Người Việt Odessa
Khoa học - Công nghệ

iPhone trở thành máy quét siêu âm ở châu Phi

Thứ sáu, 19/04/2019 | 03:04
Điện thoại thông minh của Apple được sử dụng như công cụ y tế giúp chữa bệnh cho người dân nghèo tại các khu vực nông thôn ở châu Phi.

Gordon Andindagaye, 6 tuổi, vừa nằm ôm đầu vừa thút thít khóc trong sợ hãi khi bác sĩ William A. Cherniak sử dụng một máy quét siêu âm từ từ di chuyển trên vùng ngực của cậu bé. Vừa quét, ông vừa cùng Rodgers Ssekawoko Muhumuza, một bác sĩ lâm sàng người Uganda mà ông đang đào tạo, nhìn chằm chằm vào chiếc iPhone được kết nối với máy quét để xem tình trạng phổi của Gordon.

Gordon bị ho và sưng hạch bạch huyết. Quá trình quét trên màn hình iPhone cho thấy phổi của cậu bé có chất lỏng bên trong. Khi được bác sĩ Cherniak gật đầu đồng ý, ông Muhumuza đã kê đơn thuốc kháng sinh và ra lệnh xét nghiệm máu cho Gordon. Cậu và mẹ sẽ đi xe đến một phòng khám ở gần đó để chụp X-quang và được quan sát thêm.

Bác sĩ Cherniak, chuyên gia y tế khẩn cấp đến từ Canada, cho biết buổi tối ông sẽ tải bản quét siêu âm đó lên mạng để một chuyên gia về siêu âm ở Toronto có thể kiểm tra lại chẩn đoán cậu bé bị viêm phổi giai đoạn đầu có đúng hay không.

iPhone trở thành máy quét siêu âm ở châu Phi

Bác sĩ Cherniak cùng đồng nghiệp đang khám cho bệnh nhân bằng Butterfly iQ và điện thoại iPhone.

Thiết bị siêu âm vị bác sĩ này sử dụng là một phát minh khoa học mới có tên Butterfly iQ. Nó có kích thước tương đương với máy cạo râu chạy điện, hoạt động bằng pin và chứa vi mạch bên trong, giúp nó bền hơn các loại máy quét siêu âm thông thường. Sản phẩm do Butterfly Network, một công ty tại Connecticut, Mỹ phát triển và có giá bán khoảng 2.000 USD. Với kích thước nhỏ gọn, nó có thể cho vừa túi áo khoác hoặc cầm trên tay khi di chuyển.

Nó được đánh giá là có tiềm năng rất lớn ở các khu vực như vùng nông thôn ở Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh, nơi máy X-quang gần nhất có thể cách xa hàng giờ di chuyển và máy quét CT hay MRI chỉ có thể tìm thấy ở thủ đô của mỗi quốc gia.

Theo Jonathan Rothberg, người sáng lập Butterfly, động lực để ông sáng chế thiết bị này vì một trong những cô con gái của ông mắc một căn bệnh liên quan tới u nang thận, khiến cô bé phải quét siêu âm thường xuyên. Đội ngũ nhân sự của công ty này chủ yếu là các kỹ sư và chuyên gia về khoa học máy tính. Quỹ từ thiện của Bill và Melinda Gates là một trong những đơn vị ủng hộ ông, bên cạnh các tổ chức từ thiện khác.

Hiện các máy quét chủ yếu được sử dụng để kiểm tra viêm phổi, một trong những bệnh phổ biến và thường bị chẩn đoán sai ở cả người lớn lẫn trẻ em các khu vực nghèo đói. Tuy nhiên, các y bác sĩ đã phát hiện ra tính ứng dụng lớn hơn của thiết bị này khi có thể quét và chẩn đoán các loại bệnh khác. Ví dụ như siêu âm khí quản kiểm tra tính chất của một khối u trên cổ, siêu âm phổi để xem một đứa trẻ có bị lao hay không, hoặc siêu âm tinh hoàn bị sưng của một người đàn ông lớn tuổi để xác định xem người này liệu có nguy cơ ung thư. Thiết bị đã giúp các bác sĩ như Cherniak giảm bớt được nhiều khâu như làm sinh thiết hay thậm chí là cả tiểu phẫu.

iPhone trở thành máy quét siêu âm ở châu Phi

Các hình ảnh siêu âm sau đó sẽ được tải lên mạng Internet để các chuyên gia y tế trên thế giới hỗ trợ đánh giá và chẩn đoán bệnh từ xa.

"Tiềm năng chẩn đoán của Butterfly iQ là rất lớn", người sáng lập Kihefo, một tổ chức từ thiện y tế có trụ sở ở phía tây Uganda, tiến sĩ Geoffrey Anguyo nói. Tuy nhiên, ông cho biết vấn đề của nó là việc đào tạo người sử dụng thiết bị. Việc học cách diễn giải các hình ảnh đen trắng mờ ảo trên màn hình điện thoại di động để nhận biết tất cả các cơ quan, mạch máu để xem có gì bên trong cơ thể tốn rất nhiều thời gian. Để giải quyết khó khăn này, tiến sĩ Rothberg từ quỹ Gates cho biết nhóm của ông đang viết phần mềm nhằm hướng dẫn người dùng chưa có kinh nghiệm sử dụng.

Còn một trong những lý do chính khiến iPhone được lựa chọn để làm thiết bị kết nối với Butterfly iQ đó là việc thiết bị này giúp dễ dàng tải các bản quét lên mạng Internet.

Trong trường hợp của Gordon, chuyên gia y tế ở Canada đã xác nhận chẩn đoán bệnh nhưng yêu cầu ông Muhumuza cần cải thiện kỹ thuật siêu âm bằng cách giữ máy quét ở góc khác nhằm thu được hình ảnh sắc nét hơn.

Trong số 91 đứa trẻ bị sốt và ho trong làng mà nhóm nghiên cứu đã dành thời gian để quét siêu âm trong vòng một tuần, chỉ có Gordon đã xác nhận bị viêm phổi. Nhờ được chẩn đoán kịp thời, Gordon đã bắt đầu dùng kháng sinh và 24 giờ sau khi gặp lại ở phòng khám, mọi người đã thấy cậu ngồi dậy được trên giường và có thể mỉm cười, biểu hiện của trạng thái cơ thể đã tốt hơn.

Bảo Nam - vnexpress.net


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN