Người Việt Odessa
Kinh doanh

Từ vụ Formosa: Cần quy trách nhiệm trong thu hút đầu tư nước ngoài

Thứ bảy, 30/07/2016 | 02:18
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài, cần phải xem xét lại phân cấp quản lý dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, phải quy trách nhiệm đến người đứng đầu tỉnh đó khi để xảy ra sai phạm.

Tổng cục Thống kê cho biết, đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/7/2016 thu hút 1.408 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt  gần 8,7 tỉ USD, tăng 31,8% về số dự án và tăng 25,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng năm nay ước tính đạt 8,6 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2015.

 

 

Trong 7 tháng năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có số vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép mới lớn nhất với 5,6 tỉ USD, chiếm 64,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 986,2 triệu USD, chiếm 11,3%; các ngành còn lại đạt hơn 2 tỉ USD, chiếm 24%.

Từ vụ Formosa: Cần quy trách nhiệm trong thu hút đầu tư nước ngoài
Khai quật, di dời hơn 100 tấn chất thải của Formosa ra khỏi vườn tràm

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) thu hút đầu tư nước ngoài năm nay là kết quả tích cực của hội nhập. Các Hiệp định như TPP, AEC… là tác nhân mạnh mẽ thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Bên cạnh đó là những nỗ lực của Chính phủ trong cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực quản lý nhà nước.

Hơn nữa, giải ngân cũng tăng chứng tỏ người nước ngoài yên tâm hơn khi đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Toàn, việc thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam hiện nay đang nổi lên 2 vấn đề chính.

Thứ nhất, là tính lan tỏa của dự án FDI lớn vào Việt Nam chưa được như kỳ vọng. Cụ thể là phát triển công nghiệp phụ trợ, mặc dù vấn đề này đã được đề cập cách đây vài chục năm.

Các DN làm công nghiệp phụ trợ chủ yếu là DN vừa và nhỏ nhưng các DN này đang gặp nhiều vướng mắc về việc tiếp cận vốn, năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, kể cả tiếp cận thông tin, thủ tục hành chính.

“Bây giờ là thời cơ tốt nhất vì các doanh nghiệp đa quốc gia, xuyên quốc gia có công nghệ cao đã vào Việt Nam. Hiện nay chính phủ đã có cam kết mạnh mẽ để phát triển công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá giá trị của DN FDI”, ông Toàn nói.

Cũng theo ông Toàn, sắp tới cần có chương trình để làm sao lan tỏa sự phát triển của DN FDI với DN trong nước, để giá trị gia tăng ở lại Việt Nam cao hơn, hiệu quả đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lớn hơn.

Vấn đề thứ hai mà Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đề cập đến chính là môi trường.

“Hiện nay có vấn đề rất nóng là môi trường, mà nổi lên là vụ Formosa. Không chỉ riêng Formosa, tôi nghĩ còn nhiều dự án khác nhưng Formosa là vụ rất lớn, rất tai tiếng. Nó là điều tồi, nhưng ở khía cạnh khác đây là lời cảnh báo nghiêm khắc, to lớn không phải chỉ Chính phủ mà đến từng người dân Việt Nam, cái đó chúng ta phải rút kinh nghiệm”, ông Toàn nhấn mạnh.

Theo ông, cần phải xem xét lại hệ thống chính sách và kiểm soát. Kiểm soát ở đây là sự phân cấp quản lý đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

“Chúng tôi cũng nói nhiều lần nói việc phân công quản lý chưa tốt. Chúng ta cần xem xét lại và có những đổi mới về việc phân cấp quản lý. Phải làm sao phân được trách nhiệm của các tỉnh, các địa phương đã được phân cấp quản lý, trách nhiệm đến người đứng đầu tỉnh đó và cá nhân thực hiện để khi có vấn đề xảy ra có thể quy được trách nhiệm. Khi quy được trách nhiệm thì đó là hình thức răn đe để họ làm việc có trách nhiệm”, ông Toàn kiến nghị.

Từ vụ Formosa: Cần quy trách nhiệm trong thu hút đầu tư nước ngoài
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

“Hiện nay Formosa chúng ta chưa xác định được trách nhiệm. Trên các phương tiện thông tin đang đề cập đến việc đùn đẩy trách nhiệm, có người nói “chúng tôi làm rất đúng”. Song làm rất đúng tại sao lại gây hậu quả nghiêm trọng như vậy? Đó cũng là phát ngôn thiếu trách nhiệm”, ông Toàn khẳng định.

Theo ông mặc dù trong nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ đều nói chúng ta không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá và cũng đề cập đến việc làm sao đầu tư nước ngoài thực sự có lợi cho Việt Nam, có lợi lâu dài cho sự phát triển bền vững của Việt Nam, trong đó có vấn đề môi trường, trách nhiệm xã hội…nhưng lâu nay chúng ta đã quá “bình đẳng”, thiếu sự phân biệt.

“DN xuất khẩu qua các cửa khẩu, hải quan bao giờ cũng có 3 cửa: xanh, đỏ, vàng. Cửa xanh dành cho những DN nghiêm túc chấp hành, cửa vàng cho DN bình thường, còn cửa đỏ là những DN hay vi phạm, cần kiểm tra chặt. Tại sao chúng ta không áp dụng đối với các DN đầu tư nước ngoài, vùng đầu tư nước ngoài”, ông Toàn trăn trở.

Theo ông, những khu vực nào đầu tư nước ngoài luôn luôn gây phiền hà, vi phạm pháp luật thì chúng ta phải kiểm tra ngặt nghèo và khuyến khích những vùng, quốc gia, DN đầu tư vào Việt Nam chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật Việt Nam. 

 

Trong số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam 7 tháng năm nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 3267,4 triệu USD, chiếm 37,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Xin-ga-po 1115,3 triệu USD, chiếm 12,8%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 755,3 triệu USD, chiếm 8,7%; Đài Loan 584,5 triệu USD, chiếm 6,7%; Nhật Bản 543,8 triệu USD, chiếm 6,3%; Trung Quốc 393,3 triệu USD, chiếm 4,5%.

http://infonet.vn/
 


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN