn nhiều nguyên nhân mang tính chất cơ chế, đặc biệt về xúc tiến đầu tư chưa tập trung vào một đầu mối; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan không chặt chẽ, thông tin cung cấp cho nhà đầu tư chưa nhất quán; thời gian giải quyết còn kéo dài, thiếu dứt khoát!” – bà Phan Thị Thúy Linh nêu nguyên nhân của tình hình trên.

Nói nhiều, chỉ thu hồi 1 dự án ven biển chậm triển khai

Cũng theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Đà Nẵng, du lịch TP phát triển khá nhanh song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có. Năng lực cạnh tranh, tính chuyên nghiệp chưa cao, thiếu các sản phẩm du lịch đặc sắc, thiếu các khu mua sắm, khu vui chơi và dịch vụ giải trí về đêm. Công tác quản lý nhà nước về du lịch bộc lộ nhiều bất cập, chưa theo kịp sự thay đổi của yêu cầu phát triển đối với ngành quan trọng này. Vụ chìm tàu trên sông Hàn, tình trạng người nước ngoài hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch trái phép, sử dụng ngoại tệ khi mua hàng... gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường du lịch.

Qua nhiều năm, TP vẫn chưa có chiến lược phát triển nông nghiệp đô thị bền vững do chưa có quy hoạch lĩnh vực trọng tâm (cây, con...), nhất là việc ổn định đất phát triển nông nghiệp, dẫn đến nhiều khó khăn cho đầu tư phát triển lâu dài, hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp thấp. 

“Trên lĩnh vực quản lý đất đai đang nổi lên việc người nước ngoài thông qua người Việt Nam đứng tên mua bất động sản. Vấn đề này chứa đựng rất nhiều tiềm ẩn bất lợi về lâu dài trên nhiều mặt. Vì vậy, đề nghị TP hết sức quan tâm và có sự chỉ đạo phối hợp chặt chẽ của các ngành trong việc kiểm soát, xử lý vấn đề!” – bà Phan Thị Thúy Linh cảnh báo.

Bên cạnh đó, bà cũng chỉ rõ, TP nói rất nhiều về việc  rà soát, xử lý thu hồi các dự án ven biển  nhưng tính đến nay chỉ mới thu hồi được 1 dự án vào năm 2015. Vì vậy, cần theo dõi, bám sát tiến độ thực hiện cam kết của các chủ đầu tư. Một mặt tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc triển khai dự án nhưng mặt khác cần có giải pháp thu hồi theo đúng quy định pháp luật đối với các dự án không triển khai.

Theo ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, hiện là Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP, các dự án ven biển không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn liên quan đến văn hóa, chính trị, an ninh, quốc phòng. Vì vậy, ông đề nghị các đại biểu HĐND TP “theo cho đến cùng” đối với các dự án chậm triển khai nhằm thu hồi đất giao cho các nhà đầu tư có nhu cầu và có đủ năng lực để triển khai, đồng thời để thực hiện ý tưởng của lãnh đạo TP hiện nay là “trả lại biển cho người dân”.

“Đây là vấn đề hết sức quan trọng. Hội Khoa học Lịch sử TP đang chuẩn bị tổ chức hội thảo về kinh tế biển. Chắc chắn là chúng tôi sẽ đề cập từ góc độ khoa học đối với vấn đề này. Rất mong nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các đại biểu HĐND TP!” – ông Bùi Văn Tiếng cho hay.

infonet.vn

 


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN