Người Việt Odessa
Kinh doanh

Gần 600 tỉ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2016

Thứ hai, 01/08/2016 | 02:38
Ngày 29/7, Quỹ phát triển doanh nghiệp và vừa (SMEDF) đã chính thức khởi động các chương trình cho vay 2016. SMEDF là hoạt động hỗ trợ tài chính đầu tiên, duy nhất dành cho DNNVV.

Bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc SMEDF cho biết, tại Việt Nam doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Hiện nay cả nước có 500.000 DNNVV, chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp 33 % tổng thu ngân sách, 45% GDP, tạo ra 62% việc làm.

Tuy nhiên các DNNVV còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc tiếp cận tài chính, chủ yếu do lãi suất vay của các ngân hàng thương mại còn cao và điều kiện cho vay không đáp ứng, thủ tục vay vốn phức tạp.

Gần 600 tỉ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2016
Khởi động các chương trình cho vay năm 2016 của Quỹ phát triển DNNVV

Chính vì thế Qũy Phát triển DNNVV đã được thành lập theo quyết định 601/QĐ-TTg ngày 17/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ  với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. SMEDF cho vay thông qua các phương thức ủy thác cho các Ngân hàng thương mại.

Điều kiện đối với dự án là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các DN có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi thuộc danh mục các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ của quỹ được quy định tại Điều 5 của Thông tư số 13/2015/TT-BKHĐT ngày 28/10/2015. Cụ thể là các ngành: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến chế tạo; cung cấp nước, hoạt động xử lý và xử lý rác thải, nước thải.

Nguồn vốn tham gia dự án tối thiểu 20% và phải đảm bảo đủ nguồn vốn thực hiện dự án; có khả năng trả nợ trong thời hạn quy định.

Qũy có mức vốn cho vay tối đa bằng 70% tổng mức vốn đầu tư hợp lý của từng dự án, phương án sản xuất kinh doanh. Mức vốn cho vay không bao gồm vốn lưu động và không quá 30 tỉ đồng. Thời hạn cho vay tối đa 7 năm (bao gồm cả thời gian ân hạn), trường hợp cần thời gian vay vốn dài hơn có thể xem xét cho vay tới 10 năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn là 5%, cố định trong suốt thời hạn vay. Lãi suất trung, dài hạn là 7%/năm.

Doanh nghiệp được chủ động trả nợ trước hạn và được miễn phí trả nợ trước hạn.

Đặc biệt theo bà Hồng, các chương trình cho vay của quỹ từ năm 2016 sẽ có điểm rất mới là điều kiện về tài sản bảo đảm sẽ nới lỏng hơn rất nhiều so với điều kiện hiện nay của các ngân hàng thương mại.

Cụ thể, ngân hàng nhận ủy thác không được yêu cầu tài sản bảo đảm vượt quá 100% giá trị khoản vay và DNNVV có thể sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm cho khoản vay.

Bà Hồng cho biết, Quỹ sẽ ưu tiên cho vay, hỗ trợ trước nếu doanh nghiệp có sản phẩm đầu ra, sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, vật liệu mới, năng lượng mới; tính đổi mới như đổi mới trang thiết bị, sử dụng công nghệ mới; chủ doanh nghiệp có năng lực quản trị, kinh nghiệm điều hành, uy tín tín dụng của doanh nghiệp; tạo việc làm mới, sử dụng nhiều lao động nữ;  sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường…

Quỹ có 4 chương trình hỗ trợ trong năm 2016. Cụ thể chương trình hỗ trợ DNNVV đổi mới sáng tạo với hạn mức chương trình 100 tỷ, mức cho vay tối đa 10 tỷ, thời gian ân hạn trả gốc 24 tháng.

Chương trình hỗ trợ DNNVV tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến và bảo quản nông, lâm, thủy sản với hạn mức chương trình 200 tỷ, mức cho vay tối đa 20 tỷ, thời gian ân hạn trả gốc tối đa 18 tháng.

Chương trình hỗ trợ DNNVV sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho ngành điện tử và cơ khí với hạn mức 150 tỷ, mức cho vay tối đa 25 tỷ, thời gian ân hạn trả gốc tối đa 18 tháng.

Cuối cùng là chương trình hỗ trợ DNNVV trong ngành hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải. Hạn mức chương trình là 100 tỉ, mức cho vay tối đa 25 tỷ và thời gian ân hạn trả gốc là tối đa 24 tháng.

Như vậy trong năm 2016, Quỹ sẽ dành 560 tỷ để hỗ trợ DNNVV.

Tuy nhiên hiện nay cũng có băn khoăn là mức vốn này quá “nhỏ bé” so với nhu cầu, số lượng DNNVV hiện nay.

Bà Hồng cũng cho rằng khoản vốn 2000 tỉ này không thể đáp ứng hết nhu cầu của DN nhỏ và vừa trên toàn quốc. Tuy nhiên nó được xác định là khoản vốn mồi ban đầu để cho hoạt động của quỹ khởi động, thu hút sự quan tâm của DN, các tổ chức. 

“Vì nguồn vốn hiện nay còn hạn chế nên chúng tôi phải đề ra tiêu chí ưu tiên hỗ trợ.  DN đến trước, đáp ứng những điều kiện đưa ra thì sẽ được hỗ trợ trước. Điều đó không có nghĩa DN đến sau sẽ mất cơ hội, chúng tôi sẽ xem xét ở các giai đoạn sau khi có lượng vốn dồi dào sẽ mở rộng quy mô hỗ trợ”, bà Hồng cho hay.

Vị Giám đốc SMEDF cũng bày tỏ mong muốn sẽ huy động thêm được nguồn lực bên ngoài ngân sách nhà nước để gia tăng nguồn vốn hỗ trợ cho DNNVV; hệ thống các đối tác như ngân hàng thương mại nhận ủy thác, ngân hàng cũng bố trí được nguồn lực, tài chính để tham gia vào hoạt động của quỹ, chủ động thực hiện các chương trình riêng để giúp DN.

Bà Hồng cho biết, tính đến thời điểm này quỹ đã ra mắt 4 tháng, hiện nay quỹ đã nhận được hàng trăm hồ sơ vay vốn từ DNNVV.

“Rất nhiều DN qua các kênh tiếp cận đã tìm đến quỹ, chúng tôi đang tập hợp, con số có thể lên đến hàng trăm DN, đặc biệt là qua ngân hàng thương mại ủy thác thì con số DN đăng ký còn lớn hơn rất nhiều”, bà Hồng cho hay.

Theo infonet.vn

 


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN